Những con sóng ngầm trong đại dịch

19/08/2021 - 06:44

PNO - Mùa dịch, phố vắng thưa người, cuộc sống tưởng chừng yên ả. Nhưng, thực chất, những cơn sóng ngầm vẫn không ngừng gào thét trong mỗi gia đình.

Một trưa giãn cách, tôi nghe tiếng quát tháo của một người đàn ông và tiếng trẻ khóc rất to. Liền sau đó là bóng một em bé tầm năm, sáu tuổi vừa chạy vừa khóc, người đàn ông cởi trần cầm gậy đuổi theo. May mà hai người hàng xóm đã kịp chạy ra ngăn lại. Người đàn ông đang giận dữ là cha đứa bé. Gia đình họ mới chuyển đến đây, người vợ đi làm tạp vụ cho bệnh viện gần nhà, anh chồng thất nghiệp vì dịch COVID-19.

Cách đây một tuần, trong nhóm Zalo của khu phố có một tin nhắn kêu cứu: “Em về ở trọ xóm mình hơn ba tháng nay, vì dịch nên em nghỉ không lương gần hai tháng rồi. Em còn mẹ già và con nhỏ 19 tháng. Em chỉ cần gạo thôi ạ, khu phố mình có trợ giúp được không? Em xin cảm ơn!”.

Trong cơn quẫn bách khốn cùng của dịch giã, giữa tình trạng cách ly và thiếu thốn áo cơm, chúng ta càng nhìn rõ những thân phận yếm thế, đáng thương, mà bấy lâu nay, giữa ồn ào đua chen, ta khó lòng cảm nhận được.

Giữa tháng Sáu vừa qua, tôi nhận được email của một chuyên viên Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Email nhờ góp ý cho dự thảo “Hướng dẫn sử dụng nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019”. Cuộc nghiên cứu, khảo sát ấy đã chỉ ra một số điểm đáng chú ý, cho thấy tình hình bạo lực trước dịch bệnh đã rất nghiêm trọng.

Trong báo cáo, con số giật mình là gần 63% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực do chồng gây ra, và gần 1/3 số phụ nữ tham gia khảo sát cho biết họ bị bạo lực trong 12 tháng của năm 2019.

Tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010 (26,1% so với năm 2010 là 31,5%). Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục năm 2019 lại là 13,3%, cao hơn so với năm 2010 là 9,9%. Cũng theo nghiên cứu này, khoảng một nửa số phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể về nỗi đau của họ với bất kỳ ai. 90,4% phụ nữ bị bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục không tìm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan hữu trách.

Theo thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong thời gian giãn cách xã hội, những tháng đầu năm 2020, số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%. Số nạn nhân được giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên (nơi tạm trú của những nạn nhân bị xâm hại và bạo lực gia đình) tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ. 

“COVID-19 đã gây ra nỗi sợ hãi, căng thẳng tinh thần và sự ly cách giữa cha mẹ và con cái” - đó là nhận định trong “Phân tích của Liên Hiệp Quốc về tác động xã hội của đại dịch COVID-19 đối với Việt Nam”. Bản phân tích này cũng cho thấy, trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ có nguy cơ bị bạo hành cao hơn trong đại dịch, (bao gồm cả bạo lực tình dục và bạo lực giới do thiếu sự hỗ trợ xã hội, tài chính hạn chế, cách ly tại nhà và căng thẳng gây nên). 

Giữa đại dịch COVID-19, khi các dịch vụ công tác xã hội, pháp lý và bảo vệ nạn nhân có liên quan tạm ngừng hoặc thu hẹp, trẻ em có thể gặp khó khăn trong việc trình báo, cũng như không tiếp cận được với giáo viên hoặc người lớn đáng tin cậy khác. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, số lượng trường hợp mới mà Ngôi nhà Bình Yên tiếp nhận, đã tăng gấp đôi kể từ khi dịch bùng phát. Các nghiên cứu cũng chỉ rõ, bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế. Ước tính thiệt hại do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP. 

Mùa dịch, phố vắng thưa người, cuộc sống tưởng chừng yên ả. Nhưng, thực chất, những cơn sóng ngầm vẫn không ngừng gào thét trong mỗi gia đình. Giống như dịch COVID-19, căn bệnh triền miên mang tên “bạo lực”, đang ngày đêm phá hủy các tế bào xã hội cũng cần có “vắc -xin” để chặn lại. 

Cù Thị Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI