edf40wrjww2tblPage:Content
Trước mắt chúng tôi, một dãy hàng rào B40, đằng sau là tập thể nữ bệnh nhân tâm thần trẻ già, lớn bé vừa nói năng xì xào, vừa lọng ngọng hát hò.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phượng
Nhìn gương mặt lúc ngờ nghệch, khi hân hoan và nhất là các câu nói ào ào tuôn ra như ong vỡ tổ, tôi nhói lòng. Họ đang sống trong một thế giới khác, thế giới của sự hoang tưởng, sống cách biệt trong Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức (TP.HCM).
Bác sĩ Nguyễn Thị Phượng hỏi: “Anh đã nhìn thấy các cô hộ lý, y - bác sĩ trẻ rồi à? Chính họ là người trực tiếp sinh hoạt, điều trị các bệnh nhân đó anh”. Tôi không thể tưởng tượng nổi, cả hàng trăm bệnh nhân tỉnh tỉnh mê mê ấy đã được các chị khám bệnh, tắm rửa, lo ăn uống, an ủi từ ngày này qua tháng nọ, có người đã công tác ở đây hơn 20 năm trời.
Bác sĩ Phượng bộc bạch: “Niềm vui lớn nhất của chị em chúng tôi là khi bệnh nhân lành bệnh, được trở về với gia đình”. Ngày nọ, Đỗ Văn Lâm được đưa vào Trung tâm đã lâu, thường không nói không rằng, chỉ cất tiếng ú ớ, bỗng dưng anh cất tiếng: “Các bác sĩ ơi! Em Ngọc tiêu chảy”. Mọi người ồ lên kinh ngạc, rồi dần dà tâm tình hỏi chuyện, anh nhát gừng cho biết quê quán ở ấp Tân Hưng, xã Tân Hòa (TP. Vĩnh Long). Lập tức Trung tâm gửi thư báo tin theo địa chỉ mà anh nhớ nhớ quên quên. Nghe tin, ba mẹ anh tất tả tìm đến tận nơi và cho biết, hơn 20 năm qua gia đình đã lập bàn thờ bởi ai cũng bảo anh hy sinh ở chiến trường K. Sự trùng phùng này là một trong nhiều trường hợp khiến các nữ y sĩ, bác sĩ mừng rơi nước mắt vì “không ít người trở về cộng đồng, nhưng sau đó họ lại quay lại đây bởi họ không tìm được sự cảm thông, chia sẻ”, Giám đốc Bùi Văn Xây thổ lộ.
Điều dưỡng Kim Loan
Hiện nay, Trung tâm có gần 1.300 bệnh nhân, khẩu phần ăn của mỗi người chỉ 650.000đ/tháng. Lương của các nữ y - bác sĩ cũng không nhiều nhặn gì, nhưng các chị phải gánh lấy nhiều áp lực từ phía người bệnh: lúc nửa khuya nổi chứng la hét, khi bỏ ăn, bất hợp tác trong điều trị hoặc tự hủy hoại mình một cách vô thức...
Áp lực còn cả trong đời riêng nữa, một nữ bác sĩ buồn bã: “Báo Phụ Nữ có thể can thiệp giúp tôi không?”. Chuyện là, do chị yêu nghề nhưng người chồng không cảm thông nên nằng nặc đòi ly hôn. “Nhưng nếu mình bỏ cuộc, ai sẽ chăm nom bệnh nhân?”, đôi mắt chị xa xăm...
Thử tưởng tượng, trước mắt bạn là các cụ già gần đất xa trời, nói không ra hơi, di chuyển trên xe lăn phải có người đẩy. Các cụ đều mang nhiều bệnh như rối loạn thần kinh, lú lẫn, tiểu đường, bại liệt… Hằng ngày, các cụ nằm trên chiếc giường bốn bề có những thanh ngang để không lăn xuống đất. Ánh mắt các cụ chất chứa một nỗi buồn thăm thẳm. Do không nơi nương tựa, lang thang ngoài xã hội nên các cụ được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM). Có gần 300 cụ già đang được nuôi dưỡng, khẩu phần ăn chỉ 10.000đ/ngày.
Thật khó hình dung công việc mỗi ngày của những nữ y - bác sĩ trẻ: bồng bế đưa từng cụ đi tắm rửa, vệ sinh, rồi xoa bóp, đút cơm. Mỗi người có trách nhiệm chăm lo cho khoảng 10 cụ. Với đấng sinh thành lúc bệnh hoạn, ta có thể chăm sóc mỗi ngày nhưng với người xa lạ thì sao? Chị Kim Loan thủ thỉ: “Chăm sóc các cụ không dễ dàng bởi trái tính trái nết, khó tính, cáu gắt luôn. Mình cứ nghĩ như đang chăm sóc bố mẹ mình là được”. Nghe thương quá! Sau thời gian gần gũi, chăm sóc, các cụ cũng tỏ ra quyến luyến, yêu thương các chị như con vậy. Đôi khi chỉ một câu nói cũng làm các chị ấm lòng. “Lần nọ, đút cơm xong, có cụ thốt lên: “Em cám ơn chị lắm”, lúc ấy muốn ứa nước mắt”. Chị Võ Thị Thiết đã sáu năm công tác nơi này nhớ lại.
Công việc hàng ngày của chị Võ Thị Tuyết, điều dưỡng của Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc - Ảnh : Phùng Huy
Mỗi ngày chỉ 10.000đ/mỗi cụ, ta có thể mua được gì? Do đó, cũng như các Trung tâm khác, ngoài chế độ Nhà nước cấp hàng tháng, nơi này phải vận động thêm từ các nhà hảo tâm. Nếu ai đó đã vào nơi này, hẳn cũng động lòng trắc ẩn và muốn san sớt những gì mình đang có...
Giữa trưa đứng bóng, khi đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, chúng tôi vẫn nghe tiếng gào khóc của trẻ em. Đó là các em bé bị khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, bại não, hội chứng Down, não úng thủy, thiếu chi, đục giác mạc… Chị Tạ Thị Minh cho biết: “Lúc các em lên cơn, chúng tôi phải tạm thời trói tay các em lại, ngồi bên cạnh vuốt ve, an ủi nếu không có em sẽ đập đầu xuống đất nguy hiểm tính mạng. Qua giây phút ấy, các em lại hiền khô à”.
Làm công việc này không dễ dàng. “Phải nhẫn nại và đối xử, yêu thương các em như con”, chị Nguyễn Thị Lan Thanh tâm sự. Nghe thì dễ nhưng đây là một thử thách ghê gớm. Có tiếp xúc với các em mới biết đó là một kỳ công, bởi hầu hết các em không ý thức được việc làm của mình. Chị Thanh đã có 24 năm làm việc nơi này, kể: “Có lúc bận rộn quá, đi ngang qua mà không xoa đầu, hỏi han là các em ú ớ gọi lại như hờn trách”.
Hằng ngày, các chị phải bồng bế, tắm rửa, tắm nắng, đút ăn và luôn hy vọng ngày mai sức khỏe của các em sẽ khá hơn. “Sau những ngày dạy phát âm, mang giày dép, đi đứng… chỉ cần các em hiểu ý và làm theo lời dạy là mừng lắm”, chị Minh biểu lộ niềm vui ấy rất chân thành.
Chăm sóc trẻ chậm phát triển tại TT Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ mồ côi Thị Nghè
Tại sao trong cuộc đời còn có những tấm lòng cao thượng đến thế? Không hẹn mà gặp, câu trả lời chung của các chị mà tôi nghe được vẫn là “tình thương”. Tình thương đã níu giữ các chị ở lại và tận tụy, chu đáo từng ngày với một thế giới mà cộng đồng đã có người ngại ngùng, thậm chí ghẻ lạnh, xa lánh. Trong bài viết này, sở dĩ nêu rõ khẩu phần ăn người bệnh ở các trung tâm, vì chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những tấm lòng từ thiện san sẻ, chia sớt với các cảnh ngộ đáng thương.
Nhìn các nữ y - bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý tiếp sức sống cho bệnh nhân, tôi nghĩ chính các chị là những cô tiên từ cổ tích đã bước vào đời. Dù không có phép màu nhưng họ đã làm nên nhiều điều kỳ diệu chính bằng tình thương. Cuộc đời này vẫn còn nhiều lòng tốt, nhiều hy sinh thầm lặng, không tuyên ngôn, ngoa ngôn ồn ào nhưng thật sự hữu ích cho cộng đồng biết bao!
Lê Minh Quốc
Nhân kỷ niệm 104 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (1910 - 2014), ngày 5/3, Báo Phụ Nữ tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho 100 nữ điều dưỡng, hộ lý đang chăm sóc các trẻ em, bệnh nhân tại các Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc và Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức (ảnh). Cũng dịp này, ngày 6/3, Báo Phụ Nữ tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về Mái ấm gia đình và tặng quà cho 130 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Cái Răng, TP. Cần Thơ. Những chương trình thiện nguyện này do Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi; Công ty CPHH Vedan tài trợ. Vũ Châu |