Tuyến lửa 1C - Huyền thoại dệt nên từ những bờ vai con gái - Bài 1:

Những cô gái tuổi trăng theo tiếng gọi lên đường

22/07/2024 - 06:45

PNO - Những năm cuối thập niên 1960, khi tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phát hiện và phong tỏa, yêu cầu đặt ra cho chiến trường miền Nam là phải gấp rút hình thành con đường vận tải 1C. Hàng trăm cô gái tuổi 14, 15, 16 ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã tình nguyện vào lực lượng thanh niên xung phong với quyết tâm góp sức cùng bộ đội đánh giặc, giải phóng đất nước.

Trong hơn 800 con người hoạt động trên tuyến đường 1C có đến 2/3 là những cô gái tuổi từ mười lăm, đôi mươi. Ở nơi được mệnh danh là “Trường Sơn giữa đồng bằng”, nơi “sắt thép cũng tan chảy”, những cô gái thanh niên xung phong đã chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí cho chiến trường Tây Nam Bộ, đưa các cán bộ, phương tiện về khắp các chiến trường. Bằng tuổi thanh xuân và xương máu của mình, họ đã làm nên con đường 1C huyền thoại.

1C ra đời

Tháng 3/1965, thất bại trong chiến lược chiến tranh đặc biệt, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và tiến hành chiến tranh cục bộ song song với việc leo thang đánh phá miền Bắc.

Cùng với phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc, ở miền Nam, tại đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam lần thứ I, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam - đã thay mặt Trung ương Đảng chỉ đạo, phát động phong trào “Năm xung phong” chống Mỹ cứu nước. Đó là xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch; xung phong tòng quân giết giặc; đấu tranh chính trị, chống bắt lính trong lòng địch về vùng ven; xung phong đi dân công và thanh niên xung phong (TNXP) phục vụ tiền tuyến; tham gia lao động sản xuất trong nông nghiệp, trong tổ chức nông hợp.

Lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C đa phần là các cô gái tuổi 15, 20 -  Ảnh tư liệu
Lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C đa phần là các cô gái tuổi 15, 20 - Ảnh tư liệu

Ông Trần Văn Mãnh - nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP những ngày đầu thành lập - cho biết, chủ trương của Đảng, Đoàn là xây dựng lực lượng TNXP ở cơ sở trước rồi mới tập trung lên rừng. Tuy nhiên, tình hình thực tế đã không cho phép, nên từ tháng 4/1965, Trung ương đã tổ chức lực lượng TNXP giải phóng miền Nam trên rừng trước, gọi là Tổng đội TNXP, có nhiệm vụ chỉ huy các liên đội của miền.

Trong bối cảnh đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phát hiện, phong tỏa, vũ khí, khí tài và các phương tiện chiến tranh chi viện từ miền Bắc theo đường 559 (đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ) chỉ đến được Đông Nam Bộ, việc vận chuyển hàng từ đó về các chiến trường miền Tây, tận mũi Cà Mau, là một vấn đề cấp thiết. Do đó, ngày 19/5/1966, đoàn 195 Quân khu IX - miền Tây Nam Bộ được thành lập với nhiệm vụ cấp bách là trong mùa nước nổi năm 1967 phải vận chuyển hết số vũ khí về chiến trường. Tổng trạm 95 của Đoàn 195 đóng ở Sóc Chuốt, huyện Stucmía, tỉnh Kam Pốt (Campuchia).

Nhưng trên cơ sở phân tích những khó khăn và thuận lợi, Đoàn 195 nhận định, lực lượng của đoàn không thể kham hết các công đoạn vận chuyển mà chỉ phụ trách việc nhận và vận chuyển hàng đến Tổng trạm 95. Trước yêu cầu đó, tháng 4/1967, Khu ủy Quân khu IX giao cho Khu đoàn Tây Nam Bộ thành lập Liên đội I TNXP với nhiệm vụ tiếp nhận và vận chuyển hàng từ Tổng trạm 95 đưa về các trạm cất giấu và phân phối kịp thời cho các nơi.

Cung đường vận chuyển chủ yếu là từ Sóc Chuốt, Stucmía qua biên giới Việt Nam tại kênh Vĩnh Tế, qua rừng tràm Hà Tiên, kinh Tám Ngàn, Mốp Giăng, lộ Cái Sắn… về Cái Nứa, Ba Đình (huyện U Minh Thượng). Tuyến đường vận chuyển này đã làm nên con đường 1C huyền thoại.

Trốn gia đình vào thanh niên xung phong

Lòng yêu nước, căm thù giặc cùng với lời kêu gọi, phát động thanh niên lên đường đánh Mỹ đã tạo khí thế bừng bừng trong lòng tuổi trẻ, nhiều nam nữ thanh niên tuổi 14-15 đã hăng hái tòng quân. Bà Đoàn Thị Hồng Thắm - nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 9 - nhớ lại: một buổi sáng cuối tháng 10/1967, cô bé 15 tuổi được bà ngoại sai bưng tô bí hầm dừa sang nhà dì Sáu, thì thấy thanh niên đang tập trung rất đông để nghe vận động đi TNXP.

Trước đó, cô bé đã nghe nhiều về “Năm xung phong”, hình dung cuộc sống chiến đấu ác liệt qua bộ phim Lửa trung tuyến và nuôi ước mơ được đi TNXP. Thế là, nhân cơ hội, cô mạnh dạn xin vào dân công hỏa tuyến. Cô cũng không ngờ việc làm của mình đã truyền thêm sức mạnh cho nhiều thanh niên khác cùng ghi danh.

Tối hôm đó, Hồng Thắm mới bật khóc tâm sự với bà ngoại: “Ngoại ơi, con đăng ký đi TNXP rồi, chắc ông ngoại giết con quá!”. “Không được con ơi!” - bà ngoại hoảng hốt, bởi bà biết xưa nay ông ngoại không cho cháu gái ra khỏi nhà chứ đừng nói đi xa. “Ngoại không cho con đi thì con trốn” - Hồng Thắm nức nở. Bà ngoại bảo: “Gia đình cách mạng mà để cháu phải trốn đi làm cách mạng thì nhục lắm. Để đó mai bà nói chuyện với ông ngoại coi sao”.

Sáng hôm sau, lúc ông ngoại đang ngồi vót nan ngoài kho chứa lúa, bà ngoại lân la kể lại chuyện. Nghe chuyện, ông ngoại lớn tiếng: “Nó mà đi thì tui giết nó. Tui đem nó ra đầm câu sấu cho nó biết thân”. Thương cháu, bà ngoại lựa lời: “Cha nó chết trong tù, nhà chỉ có mình nó. Thôi để nó đi. Nó không cầm súng đánh giặc được thì để nó đi tải đạn cho bộ đội đánh giặc trả thù cho cha nó”.

Trong bữa cơm chiều hôm đó, ông ngoại dịu giọng với Hồng Thắm: “Con đã quyết đi thì nhớ giữ lấy 3 điều: giặc bắt mà đầu hàng, cực khổ chịu không nổi mà bỏ về, con gái đi mà không giữ thân để mang bầu về, ông ngoại chém. Con hư ông ngoại nhốt trong hũ cũng hư, mà nên thì có đi năm non bảy núi cũng nên”.

Vài ngày sau, địa phương làm lễ tiễn đưa. Bước chân theo đoàn, Hồng Thắm nhớ lại, đêm qua bà dặn: “Con đi, chừng khi về thấy mộ ngoại đừng có khóc”. Sống mũi cay xè, nhưng cô bé quyết tâm không rơi nước mắt. “Hồi đó tôi nghĩ đi vài tháng rồi về thăm nhà 1 lần chứ không nghĩ là đi luôn 10 năm. Tôi đi được 2 năm thì bà ngoại mất. Ông ngoại rất mong được nhìn thấy ngày đất nước thống nhất, nhưng ông cũng không được toại nguyện” - bà Hồng Thắm xúc động.

Thanh niên miền Tây Nam Bộ hưởng ứng phong trào “Năm xung phong” - Ảnh tư liệu
Thanh niên miền Tây Nam Bộ hưởng ứng phong trào “Năm xung phong” - Ảnh tư liệu

Trong năm 1967, ở kinh 3, ấp Đất Cháy, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cô bé Võ Tuyết Lệ cũng nằng nặc xin gia đình cho vào TNXP. Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, nên từ năm 1965-1966, Tuyết Lệ vừa đi học vừa làm giao liên, đưa thư cho cán bộ. Tháng 4/1967, nghe người ta vận động thanh niên, cô bé 14 tuổi đã khai thêm 2 tuổi để tham gia. Sợ chiến trường gian khó, ác liệt, ba mẹ Tuyết Lệ bảo con ráng đợi thêm vài năm nữa.

Nhưng đến sáng 14/4, trên đường đi học về, nghe tin thanh niên đang tập trung để chuẩn bị về đơn vị, Tuyết Lệ chạy nhanh về nhà, lén cha mẹ lấy 1 bộ quần áo rồi ra ruộng, chạy luồn dưới lúa hướng về ấp Lung Trường, xã Phong Lạc. Chạy được một đoạn, Tuyết Lệ vẫn còn nghe tiếng má gọi văng vẳng...

Đến nơi tập trung, cô được phân về Đại đội Nguyễn Việt Khái 2. Ở đó vài ngày thì hành quân về Núi Dài, sông Cái Lớn, sông Ba Đình (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) để qua núi Cô Tô. Bà Tuyết Lệ nhớ lại: “Núi thì gần mà sao đi hoài không tới. Ở đó toàn đồng tràm và tiếng chim kêu, không có lấy một người dân. Lần đầu tiên xa cha mẹ, tôi buồn lắm, nhưng chỉ lén khóc, vì mình trốn đi chứ đâu ai bắt. Còn nhỏ nên bơi xuồng đêm, tôi ngủ gục, rớt dầm hoài”.

Bà Trần Kim Oanh - nguyên đội viên TNXP đơn vị hậu cần C2012 - cho biết, từ hồi đấu tranh chống Pháp, gia đình bà đã sinh sống và hoạt động tại Campuchia. Lên 9 tuổi, thấy 2 chị gái của mình đêm nào cũng đi chơi, Kim Oanh méc mẹ “coi chừng chị hư”, nhưng không thấy mẹ đá động gì. Một buổi tối, để xem các chị đi đâu, Kim Oanh lén bám theo đến 1 căn nhà. Nhìn vào trong, cô bé thấy rất đông người đang ngồi cầm kim thêu áo, nhưng kỳ thực là đang nghe bàn kế hoạch hỗ trợ bộ đội chiến đấu. Phát hiện có người lấp ló bên ngoài, người cán bộ ngưng nói, còn các chị của bà thì giả bộ hỏi “cái áo này bị hư cái cổ, phải sửa làm sao?”.

Lúc này, cô bé mới hiểu, các chị không đi chơi mà đi làm cách mạng. Thế là cô bước vào trong nhà và thề đi theo cách mạng. Năm 1969, 13 tuổi, bà tham gia lực lượng chiến đấu tại địa phương, sau đó đi TNXP, vào các phum, sóc Campuchia làm phiên dịch cho bộ đội.

Thu Lê

Kỳ tới: Gửi thanh xuân nơi tuyến lửa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI