Bên cạnh những tượng đài bị đánh đổ, những “ông lớn” lần lượt nói lời chia tay dù sớm, dù muộn… cái choáng váng, đê mê trăm năm của túc cầu giáo còn là câu chuyện “hóa thiên nga” của những “chú vịt con”.
World Cup của các thủ môn
Trái ngược hoàn toàn với những tiên đoán trước giải, rằng World Cup được tổ chức tại Nga năm nay sẽ “khan hiếm thủ môn giỏi”. Bất chấp sự vắng mặt của nhiều tên tuổi như “cánh én” kỳ cựu Gianluigi Buffon, Gianluigi Donnarumma, Jan Oblak, Samir Handanovic… Mundial 2018 vẫn chứng kiến hàng loạt thủ thành xuất sắc.
Với những màn cứu thua tuyệt vời đến mức khó tin trong hơn 60 trận đấu tại vòng chung kết, đã có ít nhất 6 lần người ta phải ngả mũ dành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu cho các thủ môn.
Đầu tiên phải nhắc đến Jordan Pickford của đội tuyển Anh. Nếu không có tình huống bay người như chim của Pickford cản phá cú sút xa hiểm hóc đưa bóng vào góc chữ A khung thành của Mateus Uribe, thì Tam Sư có thể đã bị loại ngay từ vòng 1/16 bởi Colombia. Cũng trong trận đấu này, hai pha cứu thua sau đó của Pickford còn đưa nước Anh bước qua “nhớp” chưa bao giờ giành chiến thắng trong loạt sút luân lưu tại World Cup và vào tứ kết.
Thủ môn có giá chuyển nhượng 30 triệu bảng (đắt thứ ba trong lịch sử bóng đá thế giới) tiếp tục tỏa sáng trong trận tứ kết “giúp” Anh thắng Thụy Điển 2-0. Cùng với phong độ ghi bàn xuất sắc của Harry Kane, Pickford đã có đến 3 pha cứu thua xuất thần, vừa đủ để đưa Anh giành vé vào bán kết, vừa đủ để anh giành luôn danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận.
Chàng trai khiến người hâm mộ phải nhớ đến hình ảnh của cả hai cha con trên khung gỗ là Kasper Schmeichel - con trai thủ môn lừng lẫy của Đan Mạch Peter Schmeichel. Tuy đội tuyển Đan Mạch dừng chân tại vòng 1/16 trước Croatia, nhưng đây cũng chính là trận mà Kasper đã trình diễn “phép thuật” của mình.
Anh ôm gọn cú sút penalty của Luka Modric vào thời điểm cận kề phút 120 của trận đấu, một khoảnh khắc mà mọi ước mơ của những trái tim yêu “thùng thuốc súng Đan Mạch” tưởng chừng đã tắt ngúm. Bước vào loạt sút cân não, Kasper tiếp tục xứng đáng là Cầu thủ xuất sắc nhất trận khi cản phá thành công 2 quả luân lưu.
Thủ môn đội chủ nhà Igor Akinfeev cũng cho thấy phong độ tuyệt vời tại giải năm nay. Cầu thủ xuất sắc nhất trận vòng 1/16 đã giúp Nga trụ vững trước Tây Ban Nha trong các hiệp chính và phụ với tỷ số 1-1 (4-3). Và cú cản bóng thành công bằng chân trái của Igor trong cú sút luân lưu quyết định đã giúp Nga loại Tây Ban Nha hãnh tiến vào tứ kết.
Chúng ta còn chứng kiến những pha bóng “10 phần, 9 phần chết” nhưng vẫn “sống” nhờ tài nghệ của các thủ thành lần lượt như Mohamed El-Shenawy của Ai Cập - cầu thủ được bầu chọn xuất sắc nhất trận vòng bảng gặp Uruguay (0-1); Hannes Halldorsson (Iceland) - cầu thủ xuất sắc nhất trận vòng bảng gặp Argentina (1-1) và thủ môn có gương mặt trẻ thơ Jo Hyeon-woo của Hàn Quốc - cầu thủ xuất sắc nhất lượt trận cuối vòng bảng khi các chiến binh Taeguk đè bẹp nhà đương kim vô địch Đức 2-0.
Và sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến hai thủ môn “tuyệt đỉnh công phu” của World Cup 2018: Thibaut Courtois của đội tuyển Bỉ và Guillermo Ochoa của tuyển Mexico. Cả hai đang độc chiếm vị trí nhất nhì trong bảng xếp hạng thủ môn giải năm nay của FIFA.
Thibaut Courtois xếp số 1 với 27 pha cứu thua trong 7 trận, hiệu suất 81,8%. Giới chuyên môn đánh giá hai pha cản phá đẳng cấp của Courtois trước những cú ra chân sút của Coutinho và Neymar ở trận tứ kết gặp Brazil xứng đáng thuộc top 5 màn cứu thua ngoạn mục nhất giải đấu.
Tại vòng bán kết, trong khi bên kia chiến tuyến, thủ môn Hugo Lloris của Pháp cũng thể hiện phong độ cực tốt để mang về chiến thắng cho các chú gà trống - anh có tình huống cứu thua được cho là đẹp bậc nhất năm nay, cản phá cú sút của Toby Alderweireld tuyển Bỉ; thì ở phía này, Courtois vẫn xứng đáng nhận những lời khen ngợi hơn bởi những tình huống cản phá cơ hội ghi bàn mười mươi của đối phương. Đáng kinh ngạc là tình huống Courtois dùng cẳng chân cản cú sút của Pavard trong tình thế mặt đối mặt ở hiệp 1.
Xếp số 2, Guillermo Ochoa có thành tích 25 pha cứu thua trong 4 trận (đạt hiệu suất 80,6%). Hẳn Ochoa đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả bằng cả tài năng lẫn ngoại hình. Từng tham dự ba kỳ World Cup 2006, 2010 và 2014, Ochoa đã luôn có được vị trí chắc chắn trong đội hình chính thức của Mexico. Tại World Cup 2018, Ochoa tiếp tục thi đấu vượt trội so với các đồng nghiệp khác.
Ngoài ra, chắc chắn người hâm mộ sẽ nhớ mãi những đôi găng siêu phàm của những Keylor Navas (Costa Rica), Danijel Subasic (Croatia) hay Eiji Kawashima (Nhật Bản…
Bông hồng phía sau chuyện cổ tích Balkan
Như đã nói, mùa hè nước Nga 2018 không chỉ làm thế giới bất ngờ vì những gì xảy ra trên sân cỏ với những lời chia tay nhanh chóng của các ông “khổng lồ” như Tây Ban Nha hay Đức, rồi Brazil, Argentina...
Lừng lững tiến vào trận chung kết, ngoài những cầu thủ rực lửa và nhà cầm quân “cú vọ”, đội tuyển Croatia đã cuốn hút người hâm mộ còn bởi một chi tiết tuyệt vời hơn: sự hiện diện của một người phụ nữ ngay trên băng ghế ban huấn luyện.
Khán giả đã quá quen hình ảnh những người đàn ông trong khu vực kỹ thuật môn bóng đá. Và sự xuất hiện của Iva Olivari - trong vai trò nữ quản lý đội tuyển quốc gia vùng Balkan - đã ghi dấu lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ World Cup, có một bóng hồng ở phía sau một đội bóng như thế.
Cũng như “quỹ đạo” của đội tuyển Croatia, con đường của Iva để có thể đặt chân đến được các sân vận động hùng vĩ bên bờ Biển Đen, khá dài. Nó bắt đầu vào năm 1992, sau một chấn thương kết thúc sự nghiệp đầy hứa hẹn trong môn quần vợt, bà quyết định đến tìm việc ở liên đoàn bóng đá quốc gia.
Năm 2014, Iva được bổ nhiệm làm người quản lý của đội tuyển bóng đá nam bởi chính cựu danh thủ Davor Suker - lúc này đã là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Croatia - một tổ chức luôn tự hào có nhiều phụ nữ làm việc hơn nam giới. Bà đã chấp nhận thử thách và bắt đầu xuất hiện ở rìa sân trong các trận đấu của đội tuyển quốc gia kể từ vòng chung kết châu Âu 2016.
Nếu như các quyết định chuyên môn được đưa ra bởi huấn luyện viên Zlatko Dalic, thì “dì Iva” - cách trìu mến mà các cầu thủ dùng gọi người quản lý 49 tuổi của mình - đã “bao sân” hầu hết chuyện hậu cần của đội, bao gồm giám sát, công việc hành chính, ngoại giao và mọi thứ cần thiết để tham gia một giải đấu. Điều này có nghĩa bà phải làm cả việc hỗ trợ các kỹ thuật viên của đội trong giao tiếp và các cuộc đối thoại với FIFA.
Hình ảnh Croatia lần đầu tiên lọt vào trận chung kết World Cup với một phụ nữ ở rìa sân đã khiến người ta không khỏi xao xuyến với câu hỏi: điều gì đang xảy ra bên trong một đội bóng đã làm nên lịch sử? Phải chăng ông Zlatko Dalic đã làm tốt nhất công việc của mình, cộng với “mọi thứ đã thực sự khác đi” qua Iva Olivari?
Theo thống kê của FIFA, gần một nửa khán giả World Cup là nữ ở các nước Mỹ Latinh. Nghịch lý là chỉ có phụ nữ trong các ủy ban kỹ thuật các đội tuyển, phòng báo chí nhưng không có một nữ trọng tài nào trong tất cả 64 trận đấu tại giải năm nay.
Điều này khiến Iva thốt lên: “Tôi muốn thấy nhiều phụ nữ hơn trong và ngoài sân cỏ. Chúng tôi có thể làm nhiều thứ. Chúng tôi không cần phải đi du lịch, chúng tôi đến đây là để làm việc và cùng các cầu thủ giành chiến thắng”.
Các tuyển thủ của đội bóng mệnh danh “dải ca-rô chết chóc” đều tỏ lòng kính trọng đối với Iva Olivari. Có lúc, cựu vô địch quần vợt quốc gia U-14 này có thể chăm sóc cho các cầu thủ hệt như một bảo mẫu và có những thời khắc, bà đã giúp nhiều người trong số họ lấy lại sự tự tin khi họ cần những lời khuyên.
“Dì Iva thực sự tuyệt vời. Bà ấy luôn ở bên chúng tôi. Bà giống như thiên thần hộ mệnh của đội. Thật là không dễ dàng để quản lý tất cả bọn tôi nhưng bà ấy rất thích đùa và tất cả chúng tôi đều yêu điều đó”, thủ môn Danijel Subasic chia sẻ.
Nói theo cách của Josef “Sepp” Herberger - huấn luyện viên huyền thoại của tuyển Đức: “Quả bóng thì tròn. Trận đấu chỉ kéo dài trong 90 phút. Mọi thứ khác chỉ là lý thuyết (xám xịt)”. Và có lẽ, mọi thứ khác “xám xịt” ấy đã giúp cho bóng đá luôn mới mẻ, luôn vì con người hơn. Chẳng hạn như năm nay, lần đầu tiên bóng đá thế giới có công nghệ VAR (video assistant referee) và… dì Iva Olivari, bóng hồng ở rìa sân - đã tạo ra bước ngoặt lớn.
Quốc Ngọc