PNO - Nhiều tuyến đường, tuyến hẻm ngập nước, sình lầy đã dần đổi thay, chẳng những được trải bê tông mà còn có cống thoát nước chống ngập, trồng cây, trồng hoa...
Ngày 3/11 vừa qua, 40 hộ dân ở hẻm 190, tổ 83, khu phố 3, P.Trung Mỹ Tây, Q.12 (TP.HCM) vui mừng tổ chức lễ khởi công làm lại con hẻm sau thời gian dài phải hoãn vì dịch COVID-19. Con hẻm bê tông dài 170m, rộng từ 2,5 - 5m, đã xuống cấp và không có cống thoát nước, trời mưa nước ngập, nước đọng hằng tuần. “Để vậy hoài cực quá, nước đọng như cái ao, tội các cháu nhỏ đi học” - dì Nguyễn Thị Dự có ý kiến trong buổi họp dân vào đầu năm 2020, đồng thời có tâm nguyện làm lại con đường cho khang trang, sạch đẹp. Người đồng tình cũng nhiều, mà người phản đối cũng không ít, bởi cư dân sống trong hẻm đều là lao động nghèo, thu nhập thấp, kiếm cái ăn hằng ngày còn khó. Vì thế, chuyện làm lại con đường cứ lần lữa. Là Tổ trưởng tổ dân phố, kiêm Tổ trưởng tổ phụ nữ 83, dì Dự biết mình phải kiên trì. Bởi vậy, vào mỗi buổi tối, dì lại gõ cửa từng hộ dân nói chuyện. Dì cũng thông qua Hội LHPN phường, gửi đề xuất nhờ chính quyền địa phương tiếp sức. “Tôi sống tại tổ 83 từ năm 2002. Hồi trẻ là lao động tự do, sau xin vô nhà máy làm công nhân may. Nhiều lúc trộm nghĩ, ở thành phố mà đường còn lầy lội hơn cả vùng hẻo lánh. Ngày trước, nhà nào có điều kiện thì tự mua đá về rải hoặc đổ xi măng trước cửa cho dễ đi, nhìn tổng thể đường lồi lõm, vừa dơ bẩn vừa không đẹp”, dì Dự chia sẻ.
Dì Nguyễn Thị Dự (trái) đã dành nhiều tâm sức cùng với bà con làm mới các tuyến đường hẻm
Đầu năm 2021, chính quyền P.Trung Mỹ Tây có chủ trương hỗ trợ kinh phí trải mặt nhựa tuyến hẻm 190 nếu bà con chung sức đóng góp rải đá lót và làm hệ thống cống thoát nước. “Được lời như cởi tấm lòng”, dì Dự lập ngay một nhóm chat Zalo với tất cả các hộ dân trong hẻm thông báo tin vui. Thế là mọi người đều đồng lòng “thắt lưng buộc bụng” để có con đường mới. Việc góp kinh phí mới được 30% thì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến mọi thứ đều ngưng trệ. Tuy nhiên, mọi người vẫn nhắn tin động viên nhau với quyết tâm cao để “có con đường mới đón tết”. Vậy rồi, từ cuối tháng Mười vừa qua, dịch COVID-19 lắng xuống, chuyện góp tiền lại được rộn trở lại. Bình quân mỗi hộ sẽ góp 8 triệu đồng, riêng các chủ nhà trọ dì Dự vận động đóng gấp đôi, còn những nhà khó khăn quá thì được giảm đi đôi chút. Có gia đình làm cổng lấn ra đường cả mét, dì Dự phải tới lui thuyết phục họ vì con đường chung thẳng và đẹp mà dời vào trước ngày khởi công. Trên con hẻm 72, tổ 83, P.Trung Mỹ Tây dẫn ra kênh Đồng Tiến, dì Dự và dì Nguyễn Thị Phượng - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3 - đang thong dong tản bộ và bàn tính chuyện chăm lo tết Nguyên đán Nhâm Dần cho bà con. Màu xanh của cây và của hoa đậu biếc nơi con hẻm tạo cảm giác thảnh thơi yên bình. Con hẻm 72 này cũng vừa hoàn thành vào năm 2020 và cũng có dấu ấn của dì Dự. Ngày ấy, hẻm 72 cũng nước đọng liên miên, do chỉ một bên có nhà, còn một bên là đất trống nên cỏ dại mọc đầy. Năm 2017, khi nhận trọng trách Tổ trưởng tổ phụ nữ 83, việc đầu tiên dì Dự nghĩ tới là làm lại con đường. Nhưng phải đến năm 2020, sau hai giai đoạn thi công thì con đường mới liền lạc như bây giờ. Dì Dự kể: “Hẻm rộng 4m. Ban đầu chúng tôi làm một đoạn dài 130m, kinh phí hoàn toàn do dân đóng góp. Đoạn còn lại dài 64m tiếp nối dẫn ra kênh Đồng Tiến thì được phường hỗ trợ trải nhựa, còn dân lo phần nền và cống thoát nước. Thật sự chẳng dễ dàng gì khi mà kinh tế ai nấy đều chật vật. Kinh nghiệm của tôi là làm từng phần. Con đường đầu tiên rất quan trọng, bởi nó sẽ là nền móng để bà con nhìn vô, lấy đó làm động lực để chung sức. Sau khi hẻm 72 hoàn thành, bà con tự trồng cây, trồng hoa trước nhà tạo cảnh quan, chẳng cần tôi vận động”.
Quá trình gian nan, phải thật kiên trì
Đưa tôi dạo quanh hẻm 702 Lê Văn Khương, tổ 11, khu phố 7, P.Thới An, Q.12, dì Lê Thị Chung - Tổ trưởng tổ phụ nữ 11 - phấn khởi: “Hẻm được nâng cấp hồi tháng Mười. Sau khi hoàn thành, mọi người tự góp tiền làm cổng sắt, bảng hiệu “Hẻm 702 Đoàn kết - Văn minh - Xanh - Sạch đẹp”. Dịch bệnh thì cực thiệt, nhưng mọi người thương nhau, lo lắng cho nhau thì việc gì cũng thành”.
Hẻm 702 trước là đường đất, nhiều ổ gà, mưa ngập, nắng bụi mù mịt. Nhiều năm trước, bà con trong hẻm đã góp tiền tráng xi măng và làm cống thoát nước. Nhưng theo thời gian, đường hư, nước đọng, mọi người đi lại trong hồi hộp, lo lắng. Trước tình hình đó, tháng Mười vừa qua, dì Chung lập nhóm chat bàn chuyện nâng cấp con đường. “Thiệt tình, tôi cũng hơi lo, đưa việc này ra lúc khó khăn vầy liệu có ổn không. Nhưng nếu cứ trù trừ thì biết bao giờ mới có đường sạch đẹp mà đi. May sao bà con đều đồng thuận, chi phí cũng không quá cao do chỉ phải tráng thêm 10cm xi măng. Có vài anh chị phải cách ly điều trị COVID-19 nhưng vẫn nhắn tin hưởng ứng nhiệt tình” - dì Chung tình thiệt.
Hẻm 702 Lê Văn Khương vừa được dì Lê Thị Chung vận động bà con góp tiền nâng cấp. Trong ảnh là dì Chung cùng cháu ngoại
Tương tự, vào năm 2020, đường B2, khu dân cư Nam Long, P.Thạnh Lộc, Q.12 cũng được nâng cấp. Tuyến đường nội bộ này rộng 6m, dài 75m, được dì Trần Thị Tuyết Hồng - Tổ trưởng tổ phụ nữ 9, khu phố 3A, P.Thạnh Lộc - đứng ra kêu gọi các hộ dân cùng đóng góp thực hiện. Từ thành quả bước đầu ấy, dì Hồng đang lên kế hoạch tiếp tục vận động bà con sống tại đường nối B5 - B6 góp tiền tu sửa lối đi chung. “Vận động làm đường là quá trình rất gian nan, mình phải thật kiên trì. Mỗi lần như vậy, tôi tới lui các hộ dân không biết bao nhiêu lần, hỏi ý kiến riêng xong rồi họp tổ bàn. Ai cũng muốn đường đi thông thoáng, sạch đẹp, nhưng tiền bạc eo hẹp. Được cái, bà con thương nhau, nhà nào khá thì đóng nhiều hơn một chút để gánh bớt cho nhà khó. Qua năm 2022, chúng tôi sẽ khởi công” - dì Tuyết Hồng quyết tâm.
Thảo Nguyên
779 tuyến hẻm xanh- sạch - đẹp nhờ bàn tay Hội
Năm năm qua, các cấp Hội tại TP.HCM đã kiên trì triển khai các chương trình hoạt động bảo vệ môi trường của Trung ương Hội, Chỉ thị 19 của Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, chương trình đột phá của Thành ủy TP.HCM về “Giảm ô nhiễm môi trường” giai đoạn 2015 - 2020.
Đã có nhiều sáng kiến, hình thức vận động thực hiện xây dựng những tuyến đường, tuyến hẻm sạch như: cùng duy trì ra quân thực hiện “15 phút vì thành phố văn minh - sạch đẹp”, xanh hóa điểm “đen” về rác, tái chế các vật dụng đã qua sử dụng như chai nhựa, bình nhựa thành chậu trồng cây làm đẹp các tuyến hẻm tại cộng đồng dân cư… Nhờ sự nhiệt tình hưởng ứng của các chị em hội viên phụ nữ mà các cuộc vận động đã trở thành phong trào rộng khắp với hơn 2.000 buổi sinh hoạt tại chi tổ Hội, phát hơn 300.000 tờ rơi, treo 6.000 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền, viết 1.500 tin bài tuyên truyền qua xe loa, đài truyền thanh. Các trang mạng xã hội của các cấp Hội cũng đưa nhiều hình ảnh đẹp, tích cực về môi trường để lan tỏa trong cộng đồng. Hội Phụ nữ cấp quận huyện, phường xã đã làm đẹp phủ xanh trên 300 mảng tường bị bôi bẩn.
Đã có 779 tuyến hẻm đạt tiêu chí xanh - sạch - đẹp tại TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện nhờ bàn tay của chị em hội viên phụ nữ
Hạnh Chi
(Trích từ dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026).
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.