|
Cô Bùi Minh Khuyên (thứ hai từ phải qua) cùng giáo viên, học sinh trong trường gói bánh chưng cho gần 600 em người La Hủ ăn tết cổ truyền của dân tộc mình - Ảnh: K.B |
Làm sao kể hết khó khăn
Tôi vẫn nhớ lần gặp cô giáo Trần Thu Hằng. Hôm ấy ngày 19/11, Trường THCS Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) chuẩn bị mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Cô Hằng mặc đồ giản dị, cầm chiếc chổi tre nhịp nhàng quét sân trường. Tôi có chút bất ngờ khi cô giới thiệu mình là hiệu trưởng nhà trường. Biết là khách từ Hà Nội lên, cô Hằng nhận đồng hương: “Quê tôi ở Kẻ Diễn, Hà Nội (nay là phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) đấy”.
Các phòng học của Trường THCS Tả Ngài Chồ đều kiên cố, khang trang. Phòng hiệu trưởng nằm trong dãy nhà cấp 4 thấp, cũ. Cô Hằng cười: “Cơ sở vật chất của cả cô và trò hôm nay là ước mơ của chúng tôi những ngày đầu đặt chân lên đất Mường Khương đấy”. Gần 30 năm trước, chiếc xe khách cà tàng dũi sương mờ đưa cô từ TP Lào Cai lên đây. Đường càng đi càng xấu, càng thấy phía trước mịt mù. Cô Hằng không dám nhìn lại phía sau, cô sợ những quyến luyến kéo lại, ngăn bước chân mình.
Cô giáo Hà Thị Hoa từ Vĩnh Phúc lên Mường Khương đã 13 năm. Cũng đã trải qua đủ mọi khó khăn ở những mái trường miền biên viễn, từ Dìn Chin, Pha Long, Tả Gia Khâu, đến Tả Ngài Chồ. Cô tâm sự: “Sợ nhất là thiếu nước. Mùa khô, chúng tôi phải đi nhiều cây số mới gạn được từng xô nước. Cô Hằng lên trước tôi mười mấy năm, khó khăn hơn rất nhiều”. Ngoài những khó khăn vật chất, cả cô Hằng, cô Hoa cùng phải tính làm sao để giữ chân được học trò. Vậy nên không phải là học trò đến thăm cô giáo, mà các cô phải thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên cả học sinh và phụ huynh.
Ở tỉnh Lai Châu, cô giáo Bùi Minh Khuyên cũng đã 15 năm trải qua không ít khó khăn, từ huyện Nậm Nhùn sang huyện Mường Tè. 2 lần chuyển trường, là 2 lần cô Khuyên đến nơi khó khăn hơn. Đường sá xa xôi, vượt đèo, lội suối; 8 năm ở Nậm Nhùn, đến trường còn phải qua dòng sông Đà nước xiết. Cô Khuyên nhớ: “Năm đầu tiên lên Nậm Nhùn, chiếc thuyền dài chừng 2m vẫn phải chèo tay, chỉ chở tối đa 4 người chênh vênh giữa dòng nước lớn. Cứ lên thuyền là giáo viên thay nhau múc nước đổ ra ngoài. Chỉ ngồi thuyền nửa giờ là tới, nhưng lần nào cũng trong tâm thế đối mặt với tử thần”.
Ngày ấy còn nhiều điểm trường, phòng học thực tế là nhà bạt. Cô Khuyên lên được 3 ngày thì gặp bão, các nhà bạt bị gió xé toang, cuốn đi nơi nào. 15 năm, có đến 7-8 năm là cuộc sống giữa rừng không điện nước, không sóng điện thoại. Mỗi lần ôm can nước từ suối đi ngược đường núi 500-700m là một lần chùn tay, đôi chân thì nặng trĩu. Khó nữa là cha mẹ học sinh muốn con cái ở nhà đi nương, làm rẫy còn ra được miếng ăn. Cô Khuyên cùng đồng nghiệp có khi đi 20km đường mòn tìm học sinh…
Sống như là tận hiến
Ngày cô Hằng, cô Hoa mới lên Mường Khương, xe về huyện chỉ có 1 chuyến/ngày. Cô Hằng thuộc thế hệ 7X, lớn lên với những khó khăn chung của cả đất nước. Nên cô bảo mình đối mặt với thiếu thốn có phần nhẹ nhàng hơn thế hệ giáo viên sinh cuối thập niên 1980 như cô Hoa. Cô Hoa thì kể: “Mấy lần tôi đã trốn xuống đường lớn chờ xe, nhưng gặp học sinh lội rừng đi học sớm, nghe các em hỏi “cô ơi cô đi đâu”, rồi nhìn ánh mắt ngơ ngác của các em; tôi lại dằn lòng ngược núi về trường”.
Cô Hằng đã gần 20 năm làm quản lý nhiều trường trong huyện Mường Khương. Từ 7 năm trước, cô đã đạt kết quả xuất sắc về thi kiến thức quản lý, lãnh đạo; đồng thời giành giải cao nhất về hoạt động tổ chức giáo dục của tỉnh. Cô Hoa cũng giành không ít giải thưởng chuyên môn. Song các cô bảo những giải thưởng ấy, là sự cố gắng, nỗ lực của các cô - để mang những điều tốt nhất đến với bọn trẻ vùng cao còn ít nhiều thiếu thốn.
Cô Hoa kể: “Kinh tế gia đình các em không được như miền xuôi. Mỗi khi trường hay giáo viên tổ chức liên hoan cho lớp, nhiều em cất đi cây kẹo mút, không ăn. Các em chờ đến ngày lễ để mang tặng cô giáo”. Có chứng kiến học sinh Trường THCS Tả Ngài Chồ lên rừng hái hoa về tặng cô mỗi dịp 20/10, 20/11, 8/3, thậm chí cả 26/3; chứng kiến phụ huynh mang ổ trứng gà mới đẻ đến trường tặng cô giáo trẻ; thấy 100% học sinh thuần thục những bài múa khèn, múa ô, dân ca, chơi những trò chơi truyền thống của chính dân tộc mình… mới thấy giá trị giáo dục thuần khiết, nhân văn mà cô Hằng, cô Hoa cùng các thầy cô giáo đã gây dựng được trên mảnh đất này.
Cô Khuyên về dạy ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Pa Ủ đã 7 năm. Không chỉ dạy văn hóa, cô còn giữ chân được không ít học sinh ở lại trường. Năm 2019, sáng kiến “Thắp sáng bản em” - dùng quỹ lắp pin năng lượng mặt trời cho điểm bản Cò Lò, xã Pa Ủ; đã được quỹ cộng đồng AVIVA trao giải thưởng và cấp quỹ. Với nguồn quỹ được cấp, cùng sự giám sát của Trung ương Đoàn, cô Khuyên đã lắp được 6 bộ pin năng lượng mặt trời cho 3 điểm trường (tổng kinh phí 84 triệu đồng) trong tổng số 25 điểm trường chưa có điện trên toàn huyện Mường Tè. 2 năm trước, cậu bé Vàng Nhù Xa 8 tuổi, vừa nghỉ hè đã đi rừng hái măng phụ giúp gia đình. Nhù Xa ngã, chấn thương đốt sống lưng. Em không thể đứng hay ngồi thẳng được mà phải nằm xoài ra bàn học ở lớp. Cô Khuyên kêu gọi các tấm lòng hảo tâm. Nhù Xa được giúp đỡ. Chính cô Khuyên đã đưa cậu bé người La Hủ ấy về Hà Nội chữa trị…
Bỏ dở câu chuyện, cô Khuyên tất tả lo tổ chức gói bánh chưng cho học sinh toàn trường. Tết cổ truyền của người La Hủ sớm hơn tết Nguyên đán chừng 1 tháng. Cô Khuyên bảo: “Do điều kiện khó khăn nên các em chưa từng có một cái tết trọn vẹn, đúng nghĩa. Rất may năm nay, tôi đã tìm được các nhà hảo tâm, giúp gần 600 học sinh La Hủ được đón trọn vẹn cái tết của dân tộc mình”.
Ngọc Minh Tâm