“Giúp được người gặp khó khăn luôn làm tôi cảm thấy mình may mắn. Vì lẽ đó, tôi tự thúc giục mình tìm đến các hoạt động thiện nguyện. Lúc còn ở Cairo (Ai Cập), tôi đã có một số kinh nghiệm về cách chia sẻ với người khó khăn. Nhìn hình ảnh bao người không nhà sống lay lắt trên đường phố Sài Gòn, tôi thấy mình đã rời xa thực tại của cuộc sống muôn vàn khó khăn” - Osama Sayed, kỹ sư công nghệ, cựu nhân viên tại Lazada, người lập nhóm tình nguyện Help Saigon’s Homeless, bộc bạch.
|
Nhóm Help Saigon’s Homeless chuẩn bị gói thức ăn, vật dụng để phát cho những người vô gia cư |
Sống và làm việc ở TPHCM được bốn năm, Osama được kết nối với Christopher (Axey Axe) - một người nước ngoài đã lập nhóm giúp người vô gia cư vào năm 2019 ở TP. Hà Nội, nhóm Help Hanoi’s Homeless, kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của mọi người trên Facebook. Từ đó, Osama đã gầy dựng được một nhóm người nước ngoài tình nguyện giúp người vô gia cư ở TPHCM, lấy tên Help Saigon’s Homeless (HSH).
Ban đầu, nhóm gồm chín người, cùng gom góp quần áo cũ, thức ăn và một số dụng cụ vệ sinh để mang tặng người vô gia cư trong thành phố. Sau mỗi hai tuần, khi đã gom được một số phần ăn và quà, nhóm lại lên đường chia sẻ với người vô gia cư. Trong những ngày đầu, Osama, Dariya Kham và các bạn tập kết tại Bưu điện TPHCM rồi cùng nhau chia các phần quà đi phát.
Do dịch COVID-19, Osama đã phải ở lại Ai Cập trong tám tháng. Đến hôm nay Osama biết ơn Dariya Kham rất nhiều vì HSH đã trở thành một nhóm tình nguyện chuyên nghiệp dưới bàn tay dẫn dắt của cô trong tám tháng anh ở quê nhà. Hoạt động của HSH đang đi theo trình tự của một tổ chức phi chính phủ.
Mỗi đêm thứ Năm, một nhóm người đến từ nhiều quốc gia gồm Việt Nam, Ma-rốc, Kazakhstan, Ấn Độ, Ireland, Nga, Mỹ, Anh, Úc tụ tập tại một quán ăn ở quận 2 vào lúc 20g30 để chia các phần ăn từ thiện vào các túi giấy. Đúng 22g30, một đoàn gần 40 người đa quốc gia chạy xe máy đến nhận những phần quà từ thiện, mang 200 phần thức ăn đến tay người vô gia cư.
Đoàn xe này túa ra ba ngả, theo ba trưởng nhóm mang quà đến các quận. Lộ trình được thiết kế sao cho các nhóm không bị “đụng hàng” nhau. Mỗi phần quà bao gồm một bữa ăn nóng và các loại thức ăn mà người nhận có thể để dành trong hai ngày. Gói quà còn bao gồm nước uống, các vật dụng làm vệ sinh thiết yếu, đôi khi có kèm cả thuốc men. Những phần quà này do các nhà hảo tâm đặt mua trên các trang thương mại điện tử, ghi địa chỉ tiếp nhận là nhóm HSH. Nhóm sẽ tự chia và đóng gói thành từng phần để mang đi phát.
|
Các thành viên nhóm Help Saigon’s Homeless chụp ảnh kỷ niệm sau một đợt phát quà từ thiện |
HSH hiện có gần 3.000 thành viên, trong đó có 200 thành viên thường trực. Rất nhiều người Việt, nhất là những người trẻ tuổi, đã tham gia nhóm này. Dariya Kham - Giám đốc điều hành tại Công ty Remote Resources - nói rất biết ơn vì ngày càng nhiều bạn trẻ Việt chung tay với HSH, giúp họ trao đổi với người vô gia cư để hiểu đối tượng này cần giúp thêm những gì.
“Chúng tôi đồng cảm với người vô gia cư nhưng trong một số trường hợp, cũng đành buông tay. Tôi buồn nhất là trường hợp một cô gái sống dưới gầm cầu cùng con nhỏ ở quận 4 vào mùa thu năm ngoái. Cô ấy đã mất hết răng cửa sau thời gian dài là nạn nhân của nạn buôn người. Cô ấy rất vui vẻ nhận phần quà của chúng tôi, ánh mắt cô ấy toát lên sự biết ơn khi chúng tôi giúp cô đi mua vé số về bán và tìm một phòng trọ cho cô ấy. Nhưng những dự định tương lai của chúng tôi đã không thành vì cuối cùng cô ấy cũng bỏ đi” - Dariya chia sẻ.
Không phải đối tượng vô gia cư nào cũng được HSH giúp đỡ. HSH “nói không” với những người nghiện ma túy hay những người dắt trẻ em đi xin tiền. Dariya cho rằng, nếu quà đến tay những người này, họ có thể sẽ bán để lấy tiền phục vụ cho một tệ nạn nào đó, trong khi những người vô gia cư thực sự lại mất đi thực phẩm cho hai ngày.
Trang Facebook của HSH thường xuyên cập nhập các kiểu dùng trẻ em xin tiền để thành viên cân nhắc giúp đỡ đúng đối tượng. Dù có lòng thương cảm với trẻ em nhưng họ quyết không giúp những trường hợp chăn dắt trẻ em. Họ chỉ tặng đồ chơi cho các em này trong dịp Giáng sinh.
Do nhóm thường xuyên có thành viên mới nên họ phải thường xuyên truyền nhau cách nhận biết người giả dạng vô gia cư. “Khi chạy xe máy đi phát quà, nhóm HSH sẽ bỏ qua những đối tượng giả danh này và đi tiếp. Người vô gia cư thực sự thường rất rụt rè, ngồi cạnh túi đồ to đùng, chủ yếu là ve chai. Họ chỉ mỉm cười cảm ơn khi nhận quà và không hề tỏ ý xin. Ngược lại, người giả dạng vô gia cư thường lao đến chặn xe, xin quà. Họ trông mập mạp và quần áo tươm tất” - Dariya kể.
Dariya khoe, nhóm HSH vừa hùn tiền mua được chiếc xe lăn cho một người vô gia cư ở quận 5 bị mắc bệnh phong với giá 4,9 triệu đồng. Dariya kể, từ khi thay Osama dẫn dắt HSH, mỗi sáng thứ Năm, cô đều dậy sớm để chuẩn bị đồ ăn cả ngày cho chú cún và ba chú mèo rồi đưa con đến trường. Con gái cô hiểu rằng, buổi tối mẹ sẽ về rất trễ vì phải cùng nhóm HSH đi phát quà cho người vô gia cư.
Dù bận rộn nhưng cô vẫn vui vì sự đồng cảm với người vô gia cư được lan tỏa trong cộng đồng đa quốc gia ở Việt Nam. Học sinh Saigon Star International School đã cùng nhau nấu thêm phần ăn để các thành viên HSH phát cho người vô gia cư. Một số nhà tài trợ đã đặt các em mồ côi ở mái ấm The Green Bamboo Center nấu thức ăn từ thiện cho HSH.
Điều đáng quý là các nhà tài trợ và đầu bếp này từng sống trong mái ấm khi còn nhỏ, nay họ quay lại để cống hiến cho nơi này cũng như các trẻ em đường phố. Không chỉ vậy, một số nhà hàng, công ty, cá nhân cũng thường xuyên gửi đến HSH những phần quà dành cho người vô gia cư.
Tuy đã hình thành một cộng đồng rộng lớn, HSH vẫn muốn hoạt động thiện nguyện lan tỏa đến nhiều người hơn nữa. Dariya ngạc nhiên khi số liệu thống kê chỉ ghi nhận TPHCM có 39 hộ vô gia cư. Cô cho rằng, con số thực tế cao hơn nhiều.
“Nếu Chính phủ có thêm nhiều mái ấm tình thương cho người già thì chúng tôi sẽ dễ dàng mang thức ăn đến nhiều địa điểm hơn. Hiện giờ, chúng tôi phải chạy vòng quanh thành phố. Tôi ước có thêm mái ấm ở quận 10, quận 1, quận Gò Vấp để mang thức ăn, quần áo, thợ hớt tóc đến các địa điểm tập trung đó. Chúng tôi sẽ rất vui khi có ngày đó” - Dariya nói.
Đôi khi, trên đường, thành viên HSH gặp các nhóm từ thiện Việt và vẫy tay chào. Các tình nguyện viên HSH mong rằng, ngày nào đó, những nhóm như thế này nhập làm một để có thể đi thêm nhiều tuyến đường nữa và giúp được nhiều người vô gia cư hơn nữa.
Mỹ Huyền