Những cô giáo cắm bản giữa muôn trùng khó khăn

17/09/2022 - 07:12

PNO - Dòng suối cắt ngang đường đến điểm trường Nậm Dính (tỉnh Lai Châu). Cây cầu tạm đã bị lũ cuốn mất từ mấy năm trước. Giờ thì ngày hai buổi, các cô giáo lội suối lần lượt cõng học sinh sang để học, rồi lại cõng qua suối để các em về nhà.

Cùng nhau vượt khó
Trời sáng, hơi sương còn lạnh. Các cô giáo Lò Thị Inh, Cầm Thị Kim, Lò Thị Liệu đã xắn vội ống quần rồi bỏ từng đôi dép trẻ con vào túi. Ba cô giáo 9X lội qua suối, lần lượt cõng 60 đứa trẻ. Lòng suối đầy đá cuội phủ rêu trơn trượt, các cô dò dẫm từng bước để cả cô và các cháu khỏi ngã.

Cô giáo Inh người nhỏ thó, mà có lúc ôm một cháu phía trước, cõng một cháu sau lưng. Sang bờ bên này, người xỏ dép, người rửa mặt, người buộc tóc cho bọn trẻ trước khi vào lớp. Từ trên dốc cao nhìn xuống suối, những đôi chân non sà vào lòng các cô, tíu tít như bầy sẻ. 

Các cô chăm chút bữa ăn  cho các em - ẢNH: N.M.T.
Các cô chăm chút bữa ăn cho các em - Ảnh: N.M.T.

Điểm trường Nậm Dính (xã Tà Tổng, H.Mường Tè, tỉnh Lai Châu) thuộc Trường mầm non Tà Tổng, có 60 học sinh chia làm ba lớp. Cô Inh phụ trách các em từ 2-3 tuổi. Cô Liệu dạy các cháu 4 tuổi. Cô Kim phụ trách lớp 5 tuổi. Hôm nào có những bé chưa đến tuổi đi học mà lũn cũn theo anh chị đến trường là hôm đó các cô lại bận bịu hơn.

Vất vả nhất là năm học mới, cô giáo Inh đón những đứa trẻ hai tuổi lần đầu tiên đến trường, chưa biết một từ tiếng phổ thông, chưa biết đi vệ sinh đúng chỗ. Cô Inh bảo: “Dạy các cháu hai tuổi rất vất vả, vì các cháu quen với nếp sinh hoạt tự nhiên như cây cỏ. Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian hướng dẫn, rèn giũa để hình thành thói quen, nền nếp cho các cháu”.

Với những giáo viên mầm non, đặc biệt lại là giáo viên cắm bản như cô Inh, cô Liệu, cô Kim thì việc bỏ con mình ở nhà, biền biệt đi chăm con người chưa bao giờ là điều dễ. Ba cô giáo đều là người Thái, từ Than Uyên vượt gần 300km núi đồi cheo leo lên đây để nuôi dạy 100% học sinh là người Mông.

Trước khi cô Liệu, cô Kim lên, Nậm Dính có mình cô Inh là giáo viên cắm bản. Ngày cô Inh lên đây, Nậm Dính còn chưa có điện. Bây giờ đã khá hơn, nhưng cũng không có ti vi, không internet, đến cả sóng điện thoại - họa hoằn mới lên được một vạch.

Ngày từ Than Uyên lên Nậm Dính, cô Kim thức dậy từ khi gà chưa gáy sáng, luấn quấn mãi bên cạnh đứa con đang ngủ ngoan trong vòng tay bà nội. Anh Lương Văn Thắng - chồng cô - cũng dậy sớm, buộc túi hành lý của vợ phía sau xe máy. Từ Than Uyên lên huyện lỵ Mường Tè hơn 200km, đường quốc lộ uốn qua không biết bao nhiêu dãy núi đồi.

Lúc ăn cơm bụi ở trung tâm huyện, cô Kim hẹn chồng hằng tháng sẽ bắt xe khách về với con. Nhưng rồi lời hẹn ấy rơi dần trên đoạn đường chỉ vài chục cây số từ trung tâm xã Tà Tổng lên Nậm Dính. Vợ chồng và chiếc xe đánh vật mãi với đoạn đường nhão nhoét bùn lầy, cô Kim vừa đẩy xe vừa khóc. Lúc cùng chồng khiêng xe máy qua hai con suối, cô Kim cũng chỉ biết khóc.

Chập choạng tối, vợ chồng mới đến đầu bản, đang chưa biết hành trình cắm bản rồi sẽ ra sao thì thấy một người phụ nữ thoăn thoắt chạy lại, nở nụ cười mừng rỡ. Đó là cô giáo Inh ra đón đồng hương, và cũng là đồng nghiệp. Cô Kim nhớ mãi cái nắm tay của cô Inh hôm ấy: “Thôi cố gắng, ở đây với chị. Rồi có gì hai chị em nương tựa vào nhau”.

Chỉ có thể là hy sinh

Năm năm trôi qua, cô giáo Kim chỉ có thể về nhà thăm con vào dịp nghỉ hè và tết. Anh Thắng đôi ba tháng một lần lại rong ruổi xe máy qua khắp các dãy núi từ Than Uyên lên Nậm Dính thăm vợ. 

Cô giáo Liệu, sinh năm 1997, về Nậm Dính sau cô Kim một năm. Cô bảo: “Chồng em thỉnh thoảng cũng lên thăm. Nhưng nhớ con mới là nỗi nhớ khiến em cồn cào gan ruột. Ngày em lên đây, con em mới sáu tháng tuổi…”. Chưa nói xong, Liệu đã quay đi, gạt nước mắt. Nghe Liệu nhắc đến con, cô Kim, cô Inh mắt cũng đỏ hoe. Ba cô giáo 9X cùng cắm bản, không đơn độc, nhưng dường như sâu thẳm trong họ là nỗi cô đơn như mây lững lờ ngang qua Nậm Dính mỗi buổi chiều.

Bọn trẻ yêu quý, quấn quýt chơi đùa cũng giúp cô Kim vơi bớt nỗi nhớ nhà ẢNH: N.M.T.
Bọn trẻ yêu quý, quấn quýt chơi đùa cũng giúp cô Kim vơi bớt nỗi nhớ nhà - Ảnh: N.M.T.

Mấy năm trước chưa có bữa ăn bán trú, các cháu mang cơm đi học, chỉ là đùm cơm trắng ăn cùng măng cay, có cháu còn ăn mì tôm sống. Thương học sinh, nhà trường trích một khoản tiền để tổ chức nấu ăn bán trú cho các cháu. Đến giờ là ba cô thay nhau, hai cô giữ lớp, một cô lụi cụi dưới gian bếp sơ sài để chuẩn bị bữa trưa cho các cháu.

Bữa ăn chỉ có chút thịt, trứng và rau xanh, tuy đơn giản nhưng vẫn nhiều dinh dưỡng hơn cơm nhà. Trong bữa cơm ấy còn rất nhiều chắt chiu, cố gắng của các cô. Trong khuôn viên trường có một khoảnh đất để các cô trồng rau, nuôi gà, vịt để thi thoảng cải thiện bữa ăn cho các em.

Thầy Đao Văn San - Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Tà Tổng - chia sẻ: “Nhà có một, hai đứa con, chăm đã thấy mệt; huống hồ các cô phải chăm 60 cháu giữa muôn trùng khó khăn, thiếu thốn. Ba cô phải làm tất cả, từ đưa đón đến vệ sinh cá nhân cho từng cháu. Xa con mình gần 300 cây số để chăm con người, đó chỉ có thể là hy sinh!”.

Trong nắng sớm mơ vàng tinh khôi, giữa núi rừng vang lên những thanh âm rộn rã. Bọn trẻ lắc lư theo điệu nhạc truyền thống của dân tộc mình. Những cháu hai tuổi, người bé như cái kẹo, đôi chân non còn líu ríu chưa quen nhưng đã hào hứng lắm. Trong lớp học của cô giáo Inh, bọn trẻ ngồi khoanh tròn như những chú mèo con chăm chú nhìn cô giáo. “Đất nước mình tên là gì?”, cô Inh hỏi. Bọn trẻ nhao lên ngọng nghịu: “Nước Việt Nam!”. “Việt Nam!”.

Lúc cô Inh, cô Kim, cô Liệu bịn rịn đưa khách đường xa qua suối, chúng tôi hỏi một câu rất cũ: “Cắm bản giữa khó khăn, thiếu thốn thế này, các cô còn yêu nghề không?”. Cả ba cô giáo đồng thanh đáp: “Có chứ! Nếu không yêu nghề, yêu trẻ thì chúng tôi đã không ở đây”. 

 Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI