14 năm gieo chữ nơi đảo xa
Tại đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau) có một lớp học đặc biệt nép mình bên dốc núi. Lớp chỉ có khoảng 20 học sinh nhưng được sắp xếp ngồi quay ra 3 hướng có đặt 3 tấm bảng. Thầy giáo của lớp là thiếu tá Trần Bình Phục (47 tuổi) - một người lính biên phòng đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa.
Thầy Phục cho biết, độ tuổi và khả năng tiếp thu của các em khác nhau nên thầy phải chia làm 3 nhóm để giảng dạy, trình độ từ lớp Một đến lớp Năm.
Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, các em sẽ chuyển vào các trường trong đất liền để tiếp tục học lên cao. Em nào không có điều kiện rời đảo thì thầy vẫn cố gắng dạy kèm thêm kiến thức ở các lớp lớn hơn.
|
Thầy Trần Bình Phục và học trò đang trên đường lên trạm ra đa 615, trên đảo Hòn Chuối |
Đảo Hòn Chuối không xa đất liền, nhưng địa hình phức tạp với những vách đá dựng đứng hàng chục mét, mưa ít, nắng nhiều. Trên đảo chỉ có duy nhất lớp học tình thương do đồn biên phòng mở năm 1995, nhưng hoạt động không xuyên suốt.
Thầy Phục vẫn nhớ như in, năm 2009, ngày đầu đặt chân lên đảo: “Men theo những con đường đá dốc đứng, tôi nhìn thấy những đứa trẻ lấm lem. Qua tiếp xúc, tôi biết các em đều không biết chữ”. Trăn trở cho tương lai của những đứa trẻ ấy, thầy Phục mạnh dạn xin chỉ huy đơn vị cho mở lớp và chịu trách nhiệm dạy chữ cho các em.
Thế nhưng, nhiều em đến lớp được 1-2 ngày thì “mất tích” vì không thích học, phải theo phụ ba mẹ đi thả câu. Vậy là thầy lại phải đến nhà vận động và cùng đơn vị quan tâm, chăm lo đời sống cho các em. Riêng thầy, không ít lần đã bỏ tiền túi để mua sách, vở, quà để động viên bọn trẻ. Học trò không chỉ được thầy dạy chữ mà còn dạy cả những bài học về đạo đức, lối sống.
Nhờ sự bền bỉ suốt 14 năm của thầy Phục mà nhiều trẻ em ở đây lớn lên đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, 5-6 em có điều kiện đã vào đại học, ra trường. Kết quả đó là niềm vui, động lực để người thầy mang quân hàm xanh tiếp tục gắn bó với đảo xa.
Tự hào và mong muốn tiếp tục phục vụ
Là người con duy nhất của TPHCM đang có mặt tại nhà giàn DK1/10, nhiệm vụ hằng ngày trung sĩ Nguyễn Tấn Đạt (20 tuổi) là tham gia trực canh, quan sát, nắm bắt thông tin liên lạc và tham gia huấn luyện chiến đấu. “Là con trai một trong gia đình nhưng khi biết em trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và có cơ hội được phục vụ nơi đảo xa, mẹ em đã rất vui và tìm cách động viên em mỗi ngày. Mẹ nói đây là cơ hội và môi trường rất tốt để con học tập, rèn luyện. Sự động viên của mẹ giúp em cảm thấy yên tâm” - Đạt chia sẻ.
|
Có rất đông thanh niên tình nguyện vào quân đội đang làm nhiệm vụ trên các đảo phía Tây Nam |
Vào quân ngũ cũng là lần đầu tiên người lính trẻ xa nhà, nên cảm giác nhớ nhà, nhớ mẹ là không tránh khỏi. Và nỗi nhớ ấy càng da diết, dâng trào mỗi khi đứng trên tầng cao, giữa bốn bề sóng vỗ và nhìn những con tàu đi, về ngoài khơi xa.
Nhưng rồi thời gian, công việc, tình yêu thương của đồng đội và sự quan tâm của mọi người đã giúp Đạt mau chóng thích nghi, hòa nhập với cuộc sống khắc nghiệt nơi đầu sóng ngọn gió. “1 năm qua, tôi thấy mình trưởng thành lên từng ngày, từ mọi sinh hoạt cá nhân cho đến những nhiệm vụ được phân công” - Đạt tự nhận thấy.
Nói về những ngày sắp tới, Đạt bộc bạch: “Nếu được tiếp tục làm nhiệm vụ nơi đảo xa thì tôi sẽ rất tự hào”.
Tàu chở chúng tôi cập cảng Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau). Chúng tôi tiếp tục lội bộ gần 4km đường bê tông quanh co, qua nhiều dốc cao để lên trạm ra đa 595 - “đôi mắt thần” canh giữ vùng biển, vùng trời Tây Nam của Tổ quốc. Phía xa, biển trời hòa quyện thành một bức tranh tuyệt đẹp.
Thời tiết ở đảo tương đối khắc nghiệt, mùa mưa mây phủ, mùa khô sương muối, thiếu nước ngọt suốt 6 tháng mùa khô, chưa có phương tiện ra vào (trừ các tàu cá của ngư dân)… Để khắc phục khó khăn, các chiến sĩ trẻ đã động viên nhau và tự bồi dưỡng cho mình bằng những bài ca về tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo.
Chiến sĩ trẻ Phạm Thành An (19 tuổi) chia sẻ: “Tôi mới ra làm nhiệm vụ trên đảo được 9 tháng. Đây sẽ là một hành trình để lại nhiều kỷ niệm, cảm xúc nhất trong cuộc đời của tôi. Vì tình nguyện nhập ngũ với ước mơ được phục vụ nơi đảo xa, nên tôi không bỡ ngỡ khi bước chân lên đảo. Những ngày sống và làm nhiệm vụ ở nơi đây, tôi thực sự hạnh phúc vì cảm nhận trọn vẹn đời sống của người lính”.
Trở lại với câu chuyện của thầy giáo - bộ đội biên phòng Trần Bình Phục. 15 năm trước, khi anh có mặt tại đảo Hòn Chuối, anh mới chỉ ngoài 30 tuổi. Cho đến nay, anh đã nhiều lần xin đơn vị cho gia hạn thêm thời gian công tác ở đảo để tiếp tục được gắn bó, tiếp tục công việc “gieo chữ” của mình tại đảo Hòn Chuối.
Các chiến sĩ trẻ như Phạm Thành An, Nguyễn Đình Duy (19 tuổi) và nhiều cán bộ chiến sĩ khác cũng cho biết, họ cảm thấy gắn bó, cảm thấy tự hào và đều mong muốn được tiếp tục gia hạn để đóng góp sức trẻ vào việc bảo vệ chủ quyền và xây dựng biển đảo quê hương.
Dù còn khó khăn nhưng đã khác trước nhiều Khi đến với đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau), chúng tôi cảm nhận được cuộc sống yên bình nơi đảo xa. Trên trạm ra đa 615 (Trung đoàn 551), ngồi tiếp chuyện chúng tôi, chị Trương Hồng Mơ thỉnh thoảng lại dõi mắt theo đứa con nhỏ đang chơi đùa cùng mấy đứa trẻ khác. Chị cười, nói: “Lâu lâu mới có đoàn đến thăm, vui nên từ sáng đến giờ con bé chạy chơi không biết mệt”. Chị Mơ cho biết, chị theo chồng về sống tại đảo Hòn Chuối đã gần 20 năm. Trước đây, đời sống người dân trên đảo còn nhiều khó khăn, thiếu nước ngọt, không có điện, đường rừng đất đá lởm chởm. Bây giờ dù còn khó khăn nhưng đã khác trước nhiều, đời sống phát triển, có đường bê tông men theo các lối mòn lên đảo. Ngoài việc duy trì nuôi cá bớp lồng bè, chồng chị còn đi làm thêm ở các công trình xây dựng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Chở ra tình cảm, chở về niềm tin Đoàn đại biểu TPHCM với gần 200 đại biểu đại diện cho các cấp, sở ngành, quận huyện, doanh nghiệp, các cá nhân tiêu biểu là nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, văn nghệ sĩ… vừa kết thúc chuyến hải trình 8 ngày (từ 15/9 - 22/9), vượt hơn 1.000 hải lý, đến thăm quân và dân trên 7 đảo và nhà giàn DK1/10 ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Ngoài nhà giàn DK1/10, đoàn đã đến 7 đảo gồm Côn Đảo, Hòn Khoai, Thổ Chu, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc, Phú Quốc. Tại mỗi điểm đảo, đoàn đã thăm hỏi, động viên, tặng quà và tặng các trang thiết bị, máy móc, phương tiện đi lại, nhu yếu phẩm, công trình thắp sáng, mái che vườn rau… cho cán bộ chiến sĩ. Tổng kinh phí cho chuyến đi khoảng 5,6 tỉ đồng. Nhìn lại chuyến đi, bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Trưởng đoàn - chia sẻ: “TPHCM đã chở ra tình cảm, chở về niềm tin. Đó là niềm tin về sự đoàn kết, gắn bó, vì một đất nước Việt Nam thanh bình, thịnh vượng”. Bà bày tỏ: “Chuyến đi để lại cho tôi và mỗi thành viên trong đoàn nhiều kỷ niệm đẹp, cảm xúc khó quên. Chúng tôi đã được chứng kiến sự phát triển tại từng điểm đảo, thấy được vẻ đẹp hùng vĩ của biển đảo Việt Nam và quan trọng nhất là nhìn thấy được sự gian khó, vất vả của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đảo xa. Vượt lên trên sự gian khó đó là ý chí kiên cường, niềm tin mãnh liệt và cả sự rèn luyện bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Tất cả để lại cho đoàn sự cảm phục và yêu mến”. |
Diễm Trang