“Sống cho mình” - cụm từ trở thành xu hướng trong suốt những năm gần đây - đã tạo thành một phong cách sống cho nhiều phụ nữ. Đi đâu, làm gì, câu chuyện nào rồi cũng bám vào chữ “vì mình”. Với biết bao phụ nữ, cụm từ đó như nguồn sáng, điểm tựa, sức mạnh để họ sống, vững vàng đi qua những ngày dài.
Sống cho mình là sống như thế nào?
Biết tin chồng mình sống cùng cô tiếp tân công ty gần hai năm, Hà dường như đông cứng mọi cảm xúc. Hà những tưởng với bấy nhiêu đó “hy sinh” (từ Hà thường dùng khi nói chuyện với chồng), mình sẽ được chồng trân trọng, yêu quý. Lúc quá buồn, nghe lời cô bạn thân, Hà gửi hai con cho em gái, bỏ nhà đi Bảo Lộc ngủ vùi ba ngày ở nhà bạn, ngày thứ tư thức dậy khóc một trận “trôi cả núi”. Bạn cô nói: “Khóc chi đâu, về mà sống vì mình đi!”. Hà đứng dậy, lau nước mắt, đặt vé xe về nhà, mang theo dự định sống vì mình từ hôm đó.
Ngày đầu tiên, Hà đi cắt tóc, uốn xù theo tư vấn của salon tóc: “Vậy mới phong cách”. Ngày thứ hai, Hà đi trung tâm thương mại, quẹt hết một nửa khoản tiền chồng chuyển chi phí cho một tháng, mua áo quần giày dép. “Cho xứng với những ngày quần quật” - Hà nghĩ thế. Giờ mà không sống vì mình thì đợi lúc nào nữa! Rồi Hà đăng ký tour Yên Tử 5 ngày, cũng là vì mình, đi để giúp lòng mình bình yên. Hà cứ loay hoay như thế, cơm không nấu, con không đưa đón nữa, mặc chồng sắp xếp.
|
Ảnh mang tính minh họa - Benzoix |
Chồng Hà dường như biết lỗi nên không nói gì, hai đứa nhỏ sau thời gian thắc mắc cũng im lặng. Hôm ngồi với bạn ở một quán cà phê đẹp, trong bộ đầm thời trang, người thơm nức nước hoa, Hà hỏi bạn mình mà khóc: “Sao tao không thấy khác gì hết, rốt cuộc tao phải làm sao đây?”.
Câu hỏi “Sống vì mình là sống sao?” có lẽ không chỉ riêng Hà tự hỏi và không biết trả lời sao cho đúng mà hầu hết phụ nữ cũng đang như vậy. Họ cứ vận hành mọi thứ theo kiểu rất đàn bà và nhiều cảm xúc. Họ cứ nhìn bạn bè, những người quen biết của mình rồi làm một phép so sánh để ngầm thấy mình sống như thế chưa phải là “cho mình”.
Vậy là họ lập tức quay ngoắt “vì mình” mà đôi khi không biết những cái “vì mình” đó có đúng không, có phù hợp với nếp sống của mình không. Rất nhiều công cuộc nhân danh sống “vì mình” nổ ra, mang theo biết bao hệ lụy cho từng nhà.
Đặc biệt, sau những ngày mải miết sống “vì mình”, nhiều phụ nữ cũng chẳng còn biết mình đúng hay sai, như thế đã là “vì mình” chưa, “vì mình” bao nhiêu là vừa vặn…
|
Ảnh mang tính minh họa - Lookstudio |
Sống cho mình bao nhiêu là đủ?
Sau mấy tháng “làm cách mạng”, điều quan trọng nhất Hà nhận ra là cô chẳng vui hơn. Giấc ngủ mỗi đêm vẫn nặng nhọc và đầy mộng mị. Hà cũng chẳng nguôi ngoai sau câu chuyện ngoại tình của chồng. Bữa cơm nhà mỗi ngày đầy những dằn hắt. Lòng Hà u uất và sân hận.
Hà vờ sống bình thản, tươi mới bên ngoài, thay đổi mọi quan niệm sống nhưng cốt lõi câu chuyện của Hà không nằm ở việc “cho mình, vì mình”. Việc của Hà chính là giải quyết cho rõ ràng chuyện ngoại tình của chồng, sau đó thông suốt những điều bên trong mà chỉ Hà mới biết mình cần gì.
Trong trào lưu “sống cho mình”, rất nhiều hội nhóm phụ nữ, các chương trình đào tạo dành riêng cho phụ nữ ra đời.
Đó có thể là điểm tựa tinh thần lý tưởng cho nhiều phụ nữ trước những trục trặc của cuộc sống. Không thể phủ nhận một làn sóng tinh thần mới mẻ giúp đàn bà sống vui hơn, nhận thức được giá trị bản thân, tôn trọng cuộc sống riêng của chính mình… và còn nhiều điều khác nữa.
Vậy nhưng, chọn sống cho mình bao nhiêu là đủ, đâu là giới hạn của việc sống cho mình và sống vì người khác - luôn tồn tại một ranh giới khó phân định và dễ nhập nhằng.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Như Hà, vừa chạm tuyên ngôn “sống cho mình”, cô lập tức nghĩ đến việc mua sắm làm đẹp, du lịch… Cô quên mất mình đã tiêu hết khoản tiền dành dụm suốt mấy tháng của cả nhà vào những cuộc vui nhân danh “sống cho mình”. Còn biết bao nhiêu phụ nữ quanh ta vẫn đang quay cuồng với câu nói đời có mấy chốc, phải biết yêu chiều bản thân.
Nhưng, khi chúng ta chưa thể tự trả lời câu hỏi “Rốt cuộc điều mình cần nhất trong cuộc sống này là gì?”; khi chúng ta chưa phân định được mình chọn gì giữa an vui, gia đình, giữa những trăn trở sâu bên trong mình và sự hào nhoáng lớ phớ mua vui bên ngoài, công cuộc “sống cho mình” mãi mãi chỉ là những liều kháng sinh hàm lượng cao trị triệu chứng. Trong khi những “bất mãn” trong cuộc sống của chúng ta, từ lâu, đã trở thành mạn tính mất rồi.
Đừng để những con sóng “sống cho mình” cuốn phăng mọi thứ trước khi kịp nhận ra “sống cho mình” là sống thế nào…
Lan Khôi