Đã sau 5 giờ chiều, trời tháng Ba, vẫn nóng. Không còn nắng nhưng hầm hập những con đường nhộn nhạo, đông đúc. Đoàn xe đưa rước công nhân (trong tổng số 400 chiếc) xếp hàng dài, nối đuôi ra vào cổng phụ công ty PouYuen - khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân. Tôi loáng thoáng thấy nhiều gương mặt vật vạ ngủ vùi sau kính xe.
Vào tới dãy nhà dành cho công nhân sinh hoạt giải trí ngoài giờ lao động, càng nóng hơn. Gió từ những chiếc quạt thổi cái nóng tạt vào mặt. Tôi nhìn lại, rồi nhìn khắp nơi, những gương mặt nữ công nhân đủ hạng tuổi, họ có đang nhìn tôi hay chỉ mình tôi thấy họ - những ánh mắt không chuyển động, những dáng ngồi đổ xuống, những bộ áo quần đủ màu nhưng không sáng nổi. Tôi cố dừng lại ở một gương mặt nào đó, gửi vào đấy cái gật chào làm quen, cái mỉm cười để tự tạo chút thư thái. Nhưng tuyệt nhiên không thể.
|
Ảnh: Hoài An |
May thay, bắt gặp tà áo dài quen thuộc, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, đang nghiêng vai trò chuyện với một nữ công nhân. Từ xa, tôi đoán biết câu chuyện hẳn là thân tình vì có chút lấp lánh ánh lên sau cái nhìn đã không còn xa lạ.
Những phần quà được sắp xếp ngay ngắn, sân khấu được chuẩn bị tinh tươm. Ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn vừa chân tình vừa nhiệt thành. Nhưng vẫn quá hiếm những nụ cười thưởng ngoạn. Có mấy cái điện thoại giơ cao để quay diễn viên kịch hát boléro Quý Bình, nghệ sĩ cải lương Tú Sương, diễn viên Trí Quang.
Và thế rồi, lần lượt 200 nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn lên sân khấu nhận quà của Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM nhân dịp 8/3 - ngày Quốc tế Phụ nữ. Công nhân, đã là vất vả, thiếu thốn; lại là công nhân có hoàn cảnh khó khăn, chắc còn khốn đốn nhiều hơn. Cho nên, từ của cho, cách cho, ai nấy đều nâng niu, chăm chút, cách nhận cũng muốn bày tỏ sự hàm ơn nhưng dường như… bất lực, tôi trao cho họ túi quà, ái ngại vì nó khá nặng, thì thầm một câu san sẻ, họ nhận lấy bằng cái chớp mắt, hé miệng trên những gương mặt thiếu ngủ, nhọc nhằn, vất vả. Rồi thôi.
Bỗng dưng, xuất hiện những hàng người đi ngược về phía tôi, có những mái tóc nhuộm vàng, có những bộ cánh rất ư là… Hàn Quốc, Hồng Kông, nhưng đa phần là bộ đồ thun bó sát, ngả màu, khoác thêm lớp áo choàng bạc thếch, tay toòng teng cái cà mên. Thì ra, sau 5 giờ, công nhân tan ca chiều, từng dòng người đổ ra phía cổng, đi ngang qua khu vực sân khấu. Ánh sáng chói lòa, âm thanh xập xình, ca sĩ đàn hát, thế mà họ vẫn cứ bươn bả bước, lầm lũi đi, quá lắm thì liếc nhìn một cái rồi cũng cuốn theo dòng người để ra cho kịp chuyến xe về nhà. Không ai kịp nói với ai. Chỉ có bước chân vội vã, hầm hập. Tôi nhìn theo, như thể một chuyền máy đang di chuyển, đều tắp, tự động…
Đã có quá nhiều sự thay đổi của cục diện thế giới từ điểm son ngày 8 tháng 3 ở Copenhague (Đan Mạch) 107 năm trước, từ đó, đã làm nên những cuộc trỗi dậy sức mạnh của phụ nữ và tinh thần tôn trọng nữ quyền trong các thể chế chính trị, hệ thống pháp quyền, cán cân xã hội - gia đình. Thế nhưng, dõi theo những “cỗ máy” từ PouYuen trong một thoáng buổi chiều tháng Ba, tôi vẫn cảm thấy chút bức bối, ngột ngạt - như thể mình đang giữa những chuyền máy khô khốc, vô cảm, nơi thành phố Chicago 118 năm trước. Để thấy rằng, cả trăm năm sau, những nỗ lực không ngừng, những cuộc tiến công không mệt mỏi vẫn chưa thể về đích, nơi mức sống, mức thụ hưởng của phụ nữ sau những dây chuyền sản xuất, nơi những nhà xưởng, xí nghiệp vẫn ngấp nghé… dưới trung bình. Nụ cười giễu nhại của vua hề Sạc-lô về cái dây chuyền tự động hóa con người, vật thể hóa con người ấy, vẫn ẩn chứa nỗi ngậm ngùi, thương xót cho những “cỗ máy” không tên.
Nhưng chí ít, trong hàng người ngược dòng tan ca ấy, vội vã trở về nhà trong cái mệt mỏi, nhọc nhằn ấy, tôi lại tận mắt nhìn thấy một sự bươn mình ra khỏi cánh liếp sau hè, ra khỏi lũy tre làng vây bủa để đi tìm một công việc có tay nghề lao động, có thu nhập ổn định. Họ có sự lựa chọn của họ, cho họ, cho dù chỉ là cánh cửa hẹp thì cũng đủ để lách mình, bên kia cánh cửa, có khi là khu vườn đầy hoa lá, có khi là khoảnh sân bé tẹo tràn ngập nắng, hoặc chỉ là một căn phòng trống. Nhưng quan trọng, họ có trong tay chiếc chìa khóa của mình để mở tung những ẩn ức, bức bối, những mặc định, đè nén, những đói nghèo, lạc hậu.
Thỏ thẻ bên tai tôi lời của người phụ nữ có 11 năm ròng gắn bó với chuyền cắt: Với hầu hết chị em tụi tui, có được cái nghề, lương chừng tám triệu là sống ổn, cực mấy cũng khuyên nhau ráng làm, còn hơn ngồi không ở quê mà chồng đói, con đói, mình đói…
Hoa hồng không cứu rỗi những bữa đói bữa no.
Những lời chúc tụng chưa bao giờ làm nguôi ngoai nỗi dằng dặc mưu sinh tối sớm.
Tám tháng Ba, không chỉ phảng phất một tinh thần nữ giới mà là cuộc kiểm đếm xã hội, cuộc đối thoại trách nhiệm về việc thể chế và bộ máy vận hành các thể chế ấy đã làm được gì và cần phải làm thêm những gì cho quyền mưu cầu hạnh phúc, công bằng của mọi con người, mọi công dân.
Lê Huyền Ái Mỹ