Những cú lừa ngoạn mục - Bài 4: Lên voi, xuống chó

02/05/2014 - 11:20

PNO - PN - Nổi lên như một nhà nghiên cứu khoa học đẳng cấp quốc tế, có tiềm năng đoạt giải Nobel Y học năm 2004, nhưng bất ngờ giáo sư Đại học Quốc gia Seoul Hwang Woo-suk, 52 tuổi, “ngã ngựa”, mất hết tất cả chỉ trong vòng một năm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông Hwang Woo-suk sinh năm 1953 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Nam Chungcheong. Năm tuổi, ông Hwang mồ côi cha. Vừa học ông vừa đi làm ở nông trại để kiếm tiền vì mẹ ông không thể bao bọc cả gia đình. Thông minh và cần cù, ông lần lượt lấy bằng bác sĩ thú y rồi thạc sĩ chuyên khoa sinh sản học thú y tại Đại học Quốc gia Seoul (SNU).

Tại trường đại học danh giá này, ông nổi tiếng về sự chuyên cần. Sáng nào ông cũng đến phòng thí nghiệm lúc 6g. Đây là đức tính được đánh giá rất cao ở xứ sở kim chi. Trong lúc đồng nghiệp trong nước coi trọng những nghiên cứu đầu tiên của ông về lĩnh vực nhân bản vô tính heo và bò thì quốc tế chỉ tạm chấp nhận vì các dữ liệu khoa học chưa đáng để tin tưởng.

Nhung cu lua ngoan muc - Bai 4: Len voi, xuong cho

Ông Hwang Woo-suk và chó nhân bản - Ảnh: Korea Times

Anh hùng dân tộc

Tháng 2/2004, ông Hwang tung “quả bom tấn”: nhóm nghiên cứu ở SNU do ông làm trưởng nhóm đã bóc tách thành công tế bào gốc từ phôi thai người bằng phương thức nhân bản vô tính. Công trình này được báo cáo trên tờ Science, chuyên san khoa học hàng đầu thế giới, số ra ngày 12/3/2004. Đây là lần đầu trên thế giới một nhóm nhà khoa học làm được chuyện này. Phương thức nói trên từng được xem là không tưởng do tính chất phức tạp của cấu trúc tế bào động vật linh trưởng, nên công bố của ông Hwang và cộng sự thật sự gây chấn động thế giới. Tuần báo Mỹ Time lập tức xếp ông Hwang vào danh sách “Những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất năm 2004” vì đã chứng minh “nhân bản vô tính con người không còn là chuyện khoa học viễn tưởng mà là một thực tế trong cuộc sống”.

Trong quá trình hình thành cơ thể con người lúc ban sơ, tế bào gốc đóng vai trò trung tâm tạo tác mô, có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào chuyên biệt. Vì vậy, nếu nhân bản vô tính được tế bào gốc, sẽ mở ra vô số khả năng chữa bệnh bằng liệu pháp thay thế.

Nghiên cứu tế bào gốc là một lĩnh vực khoa học gây tranh cãi về mặt đạo đức. Lúc bấy giờ ở Mỹ, chính quyền George W. Bush được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đạo Công giáo đã cấm nghiên cứu tế bào gốc với lý do “bắt chước Chúa Trời”. Không có Mỹ, Hàn Quốc trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực đầy triển vọng này mà người tiên phong là giáo sư-thạc sĩ Hwang Woo-suk.

Tháng 5/2005, nhóm của ông Hwang lại báo cáo trên tờ Science đã tạo được 11 tế bào gốc phôi thai người bằng phương thức nhân bản vô tính từ 185 noãn, một tỷ lệ thành công cao ngất ngưởng. So với lần trước (tế bào gốc bóc tách từ noãn và tế bào trưởng thành của một người phụ nữ duy nhất), nhóm ông Hwang đã có một bước tiến vượt bậc là tạo ra tế bào gốc trưởng thành từ những bệnh nhân có tuổi tác và giới tính khác nhau. Điều này có nghĩa, bệnh nhân được chữa bằng liệu pháp tế bào gốc nhân bản vô tính sẽ không còn bị phản ứng phụ. Chưa hết, tháng 8/2005, ông Hwang lại tuyên bố nhóm của ông là những nhà nghiên cứu đầu tiên trên thế giới đã nhân bản vô tính thành công một con chó giống Afghanistan. Công trình khoa học này được đăng trên tạp chí Nature, cũng là chuyên san có uy tín trong giới khoa học quốc tế. Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ, ông Roh Moo-hyun đã tôn vinh ông Hwang là “Nhà khoa học hàng đầu” và trao tặng huân chương cao quý nhất. Người Hàn Quốc thì gọi ông là anh hùng dân tộc. Một con tem bưu chính đặc biệt in hình ông được phát hành.

Nhung cu lua ngoan muc - Bai 4: Len voi, xuong cho

Ông Hwang Woo-suk tuyên bố từ chức - Ảnh: Korea Times

Từ thiên đường xuống địa ngục

Thật ra, dấu hiệu bão tố đã xuất hiện từ tháng 4/2004. Một trong những sinh viên của ông Hwang tuyên bố với tạp chí Nature, chính cô cung cấp noãn cho cuộc thí nghiệm đầu tiên, sau đó cô được bồi dưỡng một số tiền tương đương 1.400 USD. Nghĩa là, không hề có việc nhân bản vô tính tế bào gốc từ phôi thai người. Ông Hwang phủ nhận lời tố cáo đó và cô sinh viên - không rõ vì lý do gì - cũng rút lại tuyên bố của mình.

Một năm sau, bác sĩ Gerald Schatten, một chuyên gia về nhân bản vô tính ở Đại học Pittsburgh (Mỹ), đồng tác giả bản báo cáo khoa học của ông Hwang đăng trên tạp chí Science số tháng 6/2005, bất ngờ tuyên bố rút lui với lý do y đức. Ông Schatten tuy hợp tác với ông Hwang nhưng không hề tham gia thí nghiệm, được ông Hwang mời đứng tên trong báo cáo như một “bảo chứng chất lượng”, cho rằng việc lấy noãn để nghiên cứu có vấn đề. Ông còn ngụ ý một số dữ liệu trong hai báo cáo khoa học đăng trên tờ Science là ngụy tạo.

Lần này thì ông Hwang thú nhận đã nói dối về nguồn gốc noãn với lý do bảo vệ quyền riêng tư của những người hiến noãn là cộng sự của ông trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, ông không nhận tội lừa đảo. Trong cuộc họp báo ngày 24/11/2005, ông đổ lỗi cho cộng sự đánh tráo vật thí nghiệm, âm mưu hại ông bằng cách cung cấp dữ liệu giả. Khi ông biết được sự thật thì mọi chuyện đã an bài. Biết là sai nhưng ông vẫn báo cáo thành tích. Ông xin lỗi công chúng vì đã “chạy theo thành tích một cách mù quáng”.

Ngày 29/12/2005, Ủy ban điều tra của trường SNU đã thẩm định và kết luận tất cả 11 dòng tế bào gốc nhân bản vô tính trong báo cáo thứ hai của ông Hwang đều là ngụy tạo.

Tháng 3/2006, ông Hwang bị trường SNU đuổi việc. Viện công tố Seoul mở cuộc điều tra hình sự, khám xét nhà và phòng thí nghiệm ông Hwang, tịch thu nhiều tài liệu. Ngày 12/5/2006, ông Hwang bị truy tố về tội lừa đảo, biển thủ công quỹ và vi phạm y đức. Ba năm sau, ông nhận bản án hai năm tù treo.

Hồi sinh voi cổ lông xù?

Trong thời gian xét xử vụ án, ông Hwang không bỏ cuộc. Tháng 7/2006, được những người hâm mộ hỗ trợ 3,5 triệu USD, ông Hwang thành lập Công ty dịch vụ và nghiên cứu Sooam. Nhân viên công ty chỉ có 45 người, trong đó bảy người là các nhà khoa học ở SNU. Hiện công ty mỗi ngày tạo ra khoảng 300 phôi thai bò và heo bằng phương thức nhân bản vô tính. Mỗi tháng Sooam cho ra đời 15 con chó con cũng bằng phương thức này theo đơn đặt hàng, chủ yếu từ nước Mỹ, với giá 100.000 USD/con. Tuy nhiên, mục đích chính của Sooam là sản xuất thuốc trị bệnh đái tháo đường và Alzheimer, cung cấp cơ quan nội tạng động vật có thể cấy ghép cho người. Ông Hwang từng công bố nhiều báo cáo khoa học được nhiều tạp chí khoa học uy tín đăng tải.

Tháng 3/2012, Sooam bắt đầu hợp tác với Viện Sinh thái học ứng dụng thuộc trường ĐH Đông Bắc Liên bang Nga thực hiện một “dự án trong mơ”: nhân bản vô tính voi cổ lông xù, loài động vật đã tuyệt chủng cách đây nhiều triệu năm, từ mô đông lạnh. Dự án này được báo chí quốc tế tuyên truyền ầm ĩ nhưng ông Hwang tỏ ra rất thận trọng: “Cơ hội thành công là rất thấp”.

 TRỌNG NGHĨA

Bài 5: "Niềm tự hào dân tộc" là của...ăn cắp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI