Những chiếc vé đi ngược thời gian
Sài Gòn những ngày này hơi ngột ngạt. “Bóng ma” COVID-19 vẫn như đang lởn vởn đâu đây. Ai nấy đều cố tìm cách thoát khỏi sự bức bối. Tôi lục lại những tấm ảnh cũ, dừng lại ở khoảnh khắc chớp vội mấy nhành hoa điên điển vàng tươi trong ánh chiều tà rồi bỗng giật mình: Giờ ở quê, một mùa nước nổi nữa lại về…
|
Hoa điên điển |
Đó là một buổi chiều vội vã, cha chở tôi trên chiếc xe máy cà tàng đi tìm điên điển để làm tư liệu cho công việc. Gần mười năm sống ở Sài Gòn, đó là lần đầu tôi được trở lại với những ngày con nước đỏ ngầu, chực chờ nhảy khỏi bờ đê.
Chiếc xe vòng vèo theo những con đường nhỏ uốn lượn đến Bà Bống, cách nhà chỉ chừng vài cây số, tôi từng được nghe cha nhắc nhiều nhưng chưa bao giờ đến bởi ngày ấy tôi chỉ biết đi học rồi về nhà, hiếm đi chơi như chúng bạn.
Cha tôi thuộc làu tập tính của điên điển. Chiếc xe lên giữa cầu, ông nhìn lướt xung quanh rồi chỉ: “Hướng này”. Quả thật, chỉ ít phút sau, một rừng điên điển hiện ra trước mắt tôi với những cây cao lớn, đã nằm sà xuống mặt nước. Cha tôi ngắt vội mấy chùm mang về làm gỏi tép.
Chỉ về hướng vườn mít xanh mướt trải rộng hết tầm mắt đang chìm dần trong ánh hoàng hôn đỏ rực, ông bảo ngày trước nơi đây chỉ toàn ruộng lúa. Mùa nước nổi, ông lại cùng cô, bác tôi lặn lội đến đây mò cua, bắt cá. Đến mùa vịt chạy đồng thì ông mót trứng vịt. Mùa khoai lang, sau khi chủ ruộng thu hoạch, ông lại xin mót khoai.
Cái nghèo, đói khiến những đứa trẻ ngày ấy mạnh mẽ hơn thời nay rất nhiều. Sự khổ cực hòa lẫn với niềm vui thuở thiếu thời trong những câu chuyện cha kể sống động như mới hôm qua.
Họ, những đứa trẻ ngày xưa, giờ nhiều người đã trở thành cát bụi trong chiến tranh, bệnh tật. Cha tôi vẫn còn ôm hoài những kỷ niệm đó với hai tiếng gia đình thân thương. Tôi như lạc vào một thế giới khác. Với cha tôi, mùa nước nổi là mùa của những kỷ niệm.
|
Với cha tôi, mùa nước nổi là mùa của những kỷ niệm (Ảnh minh họa) |
Hôm sau, chiếc xe lại bon bon lên đường. Con đường rải đá, trải nhựa nằm sát bên bờ sông dẫn tôi đến một xóm chài nhỏ. Nước đã “liếm” nhẹ lên mặt đường, nhấn chìm mấy bụi cỏ dại. Tôi bất ngờ, bởi không nghĩ nghề này vẫn còn tồn tại. Trên những chiếc ghe nhỏ chòng chành theo từng con sóng, tiếng cười nói vang vọng.
Bỗng xe dừng lại trước một ngôi chùa cổ đã đầy dấu vết thời gian. Đó là nơi cha tôi từng theo học thuở nhỏ. Ông thường ở trần, mặc quần cụt, đầu che lá chuối đến lớp, mùa nước thì lội bì bõm. Nội tôi sốt ruột vì sợ lũ dữ, đạn bom nhưng cha tôi lại ham biết chữ nên ngày nào cũng đến lớp. Có hôm đang học, tiếng bom nổ vang rền khiến những đứa trẻ hồn xiêu phách lạc.
Chiếc xe chạy đến nơi cách nhà tôi chừng 30 cây số. Đó là những ruộng lúa bạt ngàn nay đã chìm trong nước. Mặt ruộng dưới ánh nắng chiều như được tráng gương loang loáng, xa xa lại ánh lên cái màu bàng bạc như những khoảnh khắc thần tiên trong những câu chuyện cổ. Bên dưới, một người đàn ông đang khẽ chống xuồng giăng lưới, khua dầm để bắt cá.
Lớn lên, cha tôi đi kháng chiến, đóng quân gần đây, lâu lâu được về thăm nhà một lần. Chàng thanh niên ngày ấy phải băng hết những mảnh ruộng này, lội sông, rồi luồn lách trong những vườn cây um tùm. Ông ăn vội củ khoai, miếng cơm nguội rồi lại lên đường. Có lần, ông về, nội đã tản cư sang cồn, chỉ viết lại mấy dòng nguệch ngoạc trên vách nhà bằng than bếp. Có lúc, ông tưởng tim mình như ngừng đập.
|
Chỉ cần giăng một mẻ lưới nhỏ đã gom được mớ cá linh tươi rói |
Ông đánh một vòng thật xa, len lỏi vào con đường nhỏ với những bụi tre trúc um tùm hai bên. Nơi dòng kênh đỏ ngầu, mấy chùm điên điển vàng rực lại đung đưa trong gió. Cảnh đẹp nhưng sao nao lòng. Tiếng máy xe nhỏ dần rồi tắt hẳn. Cha đứng đó, yên lặng hít thở khí trời rồi chép miệng: “Đất này ngày xưa của nhà mình”.
Sau khi đất nước hòa bình, ông nội tôi được cấp mấy công đất vì có công trạng. Thuở cha mẹ mới cưới nhau, cứ đến mùa lúa, cả nhà lại hì hục chèo xuồng vào đây để gặt, trước khi con nước ngập đồng.
Ngày ấy, cứ để chân xuống, rút lên là chân đầy đỉa hút máu. Làm lụng cực nhọc mà cái nghèo vẫn đeo bám nên cuối cùng cha mẹ đành bỏ ruộng, tìm kế sinh nhai mới ở chợ. Mảnh đất được giao cho người cháu họ của nội tôi, cuối cùng lại bị bán mất khi nào không hay. Nhắc lại, cha tôi vẫn tặc lưỡi tiếc thầm.
Bình an
Căn bệnh xương khớp khiến hơn chục năm qua, cuộc sống của cha tôi dường như chỉ quanh quẩn trong nhà, xa hơn là khu chợ cách nhà chừng ba cây số. Những chuyến đi xa hơn, ông đều khước từ. Ngay cả việc tiễn con lên đường học đại học hay chung vui ngày tốt nghiệp, ông cũng không ráng gượng được.
Ấy vậy mà sau mấy chuyến đi liền, quay về chốn cũ, ông chẳng than đau nhức, có lẽ vì vui hoặc ông sợ con cái phải bận lòng. Mỗi câu chuyện được kể, có khổ đau, có tiếc nuối, thương nhớ khắc khoải nhưng giờ đây, với ông, đều nhẹ nhàng.
27 tuổi, tôi từng ngồi sau xe của nhiều người, đi đến nhiều vùng đất đẹp trên đất nước này với đầy niềm thích thú. Thế nhưng, cảm giác bình an, vững tâm như sau lưng cha thì chưa bao giờ có.
|
Mùa nước nổi đã trở thành một phần không thể thiếu của con người miệt sông nước Cửu Long - Ảnh: Nguyễn Thành Luy |
Dĩ nhiên, với những đứa trẻ miền Tây, mùa lũ không lạ. Tôi cũng từng trải qua mùa lũ lịch sử năm 2000 với đầy đau thương, mất mát. Cha bỏ tôi vào chiếc thau nhựa, kéo đi khắp nhà khi con nước ngập đến đầu gối người lớn, trong nhà không khác ngoài sông. Thế nhưng, có lẽ đây là lần đầu tôi thấy hết vẻ đẹp của mùa lũ khi đứng giữa hai bờ quá khứ và hiện tại.
Hàng bạch đàn cao vút khẽ đong đưa trước cơn gió nhẹ, in lên nền trời hoàng hôn những đường nét lạ lẫm. Con nước đang cuồn cuộn chảy, chỉ chút nữa thôi sẽ ngập xâm xấp mặt đường. Bức tranh đẹp nhưng gợi cảm giác buồn.
Bất chợt, tôi nhớ đến truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu từng được học thời phổ thông. Nhĩ là người đàn ông đã được đến nhiều vùng đất nhưng cuối đời lại bị cột chặt vào giường bệnh. Anh thèm khát được đặt chân đến bờ bên kia của bến sông để biết về quê mình. Tôi chẳng biết Nhĩ có thật hay không nhưng nỗi niềm này thật khắc khoải.
Quê hương, những gì gần gũi nhất, người ta cũng không biết rõ, để cuối đời phải ngậm ngùi. Còn tôi may mắn có rất nhiều câu chuyện thú vị để nói về mùa nước nổi miền Tây với bạn bè, người quen, sau những chuyến xe chòng chành của cha, gom hết hương vị của đất trời.
Chiều nay, tôi gọi về cho cha. Con nước năm nay vẫn chưa tràn bờ. Mấy năm gần đây, nghe đâu chuyện thủy điện ở thượng nguồn khiến nước về chậm. Cá tôm cũng không còn nhiều như trước. Trong những lần ôn chuyện xưa, ông vẫn nhớ cảm giác thích thú khi len vào bụi dừa nước bắt cá bống trứng, cá bống đen hay chỉ cần giăng một mẻ lưới nhỏ đã gom được mớ cá linh tươi rói.
Càng thương nhớ quá khứ, lòng tôi lại càng lo cho hiện tại bởi mùa nước đã trở thành một phần không thể thiếu của con người miệt sông nước Cửu Long. Nó trở thành một phần máu thịt, mang trọn ký ức của những con người đã bước qua nửa con dốc còn lại của cuộc đời.
Trung Sơn