PNO - Rời cơ quan, công sở, hay giảng đường… các nữ trí thức có thể “ở không” để tận hưởng những thành quả lao động trí tuệ của mình. Nhưng họ đã không sống như thế mà chọn làm “con ong” chăm chỉ để góp mật cho đời.
Tháng Tám là tháng chuẩn bị cho năm học mới, nên chị Phạm Ngọc Dung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 10, P.4, Q.8, TP.HCM, rất bận rộn. Gặp chúng tôi sau chuyến thăm - tặng quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo ở thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa, H.Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, chị Dung vẫn còn đau đáu: “Người dân khó khăn còn nhiều, trong khi những cái mình mang đến cho họ quá ít ỏi”. Tâm tư ấy khiến chị lại lao vào chuẩn bị cho những chuyến từ thiện sắp tới. Chỉ mớ tập sách, dụng cụ học tập ở góc nhà, chị mỉm cười: “Rất may là không chỉ có mình mình trăn trở mà còn nhiều nhà hảo tâm lặng lẽ đồng hành”.
Chị Ngọc Dung (áo trắng) cùng Chi hội Phụ nữ khu phố 10 trao quà cho người dân nghèo ở tỉnh Bình Thuận.
Năm 2012, để chu toàn việc gia đình, chị Phạm Ngọc Dung đành rời chức vị ở một ngân hàng lui về nhà làm bà nội trợ. Ngày ngày, sau khi chăm mẹ đau bệnh và lo việc cơm nước cho gia đình, chị lại tham gia sinh hoạt ở tổ phụ nữ địa phương. Ban đầu chị chỉ như một “quan sát viên”, nhìn ngắm công việc của Hội, ai nhờ hỗ trợ gì thì giúp một tay. Tuy nhiên, “cứ nhìn cán bộ Hội loay hoay với chuyện giúp phụ nữ giảm nghèo mà tôi sốt ruột. Thế là tôi hiến kế cùng Hội gây quỹ giúp phụ nữ khó khăn” - chị cho biết.
Thuận lợi là tại khu phố 10, nơi chị Dung ở, dân cư phần lớn là những người kinh tế khá giả. Với uy tín của một nữ trí thức, chị đã miệt mài kết nối mọi người bằng công trình “Chia sẻ yêu thương”. “Tôi biết trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người đều có một tấm lòng vì việc nghĩa. Ai cũng muốn sẻ chia với cộng đồng nhưng do chưa có điều kiện, hoặc thiếu thông tin về người cần giúp đỡ nên họ chưa sẵn sàng” - chị Dung tâm sự. Suy nghĩ đó đã thôi thúc chị gõ cửa từng nhà, bền bỉ tỉ tê về những mảnh đời bất hạnh, trẻ em khó khăn.
Tin cậy chị, nhiều chị em đã gửi gắm, sẻ chia. Dần dà, những hoàn cảnh khó khăn trong phường, trong quận, rồi lan ra ngoài quận đã được giúp đỡ. Vài chục ngàn cho đến vài trăm ngàn của từng người góp lại gửi qua “nhịp cầu” chị Sum Họp, chị Bình An (hai nick name của chị Dung trên mạng xã hội) trong hơn bảy năm qua đã lên đến hàng tỷ đồng.
Nhờ sự động viên, giúp sức dài hơi của chị Sum Họp mà không ít đứa trẻ khuyết tật ở An Giang, Bình Phước đã vượt qua được tự ti mặc cảm để tự tin vào đời. Không ít phụ nữ nghèo được chị Dung giúp xây nhà tình thương, giúp vốn làm ăn và hướng dẫn để vượt qua khó khăn, nuôi con ăn học thành đạt. Cũng vì thế mà câu chuyện giúp phụ nữ làm kinh tế, thoát nghèo, ở P.4, Q.8 đã trở thành bài học hay, được tuyên dương nhiều lần.
Mới trưa hôm qua, 1/8, chị Dung nhận được tin vui: em Ông Chau Giàu, nam sinh viên khuyết tật người dân tộc Khmer, được chị Dung trao học bổng trong những năm qua đã trở thành thủ khoa ngành công nghệ thông tin tại Trường đại học An Giang. Qua điện thoại, chàng tân thủ khoa nghẹn ngào: “Cô Sum Họp ơi, nhờ cô con mới được ngày hôm nay…”. Đầu dây bên này, trong ánh mắt hạnh phúc, những giọt nước mắt đã lăn trên má người chi hội trưởng phụ nữ.
Không chỉ cộng đồng, ngay trong gia đình chị Dung cũng được chồng con hết lòng ủng hộ. Thừa hưởng tinh thần “lá lành đùm lá rách” mẹ dạy, từ năm bốn tuổi, hai cậu con trai đã bắt đầu nuôi heo đất gây quỹ để tặng bạn khó khăn. Đến nay, con trai lớn đã tốt nghiệp đại học, con trai nhỏ bước vào năm cuối của thời sinh viên, vẫn âm thầm giúp mẹ và các cô ở khu phố trong những chuyến từ thiện.
Hễ có người cần là chị có mặt
Sáng 30/7, tại Bệnh viện H.Bình Chánh, dù buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên đã kết thúc, nhưng cả hội trường hơn 50 chị em trí thức, công chức, cán bộ Hội vẫn không muốn rời hội trường. Các chị nấn ná để tìm cơ hội gặp gỡ diễn giả buổi nói chuyện để trao đổi những câu chuyện riêng. Bằng hiểu biết của mình, vị diễn giả đã lần lượt trả lời, tư vấn cho từng chị em, chia sẻ những kinh nghiệm quý trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Diễn giả ấy là tiến sĩ xã hội học Lê Thị Hoàng Liễu.
Tiến sĩ Hoàng Liễu trong buổi nói chuyện với phụ huynh về bảo vệ con trước vấn nạn xâm hại tình dục.
Từng theo chân tiến sĩ Liễu trong các buổi truyền thông cộng đồng, chúng tôi không lạ cảnh người dân từ trẻ nhỏ, thanh niên, người lớn xúm xít quanh chị để hỏi han đủ thứ. Chị Trần Thị Cẩm Thúy - nguyên Chủ tịch Hội LHPN H.Bình Chánh - cho biết: “Các buổi truyền thông của tiến sĩ Liễu luôn thu hút người dự khán. Bằng cách nói dân dã, bình dị, thú vị, nhiều kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe sinh sản, y tế công cộng hay tâm lý xã hội… đã được chị truyền tải nhẹ nhàng, tinh tế, dễ hiểu. Mỗi lần mời được chị về các ấp để nói chuyện chuyên đề, dù cho đó là đối tượng nào thì chúng tôi cũng hết sức yên tâm”.
Và người nữ tiến sĩ này đã gắn bó, tất bật với cộng đồng từ năm 1997 đến nay. Chị Liễu kể, những năm 1990, chị về Bình Chánh để truyền thông về HIV/AIDS rồi bén duyên luôn với mảnh đất này, gắn bó với những hoạt động truyền thông, đặc biệt là chủ đề chống xâm hại, bạo hành phụ nữ, trẻ em.
Ở công việc của mình, ngày ngày chị tiếp cận với các bệnh nhân nghèo, phụ nữ, trẻ em khó khăn đến khám và điều trị. Nhưng sau lần tiếp xúc với một bé gái bị sang chấn tâm lý (do bị xâm hại) chị cảm thấy bất lực vì ngoài những lời an ủi, động viên, hướng dẫn người mẹ đưa con lên tuyến trên thì chị hầu như không giúp được gì. Nỗi day dứt đó thôi thúc chị trở lại giảng đường để bổ sung cho mình những kiến thức về xã hội học, tâm lý lâm sàng và y tế công cộng… với mong mỏi sẽ giúp được nhiều hơn cho người dân.
Sau nhiều năm đeo đuổi việc học hành, năm 2014, chị Liễu bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đại học Quốc gia Hà Nội và tiếp tục công tác tại Bệnh viện H.Bình Chánh theo một dự án về phòng, chống HIV/AIDS cho đến nay. Nhờ sự am hiểu nhiều lĩnh vực, trong quá trình làm việc, chị Liễu đã phát hiện không ít trường hợp bé gái bị xâm hại tình dục, hoặc có các vấn đề về sức khỏe, tâm lý mà cha mẹ, người thân không phát hiện.
Có trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, bị xâm hại và mang thai 6 tháng mà bà nội cứ nghĩ cháu mình mập mạp và ham ngủ. Đứa trẻ khác thì bị kẻ xâm hại đe dọa, khủng bố trong thời gian dài đến trầm cảm mà người mẹ không hề hay biết… Với mỗi trường hợp, vị tiến sĩ đã nhẫn nại tư vấn, hướng dẫn gia đình tố cáo sự việc, đồng thời làm đầu mối để các nhà hảo tâm giúp đỡ kinh phí khám chữa bệnh và hỗ trợ trẻ đến trường.
Tháng Bảy vừa qua, thêm một nam sinh lớp Bảy tại xã Phong Phú được tiến sĩ Liễu phát hiện và can thiệp kịp thời, tránh không phải vào bệnh viện tâm thần. Về ca “bệnh” đặc biệt này, tiến sĩ Liễu tâm tư: “Các bậc phụ huynh đã không có kiến thức, lại thiếu gần gũi con thì thật nguy hại. Đứa trẻ chỉ bị rối loạn tâm lý tuổi dậy thì, vậy mà cha mẹ, người lớn lại quy cho cháu bệnh tâm thần rồi cách ly, biệt lập, thậm chí còn toan tính đưa cháu vào bệnh viện xin điều trị nội trú”.
Và vì nỗi trăn trở, ưu tư đó, bước chân của người nữ tiến sĩ này vẫn chưa dừng lại. Trên chiếc gắn máy, dù ngày hay đêm, dù mưa hay nắng, hễ có phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi còn cần được truyền thông về các vấn đề sức khỏe, tâm lý… là chị lại phăm phăm chạy đến.
Hội Nữ trí thức TP.HCM vượt chỉ tiêu về phát triển hội viên
Ngày mai, 3/8, Hội Nữ trí thức TP.HCM sẽ tổ chức đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2019-2024. Từ 77 thành viên năm 2014, đến nay hội đã phát triển thêm 179 hội viên thuộc 18 chi hội, đạt 102,8% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ.
Theo báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2014-2019, Hội Nữ trí thức thành phố đã có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực; tập hợp, quy tụ, phát huy khả năng của đội ngũ nữ trí thức trong hoạt động nghiên cứu khoa học, truyền bá tri thức cho phụ nữ và cộng đồng; tư vấn giám sát, phản biện xã hội, đề xuất giải pháp đóng góp vào sự phát triển phụ nữ và bình đẳng giới. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Hội còn tham gia những hoạt động xã hội từ thiện, tặng học bổng khuyến học, khuyến tài cho nữ sinh viên, trao nhà tình nghĩa… với tổng số tiền trị giá trên 6,5 tỷ đồng.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.