Sống hết mình cho ước mơ, dù gặp không ít khó khăn trên bước đường khởi nghiệp nhưng họ luôn là những ngọn lửa bừng cháy và truyền cảm hứng cho mọi người.
Một kiến trúc sư đàn anh đã từng nói thẳng: “con gái không làm được nghề này đâu. Lại càng không làm được kiến trúc sư ngành giải trí - công cộng”. Ôm câu nói ấy, Phạm Phan Uyển Đan (Tổng giám đốc Công ty Thiết kế nội thất DAAN Interior) từng ngày cố gắng chứng minh, phản biện và đứng vững với nghề.
|
Phạm Phan Uyển Đan - Tổng giám đốc Công ty Thiết kế nội thất DAAN Interior |
Một mình trên đường dài
28 tuổi, mở công ty riêng chuyên về thiết kế nội thất đã gần ba năm, trông Uyển Đan vẫn nhỏ nhắn, bé bỏng như cô sinh viên. Nhưng khi ngồi trò chuyện cùng Đan, điện thoại reo liên tục; chứng kiến cô xử lý, điều hành công ty, thoắt cái trông Đan thật chững chạc, trưởng thành.
Kể về nghề, cô gái người Biên Hòa này say sưa một tình yêu nồng cháy. Từ nhỏ, Uyển Đan đã có thiên hướng yêu thích việc xây nhà bằng bao diêm và vỏ thuốc lá. Ba mẹ sớm phát hiện, bồi dưỡng ước mơ cho cô con gái duy nhất bằng cách cho đi học vẽ. Đến năm lớp 8, Đan chính thức xác định mình sẽ trở thành kiến trúc sư. Và đến năm thứ hai đại học, Uyển Đan chợt nhận ra rằng những đồ án trong trường mang tính lý thuyết và quá vĩ mô như công trình bảo tàng, nhà hát… nhưng khi đi làm, thực tế chắc chắn sẽ không gặp được những dự án lớn như vậy, cô quyết định đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Rồi khi đi làm, Đan lại nhận ra rằng mỗi cá nhân chỉ đảm nhiệm một bộ phận trong tổng thể một công trình, ví dụ người chuyên ngồi ghế triển khai, người thì viết ý tưởng concept, người vẽ phối cảnh 3D… và sẽ mất vài năm kinh nghiệm để trở thành trưởng phòng hay còn gọi là chủ trì dự án. Từ đây, Đan quyết vạch ra hướng đi trong tương lai - nhất định phải mở công ty riêng, vì chỉ khi làm được điều đó cô mới có thể tự chủ và biến tất cả những thứ trên bản vẽ của mình thành một công trình sống thật sự
Bắt tay vào hiện thực hóa giấc mơ, Đan quyết tâm đốt cháy giai đoạn. Mỗi ngày ngoài giờ lên lớp, đi làm thêm, cô chỉ ngủ khoảng bốn-năm tiếng, dành hết thời gian cho việc tìm hiểu lý thuyết và bắt tay thực hành trên những công trình làm khoán sản phẩm, ròng rã mấy năm trời. Nhưng đến năm thứ năm đại học, giám đốc của công ty Đan đang làm thêm và cũng là một đàn anh già dặn trong nghề kiến trúc nói với cô gọn lỏn: “Em nên bỏ nghề đi!”.
Cô gái trẻ đã sốc thật sự. Từng một mình chủ trì thiết kế cả một công trình, giờ anh ấy lại yêu cầu Đan chỉ tập trung vẽ từng cái bàn, cái ghế. Bảy tháng chịu khó chỉ ngồi vẽ từng thứ nhỏ nhặt, cô bàng hoàng nhận ra mình đã hoàn toàn không hiểu mấu chốt chân bàn liên kết với mặt bàn như thế nào để có phương án vẽ đỡ tốn gỗ. Bấy lâu cô cứ vẽ cho bằng thích và “làm khó” các bác thợ thi công. Thật ra, một người thiết kế thông minh sẽ biết tính toán thiết kế vật dụng nội thất sao cho không bị lỡ khổ ván, lãng phí nguyên vật liệu. Và người đàn anh ấy đã dạy cô kiến trúc sư tương lai bài học cần phải hãm cái tôi, phải rèn luyện từ những chi tiết nhỏ nhất…
Một công việc nhàn, lương cao ở công ty bạn của ba mẹ đang chờ đợi Uyển Đan ở quê nhà. Nhưng vì muốn phát triển sự nghiệp với mảng giải trí - công cộng, nên Đan quyết định một thân một mình lập nghiệp ở Sài Gòn. Ba mẹ đã không mấy đồng tình vì cái tính ngang bướng và lo tuổi trẻ xốc nổi “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”. Vì thế, trong lúc xa gia đình, những khi gặp khó khăn, vất vả trong công việc, Đan chỉ cắn chặt răng, phần sợ ba mẹ lo lắng, phần khác vì đây là lựa chọn của mình nên phải tự chịu trách nhiệm.
Cô vẫn còn nhớ mãi cú sốc đầu đời cách đây hai năm: hơn bốn tiếng đồng hồ, từ 19g, nghe nhà đầu tư gọi ra công trình nhận nốt tiền thanh toán đợt cuối, Đan mừng quíu, chân xỏ vội đôi dép, không kịp mang bốt chuyên dụng. Trời mưa, bụng đói, bóng đèn đường hắt xuống chiếc bóng nhỏ xíu của Đan. Cô nhất quyết phải chờ để lấy tiền cho bằng được, vì sau lưng cô, những người thợ đang đứng chờ. Nói thợ về trước, mai cô sẽ trả lương, họ trả lời: “Lương hôm sau nhận cũng được, bọn anh đứng đây là vì lo lắng cho sự an toàn của Đan. Khi nào Đan về đến nhà bọn anh mới yên tâm”. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc hôm qua, con trai của người chủ đầu tư đã đặt thêm hàng khi xem trình duyệt mẫu của cô. Vậy mà khi cô đến nhận tiền tạm ứng đã bị họ mắng: “Dụ dỗ con tôi hay sao mà nó lại đặt thêm hàng?”.
|
Cô tổng giám đốc luôn lăn xả vào công việc |
Và sáng tinh mơ hôm sau, cô lại tiếp tục nhận được điện thoại của người khách hàng ấy mắng vốn, kiếm chuyện. Bức xúc, Đan đã trả lời hơi gay gắt. Giờ đây khi đứng mấy tiếng đồng hồ trong đêm lạnh thế này, cô cảm thấy rất uất ức. Quyết tâm mình phải thành công trong thời gian ngắn nhất, nhanh nhất để không bao giờ bị bắt nạt, chèn ép như vậy nữa. Cô cũng tự trách mình không biết nén cơn giận, nếu xử lý khôn khéo hơn thì những nhân viên cấp dưới giờ đây đã không bị liên lụy… Và khi cầm được tiền trên tay, cô con một trong gia đình no đủ cảm thấy như bị chà đạp. Lần đầu tiên cô cảm thấy cầm tiền của người khác nặng nề, vất vả đến vậy. Về ôm gối khóc ròng. Chỉ một lần duy nhất như thế. Sau này, dù có xảy ra chuyện gì, cô vẫn cố gắng chịu đựng, một mình dấn bước trong cái nghề - không - dành - cho - phụ - nữ.
Một mình trên đường dài, nửa đêm vẫn còn ở công trình, giữa khuya phải đích thân ra ký nhận bảo lãnh trong hệ thống tòa cao ốc, những lúc ấy Uyển Đan không tránh khỏi cảm thấy tủi thân. Nhưng cô chấp nhận đánh đổi, để đi được đến tận cùng của đam mê và khát vọng. Bởi nghề kiến trúc xây dựng không phải là một sân khấu dành cho ca sĩ trình diễn. Đây là ngành nghề của một cuộc thập tự chinh mà họ phải luôn chiến đấu một cách bền bỉ.
Cà phê Souvenir ở Dinh Độc Lập, karaoke Hồ Tràm, các hệ thống karaoke lớn, chuỗi cà phê và quán bar của Sài Gòn… đấy là những công trình lớn Uyển Đan tự hào đã mang dấu ấn của cô. Cô luôn ghi nhớ lời một vị thầy đã dạy: “Tấc đất tấc vàng”. Chính vì vậy, một kiến trúc sư thực thụ là phải luôn cố gắng cải tạo những không gian cũ dựa trên phần cứng có sẵn, để hạn chế chi phí đập phá, tháo dỡ. Nỗi khổ tâm nhất của một người kinh doanh đó là kinh doanh nghệ thuật. Cô luôn giằng xé trong sự dung hòa giữa cái tôi nghệ sĩ và yêu cầu khắc nghiệt của khách hàng: chi phí đầu tư thấp mà vẫn đạt hiệu quả thẩm mỹ, thi công thời gian ngắn.
Cha mẹ là cánh chim, cho con bay thật xa...
Những năm tháng học phổ thông, mỗi cuối tuần ba mẹ Đan lại thay phiên nhau chở con gái vượt 35km từ Biên Hòa lên Sài Gòn học vẽ. Những hôm trời mưa lớn, quần áo thấm nước lạnh nhưng vẫn ngồi co ro chờ con học mấy tiếng đồng hồ, rồi lại chở về. Mỗi khi xe dừng lại trước cổng trường Đại học Kiến trúc, nhìn những sinh viên tay xách nách mang đồ án mô hình, mắt cha mẹ rực sáng. Chính vì ánh mắt khát khao ấy mà năm đầu tiên thi trượt Đại học Kiến trúc, Uyển Đan đã quyết tâm ôn thi lại.
Ba cô là kỹ sư phóng đường, thường xuyên đi làm việc xa. Ấn tượng nhất về ba chính là những cuối tuần về nhà, ông lại vào bếp, không nề hà bất cứ chuyện gì, miễn sao vun vén cho nhà cửa tươm tất. Và, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, ông đã gác lại tất cả, tìm công việc khác để có thể dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn. Thương ba, Uyển Đan quyết định hoàn thành tiếp ước mơ của ba. Cô được nuôi dạy bằng những câu chuyện kể lặp đi lặp lại về hành trình sống thiếu thốn, cực khổ, thăng trầm của ba mẹ.
“Những vấp ngã ấy kể cho con nghe, để con sẽ không đi qua giai đoạn hai mươi mấy năm của ba mẹ, mà bước tiếp cuộc đời còn lại…”, chính vì câu nói ấy mà Đan ý thức rõ mình chính là kỳ vọng, ước mơ của hai đấng sinh thành. Khi tâm sự với mẹ việc đàn anh khuyên nên bỏ nghề, mẹ ôm Đan vào lòng: “Chim lớn phải sổ lồng. Cha mẹ không bao bọc mãi được. Con phải học chữ nhẫn - nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục. Và dù làm việc gì cũng phải quyết đoán, nhưng con đừng dồn ai vào bước đường cùng… bởi quy luật của cuộc đời là cá ăn kiến, cũng có lúc kiến ăn cá, mình khó với người - người khó với mình”
Hỏi Đan, vì sao tên công ty lại là “DAAN”? “Đó là ý tưởng của một người bạn, tên công ty cũng chính là tên em, nhưng thêm một chữ A để đứng cho vững, hai cái giá vẽ song hành trong cuộc đời”- Đan giải thích. Yếu thế vì là nữ, Uyển Đan phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác để biến điểm yếu thành điểm mạnh. Chính vì thế, thời gian dành cho bản thân không còn nhiều, nhưng cô tự hào việc quản lý rất tốt khoảng riêng tư ấy.
Mọi thứ chỉ mới là bước đầu với cô kiến trúc sư nhỏ nhắn luôn mang vác trên vai những nhiệm vụ nặng nề. Cô còn vẽ tiếp giấc mơ, muốn trở thành giảng viên vì tuổi đời nữ kiến trúc sư khá ngắn do bị chi phối về sức khỏe, tuổi tác, gia đình. Yêu đời, yêu người, mỗi sáng thức giấc thấy mình phấn chấn, có người thân bên cạnh, làm công việc yêu thích, với Uyển Đan, ấy là hạnh phúc!
Khánh Thủy