Mường Lói là xã miền núi nghèo nhất của huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cuộc sống của người dân nơi đây quanh năm khó khăn, túng thiếu nên không ít người đã rời bỏ núi rừng xuống Hà Nội, vào Nam mưu sinh. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người con của bản làng đi xa là để trở về. Họ đã từ chối những cơ hội đổi đời cho bản thân, để mang tri thức về giúp bản làng. Và ở UBND xã Mường Lói, có những cô gái trẻ sống với khát khao: góp phần làm thay đổi cái nghèo, cái dốt ở vùng cao này.
Gian nan đến trường
Ngày đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí - xuất bản TPHCM trao quà cho các hộ nghèo và học sinh ở xã Mường Lói (tháng 12/2023), những đứa trẻ đi chân trần, mặc áo phong phanh trong cái lạnh mùa đông khiến cả đoàn xót xa.
Các cô gái làm việc tại UBND xã Mường Lói: Vì Thị Thủy, Lường Thị Kinh, Lò Thị Pín tất tả dẫn các em lên sân khấu nhận quà, mặc cho các em những tấm áo ấm mới… trong nụ cười hạnh phúc của cô và cháu.
Nhìn bọn trẻ, ai cũng có thể hình dung ra được cái nghèo, cơ cực của vùng này. Vậy mà, Lường Thị Kinh xuýt xoa: “Các em ngày nay may mắn, sung sướng hơn chúng em ngày xưa rất nhiều”.
|
Đoàn Thanh niên xã Mường Lói phối hợp với Đội sản xuất số 7 - Đoàn Kinh tế quốc phòng 326 và Chi đoàn đồn biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc hướng dẫn và giúp đỡ người dân bản Tin Tốc trồng dứa. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Lường Thị Kinh (sinh năm 1998, dân tộc Khơ Mú) kể: “Nhà em ở bản Tin Tốc, trường học cách nhà 7km. Ngày nào em và các bạn cũng chân trần đi bộ, đội nắng, đội mưa. Mà đường gập ghềnh, có đoạn dốc cao rất khó đi. Vào mùa đông, trẻ con chúng em không có áo ấm mặc, đứa phong phanh, đứa có gì che được thì che, đi trong cái rét cắt da thịt. Đến cấp II, em được vào trường nội trú cách nhà 40km.
Năm đầu chưa được miễn phí suất ăn, ba mẹ lại quá nghèo, trồng bắp, trồng mì có lúc không lên, mất mùa, cả nhà phải nhịn hoặc ăn khoai mì thay cơm. Ba mẹ dành một ít gạo cho em mang về trường. Mỗi tuần, em được ba mẹ cho 10.000 đồng, em ăn với măng khô, cá khô. Cuối tuần thì mỗi đứa góp lại một ít gạo đem đổi lấy 1-2 gói mì tôm chia nhau ăn dọc đường đi bộ về bản”.
Ký ức thơ ấu và những năm tháng đến trường của các cô gái 9X này như câu chuyện cổ tích với người miền xuôi. Cô gái dân tộc Lào tên Lò Thị Pín (sinh năm 1994) nghẹn ngào khi nhớ lại: “Nhà em có 4 chị em gái. 2 chị lớn phải nghỉ học để đi chăn dê, trồng bông, trồng bắp, trồng mì, hái măng phụ ba mẹ, dồn sức cho em đi học. Gia đình em lao động chưa có một ngày nghỉ ngơi, nhưng luôn thiếu ăn, thiếu mặc. Đó cũng là chuyện bình thường của chúng em, cũng như người dân bản”.
Chính “cái đói, vất vả” rất bình thường của xứ này khiến Pín trăn trở mãi và nung nấu ý chí phải đi học, vì chỉ có đi học mới có thể thoát nghèo. Và mẹ của Pín - người phụ nữ ít học, lam lũ - đã lao động bất kể ngày đêm để cho con cơ hội tới trường. Mỗi ngày, bà cố gắng nán trên nương lâu hơn, đi sâu vào rừng hơn để có thêm ít măng, rau rừng đổi gạo. Không phụ sự hy sinh của ba mẹ, các chị, năm 2012, Pín cùng lúc thi đậu Trường đại học Tây Bắc (tỉnh Sơn La) và Trường cao đẳng Điện Biên, chính thức mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng của Lò Thị Pín: học thành tài để trở về giúp gia đình, bản làng.
Mang ánh sáng về bản làng
Năm 2016, Lò Thị Pín tốt nghiệp đại học và háo hức trở về bản, công tác tại UBND xã Mường Lói với vai trò “người giúp việc Đảng ủy”. Từ một đứa trẻ đứng trước nguy cơ bỏ học, bữa đói bữa no, tương lai mịt mù, Pín đã trở thành công chức nhà nước.
Ngày ngày, nhìn Pín mặc đồ đẹp chạy xe đi làm, trong khi nhiều người đồng trang lứa phải lên nương, vào rừng kiếm miếng ăn, những đứa trẻ trong bản rất ngưỡng mộ. Vì vậy, ngoài công việc bàn giấy, Pín dành thời gian rảnh hoặc ngày cuối tuần để đến các bản vận động trẻ em nghỉ học sớm quay lại trường.
|
Lò Thị Pín lan tỏa khát vọng học hành để phát triển bản thân và giúp ích cho quê hương |
Sau này, Pín chuyển sang làm Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã rồi Bí thư Đoàn xã, càng có nhiều cơ hội hỗ trợ, giúp đỡ người dân như cài đặt dịch vụ công, tổ chức sinh hoạt cho thiếu nhi… Đặc biệt, Pín tổ chức kết hợp với các đơn vị khác như Đội sản xuất số 7 - Đoàn Kinh tế quốc phòng 326, Chi đoàn đồn biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc hướng dẫn và giúp đỡ bà con làm những mô hình kinh tế như trồng dứa; xây sửa nhà cho người dân; tổ chức những mô hình sinh hoạt văn hóa, giải trí cho thiếu nhi, thanh niên…
Pín tâm sự: “Khi lựa chọn quay về, em muốn mình truyền cảm hứng tới các bạn trẻ ở bản làng em: đi học, sẽ thay đổi cuộc đời”. Chính vì vậy, gần 10 năm qua, Pín vẫn miệt mài với việc: vận động trẻ em đi học, không bỏ học giữa chừng. Pín chia sẻ: “Thực ra, lúc đầu công việc cũng không thuận lợi lắm, vì bà con quan niệm đi học vừa mất tiền, lại chưa chắc tìm được việc làm. Em phải kiên trì thuyết phục ngày này qua ngày khác về những lợi ích khi đi học. Em cũng khẳng định, kể cả nếu ở nhà thì người có học cũng sẽ biết cách để đối diện, vượt qua khó khăn, mở ra hướng làm kinh tế mới, không chỉ tựa mãi vào khoai, vào bắp, măng rừng”.
Với Vì Thị Thủy (sinh năm 1997, dân tộc Lào) khi xuống Hà Nội học Trường đại học Nội vụ Hà Nội, bao khó khăn vây quanh cô gái nghèo vùng núi. Cũng có những lúc buồn tủi, nhưng nghĩ đến tương lai đem tri thức về bản làng, giúp đỡ bà con, Thủy đã vượt qua mọi trở ngại. Năm 2020, Thủy tốt nghiệp đại học và về làm việc tại xã nhà cùng với Pín và Kinh - những cô gái thôn bản đã trở thành công chức, luôn làm việc hết sức mình.
|
Lường Thị Kinh (phải) - cô gái ăn mì gói, đi bộ 40km đường đồi dốc đi học ngày nào - và Vì Thị Thủy (trái) nay trở thành “cán bộ” như cách gọi của người dân trong xã |
Ngoài công việc chuyên môn ở xã, Thủy còn giới thiệu nông sản vùng cao đến khắp nơi bằng hình thức bán hàng online. Thủy tâm sự: “Ở quê em có nhiều đặc sản như nếp thơm, trâu gác bếp, măng khô Điện Biên, măng đắng Mường Lói, mè đen, cá suối… rất ngon, nhưng bà con không có đầu ra. Mong muốn của em là có thể giúp đưa đặc sản quê mình đi xa hơn, để cuộc sống người dân đỡ vất vả hơn”.
Còn với Lường Thị Kinh, từ những ngày còn học Trường cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Kinh đã năng nổ tham gia nhiều hoạt động xã hội như dạy trẻ học, dọn vệ sinh đường phố, thu hoạch mùa vụ giúp bà con… Từ những hoạt động thiện nguyện này, Kinh đã gặp gỡ và nên duyên với chàng trai Sơn La Lò Văn Lả. Cùng tư tưởng, chí hướng, đôi vợ chồng trẻ xem việc hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào cũng quan trọng, cần thiết như chăm chút tổ ấm của mình.
Càng trò chuyện với Vì Thị Thủy, Lường Thị Kinh, Lò Thị Pín, càng khâm phục, yêu quý tinh thần vượt khó, bầu nhiệt huyết và khiêm tốn của các cô. Cả 3 cô gái đều cho rằng mình chưa làm được gì nhiều để giúp bản làng và đang nỗ lực hơn nữa. Nhưng chỉ riêng chuyện quay về sau khi học hành đỗ đạt đã là sự đóng góp ý nghĩa của 3 cô gái cho mảnh đất vùng cao này.
Nhìn Thủy, Pín, Kinh, tôi thấy ngập tràn hy vọng vào ngày mai tươi sáng của những cô cậu bé mặt mũi lem luốc, gầy nhom đang xếp hàng nhận quà ngày hôm nay. Sự truyền lửa, nguồn cảm hứng từ 3 cô gái đang góp phần xây dựng quê hương sẽ là động lực, tấm gương giúp thế hệ trẻ ở Mường Lói noi theo.
“Em cố gắng học, đừng bỏ nửa chừng nhé, rồi mai này các em sẽ giống chị, sẽ giúp được gia đình, bản làng” - lời của Lò Thị Pín dặn dò một em học sinh. Và chúng ta có quyền hy vọng, mai này cuộc sống người dân nơi đây sẽ sung túc hơn, đủ đầy hơn từ những người con của bản làng luôn vượt lên số phận và hết lòng vì cộng đồng.
Thùy Dương