Mưa lầy nắng bụi, tai nạn gia tăng
Nhiều tháng qua, người dân sống tại khu vực đường 295, P.Tân Phú, Q.9 khổ sở bởi công trình nâng cấp đường này. Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn đường này đang bị đào xới, có rất nhiều hố sâu nhưng không hề có rào chắn hay biển cảnh báo, khiến cho người lưu thông qua đây thường xuyên đối mặt nguy hiểm.
Cách đó không xa, đường Hoàng Hữu Nam (Q.9) cũng đang được thi công bầy hầy không kém. Theo người dân địa phương, cách đây vài tháng, nhà thầu đào đường để lắp đặt cống thoát nước, nhưng sau khi thi công, nhà thầu tái lập mặt đường sơ sài, tạo ra những vệt “sống trâu” khiến nhiều người ngã nhào khi chạy xe ngang qua.
Sáng 11/9, em L.V.Đ.Ng., nữ sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Huệ (Q.9) trên đường đi học về đã bị xe bồn cán tử vong. Chiều 28/9, trước nhà số 87 đường Hoàng Hữu Nam, xe chở học sinh cán chết một người đàn ông... UBND phường Long Thạnh Mỹ cho biết, chỉ trong chín tháng đầu năm 2016, trên đường Hoàng Hữu Nam đã xảy ra bảy vụ tai nạn giao thông làm bảy người chết, hai người bị thương.
|
Người dân hai bên đường 295, Q.9 lâm vào cảnh khốn đốn do chủ thầu thi công ẩu. |
Người dân sống dọc đoạn đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) thì khốn khổ triền miên vì bụi do công trình thi công gây ra. Khi người dân liên tục phản ứng, đơn vị thi công mới cho phun nước để chống bụi; nhưng khi đường khô, lại bụi, còn khi mưa, đường trở thành vũng lầy dài.
Hai bên đường này còn có nhiều hố sâu hơn 1,5m, chỉ rào chắn sơ sài. Tại khu vực vòng xoay công viên Phú Lâm (Q.6), đơn vị thi công làm đất đá vương vãi khắp mặt đường khiến cho các phương tiện qua đây gặp rất nhiều khó khăn. Trưa 11/10, chúng tôi bắt gặp cảnh nhiều xe ủi, máy xúc đang thi công, nhiều xe máy phải len lỏi dưới cần xe máy xúc, mạng sống người đi đường rất… hên xui.
Hương lộ 2 đi qua địa bàn huyện Củ Chi vốn là tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông do bề ngang hẹp lại có lưu lượng ô tô rất cao, nhưng bốn tháng nay, nỗi bất an càng tăng khi có công trình thi công lắp đặt ống cấp nước. Ngay đầu giao lộ Hương lộ 2 - Quốc lộ 22, do việc tái lập mặt đường ẩu, nhiều đoạn bị sụt lún tạo thành ổ gà, ổ voi.
Ông Nguyễn Kim Xuyến, nhà ở cạnh giao lộ này bức xúc: “Họ thi công ẩu quá, mấy đoạn này cứ trồi lên sụt xuống hoài; mới tối hôm qua họ lại đào bới để sửa chữa nhưng ổ gà vẫn còn y nguyên. Người ta té ngã lia chia, có người bị gãy tay, gãy chân”. Cách đó vài trăm mét, trước cổng Trường tiểu học Tân Phú (xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi) là một đoạn dài gần 200m của Hương lộ 2 với rất nhiều ổ voi, nước đọng thành vũng, là những cái bẫy đối với phụ huynh và học sinh.
Ngoài Hương lộ 2, một số đoạn đường đi qua Tỉnh lộ 15, H.Củ Chi - nơi vừa triển khai đường ống cấp nước từ đầu năm 2016 - cũng bị sụt lún gây mất an toàn giao thông và gây khó khăn cho việc buôn bán của người dân. Tại huyện Hóc Môn, đường Đặng Thúc Vịnh cũng nổi tiếng “nắng bụi mưa lầy”. Trong cơn mưa trưa 11/10, ông Nguyễn Văn Tài, chủ một cửa hàng thực phẩm trên đường này phải liên tục chạy ra trước nhà đặt “chướng ngại vật” để xe cộ không bắn nước vào hàng hóa.
Phạt như... phủi bụi
Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, toàn TP hiện có 32 tuyến đường với 67 vị trí rào chắn phục vụ công trình thi công hệ thống thoát nước, công trình cấp nước và các dự án khác. Trong vòng nửa tháng qua (từ 19/9 đến 2/10) lực lượng thanh tra đã xử phạt 21 nhà thầu (chủ yếu là các đơn vị thi công cáp ngầm, ống cấp nước) thi công bê bối, không tái lập mặt đường nguyên trạng, làm đất đá rơi vãi.
|
Các đoạn đường đầy ổ voi, ổ gà trên Hương lộ 2 (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) do nhà thầu thi công ống cấp nước tái lập mặt đường cẩu thả. |
Ông Lê Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 7 (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, việc lập biên bản xử phạt nhà thầu về các lỗi trên là như cơm bữa. Thậm chí, có nhà thầu bị lập biên bản cả chục lần vẫn cứ tái phạm, chẳng hạn chỉ riêng các nhà thầu thi công hệ thống thoát nước trên địa bàn huyện Củ Chi đã bị lập đến 97 biên bản với số tiền phạt 590 triệu đồng nhưng vẫn không ăn thua.
“Theo tôi, cần phải có chế tài mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm khi thi công gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông bởi mức xử phạt hiện nay là quá thấp, một công trình cả ngàn tỷ nhưng mỗi lần vi phạm chỉ bị phạt vài ba triệu đồng thì không đủ răn đe. Chưa kể, quy định pháp luật cũng không yêu cầu đình chỉ thi công đối với nhà thầu vi phạm các lỗi trên nên chúng tôi cũng không thể xử lý”, ông Tuấn nói.
Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (quản lý các tuyến đường qua quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi) thuộc Sở GTVT cho biết, đơn vị này đã gửi hàng trăm kiến nghị lên cấp trên cũng như yêu cầu các nhà thầu, chủ đầu tư ký cam kết, nhưng kết quả không khả quan. “Nhiều lúc, chúng tôi phải bỏ tiền mua vật tư dặm vá, sửa chữa để người dân đi lại an toàn. Theo tôi, rất cần các biện pháp chế tài mạnh hơn đối với chủ đầu tư và nhà thầu thi công ẩu”, ông Dũng bức xúc.
Chuyên gia giao thông, tiến sĩ Phạm Sanh cho biết, ở các nước, không ai lại đào xới dưới lòng đường để triển khai các công trình, bởi dù tái lập cỡ nào thì mặt đường vẫn không được như cũ. Các công trình chỉ được triển khai hai bên lề đường và bên trong hầm kỹ thuật, từ cấp thoát nước đến đặt cáp viễn thông các loại.
“Việc xử phạt các nhà thầu theo tôi là không hiệu quả, bởi nó giống như đẩy đuổi hàng rong. Vấn đề là Sở GTVT cần tham mưu cho UBND TP có kế hoạch cụ thể và cấm đào xới ở dưới lòng đường, nếu phải đào thì cần phải có kế hoạch phối hợp dài hạn giữa các đơn vị... và sau khi đào đường thì phải tái lập cả đoạn đường chứ không phải từng đoạn nhỏ lẻ như hiện nay”, tiến sĩ Phạm Sanh góp ý.
Theo Sở GTVT TP.HCM, trong quý IV-2016, Sở này sẽ trình UBND TP.HCM điều chỉnh một số quy định để chấn chỉnh các nhà thầu thi công ẩu, trong đó sẽ kiến nghị cho phép Sở tạm ngừng cấp giấy phép thi công đối với các nhà thầu vi phạm từ ba lần trở lên đối với một hành vi vi phạm, đồng thời sẽ xem xét cấm cho nhà thầu đó tham gia đấu thầu, thi công đối với bất kỳ công trình nào trên địa bàn TP.HCM.
|
Thu Hồng - Sơn Vinh