|
Đường sách Nguyễn Văn Bình - ảnh: internet |
“Nhà” của… mọt sách
Sáng thứ Bảy cuối tuần, đường Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) đoạn từ Hai Bà Trưng đến Công xã Paris, bên hông nhà thờ Đức Bà đông vui hơn hẳn ngày thường.
Từng nhóm khách đủ lứa tuổi như chìm đắm vào quầy sách họ đã chọn. Một cô gái trong tà áo dài màu thiên thanh vui vẻ khoe với những người bạn quốc tế: “Đường sách Nguyễn Văn Bình là điểm đến của những người yêu sách. Đây là con đường sách phức hợp đầu tiên của Việt Nam được thiết kế với không gian mở, giúp mọi người tự do tham quan và thưởng thức niềm vui đọc sách”.
Đường sách chỉ dài hơn 100m nhưng đi cả ngày cũng… không hết, vì đến quầy sách nào khách cũng muốn dừng lại, lướt qua vài trang, chọn cho mình vài cuốn. Đi hết đường lại muốn quay lại, tìm xem có cuốn sách nào hay hơn không. Giới trẻ còn đến đây để chụp ảnh, du khách thì đến khám phá một góc văn hóa của người Việt…
Có lẽ, quầy sách cũ là nơi luôn có sức hấp dẫn rất riêng với bạn đọc. Nếu muốn tìm lại những quyển sách quý xuất bản đã lâu, bạn có thể may mắn khi đến các quầy sách cũ trên đường sách. Nhiều loại báo cũ như Lục Tỉnh Tân Văn, Tri Tân... hay các từ điển xưa như Hán - Việt từ điển (1950), Từ điển Việt Nam (1958)... không thiếu nếu độc giả muốn tìm. Không ít cuốn sách còn có thời gian ấn hành trước năm 1945, được đánh giá là khá quý hiếm.
Võ Thị Mai Phương (SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) đã bật reo lên khi “bắt” được quyển tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn còn khá mới. Cô vui vẻ: “Giá sách mới khá cao nên mình thường tìm mua sách cũ, phù hợp với túi tiền, mà vẫn có sách mới bổ sung vào kệ sách ở nhà. Sách ở đường sách rất đa dạng và phong phú, đáp ứng được nhu cầu của mọi người”.
Những người đến đường sách không hẳn chỉ vì muốn tìm mua sách mà còn có vô số lý do: vì thói quen muốn dạo chơi, chụp ảnh cùng bạn bè; vì muốn tạm gác qua mọi chuyện để đắm chìm vào một cuốn sách nào đó; hay đơn giản chỉ là để “coi cọp” một cuốn sách mới...
Sẽ rất thú vị nếu giữa trưa nắng, bạn tìm được chỗ ngồi dưới bóng cây xanh, hít hà mùi cà phê thơm nồng, “nhấp nháp” một quyển sách ngay tại đường sách. Đôi khi, bạn còn có cơ hội giao lưu, chụp ảnh, xin chữ ký những tác giả mình yêu thích hay tham gia vào các buổi nói chuyện, sinh hoạt văn hóa...
Sự “quyến rũ” của đường sách là thế, nên người yêu sách khó có thể bỏ qua.
Những con đường vàng bạc
Khu vực các con đường Nhiêu Tâm, Nghĩa Thục, Bùi Hữu Nghĩa thuộc P.5 (Q.5, TP.HCM) là tập trung hoạt động của những hộ kinh doanh vàng, bạc, đá trang sức… Phố vàng bạc này còn có tên trong danh sách những điểm đến trong tuyến du lịch TP.HCM.
Tại đây có bốn điểm dừng chân được chọn để phục vụ du khách tìm hiểu về quy trình sản xuất, gia công, chế tác nữ trang, khuôn sáp…; qua đó giúp du khách cảm nhận được phần nào sự kỳ công, tinh xảo và đặc sắc của nghề mỹ nghệ kim hoàn Việt Nam.
Những con đường vàng bạc này đã có từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước và hiện có 55 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chủ yếu là bán buôn, chế tác và kinh doanh các thiết bị ngành kim hoàn. Sản phẩm ở đây không chỉ bán tại chỗ mà còn cung cấp cho rất nhiều cửa hàng vàng bạc, đá quý khác trên toàn quốc.
|
Du khách thích thú khi mua sắm, tham quan ở phố kim hoàn |
Bà Nguyễn Thị Bạch Phụng - tiệm vàng Kim Nguyên I cho biết, các hộ kinh doanh ở đây rất phấn khởi với chủ trương hình thành khu phố chuyên doanh vàng bạc, đá quý và hy vọng nhiều người sẽ biết đến khu vực này hơn.
Ông Phạm Văn Tám - chủ tiệm vàng Kim Hảo chia sẻ, tiệm sẽ đào tạo một số nhân viên biết tiếng Anh, tiếng Hoa, sửa sang lại nhà vệ sinh đúng chuẩn để đón khách du lịch... “Thương hiệu càng lan tỏa thì việc kinh doanh càng tốt hơn. Chúng tôi sẽ đầu tư thêm một số dịch vụ để du khách thoải mái hơn khi đến tiệm tham quan, mua sắm” - ông nói.
Hiện, một số công ty lữ hành lớn đã thiết kế tour “Một ngày khám phá quận 5” để đưa du khách đến đây. Khu vực này cũng đã lắp đặt camera an ninh và có đội bảo vệ kiểm soát khách ra vào các cửa hàng. Chất lượng hàng hóa và các dịch vụ được cam kết theo tiêu chuẩn công bố. Khi có vấn đề cần phản ánh, du khách có thể gọi điện đến đường dây nóng của phường, quận.
Theo bà Lê Thị Loan - Trưởng phòng Kinh tế Q.5, không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế, phố chuyên doanh vàng bạc, đá trang sức còn là nơi lưu giữ nét văn hóa của một làng nghề truyền thống. Quận sẽ cải tạo, nâng cấp các điểm tham quan của địa phương, cụ thể là những di tích văn hóa lịch sử, địa điểm nằm trong top 100 điều thú vị của TP.HCM.
Những con đường “đi qua là... hết bệnh”
Đó là những con đường Đông y cũng nằm ở Q.5, gồm ba tuyến đường gần nhau Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học và Triệu Quang Phục. Gần như quanh năm, ba con đường này luôn ngào ngạt mùi hương của các dược liệu Đông y: mùi tía tô, kinh giới, bạc hà, đỗ trọng, táo đỏ, đinh hương... quyện vào nhau, tạo thành mùi đặc trưng cho khu vực, mà ai ngang qua, chỉ cần hít đầy lồng ngực là đã muốn… hết bệnh.
Khu vực này tập trung đến hơn 130 hộ chuyên kinh doanh thuốc và dược liệu đông y, được xem là lớn nhất Việt Nam.
|
Một công đoạn trong quá trình chế thuốc đông y |
Trên đường Lương Nhữ Học, so với trước đây thì những bao đông dược đã được xếp gọn gàng hơn, nhân viên một số cơ sở đã mặc đồng phục, nhiều cửa hàng niêm yết giá bán ngay cửa ra vào, logo “Phố Đông Y” màu xanh lá cây cũng được treo trước các cửa hiệu.
Đến đây, khách có thể tìm mua bất kỳ loại thuốc Đông y nào mình cần. Vì thế, không chỉ người Sài Gòn, mà nhiều du khách quốc tế cũng đến đây để mua thuốc mang về nước.
Các thầy thuốc người Hoa sẽ bắt mạch, kê đơn theo phương pháp cổ truyền. “Người dân rất phấn khởi khi biết khu vực này sẽ được quảng bá như một điểm thu hút du khách. Chúng tôi đã ý thức hơn về việc ghi rõ ràng nguồn gốc thuốc, niêm yết giá cả, trưng bày hàng hóa gọn gàng, đẹp mắt, để thu hút du khách đến tham quan, mua hàng” - bà Phạm Thị Kim Lan - chủ cửa hàng Đông dược Phương Thảo (đường Lương Nhữ Học) nói.
Theo bà, việc kinh doanh Đông dược ở đây suốt hơn 40 năm qua chỉ “bình bình”, mạnh ai nấy bán chứ không dấy lên một không khí phấn khởi như những ngày gần đây.
Đại diện Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết, các công ty lữ hành luôn cần thêm sản phẩm mới, phố Đông y là một trong những sản phẩm mới lạ mà Saigontourist đang tính toán để đưa khách tham quan theo các tuyến chùa Bà Thiên Hậu - chợ Bình Tây - phố Đông y...
Bà Đặng Thị Thy Thanh - Phó tổng giám đốc Bến Thành Tourist thừa nhận, sản phẩm du lịch của TP.HCM còn rất nghèo nàn nên: “Tôi nghĩ phố Đông y là đề án phát triển du lịch khá hay, có thể kết hợp với các tuyến phố thời trang, lồng đèn, vàng bạc đá quý, ẩm thực... thành tour khép kín cho du khách. Nếu tổ chức được hoạt động kinh doanh Đông dược đạt chuẩn, chắc chắn các công ty du lịch sẽ rất hào hứng với tour dạng này”.
Ngoài ra, TP.HCM còn có phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) tuy chỉ mới hình thành nhưng đã trở nên quen thuộc với người Sài Gòn và là điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước. Ngày 15/7 tới, đường Bùi Viện (Q.1) sẽ trở thành phố đi bộ thứ nhì của TP.
Phúc Hưng