PNO - Nằm ở độ cao 3.524m so với mực nước biển, Leh - thị trấn thuộc bang Jammu và Kasmir của Ấn Độ - là nơi khởi hành của hầu hết các tour khám phá vùng Ladakh.
Chúng tôi bắt đầu cung trek với hướng dẫn viên của đoàn là Bullshot, ân cần và vui tính. Sau khoảng hai tiếng men theo đường mòn, chúng tôi được chào đón bởi cao nguyên mênh mông Jingchang. Có những đoạn phải đi xuống lòng sông đang mùa khô trơ sỏi đá, băng qua những lạch nước nhỏ lạnh buốt. Ai cũng phấn khích khi nhìn thấy những loài động vật hoang dã, nhất là bầy sơn dương ngơ ngác.
Quá trưa, chúng tôi đến tea tent, một túp lều to được dựng lên giữa cánh đồng trống phục vụ các loại trà nóng, nước đóng chai và bán thú nhồi bông được làm bởi người dân địa phương. Trà nóng giúp mọi người lấy lại sự tươi tỉnh đồng thời làm ấm cơ thể trong cái gió lạnh hanh khô của cao nguyên mùa thu.
Mãi tận chiều muộn chúng tôi mới tiếp cận được bản làng đầu tiên trong hành trình. Nhà tại đây chủ yếu làm bằng đá, nóc nhà chất đầy cỏ, xung quanh trữ phân bò. Mùi cỏ đốt phảng phất trong gió thân thuộc như quê nhà làm tôi phấn chấn hẳn. Xa xa văng vẳng tiếng chuông. Bullshot bảo, đó là tiếng chuông ngựa của đoàn - nghĩa là tôi đã đến được đích ngày đầu tiên.
Trời sụp tối nhanh, gió lạnh và nhiệt độ xuống bất ngờ làm tôi và các thành viên cuối đoàn nhanh chóng đuối sức. Thấy được ánh đèn của khu vực cắm trại ngay trước mắt nhưng những đôi chân mỏi mệt và lạnh cóng lê lết mãi không tới. Vị trí độ cao hiện tại là 4.100m, trong khi độ cao nhất của cung trek đến 5.200m.
Ngày thứ hai là ngày khó khăn nhất, đường dài và chúng tôi phải leo dốc liên tục để chinh phục đỉnh 4.900m tại Ganda La Pass. Bullshot luôn nhẫn nại và động viên người cuối cùng trong hành trình chinh phục độ cao. Sau năm tiếng, tôi cũng chạm đến đỉnh Ganda La Pass. Từ đây phóng tầm nhìn xuống toàn bộ cao nguyên là một bức tranh tuyệt đẹp như món quà lớn cho sự nỗ lực của các thành viên trong đoàn: bầu trời trong xanh thăm thẳm; xa xa là những dãy núi với các sắc màu đỏ, tía, vàng ửng dưới nắng trưa; cao nguyên đầy đá chen lẫn với những bụi cây và mảng cỏ xanh rì trải dài ngút ngàn. Mở phần ăn trưa được chuẩn bị sẵn, tôi nhấm nháp chocolate cho lại sức, cố gắng ghi lại từng khoảnh khắc đẹp nhất từ đỉnh cao, lòng bình yên đến lạ kỳ.
Một lão nông người Tạng
Đoạn đường từ Shingo đến Skyu đẹp như mơ. Chúng tôi đi dọc theo những hẻm núi, băng suối, len lỏi giữa những bụi cây dại trĩu quả. Skyu là một làng nhỏ với tầm khoảng 10 mái nhà cùng một tu viện nằm chót vót trên đỉnh đèo nhỏ. Chúng tôi ngâm chân trong dòng nước lạnh, lòng rối bời không biết liệu những ngày tiếp theo có thể chinh phục được sự khắc nghiệt của tự nhiên, trong hoàn cảnh hoàn toàn không kết nối được thế giới bên ngoài.
Bình yên ở Thung lũng Markha
Chúng tôi bắt đầu tiến vào thung lũng Markha đang vào mùa gặt. Màu vàng của những cánh đồng lúa mạch tràn ngập xen lẫn màu vàng đỏ của những vách núi đá cao chót vót, trên cùng là bầu trời xanh dương phủ tràn tất cả. Những tiếng chào “Juleh” vui vẻ vang lên. Chúng tôi đứng ngây người nhìn người dân làm việc, ngắm bầy la nhẩn nha gặm cỏ...
Markha mùa gặt
Ngày kế tiếp vẫn những cánh đồng vàng rực, vẫn những lần lên dốc ngộp thở, cheo leo một bên là vách núi, một bên là vực trơ sỏi của dòng sông mùa cạn nước. Đôi khi chúng tôi phải né những cơn mưa đá ập xuống từ trên cao do nhiều bầy sơn dương di chuyển trên triền núi. Những cây táo trĩu quả dọc đường cho khách phương xa chút niềm vui nho nhỏ. Nắng vẫn như đổ lửa trên đỉnh đầu, gió lạnh thổi xuyên qua lớp áo gió, tám con người nối tiếp nhau đi theo dấu phân lừa và tiếng chuông ngựa để đến đích mỗi ngày.
Ngày cuối của cung trek cũng là ngày chinh phục điểm cao nhất hành trình: 5.200m và thật kỳ lạ, đỉnh cao này là nơi duy nhất có sóng điện thoại của toàn vùng. Chặng xuống, chúng tôi quyết định thử tài leo trèo qua những tảng đá to bằng cách đi dưới lòng suối cạn nước. Thung lũng Markha dần khép lại sau những khúc quanh của suối. Điểm tập kết cuối cùng bất ngờ xuất hiện trước mắt. Khi tôi tần ngần đặt cây gậy đã theo mình suốt hành trình bảy ngày dưới gốc cây to, mưa bất giác rơi nặng hạt, nhìn về phía sau là một màn mưa trắng xóa che lấp tất cả.
Tìm bình yên trong không gian Phật giáo Tây Tạng
Hầu hết dân sinh sống tại Leh và dọc theo thung lũng Markha là dân tộc Tạng. Có lẽ bởi thế nên Phật giáo Tây Tạng ảnh hưởng đậm nét lên toàn bộ văn hóa nơi đây.
Mani wall
Ấn tượng nhất đối với tôi là những mani wall và stupa dọc đường đi. Mani wall là những bức tường cao khoảng hơn 1m, rộng chừng 1m và chiều dài khoảng 2m cho đến cả chục mét được xếp đầy bằng những hòn đá hay phiến đá to khắc những câu chú mantra. Đây là một trong những hình thức cầu nguyện của Phật giáo Tây Tạng. Người đi sau thường đặt thêm một viên đá có khắc chữ hoặc chỉ đơn giản là viên đá nhỏ xếp chồng lên những viên đá có sẵn. Kế tiếp mani wall thường sẽ là những stupa được sơn ba màu xanh dương, trắng và vàng, tượng trưng cho ba vị phật bảo vệ dân làng.
Khi bạn thấy hai cột cờ cao chót vót treo cờ lungta, đó là dấu hiệu cho biết đây là lãnh địa một bản làng nhỏ. Hãy tìm ngôi nhà chứa cối kinh luân sa khổng lồ cao tầm 0,8m cho đến 2m nằm gần cuối làng, đi vòng xoay cối kinh và niệm mantra, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên trong tâm hồn.
Bài và ảnh: Cúc Phương
Để chuyến đi hoàn hảo
- Cần lưu ý đến chứng sốc độ cao tại Leh. Khi có triệu chứng sốc độ cao nặng, bạn nên vào bệnh viện thở ô-xy và nghỉ ngơi một đêm. Uống trà đường nóng mỗi sáng ngay khi thức dậy là phương pháp rất hiệu quả giúp bạn xua tan chứng nhức đầu do thiếu ô-xy.
- Món ăn tại đây chủ yếu là các loại củ và cà ri. Nếu lo lắng về việc không hợp khẩu vị, bạn nên đem theo các thực phẩm khô từ Việt Nam.
- Có hơn 400 nhà cung cấp tour chuyên nghiệp tại Leh và luôn luôn có những bảng quảng cáo cần người ghép tour từ các du khách lẻ hằng ngày.
- Chọn Roadtrip và Motorbike trip sẽ giúp bạn có nhiều lựa chọn khám phá những vùng đất xa như sa mạc Nubra, hồ Pagong, đèo Khardung La...