Những chuyến tàu ở tuổi xế chiều

22/10/2023 - 05:58

PNO - Vé tàu điện ngầm cao cấp ở Hàn Quốc hoàn toàn miễn phí cho những người trên 65 tuổi. Vì vậy, một số hành khách cao niên đã dành cả ngày để đi tàu đến cuối tuyến, tận hưởng niềm vui giản dị trong những chuyến hành trình ở tuổi xế chiều.

Những hành khách đến sân ga cuối cùng

Mỗi ngày, chuyến tàu điện ngầm đều chạy về điểm dừng cuối cùng ở phía bắc Seoul. Rời xa trung tâm thành phố khói bụi, những căn nhà cao tầng thưa dần nhường chỗ cho nắng chiều len lỏi sâu hơn vào các toa tàu. Đến cuối chặng đường, số người còn ở lại trên tàu hầu hết là người già. Họ khẽ gật đầu chào nhau, nhìn ra cửa sổ, vươn vai. Ông Lee Jin-ho - đầu đội chiếc mũ rơm lịch sự, đi giày Adidas trắng và mặc bộ hanbok truyền thống - đã bắt 2 tuyến tàu điện ngầm trong hơn 1 giờ từ nhà đến điểm dừng cuối cùng, Soyosan, vào một ngày tháng Tám ẩm ướt.

Một hành khách lớn tuổi ngồi chờ chuyến tàu giữa sân ga Deokjeong ở Yangju, ngoại ô Seoul
Một hành khách lớn tuổi ngồi chờ chuyến tàu giữa sân ga Deokjeong ở Yangju, ngoại ô Seoul

Ông đi bộ khoảng 100m ra khỏi nhà ga, nghỉ ngơi một lát trong bóng râm rồi quay lại ngay để bắt chuyến tàu đi về hướng nam. Nhà thiết kế nội thất đã nghỉ hưu 85 tuổi là một trong số những người cao tuổi thường xuyên đi tàu điện ngầm ở Seoul. Họ tận dụng chính sách lâu đời của đất nước là miễn phí vé cho những người trên 65 tuổi và dành cả ngày để đi tàu đến ga cuối cùng hoặc bất cứ địa điểm nào họ thích. Vào những ngày hè dài, nhiệt độ trung bình ở Seoul lên đến 30 độ C trong tháng Tám, những chuyến tàu với điều hòa không khí mát lạnh thu hút dòng người tấp nập lên xuống ở mỗi sân ga. Hơn 300km đường tàu điện ngầm trong thành phố giúp những hành khách lớn tuổi lang thang khắp mọi nơi, gần như không giới hạn. Ông Lee nói: “Ở nhà, tôi buồn chán và chỉ muốn nằm dài”. 

Theo dữ liệu từ 2 doanh nghiệp quản lý tàu điện ngầm, người lớn tuổi đi tàu miễn phí chiếm khoảng 15% lượng hành khách hằng năm ở Seoul. Họ trở thành một hình ảnh quen thuộc của thành phố và có biệt danh “Jigong Geosa”, bắt nguồn từ cụm từ “tàu điện ngầm miễn phí”. Các tuyến và sân ga mà nhóm hành khách đặc biệt này thường lui tới đều trở nên nổi tiếng.

Vợ chồng ông Lee ở trong một căn hộ chật chội, sống bằng tiền trợ cấp hưu trí. Vợ ông dành phần lớn thời gian ở nhà sau 5 ca phẫu thuật đầu gối. Đối với ông Lee, không cách nào tốt hơn để tận hưởng những ngày tự do bằng một chuyến tàu miễn phí. Ông giải thích: “Một vòng tàu chạy, đến sân ga cuối cùng rồi quay lại tốn khoảng 4 giờ”. Những hành khách như ông Lee luôn tuân thủ nhịp điệu và các quy tắc bất thành văn khi đi tàu điện ngầm, chẳng hạn tránh giờ cao điểm, khi tàu chật cứng và mọi người đều vội vàng, không đứng trước những người trẻ đang ngồi, kẻo họ cảm thấy bị áp lực phải nhường chỗ. 

Những hành khách tóc bạc là một hình ảnh quen thuộc của thành phố Seoul, nơi sinh sống của gần 1,7 triệu người trên 65 tuổi
Những hành khách tóc bạc là một hình ảnh quen thuộc của thành phố Seoul, nơi sinh sống của gần 1,7 triệu người trên 65 tuổi

Jeon Jong-duek - (85 tuổi) một giáo sư toán đã nghỉ hưu - chia sẻ: “Tôi chỉ cần chọn một quyển sách, đọc và ngủ gật. Cảm giác đó thật tuyệt vời. Đoàn tàu sẽ đưa tôi đến mọi ngóc ngách ở Seoul”. Park Jae-hong - (73 tuổi) người vẫn thỉnh thoảng làm thanh tra xây dựng và đang theo đuổi nghề người mẫu - cho biết, ông thấy tàu điện ngầm mang lại cảm giác thiền định và thư giãn, tương tự một ốc đảo tránh khỏi nhịp điệu hối hả của thành phố.

Tranh cãi về những chuyến đi miễn phí

Có 6 chỗ ngồi dành riêng cho hành khách lớn tuổi ở 2 đầu mỗi toa tàu nhưng nhìn chung, Seoul dường như có ít vị trí dành cho người lớn tuổi, ngay cả khi dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng.

Cha Heung-bong (80 tuổi) - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, người đề xuất chính sách miễn phí vé tàu điện vào khoảng năm 1980 - cho biết, nhiều người lớn tuổi sống với thu nhập hạn chế vì hệ thống lương hưu quốc gia mãi đến cuối những năm 1980 mới được thiết lập. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng 4/10 người Hàn Quốc trên 65 tuổi sống trong cảnh nghèo đói, gấp đôi tỉ lệ ở Nhật Bản hoặc Mỹ. Với hệ thống tàu điện ngầm bị thâm hụt suốt nhiều năm, các chính trị gia thường xuyên đề xuất loại bỏ chính sách vé tàu miễn phí hoặc tăng độ tuổi người được hưởng.

Ông Jeon Jong-duek - một giáo sư toán đã nghỉ hưu - bước dọc theo toa tàu đông đúc của tuyến Seoul số 1 băng qua vùng ngoại ô Dongdaemun-gu
Ông Jeon Jong-duek - một giáo sư toán đã nghỉ hưu - bước dọc theo toa tàu đông đúc của tuyến Seoul số 1 băng qua vùng ngoại ô Dongdaemun-gu

Tại thủ đô, nơi có gần 1,7 triệu người từ 65 tuổi trở lên, hơn 233 triệu chuyến đi miễn phí đã được thực hiện vào năm 2022. Dữ liệu cho thấy điều đó khiến Seoul Metro thiệt hại khoảng 315 tỉ won (250 triệu USD) vào năm 2022, tương đương 30% số nợ của họ. Do đó, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon lưu ý tại một hội thảo vào tháng 2/2023, khi chính sách miễn phí vé cho người cao tuổi được áp dụng cách đây nhiều thập niên, chưa đến 4% cư dân thành phố trên 65 tuổi. Bây giờ, nhóm tuổi đó chiếm hơn 17%.

Đáp lại, ông Kim Ho-il - Chủ tịch Hiệp hội Người cao tuổi Hàn Quốc - phát biểu tại hội thảo: “Có phải người cao tuổi muốn bản thân già đi? Năm tháng trôi qua, chúng tôi bị đẩy vào tuổi già. Giờ đây, tại sao bạn lại cố gắng lấy đi hạnh phúc này?” đồng thời lập luận rằng đất nước đang tiết kiệm nhiều hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bằng cách giúp người lớn tuổi luôn năng động.

Người già cũng chỉ là những đứa trẻ mê rong chơi

Vào một buổi chiều tháng Chín, trên những chiếc ghế dài có bóng râm bên ngoài ga Soyosan, một nhóm đàn ông lớn tuổi từng quen đi tàu một mình nay ngồi quanh nói chuyện. Cuộc trò chuyện của họ xoay vòng từ lịch sử đến nền kinh tế, vị thế của đất nước trên thế giới. Tiếng ve sầu đan xen vào tiếng ầm ầm của những chuyến tàu vào ga.

Lee Jin-ho - nhà thiết kế nội thất đã nghỉ hưu - tại ga Changdong  ở Dobong-gu, ngoại ô Seoul vào một ngày tháng Tám
Lee Jin-ho - nhà thiết kế nội thất đã nghỉ hưu - tại ga Changdong ở Dobong-gu, ngoại ô Seoul vào một ngày tháng Tám

“Căn hộ của tôi nóng quá. Vào một ngày như thế này, tàu điện ngầm là nơi nghỉ ngơi, một nơi nghỉ dưỡng mùa hè” - ông Kim - một linh mục 80 tuổi - chia sẻ. Ông mặc áo cổ lọ bên trong bộ trang phục cha xứ màu đen với tay áo xắn lên khi nhiệt độ của Seoul vào khoảng 32 độ C. Cạnh đó, ông Han Kwei (80 tuổi) cho biết ông thích đi tàu vào sáng sớm, khi những người làm việc chăm chỉ đang trở về nhà sau ca làm việc đêm. Những người đàn ông nói về thời thanh xuân khó khăn của họ. Ông Han kể lại việc làm thợ mỏ ở Đức cách đây nhiều thập niên, một con đường mà nhiều người Hàn Quốc nghèo lựa chọn vào thời điểm đó. Một người đàn ông khác kể về tuổi thơ nghèo khó của mình, khi ít ai có thể ăn đủ 3 bữa mỗi ngày.

Họ bộc bạch rằng khoản tiết kiệm hưu trí ngày càng trở nên eo hẹp trước tình hình giá cả leo thang và giá vé 1.500 won cho mỗi chuyến tàu (khoảng 1,15 USD) là rất đáng kể đối với thế hệ của họ. Hầu hết mọi người sẽ đi tàu điện ngầm ít hơn nếu nó không miễn phí. Ông Bae Gi-man (91 tuổi) cho biết, sau khi người vợ chung sống cùng ông suốt 7 thập niên qua đời vào năm 2022, ông đã dành nhiều ngày tự nhốt mình trong nhà, hầu như không tắm rửa hay ăn uống. Những chuyến đi chơi ở tàu điện ngầm thúc đẩy ông ngồi dậy, sửa soạn quần áo và bước ra ngoài giao tiếp với người khác. Ông Bae chọn cho mình một chiếc áo sơ mi polo, quần dài và đội mũ lưỡi trai cho chuyến đi lần này. Ông vui vẻ nói rằng những chuyến đi chơi giúp ông ăn và ngủ ngon hơn. Tại nhà, ông có các bản sao của bản đồ hệ thống tàu điện ngầm quanh khu vực thủ đô Seoul để tham khảo và lên kế hoạch cho hành trình. 

Khi đồng hồ điểm 16g, ông Lee đang trên đường về nhà. Liếc nhìn quanh toa tàu điện ngầm nơi hành khách lớn tuổi chiếm gần một nửa, ông nhận xét: “Các hành khách 70, 75 tuổi trông như những thanh niên đang dạo chơi, còn nhóm 65 tuổi về cơ bản chỉ như những đứa trẻ đang khám phá điều gì đó mới mẻ”. Dù vậy, ông Lee cũng đồng ý rằng độ tuổi miễn phí vé nên được nâng lên nhằm giảm tải áp lực cho các doanh nghiệp điều hành tàu điện ngầm khi số người già ngày càng tăng. Một cuộc thăm dò của Gallup được công bố vào đầu tháng 2/2023 cho thấy, 60% người Hàn Quốc ủng hộ việc tăng độ tuổi tối thiểu được nhận các ưu đãi cho người cao tuổi (bao gồm vé tàu miễn phí) lên 70, 34% phản đối và phần còn lại chọn ý kiến trung lập. 

Linh La (theo The New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI