Những cô gái không thấy mặt trời

07/09/2018 - 06:00

PNO - Họ không thấy mặt trời. Thứ ánh sáng vàng ệch hay dìu dịu du dương, phủ lên họ qua ngày tháng, tất thảy đều là những vùng giăng mắc mỏi mệt, kéo rê những giấc mơ đứt đoạn, lâu ngày nó chai lì, trơ ra.

Ba người đàn ông bước xuống từ chiếc taxi vừa đỗ trước khách sạn Liberty (Q.1, TP.HCM). Họ vòng sang con hẻm phía bên hông khách sạn, đi vào trong, leo cầu thang dẫn lên khu massage. “Có khách!” - từ quầy lễ tân, vị quản lý hô khẽ. Hằng(*) đang cắm mắt vô điện thoại, ngước lên. Cô đứng dậy, nhún người chỉnh lại váy áo. Hằng thở mạnh: “Ngày làm việc giờ mới bắt đầu”. 

Tôi nhìn đồng hồ, 23g45.

Hằng là một kỹ thuật viên massage. 

Nhung co gai khong thay mat troi
Những động tác massage nặng nhọc

Tô canh chua trong giấc ngủ

Trong ánh sáng vàng nhạt tỏa ra từ hệ thống đèn điện được vặn nhỏ hết cỡ, Hằng không cần giấu nụ cười… hài lòng. Cô được quản lý phân công phục vụ vị khách trông gầy, vẻ ngoài lịch lãm nhất trong ba người đàn ông vừa đến. Kỹ thuật viên massage hầu hết làm việc không lương, tiền bo chính là thu nhập. Dẫu biết sẽ không chuẩn, bản năng vẫn khiến họ trong cảm nhận ban đầu, gợn hụt hẫng hoặc một chút háo hức khi nhìn mặt để bắt hình dong, mường tượng độ chịu bo của khách. 

Hằng, 27 tuổi, làm việc cho khu massage của khách sạn Liberty sáu năm. Chốn này không bao giờ đóng cửa. Nhân viên được chia thành nhiều ca. Hằng tỏ ra am tường: “Thường thì những cơ sở mở 24/24, khách tập trung vào buổi đêm nhiều hơn”. Ca của Hằng bắt đầu từ 12g trưa đến 3g sáng. “Vậy thì về gì được sau tan ca. Mà cũng có nhà đâu để về. Em tận Vĩnh Long, chẳng thuê trọ chi tốn kém, em ở lại đây. Tụi em được cho ở trong căn phòng tập thể” - Hằng kể. “Cơm nước thì sao?”. “Đặt cơm tháng ở quán cơm, đến giờ họ mang đến thôi” - Hằng cười, môi hếch lên, cố tỏ vẻ thỏa mãn vì được... phục vụ tận răng. Không chỉ Hằng, những đồng nghiệp khác của cô cũng luôn tỏ vẻ hài lòng khi kể về sinh hoạt. Ăn có người lo, áo quần có máy giặt. 

Nhưng, sự sung sướng nào đi ngược với nhu cầu cốt yếu của đời sống con người hiếm khi là niềm vui bền vững, phần nhiều rồi chính nó tự quẫy đạp, giằng xé theo đòi hỏi của bản thân. Hôm có vị khách bỏ quên tờ báo, Hằng đọc một bài viết, không dưng cô chửi đổng: “Con mẹ này có số sướng mà sao không nhìn ra!”. “Con mẹ này” than thở tháng ngày quẩn quanh nội trợ. Hằng đọc, thèm cái gian bếp đầy mắm muối, nhắm mắt tưởng tượng chuyến đi chợ mua những món yêu thích về tự tay nấu ăn.

Quy định của các cơ sở massage không cho nhân viên nấu nướng. Hằng kể, nhiều khi thèm quá món canh chua, tan ca, Hằng rủ bạn đừng ngủ, ráng... thức, chờ mờ sáng để rảo ra chợ. Họ mua một ấm nước siêu tốc, ít cá, ít rau, thêm gói bột canh mang về. Lén lút chế biến nên... không phải là món canh chua mà họ mong ước. 

Bao lần vượt quy định, lao theo một sinh hoạt đời thường là sự đánh đổi không nhỏ của những cô gái này. Họ chấp nhận ngày làm việc tiếp theo diễn ra trong mỏi mệt, vì thiếu ngủ. Thu nhập dựa trên độ rộng lượng của khách, nên một ca làm việc phục vụ càng nhiều khách, càng hứa hẹn nhiều tiền. Mỗi kỹ thuật viên massage trung bình phục vụ 4-7 khách/ca làm việc, nên khi tan ca, buông việc, lết được về đến phòng họ mệt lả, ngủ vùi. Khái niệm “sống cho mình” nào đó thiên hạ vẫn nói, không tồn tại trong đầu họ. Họ ngủ li bì, tô canh chua vẫn chập chờn trong giấc ngủ; thức dậy thì đã đến giờ làm việc. 

Hằng chậc lưỡi: “Em yêu… nhiều người lắm, nhưng chẳng ai quá ba tháng. Họ là khách hoặc cùng chỗ làm của em. Chưa nói đến cái nghề, ai chịu thương em, em cũng đâu có tìm hiểu được họ. 3g sáng tan ca, lăn quay ngủ đến 9g dậy làm. Cái háo hức của thuở đầu quen nhau, cố gắng dậy sớm để trò chuyện tan nhanh lắm. Cố quá thành quá cố. Sau vài ngày tìm hiểu em phải chọn lựa giữa… yêu hay ngủ. Riết rồi họ chán, chia tay mình”. 

Nhung co gai khong thay mat troi
Làm việc lâu dài trong môi trường không đủ sáng, các cô gái đối diện với "nghiệp đầy bệnh"

Kỹ thuật viên tên Bé (30 tuổi) làm việc cho cơ sở Foot massage Quỳnh Như 137 (Q.1, TP.HCM) thổ lộ, "dự án" mặc bộ đồ đẹp nhất, ra phố ngồi thưởng thức ly cà phê đã có từ vài năm trước mà tới giờ, cô vẫn chưa thực hiện được. Từ Quảng Trị vào TP.HCM làm việc, Sài Gòn trong hình dung của Bé cũng náo nhiệt, sôi động qua... lời kể của khách. “Sao không tranh thủ những ngày được nghỉ đi cho biết?” - tôi bắt chuyện khi Bé đang thực hiện kỹ thuật đi gối trên lưng mình. Giọng nói cô đứt quãng theo từng động tác: “Nằm suốt chị. Làm xong em phải tranh thủ ngủ cho đã giấc mới đủ sức làm tiếp. Bọn em thiếu ngủ”. 

Họ không thấy mặt trời. Thứ ánh sáng vàng ệch hay dìu dịu du dương, phủ lên họ qua ngày tháng, tất thảy đều là những vùng giăng mắc mỏi mệt, kéo rê những giấc mơ đứt đoạn, lâu ngày nó chai lì, trơ ra. Mặt trời không có trong mắt họ. Những vị khách đến rồi đi. Tiền độ nhật mưu sinh. Những cơn đói ngủ. Tất cả khiến họ, lắm khi quên rằng mình đang sống hay tồn tại. Chẳng ai cấm họ không được ra ngoài, cánh cửa tuy không khép, nhưng họ không thể bước ra. Bởi áo cơm nên phải lụy hình hài. Lại nghĩ, nếu một ngày nào đó, họ thấy mặt trời, khi đã ngủ no giấc, liệu họ có bắt nhịp được, có chuẩn bị được một tâm thế không xa lạ với nhịp đời ngoài kia? 

Mặt trời luôn ở trên cao

Điểm chung của mọi cơ sở massage là bài trí một cảnh sắc, không gian mang tính chất thư giãn, tạo thư thái cho khách. Tiếng nhạc du dương, ánh sáng mờ ảo được vặn nhỏ hết cỡ đủ cho khách im lìm thưởng thức những ngón nghề điêu luyện, và đủ chiếu sáng cho các kỹ thuật viên làm việc. Mưa không ướt đầu, nắng không rọi chân, tháng năm dằng dặc đắm mình trong chốn không nhìn thấy nổi ánh sáng tự nhiên của mặt trời, những cô gái massage đang mất đi thứ vitamin quan trọng, mà con người phải được hấp thụ thường xuyên. Hôm tôi lôi được Hoài (28 tuổi) - kỹ thuật viên massage ở Kirei Spa (Q.1) ra khỏi căn phòng chỉ có ánh sáng đèn điện để đi uống cà phê, thấy mình như tước đoạt đi giấc ngủ quý giá của Hoài khi nhìn gương mặt cô tái xanh, nhợt nhạt.

Đón được cái nhìn sững sờ của tôi khi quan sát gương mặt mình, Hoài cười nói: “Ở trong phòng mát-xa tối nên thấy da ai cũng như ai phải không chị. Nghề là nghiệp. Cái nghiệp này cũng lắm bệnh tật!”. Sống dưới bầu trời lại thiếu ánh mặt trời, thèm tắm táp dưới ánh sáng tự nhiên. Cơn thèm khát - cũng là đòi hỏi tất yếu của một cơ thể khỏe mạnh - kéo dài qua ngày tháng. “Ở trong khu massage hai đến ba ngày không ra đường hít khí trời hay ngẩng mặt cho nắng rọi là người em lừ đừ, thiếu sinh lực, chẳng muốn làm gì cả”.

Chìa cho tôi xem ngón tay trỏ cong veo, chai cứng ở đốt giữa, Hoài thủ thỉ nỗi lòng chung của những người trong thế giới của mình: “Công việc nặng nhọc, phải dùng lực nhiều để ấn huyệt cho khách, xuống ca em chỉ cần ngủ và ngủ”. Trong những câu chuyện về “nghiệp” của họ mà tôi được nghe, có một sự thật rằng ở họ, không tồn tại sự ganh tỵ trước những người được tiếng khách ưa chuộng bởi ngón nghề điêu luyện.

Một kỹ thuật viên massage giỏi nghề, khách dễ dàng đoán biết khi nhìn ngón tay trỏ họ chai cứng, bàn tay to bè, khuỷu tay hoặc đầu gối sạm đen, chai sần. Trong khoản tiền kiếm được, họ luôn tự nhủ đã bao gồm một khoản cho mai sau. Không phải tính đến chuyện đổi nghề khi sức khỏe suy giảm, mà để… điều trị. Chứng đau hoặc lệch khớp, giãn dây chằng hay bong gân… rất ít người tránh khỏi. Và, bao nhiêu chứng bệnh chung nguyên nhân cơ thể bị rối loạn sinh học.

Đoạn cuối… thương đau ấy, người ngoài nghề khó biết. Những ngày gặp gỡ, trò chuyện, được họ phục vụ, tôi nghe rất nhiều người thổ lộ rằng, họ muốn bỏ nghề nhưng không bỏ được. Nhiều người đến với nghề còn là cơ duyên, sắp đặt vô hình nào đó của số phận. Hạnh (kỹ thuật viên ở khách sạn Liberty) mê ngành sư phạm mầm non, học xong đi làm thì nhận ra mình không thuộc típ người yêu một lúc… mấy chục trẻ con để có thể dễ dàng dằn cơn nóng nảy.

“May em vừa học vừa xin phụ việc cho một cơ sở giữ trẻ tư nhân nên sớm nhận ra điều đó” - cô nói. Hạnh không cố để được một công việc “có vị trí xã hội” khi thấy mình không đủ tố chất để trở thành cô giáo. Tốt nghiệp sư phạm, cô học một khóa xoa bóp bấm huyệt ở Viện Y dược học dân tộc TP.HCM và đi xin việc. Để bảo vệ những “mặt trời” nhỏ, cô giáo mầm non đã đi làm nghề khác, một nghề khó thấy được mặt trời... 

(*) Tên nhân vật đã thay đổi

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI