“Tối con nhớ ngủ sớm, mai cô lại đến đón nhé!” - cô giáo Hoàng Thị Hương - 49 tuổi, điểm trường bản Rào Tre, Trường mầm non Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - ân cần dặn dò khi chở học sinh (HS) về tới nhà sau buổi học. Hình ảnh cô giáo người Kinh ngày ngày vượt nắng, mưa, đưa đón HS đến trường đã in sâu vào tâm trí đồng bào người Chứt sống dưới chân núi Ka Đay.
Hơn 20 năm đi "bắt" học trò
Hơn 30 năm trước, người Chứt theo chân bộ đội về định cư ở bản Rào Tre. Cũng khoảng thời gian này, cô Hương tình nguyện về bám bản, dạy dỗ cho những đứa trẻ người Chứt vốn chỉ biết đến núi rừng. Cô Hương nhớ lại: “Gian nan nhất là việc đưa HS tới lớp. Nếu không có tình yêu với bọn trẻ chắc tôi đã bỏ cuộc rồi”.
Người Chứt vốn quen với cuộc sống săn bắt, hái lượm giữa rừng sâu nên tiếp cận được với bà con đã khó, nói gì chuyện dạy học. Cô đã phải cùng các anh bộ đội đi gõ cửa từng nhà thuyết phục, “xin” đưa đón con em họ tới trường mỗi ngày. Cứ thế, mỗi ngày, cô Hương bắt đầu công việc từ lúc gà rừng vừa cất tiếng gáy cho đến khi mặt trời đã khuất sau đỉnh núi mới trở về nhà.
Kỳ công là vậy nhưng có nhiều trẻ cô vừa chở tới lớp đã bỏ trốn về nhà. Có trẻ khi thấy cô đến nhà lại chạy trốn lên núi. Phụ huynh cũng chẳng biết tối qua con mình ngủ ở đâu. Dẫu vậy, cô vẫn kiên trì đến nhà gõ cửa, đánh thức các em dậy, rửa mặt… rồi đưa đến lớp mỗi sáng. Để “dụ” trẻ tới lớp, cô Hương còn trích tiền lương mua bánh kẹo, xin thêm mì tôm, quần áo cũ từ bạn bè để tặng các em. Được ăn, được chơi, trẻ em người Chứt cũng dần có thiện cảm với cô giáo, không còn bỏ trốn nữa.
Cô Hương tranh thủ thời gian học tiếng của người Chứt để dễ dạy trẻ, nói chuyện với phụ huynh. Sau hơn 20 năm bám bản, cô không chỉ hiểu ngôn ngữ mà còn nắm rõ phong tục, nếp sống cũng như cách nghĩ của họ. “Nhiều khi người lạ vào, người Chứt họ không nói chuyện đâu. Nhưng một khi họ đã mến ai thì lại rất tin tưởng người đó” - cô Hương kể. Tình cảm ấy càng khiến cô thêm lưu luyến, nhiều lần từ chối chuyển đến điểm trường thuận lợi hơn để ở lại với con trẻ dân tộc Chứt.
Khi lần lượt có nhiều HS người Chứt vào đại học, người dân dần hiểu được cái lợi của con chữ nên chủ động đưa đón con đi học, không bỏ mặc cho cô giáo lo như trước. Năm học này, điểm trường bản Rào Tre có 16 HS nhưng cô Hương chỉ còn phải đưa đón 6 em vì gia đình khó khăn chưa có phương tiện đi lại, hoặc đang ở với ông bà đã già.
Năm 2015, cô Hương được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015. Ông Phan Quốc Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hương Khê - cho biết, việc dạy học cho người dân tộc Chứt ở Rào Tre rất vất vả, nhưng hàng chục năm qua cô Hương vẫn thầm lặng hy sinh vì sự nghiệp trồng người ở nơi rẻo cao này. Ngành giáo dục huyện rất yên tâm, bởi cô hiểu được tiếng, tâm tư, nguyện vọng của dân bản nên khi có vấn đề gì có thể kịp thời hỗ trợ.
Cùng con lên non dạy học
Với 11/21 huyện miền núi, chuyện bám bản dạy học đã quá quen thuộc với nhiều giáo viên ở tỉnh Nghệ An. Bước chân vẫn còn tập tễnh sau vụ ngã xe máy 4 năm trước, cô Lương Thị Hoa - 41 tuổi, điểm trường Nhọt Kho, Trường mầm non xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn - cho hay, vì đường về nhà quá trắc trở nên mỗi tháng chỉ về thăm con 1 lần. Thế nhưng còn tùy thuộc vào thời tiết. “Đường đi bên núi, bên là vực sâu rất nguy hiểm. Trời nắng thì còn đi được nhưng mưa thì chịu, chỉ có thể đi bộ. Lúc nào xác định về quê, tôi cũng phải theo dõi thời tiết xem những ngày đó có mưa không, nếu mưa thì phải thay đổi kế hoạch” - cô Hoa cho hay.
|
Việc đưa đón trẻ mỗi ngày được cô Hoàng Thị Hương duy trì suốt hơn 20 năm qua |
Đường về thăm con quá vất vả nên ít năm trước, cô Hoa đưa con trai út đi “cắm bản” cùng mẹ khi mới 3 tuổi, 2 con đầu giao cho chồng ở quê chăm sóc. Mẹ con cô Hoa được bố trí ở tạm trong căn phòng rộng chừng 10m2 ngay tại điểm trường. Nuôi con nhỏ, cô càng thấu hiểu những thiếu thốn của đám trẻ vùng biên giới này. Ngoài dạy học, cô còn kiêm luôn việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho trẻ. Mỗi lần thấy trẻ bị bệnh ngoài da, lở loét, cô lại lên núi tìm hái lá cây về nấu nước tắm, đi xin thuốc về bôi cho các em.
Vận động HS đi học đã khó, giữ các em không bỏ học càng khó gấp bội. Cô Lương Thủy Trang - điểm trường Đỉnh Sơn 2, Trường mầm non xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn - kể: do bản Đỉnh Sơn 2 chưa có sóng điện thoại, mỗi lần có trò nghỉ học, cô phải tìm đến tận nhà để gặp phụ huynh tìm hiểu lý do. Những hôm có việc cần liên lạc với gia đình, cô phải lên đỉnh núi cách điểm trường gần 1km dò sóng để gọi điện thoại. Cô Trang nói thêm: “Ở trong lớp cũng có sóng nhưng khi có khi không, phải để điện thoại ở cửa sổ chờ, lâu lâu mới bắt được sóng. Thế nên, mỗi khi cần tôi phải gửi tin nhắn trước rồi cứ để điện thoại ở cửa sổ lớp học, lúc nào có sóng sẽ tự gửi đi”.
Ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn - thông tin, có gần 1.000 giáo viên là người miền xuôi đang “cắm bản” dạy học ở huyện Kỳ Sơn. Trong đó, nhiều người có thâm niên “cắm bản” hàng chục năm. Bên cạnh tâm huyết với nghề, với giáo dục miền núi, họ còn phải có tâm lý thực sự tốt khi phải sống xa gia đình, con cái. “Ngoài chế độ chính sách cho giáo viên miền núi, giáo viên miền xuôi khi đưa con lên miền núi học được hỗ trợ 150.000 đồng/tháng/cháu. Hằng năm, các trường sẽ luân chuyển thầy cô ở điểm trường khó khăn sang thuận lợi và ngược lại” - ông cho hay.
Phan Ngọc