Các cô kết nối “lớp học nhà quê” của mình với những giáo viên và lớp học khắp các châu lục. Thay vì đọc, chép, học sinh của các cô được nghe, nói chuyện, tìm hiểu, trao đổi văn hóa với những bạn đồng trang lứa ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Học sinh miền núi tự tin giao tiếp với bạn nước ngoài
Trường THPT Hương Cần giữa huyện miền núi Thanh Sơn của tỉnh Phú Thọ, 80% học sinh đến từ những cộng đồng thiểu số. Tiết học tiếng Anh của cô giáo Hà Ánh Phượng luôn được các cô cậu tuổi mới lớn háo hức lạ kỳ.
|
Học sinh của vùng quê Kim Động trong một tiết học tiếng Anh với các bạn châu Âu |
Cô Phượng khởi động laptop, mở máy chiếu. Dưới lớp nhao nhao: “Hôm nay, cô cho chúng em đến châu Phi đi cô!”. Cậu học trò Đinh Văn Tình đề xuất thêm: “Chúng em muốn gặp các bạn Kenya”. Hai đầu Skype được kết nối. Lớp học da vàng ở Việt Nam và lớp học da màu ở Kenya gặp nhau ở những nụ cười rạng rỡ, những cái vẫy tay và lời chào tiếng Anh “hi everybody!” thân thiết.
Chủ đề buổi học hôm ấy là thời tiết, lớp học từ Kenya giới thiệu với các bạn Việt Nam khí hậu mát mẻ của thủ đô Nabori, là yếu tố lý tưởng cho các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã - safari hình thành và phát triển. Giữa núi rừng Thanh Sơn, những học trò người Mường, Dao, Tày, Nùng… nói về khí hậu đặc biệt của miền Bắc Việt Nam, với mùa hè nắng nóng như đổ lửa và mùa đông giá lạnh. Những ngày đông, các bạn đạp xe đến lớp trong sương mù, ra về khi mây che mờ đỉnh núi.
Giờ học khác, các nữ sinh trong trang phục truyền thống của người Mường, một nhóm chuẩn bị bánh chưng, nhóm khác chuẩn bị cồng… Hôm đó, học sinh của cô Phượng giới thiệu ẩm thực và văn hóa của người Mường với các bạn học sinh ở khu ổ chuột của thành phố Mumbai, Ấn Độ.
Nữ sinh của cô Phượng diện áo pắn (áo ngắn) hồng phấn có cánh thân chấm eo, áo không đơm cúc, để “khoe” áo báng (yếm) hồng sen bên trong, điểm nhấn là những hoa văn sặc sỡ nổi lên đầu cạp váy. “Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại, không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất, không đúc tượng đồng mà họ dệt cái quan niệm thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ. Cạp váy ở đây, là như tượng, như tranh” - những cảm nhận của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Từ Chi được học sinh của cô Phượng “chuyển thể” sang tiếng Anh để giới thiệu với các bạn Ấn Độ.
Rồi những điệu múa, hát truyền thống ở hai “đầu cầu” lần lượt vang lên. Xen kẽ các hoạt động ấy là câu hỏi cô Phượng đặt ra để học sinh hai nước giao lưu, bạn nào phát âm hoặc dùng từ chưa chính xác ở đâu là cô Phượng chỉnh ngay ở đó. Mấy học sinh nam còn lém lỉnh khen các bạn Ấn Độ xinh, nói tiếng Anh tốt.
Ươm giấc mơ công dân toàn cầu
Cách Trường THPT Hương Cần hơn 100km, cô giáo Trần Thị Thúy cũng đưa thầy cô và các lớp học ở nước ngoài về với Trường THPT Đức Hợp (H.Kim Động, tỉnh Hưng Yên) theo cách như thế.
Ít nhất mỗi tháng một lần, có hôm, giờ tiếng Anh của cô trò là buổi thảo luận về bình đẳng giới với các bạn ở châu Phi. Hôm khác, học sinh của cô lại được thảo luận về biến đổi khí hậu với các bạn ở châu Mỹ. Trong những giờ học đó, học sinh của cô Thúy và học sinh từ các châu lục khác cùng chuẩn bị những quan điểm của mình rồi thể hiện chúng bằng PowerPoint và một số công cụ miễn phí khác.
Năm trước, vào đúng ngày 8/3, học sinh của cô Thúy được kết nối với một phụ nữ Nam Phi. Cô ấy đã chia sẻ với học sinh của cô Thúy những khó khăn gặp phải trong quá trình học tập, làm việc và cả cách mà cô ấy vượt qua để hoàn thành khóa học thạc sĩ. Hôm ấy, những cô cậu học trò của vùng quê Kim Động không chỉ được học tiếng Anh, mà còn hiểu rõ hơn về bình đẳng giới ở Nam Phi.
|
Không chỉ cùng học sinh học tiếng Anh trực tuyến với các lớp học khắp các châu lục, cô Phượng còn kết nối, mời giáo viên tiếng Anh người Ấn Độ về huyện miền núi Thanh Sơn giao lưu với học sinh |
Có đợt, cả cô và trò cùng dày công thực hiện dự án “Save our lives from harmful pesticides” (Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại). Học sinh của cô Thúy đã đi phỏng vấn người dân, chụp ảnh, quay phim về thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu. Thậm chí tìm hiểu và đưa ra những cảnh báo về tác động trước mắt và lâu dài của thuốc trừ sâu rồi tìm cách tuyên truyền để nông dân sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách.
Cuối cùng, mỗi học sinh làm một poster thể hiện toàn bộ quá trình thực hiện dự án. Sản phẩm của cô và trò được chia sẻ trên internet và bất ngờ là nhận được sự quan tâm, trao đổi của nhiều giáo viên ở Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan. Cô Thúy và các học sinh của mình đã giao lưu với một trường học ở Nhật Bản, cả cô và trò đều thuyết trình dự án “Save our lives from harmful pesticides” bằng tiếng Anh trong suốt bốn tiết học.
Nhờ sự kết nối đó, học sinh của cô Thúy vừa được giao tiếp, tăng sự tự tin, chủ động khi học ngoại ngữ, vừa có được những hiểu biết về thế giới cũng như văn hóa và đời sống của nhiều quốc gia khác nhau. Cô Thúy đã đặt những viên gạch đầu tiên cho giấc mơ trở thành công dân toàn cầu của nhiều học sinh ở Trường THPT Đức Hợp.
Mỗi học sinh là một bộ não tuyệt vời
Cô Phượng là người Mường, cô Thúy là con nhà ngư phủ. Cả hai đều “chân trần” bước ra thế giới và cả hai đều có chung khao khát là phải làm thế nào để tăng tính tò mò, sáng tạo cho học sinh, “giúp các em có thể sử dụng bộ não tuyệt vời của mình”.
|
Cô Hà Ánh Phượng và học sinh trong một buổi học tiếng Anh với thầy giáo châu Phi |
Là thạc sĩ ngôn ngữ Anh, song cô giáo bản Mường Hà Ánh Phượng đã chọn về lại quê, dạy tiếng Anh cho học sinh miền núi. Cô Phượng muốn học sinh của mình dù nghèo hay đến từ các cộng đồng thiểu số đều cần được học tiếng Anh một cách tốt nhất.
Cô nhận ra: “Việc học tiếng Anh tốt phải bắt đầu từ môi trường học tập tốt. Nên tôi đã tìm hiểu và chọn cách học trực tuyến thông qua diễn đàn giáo viên quốc tế. Bởi học sinh sẽ được giao tiếp và tìm hiểu văn hóa với các bạn đồng trang lứa trên toàn thế giới, chứ không phải theo kiểu có một ông Tây nào đó nói chuyện với học sinh”.
Nhờ những lớp học trực tuyến ấy, cô Phượng, cô Thúy không chỉ kết nối học sinh của mình với học sinh toàn cầu; mà chính các cô cũng có cơ hội dạy tiếng Anh cho học sinh trên toàn thế giới. Nhờ những buổi học ấy, các cô thấy mình được tăng cường vốn kiến thức, biết nhiều hơn về cách tổ chức lớp học cũng như có thể trang bị tốt kỹ năng nghiệp vụ.
“Các buổi học như vậy tiết kiệm được rất nhiều, bởi nguồn giáo viên trên diễn đàn rất chất lượng và được kết nối chặt chẽ. Các thầy cô muốn tham gia chỉ cần một tài khoản Skype, laptop thì hầu như giáo viên nào cũng có. Một đường truyền ổn định và một buổi học là thầy cô nào cũng có thể làm được”, cô Phượng chia sẻ.
Còn cô giáo Thúy - một trong 50 giáo viên toàn cầu được Microsoft vinh danh thì bảo, với cô, một giáo viên thành công là dấu cộng của hai yếu tố: yêu nghề và có khả năng hỗ trợ học sinh của mình một cách tốt nhất, để học sinh khám phá và đạt được tri thức theo cách riêng của từng bạn.
Và khi người thầy biết cách sử dụng công nghệ thông tin làm phương tiện hỗ trợ, thì việc học tập của học sinh sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Học sinh trở thành trung tâm và làm chủ lớp học là mục tiêu, cũng là kỳ vọng của chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng dường như, ở những giờ tiếng Anh của cô Thúy, cô Phượng, học sinh đã là trung tâm từ nhiều năm nay.
Ngọc Minh Tâm