Những cú lừa ngoạn mục - Bài 1: Lật mặt “Beethoven Nhật Bản”

24/04/2014 - 20:11

PNO - PN - Hai thập niên qua, Mamoru Samuragochi nổi danh là “Beethoven Nhật Bản” với tuyệt phẩm Giao hưởng số 1 Hiroshima và nhiều sáng tác nhạc cổ điển đình đám khác. Giờ đây, ông càng "nổi tiếng" sau khi chính thức xin lỗi người hâm mộ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông Samuragochi, 50 tuổi, bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng vào giữa thập niên 1990 với những tác phẩm âm nhạc cổ điển thường được dùng làm nhạc nền cho nhiều trò chơi điện tử, nổi tiếng nhất là trò chơi Resident Evil. Sau một cơn bạo bệnh năm 35 tuổi, hai tai ông điếc đặc, theo như ông tuyên bố. Nghị lực “vượt qua chính mình” và niềm đam mê âm nhạc của Samuragochi giúp ông nổi tiếng rất nhanh.

Nhung cu lua ngoan muc - Bai 1: Lat mat “Beethoven Nhat Ban”

Mamoru Samuragochi vào năm 2010 - ảnh: Asahi Shimbun

“Thiên tài”

Samuragochi đã tự tạo một bản lý lịch có nhiều điểm giống với thiên tài âm nhạc Ludwig Van Beethoven (1770 - 1827) nên mới có biệt danh “Beethoven Nhật Bản”. Trong cuốn tự truyện tựa đề Bản giao hưởng số 1 xuất bản năm 2007, ông cho biết bắt đầu chơi piano từ năm lên bốn, biểu diễn các tác phẩm của Beethoven và Bach từ năm lên mười.

Là con trai của một người Nhật sống sót sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Samuragochi mắc bệnh đau nửa đầu lúc học cấp III. Căn bệnh quái ác này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính giác và đến năm 35 tuổi thì tai ông điếc đặc. Ông còn khoe với Time, tuần báo có uy tín của Mỹ từng tôn vinh ông năm 2001, sự cố bị điếc là “quà tặng của thượng đế” vì nhờ vậy mà ông cảm nhận “âm thanh nội tại”, sáng tác được những bản nhạc xuất sắc.

Tốt nghiệp trung học, Samuragochi không thi vào đại học hay trường âm nhạc vì không thích phương pháp giảng dạy môn sáng tác nhạc tân thời. Ông tự học sáng tác nhạc cổ điển. Người Nhật rất hâm mộ nhạc cổ điển. Nhật Bản cũng là nơi ra đời phương pháp giáo dục âm nhạc cho trẻ em của Shinichi Suzuki lừng danh thế giới.

Uy tín của ông Samuragochi lên tới đỉnh điểm vào ngày 31/3/2013, khi đài truyền hình NHK phát bộ phim tài liệu dài 50 phút tựa đề Tamashii no Senritsu: Oto o Ushinatta Sakkyokuka (Giai điệu của Tâm hồn: Nhà soạn nhạc khiếm thính). Phim quay cảnh ông gặp gỡ những người sống sót sau trận động đất và sóng thần tháng 3/2011 ở miền Bắc Nhật Bản. Trước đó, bản Giao hưởng số 1 Hiroshima mà ông giới thiệu là viết tặng nạn nhân bom nguyên tử ở thành phố này đã bán được 180.000 đĩa, một con số kỷ lục, vì thông thường một đĩa nhạc cổ điển gọi là bán chạy ở Nhật chỉ đạt khoảng 3.000 đĩa.

Nhung cu lua ngoan muc - Bai 1: Lat mat “Beethoven Nhat Ban”

“Beethoven giả mạo” Mamoru Samuragochi xin lỗi người hâm mộ - ảnh: EPA

… Nhờ dối trá

Nếu chất lượng các tác phẩm của “Beethoven Nhật Bản” không có gì đáng ngờ thì chuyện khiếm thính vẫn sáng tác âm nhạc lại khiến nhiều người thắc mắc. Tháng Sáu năm ngoái, một phóng viên của tạp chí Aera phỏng vấn ông Samuragochi tại nhà ở thành phố Yokohama. Nhà báo này để ý, thỉnh thoảng nhạc sĩ lại nhanh nhẩu trả lời trước khi người phiên dịch ngôn ngữ khiếm thính kết thúc câu hỏi. Ông ta còn đứng lên khi nghe chuông cửa reo, cho thấy có thể ông không bị điếc hoàn toàn như ông nói. Bài báo tường thuật những chi tiết này đã bị ban biên tập gác lại.

Scandal chỉ thật sự bùng nổ vào ngày 7/2/2013 khi ông Takashi Niigaki, 43 tuổi, giảng viên bán thời gian của Trường âm nhạc Toho Gakuen lừng danh ở Nhật, mở cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp, tuyên bố ông Samuragochi giả điếc và chính ông mới là tác giả của bản Giao hưởng số 1 và nhiều sáng tác khác của “Beethoven Nhật Bản”. Theo ông Niigaki, phần lớn nội dung cuốn tự truyện của ông Samuragochi là “bịa đặt”. Ông Niigaki khẳng định: “Mỗi lần gặp nhau, tôi không hề nghĩ ông ấy là người điếc. Chúng tôi trò chuyện bình thường”. Ông còn tiết lộ, nhà soạn nhạc cổ điển “lừng danh” Mamoru Samuragochi đã đặt hàng ông sáng tác hơn 20 bản nhạc cổ điển suốt 18 năm qua, đã trả cho ông tổng cộng bảy triệu yen (1 yen = 206,27VNĐ) tiền công.

Ông Niigaki cũng dần phát hiện người được gọi là “Beethoven Nhật” không thể viết nổi một bản nhạc hoàn chỉnh. Điều này khiến ông rất áy náy, nhiều lần muốn rút lui, không hợp tác với ông Samuragochi nữa. Tuy nhiên mỗi lần như vậy, ông Samuragochi lại dọa sẽ tự tử. Thế là ông Niigaki phải tiếp tục làm “đồng phạm” như ông thú nhận trong buổi họp báo. “Tôi cảm thấy có lỗi vì tiếp tay cho ông Samuragochi lừa dối công chúng. Tôi rất muốn rửa sạch vết nhơ này”.

“Giọt nước tràn ly” khiến ông Niigaki buộc phải lên tiếng là thông tin vận động viên trượt băng nghệ thuật Nhật Bản Daisuke Takahashi (huy chương đồng Thế vận hội mùa Đông Vancouver 2010), niềm hy vọng huy chương vàng ở thế vận hội mùa đông Sochi vừa qua, chọn bản sonatina dành cho violon mà ông Samuragochi nói viết tặng một cô gái tuổi teen chơi đàn violon bằng cánh tay giả, làm nhạc nền cho bài biểu diễn của mình. Ông Niigaki sợ sự kiện này lại càng củng cố thêm sự dối trá mang tính huyền thoại của Samuragochi và cá nhân ông “càng thêm xấu hổ”. Chưa kể, sự việc còn kéo theo vận động viên Takahashi vô tình trở thành đồng lõa. Vì vậy, ông quyết định nói ra sự thật đã giấu kín gần 20 năm qua.

Nhung cu lua ngoan muc - Bai 1: Lat mat “Beethoven Nhat Ban”

Ông Takashi Niigaki, tác giả đích thực của nhiều sáng tác của “Beethoven Nhật Bản” - ảnh: AFP

Phản biện hay ngụy biện?

Ông Samuragochi phản hồi khá nhanh. Ngày 12/2, ông công bố một lá thư viết tay khẳng định ông có giấy chứng nhận bệnh điếc loại hai sau cơn bạo bệnh. Ông chỉ mới phục hồi thính lực cách đây ba năm nhưng ông không giải thích vì sao vẫn im lặng về chuyện đó. Cuối thư ông cho biết “rất xấu hổ vì sống dối trá”. Kể từ đó, không ai biết ông ở đâu.

Mãi đến ngày 7/3, “Beethoven Nhật Bản” mới xuất hiện trước công chúng trong một cuộc họp báo chính thức, với mái tóc cắt ngắn không còn để dài rất nghệ sĩ như trước. Ông có vẻ thành khẩn khi nói lời xin lỗi ông Niigaki và người hâm mộ. “Tôi vô cùng có lỗi vì đã tạo ra sự cố này. Tôi thành thật xin lỗi những người mua đĩa CD, nghe nhạc và tham dự các buổi trình diễn của tôi”. Tuy nhiên, ông dọa sẽ đưa đơn kiện ông Niigaki về tội vu khống. Ông Samuragochi quả quyết: “Tôi nghe không rõ nên vẫn cần người phiên dịch ký hiệu ngôn ngữ. Đó là sự thật!”. Nhưng khi nhà báo hỏi giấy chứng nhận khiếm thính thì ông không thể cung cấp. Những cuộc kiểm tra mới nhất cho thấy mức độ khiếm thính của ông chưa đến mức được cấp giấy chứng nhận. Samuragochi cũng bác bỏ chi tiết ông đòi tự tử khi ông Niigaki nhiều lần đề nghị ngưng sáng tác.

Giới truyền thông Nhật Bản cũng ngỏ lời xin lỗi bạn đọc và khán thính giả vì không thể phát hiện “Beethoven thời kỹ thuật số” dỏm. Nhật báo Asahi Shimbun đã viết trong lời cáo lỗi cùng bạn đọc: “Chúng tôi yêu cầu ông Samuragochi làm rõ hành vi (lừa đảo) nhưng giới truyền thông cũng phải coi lại khuynh hướng chạy theo những câu chuyện lấy nước mắt độc giả của mình”.

Cả nước Nhật sửng sốt, tiếc rẻ và phẫn nộ trước scandal âm nhạc này. Chính quyền thành phố Hiroshima tuyên bố sẽ thu hồi Giải thưởng Công dân Hiroshima trao cho Samuragochi năm 2008.

 TRỌNG NGHĨA

Bài 2: Nói láo ăn tiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI