Dù bạn đã là một khách du lịch dày dạn kinh nghiệm đi chăng nữa, vẫn đừng bao giờ coi thường các “hội hai ngón” ở bất kỳ đâu. Có hàng nghìn cách để chúng có thể lừa bịp bạn thật “nhẹ nhàng” - một tài xế taxi đôn giá cước lên vài đô, một nhân viên bán hàng thổi giá lên vài đồng, hay những nơi truy cập internet công cộng có chức năng lưu trữ password máy tính/email, các account của bạn hay một bồi bàn chợt gợi ý cho bạn một món ăn mới “đặc biệt” với giá thành cũng vô cùng “đặc biệt” khi bạn tính tiền…
Những “nghệ nhân lừa đảo” có thể đến từ mọi ngóc ngách với muôn ngàn cách thức. Sau đây, tôi xin liệt kê một số “chiêu thức” thường được giới lừa đảo sử dụng ở khắp các nơi trên thế giới đặc biệt là châu Âu:
Giá hời
Chiếc nhẫn rơi trên phố: Một người đàn ông nghèo trông có vẻ hiền lành và đáng tin cậy chợt lượm một cái nhẫn ngay trước mặt bạn và quay lại hỏi rằng có phải bạn vừa làm rớt hay không. Khi bạn nói không, người này đột kiểm tra chiếc nhẫn một cách kỹ càng và cho bạn xem một “dấu hiệu” gì đó chứng tỏ chiếc nhẫn được làm bằng vàng ròng và rất có giá trị. Người ấy sẽ nói với bạn rằng ông ấy cần tiền khẩn cấp và sẵn sàng nhượng lại cho bạn chiếc nhẫn với giá “rất rẻ”. Đây là trò bịp đơn giản nhưng đã thành công với hàng ngàn du khách trên khắp thế giới.
|
Ảnh mang tính minh họa: Internet |
Chiếc vòng “tình bạn”: Một người bán hàng rong tiếp cận bạn và sốt sắng hỏi bạn có muốn xem ông ấy trình diễn “nghệ thuật” làm đồ thủ công của địa phương hay không. Sau đó ông ta thực hiện một chiếc vòng trước mặt bạn trong nháy mắt và bắt bạn phải trả tiền cho chiếc vòng mà bạn đã đồng ý ông ấy “làm riêng cho bạn”. Thường rất nhiều người đã nhân nhượng và trả tiền cho những chiếc vòng như thế này vì chúng không quá đắt. Tuy nhiên có một điều nguy hiểm trong trò này: chúng thường chỉ là “màn” ngụy trang cho một kẻ đồng phạm lén móc túi bạn. Một nhà kinh doanh gặp nạn:
Một người đàn ông sang trọng và có cách nói chuyện nhã nhặn bước xuống xe hơi bắt chuyện với bạn. Ông ấy kể rằng mình là chủ một cửa hàng bán áo da có tiếng trong khu vực lân cận và ông ấy bị lạc đường trong lúc đang nhận áo ở gần đó (và dĩ nhiên bạn có thể giúp ông ấy vì du khách nào cũng có một tấm bản đồ).
Ông ấy làm thân với bạn qua những câu nói rất thân thiện và dễ lấy lòng như “Ồ! Bạn đến từ Việt Nam à, cả gia đình tôi đã từng du lịch ở đó, nơi ấy thật tuyệt vời” và chỉ vài phút nói chuyện bạn đã cảm giác như vừa làm quen được với một người địa phương thân thiện. Rồi bỗng nhiên ông ấy rụt rè lấy từ xe hơi ra một chiếc áo khoác da “hàng hiệu” và tặng bạn vì sự thân thiện của bạn, như một món quà làm quen.
Sau đó ông cũng không quên hỏi bạn có thể giúp ông ấy một chút tiền đổ xăng chạy về nhà cách đó vài trăm cây số hay không vì thẻ tín dụng của ông ấy không hoạt động được. Mọi chuyện diễn ra nhanh đến độ chỉ đến khi bạn về tới khách sạn, bạn mới nhận ra rằng mình vừa trả 100 euro cho một chiếc áo giả da giá không đến 30 euro.
Các vấn đề về tiền bạc
Người nhân viên chậm chạp: Những người bán hàng ở các khu đông khách du lịch luôn thích đếm tiền chậm. Thậm chí ở một số ngân hàng, các nhân viên cũng có thể cố tình đếm tiền thối của bạn rất chậm hay lâu lâu lại ngừng trong vài giây với hy vọng bạn sẽ vội vàng gom tiền lẻ lại rồi bỏ đi (vì bạn không quen với tiền địa phương).
Mẹo tráo tiền: Khi bạn trả tiền và nhận tiền thối, luôn luôn nhìn kỹ mệnh giá đồng tiền mà bạn nhận. Một số tài xế taxi hay người bán hàng sẽ nhanh chóng giả vờ làm rớt tiền thối của bạn (với mệnh giá đúng mà bạn vừa thấy) và trong nháy mắt tráo tiền với mệnh giá nhỏ hơn mà họ thủ sẵn. Trò bịp này dù đơn giản nhưng rất hữu hiệu và một trong những đồng tiền chúng thường sử dụng là đồng 2 euro vì hình dạng của nó rất giống với đồng 500 lira (tiền Ý cũ), đồng 1 lira của Thổ Nhĩ Kỳ hay đồng 10 baht của Thái.
Người bán hàng nhiều chuyện: Người bán hàng cứ mải mê nói chuyện điện thoại trong lúc nhận thanh toán bằng thẻ của bạn. Có thể bạn vô tư nghĩ rằng đây chỉ là một sự thiếu chuyên nghiệp, tuy nhiên, người bán hàng có thể đang lén chụp hình số thẻ của bạn.
Gặp gỡ người địa phương
Người đàn bà quyến rũ: Bạn - một khách du lịch nam đang ngồi một mình trên phố buổi tối thì chợt có cô gái đẹp bắt chuyện làm quen. Sau một hồi, cô ấy rủ bạn đi uống bia ở một quán bar hay hộp đêm gần đó. Nhưng khi trả tiền cho vài chai bia mà bạn vừa uống thì mới tá hỏa với cái giá tiền là vài trăm đô la. Và đến khi bạn nhận ra đứng canh trước cửa là hai gã bảo vệ lực lưỡng thì đã quá trễ.
Hình thức lừa đảo này rất có nhiều cách để thực hiện. Người tiếp cận bạn cũng có thể là một du khách đang bị lạc, hay một người dân địa phương niềm nở… Dù ở hình thức ngụy trang nào, tốt nhất bạn nên từ chối những lời rủ rê nhậu nhẹt hoặc bạn phải là người chọn địa điểm sẽ đến.
Ối! Tôi xin lỗi: Bạn đang đi ở một nơi đông đúc thì một người vô tình đánh đổ đồ ăn hay nước xốt lên áo bạn. Người đó sẽ rối rít xin lỗi và lôi một đống khăn ra để lau cho bạn… bằng một tay và tay còn lại thì móc túi bạn. Ngoài ra, dân “hai ngón” cũng có thể dùng nhiều cách khác nhau: một đồng phạm lén nhểu chất nhầy giống phân chim lên vai bạn và người ở trước mặt sẽ “tốt bụng” lau giùm.
Có khi ai đó giả vờ làm rớt đồ và khi bạn nhặt lên thì đồng phạm của chúng đã móc ví từ túi sau của bạn. Thậm chí chúng có thể nhờ bạn bế một em bé trong vài giây khi chúng phải bận tay làm gì đó để đồng phạm chúng dễ “hành nghề”. Hãy luôn luôn cẩn thận với những tình huống xảy ra, ví như một cuộc tranh cãi lớn, một kẻ ăn xin tới ngay sát bạn. Thậm chí, ngay cả khi một người phụ nữ có tuổi chợt vấp ngã ngay trước bạn, hãy dành vài giây để kiểm tra và chắc chắn vị trí của ví và các vật dụng quan trọng trên người bạn trước khi đến giúp người đó.
Những người “tốt bụng”: Một số kẻ trộm thường sẽ giả vờ nói rằng ở khu vực mà bạn đang đi rất nhiều kẻ móc túi nên khuyên bạn cất ví ở một nơi an toàn hơn, tất cả chỉ để hắn nhìn thấy nơi bạn cất ví tiếp theo. Nếu có ai đó đề nghị giúp bạn khi bạn rút thẻ ở ATM (vì một số ATM không hiển thị tiếng Anh) thì bạn hãy lịch sự từ chối (vì chúng thường nhắm đến mã số PIN của bạn). Một số tên lại đứng chực sẵn ở các nơi bán vé tàu điện ngầm, xe lửa… để giúp bạn, một người khách nước ngoài lạc lõng, trong việc mua vé, nhằm tiếp cận bạn. Nếu bạn cần dùng các hộc tủ an toàn công cộng, đừng tin vào những “người tốt” đưa bạn chìa khóa cho một chiếc tủ mà “ông ấy không cần dùng nữa”.
Băng nhóm ăn cắp vặt: Những băng nhóm bao gồm trẻ con và thiếu niên này có ở khắp các vùng ngoại ô phía nam châu Âu, đặc biệt là những nơi nhiều khách du lịch như Milan, Florence và Rome. Các băng nhóm này bao gồm các cô cậu bé với những đôi mắt to ngây thơ tràn đầy lo lắng với những bộ quần áo cũ kỹ luôn nhẹ nhàng và lịch sự tiếp cận bạn từ nhiều phía và xin ăn - nhân tiện cuỗm sạch tiền của bạn.
Kẻ cắp ngụy trang
Từ thiện: Bạn đang ngắm cảnh ở một khu vực nổi tiếng, chợt một người tàn tật (thường là phụ nữ “mù” hay thiếu niên “câm”) tiếp cận bạn với một chiếc bảng xin nhờ trợ giúp. Đặc điểm dễ nhận ra trò bịp này nhất chính là chiếc bảng được ghi bằng tiếng Anh rất rõ ràng. Hãy cẩn thận vì nếu chúng không lấy được tiền “quyên góp”, vẫn có thể có một đồng phạm tiếp cận móc túi trong lúc bạn bị sao nhãng.
Cảnh sát dỏm: Hai cảnh sát tiếp cận bạn, đưa cho bạn thấy những chiếc phù hiệu và yêu cầu cho họ kiểm tra tiền giả hoặc “tiền ma túy” trong ví bạn. Bạn sẽ không bao giờ nhận ra rằng ví mình đã mất một vài tờ tiền cho đến khi mà hai người đó bỏ đi xa rồi. Hãy nhớ rằng không ai có quyền được đụng vào ví của bạn.
Nhân viên kiểm tra phòng: Hai người gõ cửa phòng khách sạn của bạn và giới thiệu mình là nhân viên kiểm tra khách sạn. Người thứ nhất sau đó sẽ đứng chờ trước cửa và người thứ hai vào phòng bạn. Khi bạn bị người thứ hai đánh lạc hướng thì người thứ nhất sẽ lẻn vào và nhanh chóng cuỗm tất cả những gì nằm trên bàn hay tủ. Hãy nhớ không bao giờ cho ai vào phòng bạn trừ phi chính bạn yêu cầu họ. Nếu cần thiết, hãy gọi điện ngay xuống lễ tân để kiểm tra lại thông tin.
Chiếc máy ảnh hư: Mọi người đang vui vẻ chụp hình một cảnh quan nổi tiếng thì chợt có du khách tiến gần lại bạn và đưa cho bạn điện thoại hoặc máy chụp hình và nhờ bạn chụp. Thế nhưng vật dụng đó hoàn toàn không hoạt động. Khi bạn đưa lại cho họ thì “du khách” đó làm rớt nó xuống đất khiến nó bể tan. Sau đó bạn sẽ bị đổ thừa và bắt đền, hoặc trong lúc tranh cãi một đồng phạm cũng đồng thời móc túi bạn.
Người phụ nữ tội nghiệp: Bạn thấy một phụ nữ trẻ đang cãi nhau với một người bán hàng. Người bán hàng nhất quyết rằng cô ta vừa ăn cắp đồ trong khi đó người phụ nữ gào thét chống đối. Sau đó trong giận dữ cô ấy liền chứng minh bằng cách cởi từng phần quần áo của mình ra. Đến khi cô chỉ còn có bộ đồ lót thì người bán hàng mới chịu xin lỗi và cô giận dữ bỏ đi. Bên cạnh đó thì tất cả những người đàn ông đang đứng chiêm ngưỡng những gì vừa xảy ra cũng vừa nhận ra ví của họ đồng loạt không cánh mà bay.
Thúy Trâm