edf40wrjww2tblPage:Content
Nổi bật nhất trong số này chính là hai dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài vì đã tác động sâu rộng đến đời sống người dân, giúp chính quyền đô thị chuyển hóa an ninh trật tự và giải quyết tình trạng ô nhiễm.
Kênh Nhiêu Lộc. Q.3, TP.HCM
SỞ THÙNG: ĐẤT DỮ HÓA LÀNH
Gắn bó với xóm Sở Thùng từ thời thơ ấu đến nay, chị Phan Thị Kim Hương (SN 1972, ngụ nhà số 346/97 Phan Văn Trị) không giấu nổi vui mừng vì cả khu vực đã “lột xác” từ sau khi có dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài. Những đường hẻm thông nhau chằng chịt trong khu ổ chuột một thời nay đã tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng, tạo ra không gian rộng rãi, giúp người dân có điều kiện buôn bán.
Chị Hương tâm sự: “Trước đây, khu vực này ngập trong rác vì đó là nghề mưu sinh của gần 500 gia đình. Vì sống nhờ rác mà hẻm nào cũng có các bao tải phế liệu chất đống bày tràn lan trước nhà. Do khu vực nhếch nhác nên nhiều thanh thiếu niên bụi đời, con nghiện kéo đến thuê phòng trọ làm cho Sở Thùng một thời khét tiếng là đất dữ, cờ bạc, ma túy”. Những câu chuyện mà chị Hương kể lại về cảnh “ra ngõ gặp giang hồ” có lẽ cũng là điều mà trinh sát hình sự Q.Bình Thạnh và công an nhiều quận huyện khác tại TP.HCM đều biết, vì không ít đối tượng phạm tội bị bắt cũng khai nhận đã “trưởng thành, lấy số” từ chính mảnh đất này.
Cũng như nhiều người nghèo ở xóm Sở Thùng, chị Hương thức dậy từ 2g sáng đi thu lượm ve chai. Khoảng 4g sáng trở về, những bao tải rác sau khi bán cho các vựa phế liệu trở thành “nồi cơm” của gia đình chị. Trong ngày, chị tranh thủ đi nhặt nhạnh thêm để lo cho con gái lớn đang học đại học. Theo lời chị Hương, thời điểm năm 2008, khi dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài bắt đầu thi công, khu vực Sở Thùng vẫn còn nhiều sòng bạc, trộm cắp khiến chị rất lo lắng về hai đứa con đang tuổi lớn. Khu vực thay đổi chóng mặt. “May mắn là hai đứa con tôi đều ngoan, không chơi bời tụ tập như nhiều thanh thiếu niên trong xóm. Hiện con gái lớn đang học đại học, con trai sắp học xong trung cấp”, chị Hương cho biết.
Cùng tâm trạng như chị Hương, chị Nguyễn Thị Thu Mai (SN 1966, ngụ nhà số 346/79 Phan Văn Trị) cho biết: “Trước đây, nhà tôi ở mặt tiền hẻm, xe rác đậu chật kín trước nhà, rác rơi vương vãi rất mất vệ sinh. Từ sau khi tuyến đường Phạm Văn Đồng khánh thành, gia đình tôi trổ mặt tiền ngược lại ra đường lớn, công việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn”. Gia đình chị Mai đã xây dựng, trang trí tầng trệt làm cửa hàng kinh doanh điện thoại di động.
Cũng theo lời chị, tình trạng an ninh trật tự ở khu vực đã có nhiều cải thiện, không thấy thanh thiếu niên tụ tập, gây mất an ninh trật tự như trước. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều đã được UBND P.11 chăm lo hỗ trợ, tặng sổ tiết kiệm làm vốn kinh doanh buôn bán nhỏ. Chị Mai mong muốn chính quyền thành phố sẽ quan tâm di dời Xí nghiệp vận chuyển số 1 thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đi nơi khác, giúp khu vực này chấm dứt hẳn tình trạng mất vệ sinh, cái tên Sở Thùng một thời “ám ảnh” ngày nào sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện đời sống dân cư ở khu vực đổi thay tích cực, nhiều gia đình đã có thể xây nhà khang trang, mua sắm xe tay ga, thậm chí là ô tô, xe tải như hộ nhà bà Út Giọt, bà Chắt, ông Bảy Râu, bà Nga...
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Dũng - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an Q.Bình Thạnh cho biết, từ lâu, rác thải phế liệu từ nhiều nơi được thu gom đem tới để bên hông trường tiểu học Phan Văn Trị. Cùng với các đường hẻm nhỏ chằng chịt tỏa ra các khu quân sự, đường xe lửa, chợ Cây Thị, bãi rác, khu nghĩa địa… nên Sở Thùng trở thành nơi trú ngụ, cát cứ của nhiều đối tượng hình sự. Hiện nay khu vực Sở Thùng đã chuyển biến tích cực.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng đi qua giúp giải tỏa các điểm đen tệ nạn, không còn tình trạng lụp xụp, tối tăm, giang hồ cát cứ như trước. Nhận thấy “thời cơ” này, công an quận đã thường xuyên tổ chức các tổ trinh sát tuần tra, cảnh sát khu vực giám sát địa bàn, các đối tượng có tiền án, tiền sự ở khu vực Sở Thùng đều bị nhắc nhở thường xuyên, nhiều đối tượng trong số này đã tìm công việc mưu sinh chân chính, một số “cộm cán” khác di chuyển sang các địa bàn mới đã bị công an các quận khác bắt giữ và lãnh án.
Đường Phạm Văn Đồng
NHIÊU LỘC HỒI SINH
Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng được nhiều người dân đánh giá là công trình thế kỷ. Suốt gần 20 năm ngập trong ô nhiễm, rác thải, hiện dòng kênh đã hồi sinh tạo ra cảnh quan trong lành, sạch đẹp đi qua bảy quận nội thành, thay đổi diện mạo của gần một triệu dân trong các khu dân cư. Vào thời kỳ bắt đầu dự án, không ít ý kiến nghi ngờ cho rằng việc hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là điều không thể do sự bùng phát dân số và năng lực quản lý dự án của thành phố khó có thể đảm nhiệm. Tuy nhiên, chủ trương của chính quyền thành phố đối với dự án này có thể nói đến nay đã thành công.
Nhớ lại khoảng thời gian sống trên đường Hoàng Sa, P.5, Q.Tân Bình, anh Nguyễn Ngọc Nam (SN 1978) không khỏi ngao ngán vì sự nhếch nhác của khu vực. Theo lời anh Nam, từ khoảng đầu năm 2000, các quán nhậu ven kênh Nhiêu Lộc rầm rộ xuất hiện và xả rác bừa bãi xuống dòng kênh vốn đã đen kịt. Dù gia đình đã sinh sống ở đây từ trước 1975 nhưng đến năm 2004, chịu không được mùi hôi thối nồng nặc, gia đình anh đã cho thuê nhà và chuyển về Q.Gò Vấp sinh sống.
“Có ngày, tôi nhìn thấy quán nhậu sát bên nhà cho người vác cả năm bao tải rác vứt xuống kênh. Ngay cả sau khi có quy định xử phạt hành vi đổ rác nơi công cộng, tình trạng cũng không cải thiện vì hành vi vứt rác tập thể. Ba tôi bị ung thư phổi, lại chịu đựng không khí ô nhiễm nên tôi phải chuyển đi nơi khác”, anh Nam nói. Sau đúng 10 năm rời nhà, một buổi sáng cuối tuần năm 2013, cả gia đình anh họp bàn lần thứ hai để… quay về.
“Vì sống ven kênh từ thời dòng kênh còn trong xanh, bà con xóm giềng thân thuộc như người nhà, nên thực tình gia đình tôi cũng không muốn rời đi. Tôi vẫn thường xuyên nghe ngóng tin tức về dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tháng 8/2012, đọc báo thấy dự án vệ sinh môi trường đã khánh thành, tôi có ý muốn quay về nhưng mọi người trong gia đình tôi ai cũng hoài nghi vì suy nghĩ “bẩn thế không thể nào sạch nổi”. Sáng cuối tuần tháng 7/2013, tôi chở hai con về thăm nhà cũ và ký lại hợp đồng thuê nhà lần thứ ba thì “hết hồn” vì đi trên đường mà cứ tưởng… đi lạc. Dọc hai bên bờ kênh là các thảm cỏ xanh mát, sạch đẹp, cây cao rủ bóng. Dòng kênh hiện rõ màu xanh trong của nước, không còn đen kịt như xưa”. Từ hôm ấy, anh Nam chấm dứt luôn hợp đồng cho thuê nhà và hai tuần sau cùng gia đình chuyển từ Q.Gò Vấp về lại Q.Tân Bình sinh sống, dù căn nhà ở Gò Vấp hiện vẫn đang để trống.
Người dân tập thể dục bên bờ kênh Nhiêu Lộc
Quyết tâm đồng bộ của chính quyền thành phố đã tạo ra được những dự án có sức bật, giúp thay đổi môi trường và đời sống dân cư
Không chỉ tạo ra giá trị cảnh quan, thành phố còn chú trọng đầu tư để dự án thực sự có ý nghĩa dân sinh bằng cách cho lắp đặt hơn 60 máy tập thể dục bên hai bờ kênh tại 10 địa điểm trải đều từ Q.1 đến Q.3, Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận và Q.Tân Bình. Nhiều du khách nước ngoài và người dân các tỉnh thành khác có dịp đến TP.HCM đi ngang kênh Nhiêu Lộc không giấu nổi vẻ thích thú khi thấy các thiết bị chạy bộ, tập bụng, tập eo… vốn chỉ xuất hiện ở các phòng tập có thu phí.
Khoảng 4-8 giờ, 16-19 giờ mỗi ngày, có hàng trăm lượt người dân đi bách bộ, tập thể dục hai bên bờ kênh vốn một thời là dòng kênh chết này. Bà Hoàng Thị Quản (SN 1958, ngụ P.9, Q.3) cho biết: “Tôi cảm thấy sức khỏe tốt hơn từ sau khi không khí ở đây được cải thiện. Trước đây, mỗi buổi chiều con trai đều phải chở tôi ra công viên Lê Văn Tám, Q.1 tập thể dục và đi bộ. Nhưng từ đầu năm 2013 đến giờ, cả hai mẹ con có thể hàng ngày đi bộ từ nhà ra đây và tập với các thiết bị có sẵn bên kênh”.
Hiệu quả của dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn tác động rất lớn vào thiết kế kiến trúc của các nhà dân, cửa hàng kinh doanh. Dọc bờ kênh đoạn P.2, Q.Phú Nhuận, hàng chục quán ăn, quán cà phê đã thoải mái tháo dỡ cửa kính kín mít, bỏ thiết kế phòng máy lạnh mà thay vào đó là để không gian mở đón không khí trong lành từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, dù thị trường bất động sản khắp nơi “chết đứng” và hạ giá nhưng nhà mặt tiền đường Hoàng Sa tăng mạnh so với khoảng thời gian hai năm trước. Lý do tăng giá theo giới kinh doanh bất động sản là điều kiện sống trong khu vực đã được thay đổi, cơ hội kinh doanh sinh lời cao. Hiện giá thuê mặt bằng nhỏ trên tuyến đường hai bên kênh Nhiêu Lộc đã có giá dao động từ 5-12 triệu đồng/tháng, những mặt bằng lớn có thể lên đến 50 triệu đồng/tháng. Nhiều căn hộ chung cư dọc bờ kênh trước đây có giá cho thuê chỉ 5-8 triệu đồng/tháng, nay đã tăng lên 8-12 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy rằng, quyết tâm đồng bộ của chính quyền thành phố đã tạo ra được những dự án có sức bật giúp thay đổi môi trường và đời sống dân cư, tác động thay đổi ý thức người dân giữ gìn môi trường.
Vinh Quốc- Hoài An