Những thiệt thòi của bóng đá nữ
Khác với bóng đá nam luôn được đầu tư mạnh mẽ và nhận được nhiều sự chú ý thì bóng đá nữ, vốn từ rất lâu đã phải chịu nhiều định kiến và thiệt thòi.
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được thành lập vào năm 1997, giữa lúc sự chú ý của nền bóng đá nước nhà đổ dồn về lứa thế hệ vàng năm 1998 của bóng đá nam. Các cầu thủ nữ bắt đầu hành trình vươn tới đỉnh cao bằng những trận đấu khoác lên mình tấm áo quá khổ, và đến 25 năm sau họ đã thành công trong việc trở thành đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á và đạt được kỳ tích góp mặt tại World Cup.
Đây rõ ràng là một bước nhảy vọt của nền bóng đá nữ, dù không được đầu tư nhiều nhưng luôn đem lại thành công lớn cho thể thao nước nhà, điển hình như việc giành liên tiếp những tấm Huy chương Vàng SEA Games từ năm 2019 đến 2023…
|
Các cô gái trong đội tuyển nữ Việt Nam năm 2010 - Ảnh: VFF |
Qua đó, ta mới thấy được những thiệt thòi và định kiến mà nền bóng đá nữ đang phải chịu đựng, như việc đời sống của các nữ cầu thủ rất khó khăn khi mức lương cơ bản chỉ nằm ở khoảng 5 triệu đồng. Họ phải làm thêm nhiều công việc khác để duy trì niềm đam mê với trái bóng tròn.
Bên cạnh đó, sự thờ ơ của dư luận và các nhà tài trợ góp phần làm hạn chế đi nguồn lực phát triển các cầu thủ nữ khi Giải Vô địch Quốc gia của bóng đá nữ nước ta chỉ có 5-6 đội tham dự. Các đội bóng chủ yếu đào tạo cầu thủ địa phương sau đó đôn lên thi đấu, thế nên nguồn lực đào tạo cầu thủ nữ chủ yếu xuất phát từ một số tỉnh, thành (TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh và Hà Nam). Điều này vô tình đẩy bóng đá nữ vào tình cảnh phải tận dụng mọi nguồn lực có sẵn tuy không nhiều để phát triển.
Cơ hội xóa bỏ định kiến
Việc tham dự World Cup là một mốc son của nền thể thao nước nhà, đặc biệt hơn khi đội tuyển bóng đá nữ dù không được đầu tư nhiều bằng các đồng nghiệp nam nhưng sẽ là đại diện cho đất nước dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Từ đó, cho ta thấy được tiềm năng phát triển to lớn của các cầu thủ nữ và kỳ World Cup 2023 trên đất New Zealand sẽ là cơ hội không thể tốt hơn để các cô gái vàng thay đổi những định kiến từ người hâm mộ.
Đầu tiên phải là về mặt tài chính và đầu tư, bước vào World Cup, FIFA và các nhà tài trợ sẽ dành cho mỗi cầu thủ khoản tiền lên đến 30.000 USD, đồng thời các nhà tài trợ trong nước sẽ có cái nhìn khác về nền bóng đá nữ, sẵn sàng đầu tư để cải thiện chất lượng cuộc sống của các nữ cầu thủ qua việc phát triển đào tạo trẻ và nâng cao chất lượng các giải đấu trong nước. Nền bóng đá nữ sẽ được chú trọng đầu tư hơn đồng nghĩa với việc nguồn lực cầu thủ cho đội tuyển sẽ được đảm bảo tốt hơn.
World Cup cũng sẽ mang lại những cơ hội cho chính các cầu thủ nữ. Đó là vấn đề xuất ngoại ra nước ngoài thi đấu, nhìn nhận thực tế rằng chất lượng cầu thủ nữ Việt Nam nước ta không tệ và hoàn toàn đủ trình độ để thi đấu ở các giải ngoài nước.
Tiêu biểu nhất là trường hợp của Huỳnh Như. Dù đã ở tuổi 31 và sở hữu chiều cao 1m58 nhưng cô vẫn thi đấu tốt và tỏa sáng tại Bồ Đào Nha trong màu áo Lank FC. Nên chắc chắn rằng những trận đấu tới đây sẽ là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để các nữ cầu thủ khẳng định bản thân mình nhằm tìm kiếm những cơ hội mới tại trời Âu, có thể kể đến một số gương mặt tiềm năng có chuyên môn rất tốt như Thanh Nhã, Dương Thị Vân và Bích Thùy…
|
Các cầu thủ nữ chào người hâm mộ trước khi sang New Zealand dự World Cup 2023 |
Cuối cùng là việc xóa bỏ định kiến không chú trọng đầu tư cho bóng đá nữ, có thể thấy từ các cuộc diễu hành trên xe buýt 2 tầng, các buổi họp báo đưa thầy trò HLV Mai Đức Chung sang New Zealand…
Hành trình phát triển đầy khó khăn của nền bóng đá nữ đã thu về những trái ngọt. Các cô gái đã từng bước khẳng định rằng họ sẽ không bao giờ có thể bị lu mờ trước các đồng nghiệp nam. Nền bóng đá nữ cần được mọi người nhìn nhận một cách đúng đắn, nhất là trong thời đại bình đẳng giới. Việc đầu tư và chú tâm hơn vào các nữ cầu thủ hoàn toàn là điều hợp lý khi mà họ đã mang quá nhiều thành công về cho thể thao nước nhà. Chính những điều này sẽ góp phần tạo cú hích lớn cho nền thể thao trong nước nói chung và nền bóng đá nói riêng.
Bửu Đạt