Con lợn (con heo, con ỉn)… là một trong lục súc gắn bó thân thiết với đời sống người Việt. Những chú ỉn xoe tròn, “cười” híp mí luôn gợi đến sự phồn thực, an nhàn, sung túc. Xưa, từ cuộc sống, những chú ỉn đã bước vào các dòng tranh cổ như Đông Hồ, Kim Hoàng… và trở thành “nhân vật” được đề cao. Bây giờ dòng tranh dân gian đã dần vắng bóng; nhưng tết này, từng chú “lợn Kim Hoàng”, “lợn Đông Hồ” đã hiện ra sinh động, tươi vui ngay trên phố đi bộ bờ Hồ (Hà Nội).
Hai mái đầu lặng thầm bên góc phố
Vào vụ Tết, ngày nào Đặng Văn Hậu cũng chở theo thúng bột, mẹt con giống xanh đỏ từ làng Xuân La (huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) vào nội đô. Hậu vừa lọt thỏm, vừa như nét vẽ đặc sắc, độc đáo, tinh hoa giữa phố Hàng Mã bán la liệt đồ ngoại nhập. Những ngày phố đi bộ hoạt động, khác với những người đồng hương tụ xôm náo nhiệt, Hậu lặng lẽ một mình một góc, chăm chú từng động tác vê bột, “tỉa” nét, tạo hình. Đã hơn mười năm biết Hậu, tôi luôn thấy ở anh vẹn nguyên nét hồn nhiên, say sưa với nghề nặn con bột (tò he) quê mình.
|
Nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách (trái) cùng nghệ nhân Đặng Văn Hậu (phải) đang "chuyển thể" hình ảnh chú ỉn trong tranh sang tò he. |
Dưới tán đa già góc phố, hai mái đầu một già, một trẻ tập trung vào chú lợn tươi đỏ đặc trưng của dòng tranh Kim Hoàng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội). Trên tay nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách là hình chú lợn vẽ chì; trong tay Hậu là chú lợn đang được tạo hình từ chính bột nặn tò he. Hậu vừa lắng nghe hướng dẫn của ông Bách, vừa lướt smarphone để tìm lại màu sắc của “nhân vật” ỉn trong những bức tranh xưa.
Thấy có khách, anh ngước nhìn rồi nhoẻn miệng cười: “Tôi bận quá nên dạo này chú Bách thường phải ra phố ngồi cùng để hướng dẫn tôi tái hiện những chú lợn của dòng tranh dân gian”. Nói đoạn, Hậu chuyển con lợn thắm đỏ sang tay tôi say sưa giới thiệu: “Đây là con lợn Kim Hoàng, tôi và chú Bách đã “chuyển thể” thành công”.
|
Chú ỉn trong tranh Kim Hoàng từng rơi vào quên lãng, nhưng nay chú đã hiện ra đầy vui tươi, ấm áp trên phố đi bộ ở Hà Nội. |
Giữa cái se sắt của mùa đông, chú ỉn như đốm lửa hồng làm vơi đi giá rét. Lưng chú cong, chịn cả cái bụng phệ xuống lòng tay tôi, tai xoáy hình ốc, mắt, mũi, lông mi viền trắng đầy sinh động, ngộ nghĩnh. Nhìn chú ỉn tò he này, dù Hậu không giới thiệu thì tôi vẫn có thể nhận ra nó là “nhân vật chính” của dòng tranh Kim Hoàng xưa; bởi anh tái hiện “chuẩn” quá: Tạo hình phóng túng, không hoàn toàn là mô phỏng tự nhiên, những nét hai bên thân như một sự ngẫu hứng, vui vui.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách giải thích: Nếu tranh Đông Hồ là in, tranh Hàng Trống là in và tô màu bằng phẩm; thì tranh Kim Hoàng (tên khác là tranh đỏ vì dùng loại giấy màu hồng điều hoặc vàng tàu) lại là sự kết hợp giữa in, tô và vẽ. Kỹ thuật ấy đã khiến tranh Kim Hoàng uyển chuyển về nét vẽ, phong phú về tạo hình. Và vì là vẽ trên những bức tranh để đưa ra chợ nên những người thợ Kim Hoàng vẽ rất nhanh, linh hoạt kiểu quen tay như vẽ trên đồ gốm sứ.
Chúng tôi còn chưa dứt câu chuyện về những thăng trầm của dòng tranh Kim Hoàng thì Hậu đã xoè tay như vừa diễn xong tiết mục ảo thuật, hiện ra một chú ỉn xoáy “điệu” âm dương đúng chất Đông Hồ: Chắc khoẻ mà không kém phần mềm mại, những xoáy âm dương như nhắc nhớ về sự sinh sôi và cân bằng của tạo hóa. Nhìn cái mõm đỏ hếch lên của chú lợn tò he, tôi cứ ngỡ cái mõm ấy đang khịt khịt đánh hơi, dũi cám. Hậu gãi đầu gãi tai nói với nhà nghiên cứu Trịnh Bách: “Cháu vẫn chưa “ưng” con lợn Đông Hồ này”.
|
Chú ỉn đặc trưng của dòng tranh Đông Hồ hiện ra vô cùng sinh động, cái mõm hếch hếch như đang dũi tìm thức ăn. |
Tìm về văn hóa cội nguồn
Nhiều năm nay, nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã làm sống lại những món đồ, những hình ảnh tưởng chừng đã lùi vào quá vãng. Hơn hai mươi năm trước, lần đầu tiên ông Bách gặp Hậu theo ông ngoại ngồi nặn tò he trước Nhà thờ Lớn. Ngày đó ông đã thấy ở cậu bé mười ba tuổi sự khéo léo, say mê, siêng năng, nhẫn nại.
Càng tiếp xúc, ông càng thấy mình bị cuốn hút, bởi Hậu có con mắt mỹ thuật khá, luôn cầu tiến trong phát triển cái mới và đặc biệt là Hậu biết quý trọng văn hoá ông cha. Năm Nhâm Thìn, lần đầu tiên nhà nghiên cứu Trịnh Bách kết hợp với Hậu để cho ra đời con rồng đuôi nở hậu của nhà Nguyễn và có cả cặp long giáng, long thăng; và đôi rồng tò he ấy đã phổ biến từ đó đến nay.
|
Hình ảnh chú ỉn trong tranh dân gian Đông Hồ (trên) và tranh Kim Hoàng (dưới) |
Tiếp đó, khi ông Bách sưu tầm, nghiên cứu được những dòng con bột cổ, Hậu đã bắt tay vào nặn nghê hý châu, sư tử cầu kỳ theo phong cách phố Khách (dòng con bột của người gốc Hoa ở Hà Nội). Mùa trung thu năm 2017, hai mái đầu một già, một trẻ ấy đã phục hồi lại gần như trọn vẹn các trường phái con bột Đồng Xuân, phố Khách, Xuân La, Huế.
Những con nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá vàng, bộ lục súc đã khiến không gian văn hóa của Hà Nội xưa hiện lên tròn đầy trước mắt; tò he của gã trai đồng chiêm ấy đã thực sự trở thành trung tâm, khơi gợi cảm xúc, ký ức và tuổi thơ của biết bao người.
|
Du khách thích thú khi nghe ông Bách giới thiệu câu chuyện văn hoá sau những "nhân vật" ỉn. |
Kế bên, người đàn bà Xuân La cùng bày mẹt tò he như Hậu, bà chỉ vào hai chú ỉn Đông Hồ và Kim Hoàng mà nói: “Con này là con ỉ Móng Cái, con kia là nái sề”. Hậu nhăn nhó: “Không phải ỉ hay nái sề của cô đâu”. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách thì tủm tỉm đầy thông cảm, bao dung. Lúc Hậu và người đồng hương “chí choé” tranh luận, mấy vị khách nước ngoài tò mò đứng trước mẹt hàn chỉ trỏ. Ông Bách đưa cả bức vẽ chì, cả hình chú ỉn trong tranh cổ lẫn chú ỉn tò he ra giới thiệu, giải thích với họ bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh.
Thú thực là tôi không biết ông nói những gì, chỉ thấy những du khách ấy có lúc chăm chú lắng nghe; có lúc mắt tròn xoe trầm trồ những chú ỉn sắc màu trên tay ông Bách.
Uông Ngọc