|
Phố cổ Hội An - nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, lịch sử Việt Nam |
Thong thả dạo bước trong đêm phố cổ
Ăn tối xong, chúng tôi thả bước trong khu phố cổ. Chưa tới tám giờ tối mà đi giữa Hội An đã cảm thấy như xuyên không về tận thế kỷ trước bởi sự vắng lặng. Chúng tôi đi chầm chậm qua những con ngõ nhỏ.
Khu phố cổ Hội An gần với mô hình một bàn cờ, cứ đi hết ngõ này là gặp ngõ khác. Cứ thế, từ đường Bạch Đằng, chúng tôi tới đường Nguyễn Thái Học rồi Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai… Những dãy phố dài với những căn nhà nhỏ, chỉ le lói ánh đèn, cửa khép hờ, văng vẳng tiếng nhạc du dương. Tiếng nhạc dìu theo bước chân du khách, trên mọi ngả đường phố Hội, tạo cảm giác lâng lâng. Đôi khi còn có thể nghe vài tiếng guitar chen vào.
Một lúc sau, chúng tôi mới hiểu đó là tiếng nhạc từ hệ thống loa công cộng. Những bản nhạc giao hưởng cổ điển thế giới với âm lượng rất nhẹ, mơ hồ như tiếng gió… Có lẽ phải đủ tối sẫm và tịch mịch đến thế người ta mới dễ dàng nhận ra đây là không gian cổ tích với màn phụ họa hoàn hảo từ hương thơm của các loài hoa, điều dễ bị khuất lấp ở những thời điểm nhộn nhịp của phố Hội. Chợt nhớ những câu thơ thuở nào của thi sĩ Huy Cận:
“Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm...
Người cùng tôi đi dạo giữa
đường thơm,
Lòng giắt sẵn ít hương hoa
tưởng tượng”.
Bước chân vô định của chúng tôi dừng lại ở một căn nhà còn sáng đèn trên đường Trần Phú, số 80. Biển đề cho biết đây là Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch. Ngôi nhà hai tầng có cổng gỗ này được xây dựng tròn 100 năm trước, điển hình cho kiến trúc nhà cổ ở Hội An với ba phần: nhà trước, nhà sau và nhà vệ sinh. Chúng tôi bước qua sân trời được bố trí giữa nhà trước và nhà sau, cảm giác như lạc vào một ngôi nhà quý tộc sa sút ở thế kỷ nào.
Trong ánh sáng vàng vọt, những bình những lọ gốm với đủ hình dạng dường như đang âm âm những lời của đất. Không thấy bóng dáng người coi bảo tàng, chúng tôi đọc được những thông tin treo ở đây, biết rằng chốn này hiện lưu giữ trên 430 hiện vật gồm sứ có niên đại từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII. Hầu hết các hiện vật là gốm sứ mậu dịch có nguồn gốc từ Trung Cận Đông, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam…
Từ bảo tàng gốm sứ rảo vài bước chân, chúng tôi đã ở bên bờ sông Hoài. Có dăm chiếc thuyền kết hoa đăng rực rỡ neo gần bờ. Chúng tôi thả bước dọc bờ sông, chốc chốc lại có người ra mời: “Cô chú đi một vòng thuyền dọc sông nhé, 50.000 đồng một người thôi”. Lát sau có lời mời đại hạ giá, chỉ còn 20.000 đồng/người. Khi chúng tôi từ chối, họ đáp lại bằng một nụ cười hiền. Khuôn mặt người dân lao động Hội An hình như có nét giống nhau ở sự dãi dầu và hiền hậu.
|
Một lò bánh đậu xanh ở Hội An có tuổi đời hơn 40 năm |
Đi vào khu trung tâm phố cổ mới cảm nhận hết sức tàn phá ghê gớm của “con” COVID. Đâu rồi cảnh dập dìu mua mua bán bán, hàng nọ ken quán kia ở những con đường nhỏ chạy ra phía sông Hoài, ở khu chợ phía bên kia cầu.
Trong ký ức chúng tôi, phố cổ gần với vô vàn hàng chè như chè bắp, chè đậu đen, chè thập cẩm, tàu hũ… Thế nhưng, ở thời điểm này, ngay gần chùa Cầu, chỉ có dăm gánh chè chong đèn bán, khách cực kỳ thưa thớt. Chúng tôi ghé ăn một ly tào phớ, cảm thấy không hài lòng vì miếng tàu hũ không mềm mướt như trong trí nhớ, dặn lòng ngày mai sẽ trở lại nơi đây vào buổi chiều, “phục thù” bằng ly nước thảo dược sả chanh được đính thêm một cánh sen rất điệu nghệ của Mót quán, nay đã nổi tiếng khắp cõi mạng.
Thêm một chỉ dấu mùa COVID-19, rất khó để tìm thấy một quán cà phê trong lòng phố cổ. Những dãy phố dài với những quán cà phê đã đóng cửa từ bao giờ, chỉ bảng hiệu vẫn còn đấy như những đôi mắt buồn bã trong đêm. Gần rã cẳng, chúng tôi cũng tìm thấy một quán cà phê ưng ý, dù là cà phê vỉa hè nhưng bàn ghế tươm tất, lại chỉ cách sông Hoài một con đường nhỏ. Bù lại, chúng tôi được nhấm nháp những ly nước tắc (quất) thơm dìu dịu trong tiếng nhạc cổ điển được điều chỉnh âm thanh rất phù hợp với không khí đêm.
Thật tiếc, cũng vì COVID-19, chúng tôi bị vuột mất show nghệ thuật À Ố. Đành tự an ủi rằng thế là có ít nhất một lý do để trở lại Hội An. Những ai đã được xem đều nói rằng họ bị hút hồn với kỹ thuật xiếc kết hợp kịch câm và múa đương đại, trên nền nhạc độc đáo của các loại nhạc cụ dân tộc như đàn kìm, đàn tranh, sáo trúc, đàn môi mà tất cả đều là nhạc sống.
Lênh đênh sông nước nơi phố Hội
Chuyến đi này khiến chúng tôi được mở mắt rằng Hội An không chỉ có đèn lồng, nhà cổ, hoa đăng thả trên sông Hoài. Một người bạn địa phương đã gợi ý đưa chúng tôi đến Khu du lịch Rừng dừa Bảy Mẫu, chỉ cách phố cổ chừng ba cây số. Nhờ thế, chúng tôi đã có một buổi sáng lênh đênh sông nước từ phố Hội.
300.000 đồng là số tiền chúng tôi phải trả cho bốn người đi hai thuyền, mũ nan do nhà thuyền trang bị luôn. Cảm giác thơ thới khi con thuyền rẽ nước chầm chậm lướt đi, mắt thỏa thuê ngắm nhìn trời, nước và dừa. Ông lão chèo thuyền cho biết trước thời COVID-19, tầm tám giờ là rừng dừa đã xôn xao, nhộn nhịp. Khách du lịch rất đông, chủ yếu là người Hàn Quốc. Mỗi ngày, ông chở cả chục chuyến đi về như vậy, mỗi chuyến độ một giờ đồng hồ.
|
Lênh đênh sông nước giữa rừng dừa Bảy Mẫu |
Nhẩn nha điều khiển thuyền đi giữa dòng, ông kể cho chúng tôi rằng nơi đây vốn là khu căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến. Từ khi còn bé, ông đã nhìn thấy những cây dừa cao “như vầy”, cảm giác như thời gian ngừng trôi trong những hồi ức của người già.
|
Đặc sản dừa nước ở rừng dừa Bảy Mẫu |
Tour du lịch sông nước nằm ngoài dự kiến của chúng tôi, lãi thu được lớn nhất là cảm giác thư giãn tuyệt vời giữa trời nước bao la, chưa kể đến màn múa thuyền thúng cực đẹp mắt với những vòng quay thuyền cực ảo. Tôi còn ấn tượng với màn bung chài tuyệt đẹp khi thuyền ra đến giữa dòng, chỗ đoạn sông mở ra mênh mông. Tour được chốt lại hoàn hảo bằng điệu hò xứ Quảng lúc mặt trời bắt đầu lên cao.
Trải nghiệm bánh mì, cơm gà Hội An
Kỷ niệm về những hành trình luôn song hành với nỗi nhớ vị giác.
Trước chuyến đi của chúng tôi, một người chị thân thiết đã dặn đi dặn lại rằng phải thử bánh mì Phượng. Điều gì làm cho món ăn dân dã này được du khách nước ngoài gọi với một cái tên mỹ miều: Món ăn vặt ngon nhất ở hạ giới? Đầu bếp, người dẫn chương trình nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain, nay đã thành người thiên cổ đã miêu tả bánh mì Phượng như “một bản giao hưởng ở trong một miếng sandwich” (That’s a symphony in a sandwich!).
Bánh mì Hội An giờ không khó tìm ở Hà Nội hay một số thành phố khác. Thế nhưng như mọi món đặc sản, có lẽ thực khách vẫn tin rằng món này chỉ ở Hội An mới thật ngon. Xe chúng tôi ghé quán bánh mì Phượng ngay trên đường từ sân bay về tới khách sạn. Ba giờ chiều chắc chẳng phải giờ cao điểm nhưng vẫn phải xếp hàng.
|
Những gánh hàng rong cũng là một nét đặc trưng của Hội An |
Thế giới bánh mì ở đây cực phong phú với hơn 20 loại nhân khác nhau. Chúng tôi hơi tiếc vì đã chọn mua loại đắt nhất, 30.000 đồng, độ đạm có lẽ thừa cho cả một ngày. Hình như bí mật của bánh mì ngon chính là các loại nước xốt bí ẩn mà gia chủ rưới thoăn thoắt.
Tuy nhiên, người sành ăn bảo rằng không nên bỏ qua những quán bánh mì khác như Madam Khánh, trên đường Trần Cao Vân, có lịch sử trên 30 năm; bánh mì Bích với vị pa-tê và xá xíu khá độc; rồi bánh mì bà Bứa, bánh mì cô Lành, bánh mì Thân có các loại chả rất hấp dẫn.
|
Bánh mì Phượng vang danh thế giới |
Cơm gà Bà Buội luôn có mặt trong các hướng dẫn du lịch. Thế nhưng với chúng tôi, đó lại là một kỷ niệm ẩm thực thất bại. Thu hoạch độc đáo tại quán Bà Buội có lẽ là cái tên chè là lạ được ghi trên tường: chè Xoa xoa.
Dĩ nhiên, giữa mùa COVID-19 nên cũng không có nhiều sự lựa chọn. Nhiều quán đóng cửa từ sớm, không bán tối như lúc trước. Muốn được ăn dĩa cơm gà non mềm, óng ánh màu vàng của nghệ, hãy ghé cơm gà bà Hương đường Lê Lợi, cơm gà Xí đường Trần Hưng Đạo, cơm gà bà Lắm, bà Hồ…
|
Cơm gà Hội An |
Chuyến đi Hội An bốn ngày ba đêm còn nhiều địa chỉ không thể kể hết trong một bài báo. Hẹn bạn, có ngày tôi sẽ kể về bảo tàng mì Quảng lớn nhất Việt Nam, bảo tàng Đồng Đình độc đáo ở bán đảo Sơn Trà hay con đường có nhiều đồi cát trắng như tuyết xuôi đến bãi biển Tam Thanh, nơi có làng bích họa.
Bài, ảnh: Võ Hồng Thu