|
Thi Anh Đào |
Sáng lập Emerald - thương hiệu tiếp thị số hàng đầu Việt Nam - từ năm 24 tuổi, 28 tuổi lại đưa công ty tiếp cận với giới truyền thông quốc tế, rồi chính thức gia nhập Isobar (Công ty tiếp thị số toàn cầu thuộc Dentsu Aegis Network, với hơn 70 trụ sở trên 45 quốc gia) hai năm sau đó, Thi Anh Đào đã trở thành “hiện tượng” thường xuyên được nhắc đến trong làn sóng khởi nghiệp gần đây ở Việt Nam…
Phóng viên: Thưa chị, khi chứng kiến sự lớn mạnh của Emerald, người ta khó mà tin rằng giám đốc điều hành của nó lại là một cô gái trẻ. Chị có bao giờ ngỡ ngàng vì chính đứa con tinh thần của mình?
Chị Thi Anh Đào: Thực ra, Emerald, hay bây giờ là Isobar Việt Nam là đứa con tinh thần của tôi cùng anh Nguyễn Khoa Hồng Thành - người đồng sáng lập, bạn đường và trong hơn hai năm gần đây là... bạn đời của tôi (cười). Quả thực, giai đoạn sáng lập cũng nhiều mộng ước, nhưng ngày ngồi trên chuyến bay sang Singapore để bàn chuyện sáp nhập theo lời mời của tập đoàn Dentsu Aegis Network, tôi đã nâng ly rượu vang trên tay mà nói với anh Thành: “Em thề là lúc mở công ty, em không hề nghĩ sẽ có ngày này”. Dù cách đó bốn năm thôi, lúc đang nói về việc mở công ty, khi anh Thành chia sẻ rằng “anh thấy hơi lo”, tôi đã lấy hết can đảm mà tuyên bố: “Em nghĩ mình chắc chắn sẽ thành công”. Nghĩ lại lúc ấy thật là “nông nổi” và “can đảm đầy mình” (cười).
* Giữa năm 2009, điều gì khiến chị liều mình bước vào tiếp thị số - một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam thời điểm ấy?
- Khi nói về động lực ra đời của Emerald, thì cũng như đang nói về nguồn cơn của mọi lựa chọn và quyết định cuộc đời của tôi, cho tới thời điểm này - nó liều lĩnh và... lãng mạn sao đó. Từ nhỏ, tôi đã là một đứa khá “nhoi”. Thời học lớp 11 ở trường Lê Hồng Phong, tôi đã tham gia cùng bạn bè… buôn điện thoại cũ. Thời học đại học ở Học viện Quan hệ quốc tế Hà Nội, tôi vận động lập ra Ban Tuyên truyền chuyên phụ trách truyền thông các hoạt động cho sinh viên, rồi lại phụ trách cả Ban Tài trợ chuyên đi liên hệ tìm tài trợ cho hoạt động của Ban Tuyên truyền.
Ra trường, tôi làm tự do trong ngành truyền thông và chạm ngõ với thế giới tiếp thị. Đến khi đi du học ở Anh, nhận thấy thế giới có quá nhiều mô hình tiếp thị hiện đại và ưu việt, tôi đã nghĩ ngay đến việc mang chúng về Việt Nam. Tôi muốn thực hiện một mô hình truyền thông đồng hành với đối tác từ chiến lược kinh doanh, trong phương thức phát triển bền vững chứ không đơn thuần là cung ứng những dịch vụ tiếp thị thông thường. Chỉ với niềm tin đó, 60 triệu vay từ gia đình, cô gái 24 tuổi đời và chàng trai 28 tuổi đã lập nên Emerald. Vậy chẳng phải liều lĩnh thì là gì? (cười lớn).
* Thế còn lãng mạn?
- Emerald là một dự án tình yêu của chúng tôi. Trong gần một năm làm freelance cùng nhau, có những đêm ngồi trước nhà hát TP sau sự kiện, tôi từng tâm sự với anh Thành về sự ngưỡng mộ của mình đối với một cặp vợ chồng doanh nhân khi nhìn họ khởi nghiệp, cùng nhau phát triển công ty. Không ngờ, anh Thành lại ghi nhớ chi tiết ấy để đến khi yêu nhau lại quyết tâm “cùng nhau làm điều gì đó”. Emerald chính là điều ấy.
* Emerald đã phát triển rất nhanh. Sự phát triển ấy tạo cảm giác chị hầu như không có thời gian nào để... thất bại?
- Dĩ nhiên tôi có thất bại, cùng rất nhiều bài học. Ngay trước Emerald, tôi, anh Thành và ba người bạn khác nữa thành lập một công ty truyền thông không kém lý tưởng. Lũ chúng tôi khi ấy đều tự hào “đồng đội” mình toàn những người giỏi, nhưng rồi với nhiều trục trặc do thiếu kinh nghiệm, chúng tôi tuyên bố phá sản.
Lúc mới thành lập Emerald, tôi chỉ quản lý công ty gián tiếp vì đang học cao học ở Anh. Tốt nghiệp, về Việt Nam, tôi va chạm với một guồng quay công việc quá lạ lẫm trong chính công ty mình đã lập ra. Chúng tôi quá khác biệt: anh Thành kiên nhẫn, tình cảm; tôi bộc trực, thẳng thắn, lại đam mê cái mới. Mọi nỗ lực của tôi lúc ấy như bị bật tung ra khỏi guồng quay công việc đã vận hành theo cách của anh bấy lâu. Sự bất đồng trong công việc khiến mối quan hệ của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Tôi hoàn toàn lạc loài, rồi dần rơi vào trạng thái “bi kịch hóa vấn đề”. Tôi tự hỏi: “Mình khởi nghiệp để làm gì? Tại sao mình không làm cho một công ty lớn, nhận lương cao, rồi sống cuộc đời phóng khoáng như những cô gái 25 tuổi khác?”...
* Quả thực, mãi đến giai đoạn khủng hoảng ấy mới thấy chị bộc lộ những nét “nữ nhi thường tình”...
- Đúng vậy, tôi nhận thấy trong mỗi người phụ nữ đều có một người đàn ông, và trong mỗi người đàn ông lại có một người phụ nữ. Tùy tính cách và hoàn cảnh mà mỗi người để con-người-khác-phái trong mình bộc lộ nhiều hay ít. Nhưng, khi làm một người phụ nữ khởi nghiệp thì bạn buộc phải đánh thức người đàn ông trong mình dậy, đôi khi là để... tự làm người đàn ông của chính mình. Rồi, khi gặp trục trặc, tâm lý bi kịch hóa vấn đề, tự thấy mình bất hạnh... là những phản ứng tự vệ thường thấy ở phụ nữ. Nhưng vấn đề lúc ấy đâu phải tôi là đàn ông hay phụ nữ. Vấn đề nằm ở chỗ tôi đang khởi nghiệp, tôi có cam kết với cả một công ty do tôi cùng người đồng hành lập ra, tôi buộc phải vượt ra mọi vấn đề của một người nam hay người nữ mà hành xử đúng cho vị thế của mình.
* Nhận thức được vị thế, rồi “vượt ra” khỏi những phản ứng thường tình để “hành xử cho đúng” không chỉ là chuyện khởi nghiệp, mà còn là câu chuyện mà mỗi người phải nỗ lực từng ngày. Với chị, đó hẳn không phải là chuyện chớp mắt mà thành?
- Thực ra, cảm giác tồi tệ trong tôi đến từ nhiều nguyên nhân. Tôi rất gắn bó với ba. Ba mất khi tôi sắp hoàn thành khóa cao học ở Anh. Từng “xa” ba một lần khi ba mẹ ly thân, lúc mất ba mãi mãi, tôi nghĩ mình quá bất hạnh. Từng chứng kiến tình cha con của tôi, nhiều người khi ấy đã lo ngại rằng tôi sẽ bỏ học, sẽ suy sụp. Rồi khi đã hoàn thành chương trình cao học, sự mất mát ấy lại bao phủ khi tôi đối mặt với trục trặc trong công việc. “Nếu có ba lúc này, mọi chuyện chẳng phải đã rất dễ dàng sao?”, “Tại sao cuộc đời lại dần lấy đi của tôi điều đẹp đẽ nhất?” - tôi vùi mình trong những bất bình kiểu ấy.
Giai đoạn ấy, tình yêu của tôi cũng trục trặc. Tôi bắt đầu nhìn sang và so sánh mình với những người bạn cũng giỏi giang nhưng đang sống thong thả hơn chỉ vì... không khởi nghiệp. Cứ thế, tôi như vơi dần sức mạnh để đứng dậy. Khi ấy, một người đàn anh đã thức tỉnh tôi khi chia sẻ rằng “người được ăn học tử tế, biết đúng biết sai thì sẽ sống và phát triển được trong nghịch cảnh”. Rồi tôi nhớ ba, trong những cuộc trò chuyện cùng tôi đã nhắc đi nhắc lại rằng: “Cuộc đời là biển cả, ai không bơi sẽ chìm”. Tôi nhận ra rằng: mình phải bơi!
* “Cảm thấy bất hạnh” là phản ứng quen thuộc của con người trong nghịch cảnh. Chị đã vượt qua nó bằng cách nào?
- Đúng là khi mình nhận thức đầy đủ về thực tại, mình sẽ thấy mọi thứ không còn là bất hạnh nữa. Thân phận, gia đình, giới tính... là những dữ kiện cuộc đời mà bạn không được lựa chọn. Và rồi bạn ứng xử với nó theo cách mà bạn được toàn quyền lựa chọn. Tôi không thể xem việc mình mất cha sớm, mình khởi nghiệp trong điều kiện của một phụ nữ là một bất hạnh. Nguyên nhân của những trục trặc không nằm ở đó. Mọi thứ đều phụ thuộc vào bản thân tôi, với khả năng nhận thức và năng lực của chính tôi. Chừng nào còn đổ lỗi cho hoàn cảnh, còn đẩy nguyên nhân ra khỏi bản thân mình, chúng ta sẽ không đủ động lực để vượt qua thử thách.
* “Một người phụ nữ khởi nghiệp, làm nên nghiệp lớn để làm gì?” - câu hỏi nảy ra trong khủng hoảng đó, chị đã trả lời như thế nào?
- Để tự chủ. Tôi biết, hiện tại, phụ nữ vẫn được xã hội quy phần lớn trách nhiệm trong gia đình, vậy nên những giá trị họ tạo ra trong công việc thường không được đánh giá cao. “Phụ nữ làm nên nghiệp lớn để làm gì?” cũng là một trăn trở nằm trong cái quán tính đánh giá phụ nữ theo kiểu truyền thống. Một người phụ nữ sống giữa một nền văn hóa còn nhiều định kiến thì càng phải tự chủ và dũng cảm. Khởi nghiệp cũng giống như mọi lựa chọn nghề nghiệp. Khác ở chỗ, nó cho con người cơ hội để phát hiện, phát triển bản thân và tự chủ trong cuộc sống với một tốc độ chóng mặt.
Đứng trước nỗ lực của một người phụ nữ, người hiểu biết sẽ quan tâm xem “họ có thể làm được gì” chứ không phải “họ làm điều đó để làm gì” - đó là một câu hỏi không tích cực và có phần phủ định. Tôi tin rằng, niềm vui đến từ sự khám phá bản thân, phát triển và tự hào về bản thân là một niềm vui sống bền vững nhất của mọi người, trong đó có phụ nữ. Niềm vui đó có thể đến từ những trải nghiệm trong gia đình, hoặc trong công việc; hoặc cả gia đình và công việc. Vấn đề là người phụ nữ cần lắng nghe để biết được thiên hướng thực sự của mình là gì.
Có thể nói, may mắn lớn nhất của tôi là đã tìm được một người bạn đồng hành tuyệt vời trong cả công việc lẫn gia đình - một người đủ hiểu biết và tình cảm để chia sẻ cùng tôi những “chênh lệch” giữa gia đình của một nữ doanh nhân và một người vợ làm một nghề nghiệp khác. Có những tuần tôi liên tục về nhà sau 11g đêm, anh sẵn sàng chăm lo cho con. Trong công việc lẫn cuộc sống, tôi tò mò và ham trải nghiệm tới mức có thể trở nên… “quái đản” trong mắt người khác; nhưng anh luôn hiểu, chấp nhận và đồng hành cùng tôi.
Khi có cảm hứng với một dự định nào đó, bạn đừng kiềm mình lại với câu hỏi: “Làm để làm gì?” mà hãy dấn thân để tìm hiểu xem sẽ “Làm như thế nào?”. Nếu không, chúng ta sẽ loay hoay mãi với câu hỏi - mà cũng là xuất phát điểm của loài người, rằng: “Sống để làm gì?”.
* Xin cảm ơn chị!
Minh Trâm (thực hiện)