Những cụ bà miệt mài đan chăn, áo cho trẻ vùng cao

25/11/2020 - 06:24

PNO - Mỗi tháng hai lần, ngôi nhà nhỏ trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội lại rộn rã tiếng cười, mười mấy phụ nữ tuổi hưu trí luôn tay luôn chân, mỗi người một việc. Hằng tháng, họ có một lần đến nhận những cuộn len mang về đan thành áo, mũ và một lần mang sản phẩm đã hoàn thành đến để đóng gói, chuyển tới các huyện miền núi.

Những “ong bà” làm thiện nguyện tại gia

Có lần, thấy bà Nguyễn Thị Vân đang phải cố định một tay do trật khớp mà vẫn nhờ bà Phan Vũ Diễm Hằng - Trưởng nhóm Ong Chăm - hướng dẫn kiểu đan mũ mới, chúng tôi hỏi: “Tay chưa lành, sao bà không nghỉ?”.

Bà Vân tròn mắt, xua xua cánh tay lành: “Phải hỏi để về dạy lại cho con gái, con dâu với mấy bà bạn hàng xóm nữa. Tôi nghỉ là nhóm nhỏ của tôi phải tăng ca đấy, không tăng ca là không hoàn thành được chỉ tiêu đã nhận”. 

 

Cụ Mỹ tuổi ngoài chín mươi vẫn phụ giúp nhóm ghi sổ sách các khoản thu, chi
Cụ Mỹ tuổi ngoài chín mươi vẫn phụ giúp nhóm ghi sổ sách các khoản thu, chi

Bà Diễm Hằng cười: “Chỉ lúc nhận hàng và giao hàng là đông đủ thành viên thôi. Lúc mới thành lập nhóm Ong Chăm, chỉ có tôi và mười người bạn thân. Dần dần, mỗi thành viên lôi kéo thêm cả người thân và bạn bè của mình nên giờ đã thành một đàn ong, từ 10 đến 98 tuổi. Nhưng mọi người chưa bao giờ gặp nhau đông đủ, vì ai cũng có thể làm việc thiện nguyện này tại gia”.

Bà Hằng kể, năm 2016, khi tham gia các dự án phi chính phủ hỗ trợ phát triển cộng đồng của Liên Hiệp Quốc, một lần đến Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đúng đợt rét đậm rét hại, bà mặc mấy lớp áo khoác vẫn chưa thấy ấm, vậy mà những đứa trẻ ở đó vẫn đầu trần, chân đất, những ngón tay bầm lại vì lạnh. Bà thảng thốt: “Cả mùa đông, bọn trẻ phải chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt thì còn đâu thời gian và tâm trí cho việc học?”. 

Bà chợt nhớ những người bạn gần 70 tuổi của mình, về hưu, ai cũng có những khoảng thời gian không biết tiêu vào việc gì, lại càng hiếm có cơ hội tiêu cho những việc làm ý nghĩa nào đó. Lại nhớ các bạn mình ai cũng biết đan len, thế là bà về Hà Nội, tập hợp nhóm bạn lại, cùng đan mũ len, khăn len (sau này còn may thêm chăn ấm) để gửi đến những trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Mù Cang Chải. 

Được làm thiện nguyện là phúc phận 

Chị Hương không ở lứa tuổi “ong bà”, nhưng thấy các “bà ong” háo hức với kim đan và những cuộn len sặc sỡ, với những mảnh vải lụa ấm để may chăn, cũng háo hức lây. Chị tham gia nhóm Ong Chăm sau một năm thành lập nhóm, với việc nhận đỡ đầu một cháu bé mồ côi. Chị dành thời gian rảnh rỗi để ươm cây giống mang bán, lấy tiền góp cho quỹ nhóm, nhận len về đan mũ, đan khăn, nhận vật liệu về may chăn, chần bông. 

Nhóm Ong Chăm chuẩn bị cho chuyến hàng gửi đi trong tháng 7/2020
Nhóm Ong Chăm chuẩn bị cho chuyến hàng gửi đi trong tháng 7/2020

Vừa thoăn thoắt những mũi len, chị vừa hào hứng: “Mỗi khi thấy bác Diễm Hằng đăng Facebook hình ảnh các cháu đội trên đầu những chiếc mũ do chính mình đan, nhìn ánh mắt lấp lánh vui của bọn trẻ, tôi cũng thấy vui lây. Điều kiện kinh tế của tôi không khá giả, tôi cũng không tham gia được các chuyến thực địa, chỉ góp được công sức đan mũ, đan khăn, may chăn thôi, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để tôi thấy việc mình làm có ý nghĩa”.

Nghe chúng tôi bày tỏ lòng cảm phục trước những việc làm thiết thực, nhân văn của các “ong bà”, bà Diễm Hằng bảo: “Có cơ hội giúp đỡ người khác chính là phúc phận lớn nhất trong cuộc đời mỗi người”.

Bà kể, có lần, nhóm Ong Chăm tổ chức chuyển đồ đến một trường ở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, từ Quốc lộ 32 vào xã 32km toàn là đường núi, một bên hun hút vực sâu. Đường nhỏ, xe không vào được, trường phải huy động toàn bộ giáo viên mang xe máy ra chở.

Từ đó, thay cho việc tổ chức những chuyến đi rình rang, nhóm chọn cách gửi phần lớn hàng lên xe khách, vừa tiết kiệm được chi phí cho nhóm, vừa khơi lên được trách nhiệm, đóng góp của nhà xe cũng như người có nhiệm vụ nhận hàng ở đầu bên kia.

Thành viên Ong Chăm hầu hết là những người đã nghỉ hưu nhưng đã đỡ đầu hơn 300 trẻ mồ côi khắp các tỉnh miền núi, lại còn xây được tám nhà bán trú cho học sinh của tỉnh Hà Giang. Nghe hỏi về điều này, bà Hằng cười bảo, những người nhận đỡ đầu trẻ mồ côi trực tiếp liên lạc qua thầy cô đang chăm sóc trẻ để biết trẻ cần gì và gửi tiền hỗ trợ.

Mỗi tháng, các thầy cô gửi danh sách thống kê những khoản đã chi cho các “ong mẹ” đỡ đầu. Còn về tiền xây nhà bán trú, bà Diễm Hằng chìa điện thoại, khoe: “Mình cũng phải biết tận dụng mặt tích cực của công nghệ chứ. Nguyện vọng của Ong Chăm cũng như các khoản thu chi đều được chia sẻ lên Facebook nên cũng nhận được nhiều nguồn tài trợ”.

Bên chiếc bàn, cụ Mỹ - mẹ bà Diễm Hằng, ngoài 90 tuổi - ngồi ghi chép cẩn thận từng khoản đóng góp của các thành viên. Nụ cười khẽ và nét mặt cụ bình lặng như mặt hồ. 

Ngọc Minh Tâm - An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI