Những chuyến xe buýt nuôi dưỡng tâm hồn

11/11/2024 - 06:28

PNO - Chuyến xe buýt số 8 cuối cùng trôi trong đêm. Trên xe, những dãy ghế lác đác người. Hơi từ máy điều hòa nhiệt độ phả ra lạnh thấu xương. Tôi trùm kín nón áo, ngồi tựa vào lưng ghế nhắm mắt lại, cho đôi mắt tận hưởng những giây phút thảnh thơi sau một ngày mở căng ra săm soi từng con chữ.

Những chuyến xe cõng bao phận đời

Xấp xỉ 10 năm, hành trình mưu sinh của tôi mỗi ngày thường bắt đầu từ chuyến xe buýt tài nhất, khởi hành vào lúc 5g sáng từ bến xe quận 8, xuống trạm ở số 77 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận và trở về vào buổi tối trên chuyến xe cuối cùng.

Chuyến xe sớm không nhiều người. Trừ 5 người là hành khách cố định, thường có thêm chừng 2-3 người nữa là xe lăn bánh. 5 hành khách cố định gồm có tôi, một thím tạp vụ, một chị tiểu thương, một cô giáo mầm non và một anh bán vé số. Trên xe cần trật tự nên mọi người rất ít trao đổi. Vì thế, chúng tôi cũng không biết gì nhiều về nhau, nhưng bữa nào vắng 1 người là mấy người còn lại bồn chồn, lo lắng. Ngày nào cũng vậy, khi xe ngừng ở trạm Tân Bình cho chị tiểu thương bước xuống thì từ hàng ghế phía sau, anh vé số chồm lên nói nhỏ với tôi: “Cô có buồn ngủ thì ngủ đi, tới trạm tui kêu cho”.

Một lực lượng khách hùng hậu đi xe buýt là sinh viên các tỉnh đến TPHCM trọ học. Họ là những bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, nhà lãnh đạo đất nước tương lai - ẢNH: VÂN ES
Một lực lượng khách hùng hậu đi xe buýt là sinh viên các tỉnh đến TPHCM trọ học. Họ là những bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, nhà lãnh đạo đất nước tương lai - Ảnh: Vân ES

Nhưng ở đời, cái gì cho dù có gắn bó tới đâu cũng có ngày rời ra. Hình như từ dạo cô giáo mầm non từ giã bạn đồng hành để đi lấy chồng, lần lượt sau đó, chúng tôi không còn đi chung xe nữa. Tôi chuyển về đường Lý Chính Thắng làm việc. Phải mất mấy tháng trời, tôi mới quen với tuyến xe buýt mới, giờ giấc mới, cung đường mới, và đặc biệt là công việc mới. Mỗi sáng, tôi lại đi xe buýt từ quận 8 sang quận 3.

Tôi nghiệm thấy đời mình may mắn nhất là không biết đi xe máy. Với một người mà mọi cuộc di chuyển thường gắn với xe buýt, tôi thấy được nhiều ưu điểm như an toàn, sạch sẽ, mát mẻ, không mưa gió, nắng nôi, khói bụi, tiếng ồn… Nhưng sức quyến rũ vô biên của xe buýt lại nằm ở cái vé mỏng manh với giá 2.000 đồng/lượt mà mãi đến hơn 20 năm sau cũng chỉ tăng lên 6.000 đồng.

Có lẽ vì thế mà hành khách đi xe buýt hầu hết là người “yếu thế” như phụ nữ lớn tuổi, người già, người ngoại tỉnh đi khám bệnh, dân mua gánh bán bưng, khách vãng lai tứ xứ với đầy đủ giọng nói vùng miền. Không có (hoặc là do tôi chưa thấy) nhà khoa học, không có doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư, luật gia nào đi xe buýt. Những câu chuyện tôi được nghe trên những chuyến xe thường là chuyện của phận người cơ cực. Họ than thở về bệnh tật, về những buổi chợ ế, những nỗi lo “tổng hợp”. Có cả câu chuyện má chồng - nàng dâu, chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem”, chuyện mẹ ghẻ - con chồng…

20 năm, những cung bậc hỉ nộ ái ố trên từng chuyến xe ấy đã ngày ngày nuôi lớn tâm hồn tôi, cho tôi đầy đặn cảm xúc để viết nên những câu chuyện. Những câu chuyện đôi khi ngoài đời thực buồn quá, khập khiễng quá, tôi đành vo nắn lại cho tròn trịa, hoan hỉ hơn.

Một lực lượng hành khách hùng hậu nữa là sinh viên các tỉnh đến TPHCM trọ học. Tôi đặc biệt rất có cảm tình với nhóm hành khách này vì tôi nhìn thấy trên những gương mặt hồn nhiên pha lẫn chút vất vả, lo âu đó có hình bóng của tôi thời cắp sách. Tôi nhìn thấy ở đó một đội ngũ bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, nhà lãnh đạo đất nước tương lai.

Yêu thành phố này từ những chuyến xe

Còn nhớ, hồi tháng 2/2017, do người ta thi công dự án xây dựng cầu vượt thép ở nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, lộ trình các tuyến xe buýt liên quan bị điều chỉnh. Theo lộ trình tạm thời này, cơ quan tôi rơi vào điểm giữa 2 đầu trạm cách nhau rất xa. Đi bộ đuối quá, tôi mạo muội gọi điện thoại cho Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, trình bày nguyện vọng. Nghĩ là hú họa, không ngờ nhận được cuộc gọi hồi đáp. Không lâu sau, một trạm xe buýt tạm thời mọc lên giữa 2 đầu trạm.

Tuyến xe buýt 2 tầng  chở người dân, du khách  tham quan, khám phá TPHCM - ẢNH: PHÙNG HUY
Tuyến xe buýt 2 tầng chở người dân, du khách tham quan, khám phá TPHCM - Ảnh: Phùng Huy

Cũng do may mắn, tôi trở về TPHCM vào những năm đầu của thập niên 2000 khi hoạt động xe buýt bắt đầu nhộn nhịp với sự xuất hiện của hơn 3.000 chiếc xe buýt mới. Từ bấy đến nay, hơn 20 năm, tôi đã chứng kiến không ít sự thăng trầm của xe buýt. Có thời, nhà nhà, người người đổ xô đi xe buýt, trên xe kín người ngồi, chỗ đứng cũng không còn. Nay thì mỗi người 1 băng ghế, tha hồ xoay ngang xoay dọc, co ro trong cái lạnh tái tê. Thời trước, người ta xé vé bằng tay, thông báo bằng miệng; nay thì xe được trang bị hệ thống máy bán vé, thông báo trạm dừng bằng loa, có camera an ninh, camera giám sát hành trình.

Mọi nỗ lực cải tổ, cải cách, chuyển đổi mô hình hoạt động cũng có cái được, có cái chưa được, có hài lòng, có phản đối, có hào phóng, có so đo… Nhưng những chuyến xe ấy vẫn hằng ngày cần mẫn cõng những phận đời cần lao ngược xuôi kiếm sống, là con thoi đưa những cô cậu học trò tới lui nhặt nhạnh từng con chữ vun đắp tương lai. Thấy vậy để mà mở lòng, độ lượng hơn với những va vấp không thể tránh.

Trong khi giới chức thành phố đang ra sức thuyết phục người dân ưu tiên đi xe buýt, hạn chế xe cá nhân thì từ tháng 2/2014, nhiều hãng xe taxi, xe ôm “công nghệ” xuất hiện với sự tiện lợi chưa từng thấy cùng giá cả phải chăng và khuyến mãi “khủng”, tạo nên cuộc cạnh tranh không ngang sức. Xe buýt lại chuyển đổi, lại cải tổ, lại đổi mới tư duy, cách làm. Mặc dù vậy, tôi vẫn tin rằng, vận tải công cộng bằng xe buýt ở TPHCM sẽ sinh tồn nhờ vào việc mở làn đường ưu tiên cho xe buýt cùng với việc đào tạo đội ngũ lái xe, tiếp viên phù hợp với loại phương tiện công cộng cần sự văn minh, lịch sự này. Vận tải công cộng bằng xe buýt là tất yếu của bất cứ thành phố văn minh, hiện đại nào.

Và tôi thấy mình không hề “ảo tưởng niềm tin” khi tối nay, trên tầng cao của chiếc xe buýt 2 tầng tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn, tôi ngồi ngắm nhìn thành phố tôi yêu, tận hưởng gió trời lồng lộng sau cơn mưa, hít hà mùi hoa cỏ thoang thoảng trong đêm, nghe lòng an nhiên, thanh tịnh. Tôi chọn tuyến buýt này vì nó ngang qua vùng cảnh quan sông nước “trên bến dưới thuyền” của quận 8, qua khu nhà cổ đường Hải Thượng Lãn Ông ngạt ngào mùi thuốc bắc - những nơi gợi cho tôi nhiều ký ức tuổi thơ mà nhiều lần chưa kịp đi xa, tôi đã nhớ.

Người Sài Gòn đi city tour Sài Gòn - Chợ Lớn bằng xe buýt không đơn giản bởi “người ấy” không biết đi xe máy, mà vì trong rất nhiều lý do để tôi yêu Sài Gòn, có tình yêu 20 năm sâu đậm tôi dành cho những chuyến xe. Mặc cho bây giờ, mỗi khi hẹn hò, bạn tôi thường hay nhắn: “Chị đi Grab ra, em trả tiền, đừng đi xe buýt lâu lắc”. Lần nào tôi cũng bấm OK, nhưng lần nào cũng hăm hở ra trạm xe buýt. Và lần nào tôi cũng phải giải thích với bạn: “Đi xe buýt không phải tiếc tiền mà đi xe buýt là bởi ta ghiền”.

Lương Gia Cát Tường

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.


Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi
tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI