Gắn bó nghề vì tình yêu
Cơn mưa nặng hạt liên tục trút xuống biên giới Việt - Lào khiến đoạn đường rừng vào bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nhão nhoẹt bùn đất. Nhà cách nhau chừng 4km nhưng chị Ngôn Thị Hương - 46 tuổi, ở bản Khánh Thành - phải chạy xe mất nửa giờ mới tới được nhà chị Lữ Thị Viên. Thấy mẹ con chị Viên đều khỏe mạnh, chị Hương cười bảo: “Ổn rồi em nhé. Giờ gắng ăn uống thêm cho có nhiều sữa để nuôi con”.
Khi biết Viên mang thai, chị Hương thường lui tới nhà hỏi thăm sức khỏe, tư vấn kiến thức về sinh sản, đồng thời khuyên Viên đi khám thai định kỳ, đến trạm y tế xã sinh con. Gần đến ngày sinh, Viên đồng ý ra trạm y tế xã sinh con theo lời khuyên của chị Hương nhưng bất ngờ chuyển dạ trước ngày dự sinh cả tuần, phải gọi “bà đỡ” tới hỗ trợ. 2 tháng trước, chị Hương đang phát cỏ trong vườn thì nhận được điện thoại cầu cứu, vội rửa chân tay rồi mang bộ dụng cụ chạy xe tới nhà Viên đỡ đẻ.
|
Chị Xồng Y Trử mang theo túi cô đỡ thôn bản đi thăm khám cho các bà bầu |
Bản Khánh Thành là nơi sinh sống của người Khơ Mú. Phụ nữ nơi đây vốn quen sinh con ở nhà, có người đi làm nương rẫy rồi sinh con trong chòi canh, hiếm khi đến trạm y tế xã. Chứng kiến nhiều ca sinh khó, năm 2018, chị Hương quyết định đi học khóa đào tạo cô đỡ thôn bản miễn phí trong 6 tháng ở Trường đại học Y khoa Vinh để về hỗ trợ chị em sinh nở. Gần 5 năm làm cô đỡ của bản, chị Hương không nhớ đã giúp bao nhiêu trường hợp “mẹ tròn con vuông” ngay tại nhà.
Nhắc đến tiền trợ cấp, chị Hương lắc đầu: “Lúc đi học, họ bảo khi nào có dự án thì sẽ có hỗ trợ, nhưng có thấy gì đâu”. Cũng có những lúc, chị tính bỏ nghề, nhưng rồi không dứt ra được do đã trót yêu nghề: “Người thân cũng nói không có lương, lại còn tốn cả tiền xăng xe thì làm chi cho cực, nhưng mà giờ mình quen việc rồi, gắng vừa làm việc nhà vừa tranh thủ giúp mọi người thôi”.
Là một trong những cô đỡ thôn bản gắn bó với nghề lâu năm nhất huyện Kỳ Sơn, chị Xồng Y Trử - 39 tuổi, ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn - cười nói: “Cả cái vùng này ai cũng biết mình là bà đỡ đẻ rồi, không lẽ họ gọi mà mình không tới giúp”. Lau rửa lại bộ dụng cụ của cô đỡ thôn bản đã theo mình cả chục năm qua, chị Trử nói, phụ nữ người H’mông ở vùng biên giới Việt - Lào hiếm khi đến bệnh viện sinh con do kinh tế khó khăn, do mắc cỡ. “Nếu sinh ở nhà, cũng chỉ có chồng và mẹ được vào hỗ trợ thôi, anh chị em cũng không được vào đâu. Cũng vì quan niệm đó nên phần lớn chị em trong bản vẫn sinh ở nhà. Từ đầu năm đến nay, tôi đã đỡ đẻ cho 15 người tại nhà rồi” - chị Trử nói.
|
Chị Ngôn Thị Hương đến tận nhà kiểm tra sức khỏe, vận động các bà bầu đến cơ sở y tế sinh con để đảm bảo an toàn |
Theo chị Trử, việc xử lý các dây rốn quấn cổ thai nhi không khó bằng việc thuyết phục phụ nữ H’mông ở vùng biên này đến trạm y tế xã sinh con. Đây cũng là điều khiến chị trăn trở và quyết bám nghề. Từ năm 2016, khoản trợ cấp 200.000 đồng mỗi tháng của chị Trử bị cắt nhưng chị nói: “Có cũng được mà không cũng không sao, mình đã thạo việc rồi thì cứ thế mà làm thôi. Gắng giúp được ai thì giúp”.
Cô đỡ không chỉ đỡ đẻ
Mở cuốn sổ nhỏ đã ghi gần kín các trang, chị Hương cho hay, đây là danh sách phụ nữ có thai trong bản do chị lập. Hằng tháng, chị đều đặn tới từng nhà thăm khám, tư vấn kiến thức sinh sản, vận động bà bầu tới bệnh viện hoặc trạm y tế xã sinh con. Chị cũng khuyên nhủ thai phụ bỏ uống rượu, hút thuốc, hạn chế làm việc nặng trong thời gian mang bầu để sinh con an toàn, khỏe mạnh.
Trở thành cô đỡ của bản từ năm 2018, chị Lộc Thị Ngọc - 27 tuổi, ở bản Thung Khang, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu - cho biết, công việc của chị mấy năm qua thiên về tuyên truyền, tư vấn cho các bà bầu nhiều hơn đỡ đẻ bởi bản đã có đường nhựa, ngày càng ít sản phụ sinh con ở nhà.
Chị Lô Thị Cúc - 29 tuổi, cô đỡ bản Na Lanh, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu - chia sẻ: “Giờ người dân cũng có kiến thức nên mình tư vấn về chăm sóc thai phụ và thai nhi cũng dễ dàng hơn. Nếu họ bảo không có điều kiện thì mình tư vấn họ đi siêu âm, khám thai ít nhất 1 lần trong thời kỳ đầu để xem thai đã vào tử cung chưa, thai nhi có bình thường không”.
|
Ở tuổi 66, bà La Thị Hiệu vẫn thường xuyên đỡ đẻ cho người dân trong bản |
Ông Nguyễn Trọng Hương - Trưởng trạm y tế xã Nậm Cắn - cho biết, dù không có trợ cấp nhưng 2 cô đỡ thôn bản của xã vẫn hoạt động rất năng nổ, góp phần rất lớn trong việc nâng cao kiến thức sinh sản cho phụ nữ vùng biên giới. Ngoài tuyên truyền, vận động các bà bầu đến cơ sở y tế sinh con, các cô đỡ còn đến trạm y tế để hỗ trợ các bà bầu “vượt cạn”, chẳng hạn làm thông dịch viên. Ông Hương nói: “Trạm có 4 nhân viên nhưng không ai nói được tiếng Khơ Mú, tiếng H’mông nên phải gọi các cô đỡ tới phiên dịch, hướng dẫn thai phụ làm các thao tác hít sâu, rặn đẻ”.
Theo bác sĩ Lê Thị Hằng - Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An - do không có trợ cấp nên số cô đỡ thôn bản của tỉnh giảm nhiều so với trước. Cuối năm 2022, Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế) hỗ trợ tỉnh Nghệ An mở lớp đào tạo, tập huấn lại kiến thức cho cô đỡ thôn bản nhưng cả tỉnh chỉ còn 31 người dự.
“Nhiều bản ở vùng sâu, phải đi cả ngày mới vào tới nơi nên lực lượng cô đỡ thôn bản vẫn đóng vai trò rất quan trọng ở bản. Hơn nữa, đây là lực lượng gần dân, biết tiếng địa phương nên việc tuyên truyền, vận động cũng dễ dàng và hiệu quả” - bác sĩ Lê Thị Hằng nhận xét.
Bắt gà trả công bà đỡ Không qua trường lớp đào tạo nhưng hàng chục năm qua, bà La Thị Hiệu - 66 tuổi, ở cụm bản Khe Nóng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An - vẫn được người dân trong vùng tin tưởng, nhờ làm bà đỡ. Cụm bản này ở biệt lập trong vùng lõi của vườn quốc gia Pù Mát nên việc sinh đẻ của người dân trong bản lâu nay do bà Hiệu phụ trách. Bà cho biết, mẹ của bà làm nghề đỡ đẻ, năm lên 20 tuổi, bà được mẹ truyền lại nghề để hỗ trợ người dân. Bà nói: “Ở đây làm chi có tiền. Sau khi đỡ đẻ xong, người thân của sản phụ sẽ bắt gà tới nhà bà đỡ trả công, làm lễ để giải xui cho bà đỡ theo phong tục của người Đan Lai”. |
Nhiệm vụ của cô đỡ thôn, bản Theo Thông tư số 07/2013/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 8/3/2013, nhân viên y tế ở thôn, bản, ấp, buôn, làng, phum, sóc (gọi tắt là nhân viên y tế thôn, bản) bao gồm nhân viên làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, gọi là nhân viên y tế thôn, bản; nhân viên làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, gọi là cô đỡ thôn, bản. Cô đỡ thôn, bản có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; hướng dẫn phụ nữ mang thai cách chăm sóc bản thân khi mang thai, sau khi sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, cách cho trẻ ăn hợp lý; định kỳ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ tại nhà; phối hợp tham gia thực hiện các chương trình y tế tại thôn, bản… |
Phan Ngọc