Những con đường rực hoa tết ở quê tôi

05/02/2024 - 17:12

PNO - Không chỉ người mua mai mà người đi chơi cũng chọn con đường này để ngắm Tết.

Đường 23/10 từ Mã Vòng (thành phố Nha Trang) chạy lên đến Thành (huyện Diên Khánh) bắt đầu ở Cây số 5, mỗi mùa tết là nơi bán mai nổi tiếng lâu đời. Mai ở các nhà vườn chuyên trồng mai thuộc làng Võ Dõng, Vĩnh Trung, Diên An... Như một nghề tay trái của nhiều gia đình có vườn rộng. Công chăm tỉa cả năm, mọi hy vọng đặt hết vào những ngày chạy nước rút với Tết. Không chỉ người mua mai mà người đi chơi cũng chọn con đường này để ngắm Tết.

Năm nay, gần như là tâm trạng chung của nhà vườn khi mai nở sớm quá. Sáng 26 tháng Chạp, tôi đi một vòng lên Thành, mai vàng nở bung xòe rực tươi. Mai không đợi tết rồi.

Anh Sang, một  chủ vườn có  thâm niên trồng mai hơn 20 năm, cho biết: “Tình trạng chung, nhà nào cũng vậy. Mai là trời cho, hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, mình khó đoán được hoa sẽ nở vào lúc nào. Năm nay trời nắng nóng quá nên mai nở sớm hơi nhiều”.

Cắt bỏ hoa đã nở
Cắt bỏ hoa đã nở
Mới 26 tháng Chạp hoa mai đã nở bung
Mới 26 tháng Chạp hoa mai đã nở bung

Tôi thấy trên những chậu mai to khủng có gắn tấm bảng nhỏ bán và cho thuê cây, kèm số điện thoại.

Trên con đường này không chỉ hoa mai mà còn đủ các loại hoa khác cúc, vạn thọ, bông giấy, quất… Bất kỳ một con đường rẽ vào làng, ngay góc cua cũng vàng hoa.

Ngõ vàng hoa
Ngõ vàng hoa

Có hai địa danh nổi tiếng trên con đường này là Cây đầu đôi và Cầu sông Cạn. Cầu sông Cạn có đền thờ Trần Quý Cáp, nhà chí sĩ yêu nước người Quảng Nam dạy học trên đất Khánh Hòa.

Cầu sông Cạn, xa xa là núi Chín Khúc
Cầu sông Cạn, xa xa là núi Chín Khúc

Chuyện kể rằng, ngày ấy ông đang dạy học ở Quảng Nam, sau khi phong trào Duy Tân nổ ra, thực dân Pháp và Nam Triều  lo sợ liền đưa ông vào dạy học ở Khánh Hòa. Tại đây ông vẫn tiếp tục công việc dạy học và đấu tranh chống Pháp. Ông vận động nam giới cắt tóc, chống thu thuế thân.

Chỉ vì bút tích bảy chữ trong một lá thư mà Pháp vu cho ông chống chính quyền, bắt giam tại nhà lao Diên Khánh. Đây là vụ án đẫm máu năm 1908 mà người dân Diên Khánh không thể nào quên.

Buổi sáng hôm ấy, ông bị giải từ nhà lao ra khỏi Thành, đến pháp trường là cầu sông Cạn, ông  bình thản bước ra, giằng lấy khăn bịt mắt, ngẩng cao đầu nhìn về quê hương, ung dung xin với quan giám trảm cho đặt án đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân ngũ bái rồi khảng khái tựu hình, sắc mặt như khi nhóm trò giảng sách.

Đền thờ Trần Quý Cáp
Đền thờ Trần Quý Cáp

Có con đường mới dẫn qua một đường tránh khác đầy hoa cúc vàng của người bán, làm đẹp thêm cho cây cầu và di tích này.

Hoa cúc vàng trên con đường qua đền thờ Trần Quý Cáp
Hoa cúc vàng trên con đường qua đền thờ Trần Quý Cáp

Đi một vòng vào các xã ở huyện Diên Khánh, tôi cảm giác như năm  nay người bán hoa phục vụ đến sát nhà người mua luôn. Từng cụm bán hoa nhỏ trong khu dân cư, không cần phải đi đâu cho xa, chủ yếu là hoa vạn thọ.

Năm nay hoa hướng dương thấp nhiều
Năm nay hoa hướng dương thấp nhiều

Ở xã Diên Sơn, vùng trồng hoa tết nổi tiếng nhiều năm nay, từ 22 tháng Chạp hoa đã dần được đưa về những nơi bán sỉ khắp nơi. Trên đồng ruộng, một mảnh đất nhỏ, một lối đi hẹp… nơi nào cũng vàng hoa. Đang mùa lúa xanh thì con gái, cảnh quê thanh bình, hoa vàng nổi trên màu lúa, đẹp giản dị, hiền hòa.

Bình yên quê tôi
Bình yên quê tôi

Cũng trên con đường 23/10 hay những con đường quê, những hàng quán bán những món ăn địa phương nổi tiếng như bánh ướt, bánh căn, bún cá… đông khách hơn ngày bình thường. Là những món chọn lựa đầu tiên khi trở về quê hương của những người đi học, đi làm xa về quê ăn tết. Cô chủ hàng bánh ướt tôi thường ăn nói với tôi rằng cô không nghỉ ngày tết.

Một hàng ăn trên đường 23/10
Một hàng ăn trên đường 23/10

Những chiếc xe khách dừng lại dọc đường bỏ khách xuống với vali, túi xách và những gương mặt còn ngái ngủ sau một đêm trên xe từ TPHCM về Nha Trang, Khánh Hòa chẳng hạn. Vài nhóm du khách nước ngoài vừa đi vừa chụp hình với vẻ rất thú vị. Một cậu người Pháp, đeo ba lô to khủng hỏi tôi muốn đi vào Cam Ranh thì đi cách nào. Tôi chỉ cậu qua bên đường có trạm xe buýt. Cậu cảm ơn. Thấy cậu có mang theo một cây đàn nhỏ để trong một cái túi, tò mò tôi hỏi là đàn mandolin hả? Cậu cười nói: Không phải, là đàn guitar, “small guitar”. Con đường quê tôi còn rộn rã tiếng đàn từ người bạn mới quen.

                                                              Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI