Những chuyến đi đặc biệt của Murayama Yasufumi

21/09/2023 - 06:33

PNO - Cuối tháng 7/2023, nhà báo Nhật Murayama Yasufumi - 55 tuổi - tiếp tục đến thăm Việt Nam. Điểm dừng chân của ông là TPHCM và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong 25 năm qua, ông đã có 55 chuyến đến Việt Nam, mỗi chuyến đi đều giúp ông có những trải nghiệm lý thú để thêm yêu đất nước, con người Việt Nam.

“Trong chuyến đi này, tôi gặp lại Đỗ Thùy Dương. Dù đang phải chống chọi với bệnh tật, sức khỏe ngày càng yếu do di chứng của chất độc da cam nhưng Thùy Dương vẫn lạc quan, yêu đời, nghị lực thật đáng khâm phục” - ông nói.

Ông Murayama Yasufumi (thứ tư từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm với người dân Việt Nam  trong chuyến đến Việt Nam lần thứ 50 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ông Murayama Yasufumi (thứ tư từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm với người dân Việt Nam trong chuyến đến Việt Nam lần thứ 50 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Năm 2001, ông Murayama Yasufumi vô tình quen biết chị Đỗ Thùy Dương - sinh năm 1988, quê ở tỉnh Sóc Trăng. Khuôn mặt biến dạng của bé gái Việt do ảnh hưởng của chất độc da cam khiến nhà báo Nhật động lòng trắc ẩn. Ông đã tìm cách đưa Thùy Dương sang Tokyo (Nhật Bản) để khám, chữa bệnh. Cũng chính hình ảnh của Thùy Dương là động lực để ông thực hiện nhiều chương trình, dự án đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, như vận động, thu thập chữ ký và thực hiện nhiều triển lãm ảnh về “nỗi đau da cam”.

“Trong chuyến đi cuối tháng Bảy vừa rồi, tôi đã được gặp lại ân nhân của mình. Hồi tháng Ba năm nay, tôi bị lạc đường ở tỉnh Vĩnh Long. Một nông dân đã lấy xe máy chở tôi đi và chúng tôi trở thành bạn bè. Gặp lại anh sau nhiều tháng, anh vẫn chân chất, gần gũi. Tôi rất quý đức tính mến khách của người miền Tây Nam Bộ” - ông Murayama Yasufumi kể.

Năm 1998, ông Murayama Yasufumi lần đầu đến Việt Nam trong vai trò là phóng viên ảnh, cùng người thầy của mình dự triển lãm ảnh tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM. Hình ảnh Việt Nam đứng dậy sau chiến tranh và những con người khốn khổ do chịu ảnh hưởng của chất độc da cam đã để lại trong ông một cảm xúc rất đặc biệt. Từ đó đến nay, ông xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Ông đến Việt Nam để tham gia các dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, phòng chống HIV…

Năm 2014, Murayama Yasufumi là một trong số ít nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam cho phép ra vùng biển nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Khi trở về đất liền, ông đã tự bỏ tiền túi ra để thực hiện cuộc triển lãm Cảm xúc Hoàng Sa ở một trường của quận 5, TPHCM với mong muốn khơi dậy tình yêu biển đảo, quê hương đất nước của giới trẻ Việt Nam. Đó cũng là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông khi đến Việt Nam.

Năm 2016, ông cùng một số đồng nghiệp Nhật Bản đến đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận tình trạng hạn, mặn và bộ ảnh của ông sau đó đã được đăng trên các tờ báo ở Nhật Bản, góp phần thúc đẩy các cơ quan chuyên môn của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông nói rất vui vì biết rằng cách đây 50 năm, khi Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ chiến tranh, Chính phủ Nhật Bản đã đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Theo ông, dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là một cột mốc để 2 nước tiếp tục thắt chặt mối quan hệ hữu nghị.

Ông cho hay, năm 2024, sẽ đến Việt Nam để dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 2025, ông sẽ đến TPHCM nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Ông sẽ chụp nhiều ảnh để qua kênh báo chí, giúp người dân Nhật Bản hiểu rõ hơn truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Sơn Vinh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI