Những cô giáo trăn trở lấp đầy khiếm khuyết cho trẻ đặc biệt

20/06/2023 - 05:59

PNO - Tại hội thi giáo viên dạy trẻ khuyết tật cấp thành phố năm học 2022-2023 vừa qua, TPHCM tôn vinh 30 cô giáo của các trường giáo dục chuyên biệt. Họ là những người đã “không chọn việc nhẹ nhàng”, mà toàn tâm gắn bó, dạy dỗ trẻ khuyết tật với tất cả tình yêu thương và lòng nhẫn nại.

Dạy trẻ khiếm thị làm văn miêu tả

Đạt giải Nhất tại hội thi, cô Đinh Lan Phương - giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10) - đưa ra đề tài một số biện pháp hỗ trợ học sinh khiếm thị học văn miêu tả. Theo cô, người bình thường có thể dễ dàng làm văn miêu tả bởi kênh thị giác chiếm đến 90% lượng thông tin tiếp nhận, nhìn vào là lập tức nhận biết được hình dáng, kích thước, màu sắc.

Còn các em khiếm thị rất thiệt thòi trong việc nhận biết thế giới, vậy nên đề tài của cô hướng đến việc giúp các em cảm nhận thế giới, cảm nhận vẻ đẹp của sự vật bằng các giác quan còn lại. Chẳng hạn, khi miêu tả cây thì thay vì tả màu xanh, hình dáng như học sinh bình thường, trẻ khiếm thị có thể dùng tay sờ thân cây sần sùi, ngửi mùi ngai ngái của lá... Ở đây, giáo viên trở thành người dẫn dắt, hướng dẫn các em cách phát huy cao nhất các giác quan, kết hợp tổ chức hoạt động để các em tìm hiểu về sự vật, đồ vật.

Cô Đinh Lan Phương cho hay, khi ra đề làm văn, cô chỉ đề cập những thứ nằm trong tầm tay khám phá và phù hợp với từng trẻ. Chẳng hạn, với đề miêu tả con vật, cây cối mà em yêu thích, mỗi em trong lớp có thể lựa chọn khác nhau, khám phá bằng cách thức khác nhau. Có em miêu tả con chó như sau: “Khi người lạ tới, con chó nhà em sẽ sủa trầm và to hơn”, như vậy học sinh đã dùng thính giác để miêu tả. Một học sinh khác thì miêu tả con chó bằng xúc giác: “Khi sờ vào chú chó có thể mò được sống lưng rất thẳng, cái bụng đầy mỡ, 4 chân rắn chắc”. Một bạn khác miêu tả quả chuối bằng xúc giác: “Khi cắn một miếng thì mùi vị ngọt lịm chạy vào đầu lưỡi rồi dần tan trong miệng”. 

Cô Đinh Lan Phương - giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10) - và học trò của mình - ẢNH: M.L.
Cô Đinh Lan Phương - giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10) - và học trò của mình - Ảnh: M.L.

Khi học văn so sánh, một học sinh viết “quả ổi to như bóng đèn nhà em”, tuy cách viết không văn vẻ, nhưng cô rất trân trọng vì cách so sánh chân thật đó phù hợp với thế giới cảm nhận của em. Theo cô, mỗi đứa trẻ có quyền tư duy theo đúng cách của mình, đó mới là nhận thức trong não của các em. Khi học cách phát huy các giác quan còn lại, trẻ khiếm thị cũng học được nhiều kỹ năng cho bản thân, bồi đắp kiến thức cho thế giới quan của mình. Như với món ăn, các em không chỉ dùng vị giác để đánh giá ngon hay dở, mà còn phát hiện nấu từ nguyên vật liệu gì. Hoặc các em dùng thính giác để phát hiện xe ở gần hay xa, xe đang ở cách mình bao xa để phán đoán thời điểm qua đường an toàn...

Từng có 16 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, cô Đinh Lan Phương chia sẻ, qua quá trình tham gia các khóa học tại Ấn Độ, Thái Lan, cũng như không ngừng tự học hỏi, cô dần biết được cách bước vào thế giới của trẻ khiếm khuyết, thấu hiểu và nâng đỡ các em vượt qua những rào cản của bản thân. Cô kể trường hợp một học sinh đa tật, vừa khiếm thị vừa khiếm thính, cô dạy mãi mà em vẫn không chịu nói. Thế nhưng, một ngày chung cư nhà em bị cháy, em là người phát hiện đầu tiên, vừa bỏ chạy khỏi nơi cháy vừa hô lên “cháy, cháy”. Tuy là sự cố đáng tiếc nhưng khi nghe phụ huynh kể, cô lại cảm thấy vui vì học trò đã nhận biết và bật ra được từ đúng nghĩa trong thực tế. 

Cô Lê Huỳnh Ngọc Hân - Trường giáo dục Chuyên biệt 15/5 quận 11 - chụp ảnh cùng học trò - ẢNH: M.L.
Cô Lê Huỳnh Ngọc Hân - Trường giáo dục Chuyên biệt 15/5 quận 11 - chụp ảnh cùng học trò - Ảnh: M.L.

Theo cô, dạy học sinh khuyết tật, đôi khi chỉ một tiến bộ rất nhỏ của trẻ cũng khiến người giáo viên như vỡ òa niềm vui. Đó là động lực giúp cô bám trụ với nghề, không ngừng tìm tòi phương pháp giáo dục mới cho trẻ khiếm thị, trẻ đa tật. 

Lớp học hạnh phúc cho trẻ khuyết tật

Cô Võ Ngọc Trinh - Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - đưa ra đề tài giúp trẻ khiếm thị làm việc nhóm hiệu quả, đạt giải Nhì hội thi. Theo cô, các em khiếm thị thường có tâm lý rụt rè, ngại di chuyển, chưa quen làm việc nhóm. Do đó, cô đưa ra giải pháp khuyến khích như cho các em chủ động thảo luận, đưa ra những quy định chung của nhóm. Đồng thời khi làm việc nhóm, học sinh luân phiên thay đổi vị trí nhóm trưởng, mỗi em đều lần lượt giữ vai trò chủ động, định hướng cho các bạn khác. 

Sau một thời gian làm việc nhóm, học sinh dần tự tin hơn, một số em đầu năm học rất trầm và rụt rè thì đến cuối năm đã mạnh dạn xung phong phát biểu. Các em cũng hiểu rõ hơn về bản thân và các bạn cùng lớp, học được cách quan tâm, nâng đỡ, nhường nhịn nhau. Cô Võ Ngọc Trinh chia sẻ, những học sinh bình thường có thể tiếp thu ngay sau 1 tiết học, còn trẻ khuyết tật nhiều khi mất cả 1-2 năm trời mới có thể thấy được sự thay đổi.

Có em 6-7 tuổi nhưng mỗi lần muốn uống sữa là tự đập tay vào 2 bên má, đến nỗi má em bầm và chai hết. Phải mất thời gian rất dài, với sự kiên trì của giáo viên và phụ huynh, cuối cùng em cũng biết chờ đợi hơn khi muốn uống sữa. Từ đầu năm đến cuối năm học, có khi chỉ cần học sinh biết cách kéo tay cô khi muốn ăn uống, đi vệ sinh thì đã là thành công lớn của cả giáo viên và gia đình.

Cô Võ Ngọc Trinh - giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10) - hướng dẫn học trò trong một tiết học - ẢNH: M.L.
Cô Võ Ngọc Trinh - giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10) - hướng dẫn học trò trong một tiết học - Ảnh: M.L.

Đồng giải Nhì, cô Lê Huỳnh Ngọc Hân - Trường giáo dục Chuyên biệt 15/5 quận 11 - mang đến hội thi đề tài xây dựng lớp học hạnh phúc cho trẻ khuyết tật. Xuất phát từ chính lớp học của mình gồm những học sinh khiếm thính ở mức độ nặng và sâu, cô nhận ra các em bị hạn chế về giao tiếp, hay bị “mắc kẹt” trong thế giới riêng của mình. Do đó, cô nỗ lực giúp các bạn nhận biết, gọi tên cảm xúc và hành động của bản thân. Từ đó, các em có thể hiểu hơn về bản thân, hiểu về người xung quanh và cởi mở hơn. Dần dần, bằng sự yêu thương, thấu hiểu cá nhân mỗi em, tôn trọng học sinh, cô đã xây dựng được lớp học tràn ngập niềm vui, tích cực. 

Ở lớp mình, cô Lê Huỳnh Ngọc Hân đưa ra sản phẩm “chiếc hộp sợ hãi” và “hũ hy vọng”. Các em làm 2 sản phẩm để đặt trong lớp, học sinh có thể viết giấy “gửi gắm” những điều khiến mình lo sợ hoặc những việc mình hy vọng. Mỗi tuần, cả lớp sẽ mở ra đọc và cùng nhau tìm cách thực hiện, cải thiện. Cô nói: “2 sản phẩm này đã giúp tôi hiểu hơn về tâm tư, tình cảm, kết nối chặt chẽ hơn với học sinh và gia đình các em. Hơn thế, học sinh cũng được cải thiện kỹ năng bày tỏ, thấu hiểu bản thân, thắt chặt hơn tình cảm trong tập thể lớp”.

Kể về câu chuyện ở lớp mình, cô Lê Huỳnh Ngọc Hân cho biết ngay trước hội thi, cô bị tai nạn gãy tay phải, bác sĩ bảo có thể bị liệt. Lúc đó, cô rất sốc. Khi vào lớp cô tâm sự với học trò, trong lớp có vài em viết bằng tay trái, liền nói: “Không sao đâu cô, để con bày cô viết tay trái”. Quả thực, các học sinh “yêu cầu” cô tập viết trên giấy, cũng khen chê, góp ý để cô tiến bộ.

“Thời điểm đó, các em không chỉ động viên tinh thần mà còn trở thành “người thầy” của tôi. Trong tiết thao giảng tại hội thi, tôi đã viết bằng tay trái. Bị gãy tay phải giúp tôi nhận ra mình có thật nhiều “cánh tay phải”. Đó là các học trò mà mình đã dùng tình yêu thương để dạy dỗ và cũng học được rất nhiều từ các em” - cô Ngọc Hân chia sẻ. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI