Thành phố biển Quy Nhơn trong những ngày này, mọi thứ dường như trôi chậm hơn thuở còn bình thường. Ban ngày những con đường từng nhộn nhịp du khách nay trở nên thênh thang. Chỉ khi chiều xuống, người dân mới ra bờ biển dạo mát, nhưng dường như ai cũng tự ý thức bảo vệ mình nên không còn cảnh người cạnh người như trước. Những ngày này, khách du lịch cũng ít dần. Trả lại một Quy Nhơn bình lặng, yên ả hơn bao giờ hết.
Một góc đường vắng người qua lại ở Quy Nhơn
Quy Nhơn vốn được xem là một nơi đáng sống, bởi mọi thứ ở đây đều vừa phải, không xô bồ náo nhiệt, không thượng lưu đắt đỏ. Một bên biển, một bên núi, hiền hòa, bình yên. Nhịp sống ở đây chậm nên người ta có nhiều thời gian hơn để ngắm nhìn và cảm nhận những thứ nhỏ nhặt xung quanh. Chẳng hạn như, trên những góc phố ven đường, thi thoảng có một vài người đàn ông gầy guộc kham khổ ngồi tựa lưng trên chiếc xích lô cũ kỹ của mình, chờ khách. Hiếm hoi lắm mới bắt gặp một người đang chở hàng, còng lưng đạp dưới cái nắng miền Trung. Hình ảnh ấy, khiến người ta có chút sững lại, chạnh lòng.
Chạnh lòng là bởi, ở một xã hội phát triển, người ta đã chọn đi lại bằng các phương tiện tân tiến như xe ôm truyền thống hay xe ôm công nghệ… Thì đâu đó vẫn còn những người cố gắng bám giữ cái nghề đạp xích lô - giữ chút đơn sơ mộc mạc đang lụi dần theo thời gian. Những người đàn ông tuổi đã tròn một đời người, đôi chân thô ráp gồng mình đạp mỗi ngày mà vẫn cười nói hoan hỉ về cái nghề của mình, vẫn vui vẻ sau những cuốc chở hàng cực nhọc được cầm vài ba chục ngàn. Vậy mà giờ đây, họ ngồi lặng lẽ bên hè phố, khi chẳng còn có mấy người chịu cần đến xích lô.
Chạnh lòng, khi người đàn ông ngồi trên ghế đá nhìn chiếc xích lô sờn bạc cũ kỹ của mình, thở ra: “Chắc rồi, không lâu nữa nó cũng vào bãi phế liệu hết thôi”.
Những chiếc xích lô nằm đìu hiu trên hè phố…
Xích lô từng là một phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa phổ biến ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20. Thời đó, chỉ tầng lớp quý tộc, giàu sang mới đủ điều kiện sử dụng xích lô để di chuyển chủ yếu ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội và Huế. Lâu dần, nó trở thành một nét văn hóa độc đáo rất riêng của Việt Nam và đặc biệt thu hút du khách nước ngoài đến tham quan. Đi xích lô, người ta được ngồi phía trước để thưởng thức trọn vẹn những nơi đang qua, được chầm chậm ngắm nhìn cảnh quan, hít thở khí trời và ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ mà không bị tài xế hay kính xe che khuất tầm nhìn như đi các phương tiện tân tiến.
Ông Bùi Ngọc Hưng (ngụ phường Đống Đa – Quy Nhơn) hơn 40 năm chạy xích lô, nhớ lại, khoảng 10 năm về trước, nghề xích lô sống rất ổn, vì thời ấy, từ người dân đến khách du lịch đều rất chuộng loại phương tiện này. Nhưng kể từ khi có xe ôm hay các phương tiện công nghệ ra đời thì cũng là lúc người ta dần quên lãng sự tồn tại của những chiếc xích lô. Ông Hưng nhìn xa xăm: “Quy Nhơn bây giờ không còn được mấy chiếc xích lô nữa. Cái thời thập niên 90, ở đây có khoảng chừng bốn ngàn chiếc, lúc ấy nhộn nhịp lắm, còn lập cả hội nhóm nhưng rồi dần dà tan rã hết. Vì cực quá, họ chuyển nghề”.
Ông Bùi Ngọc Hưng bên chiếc xích lô của mình.
Cả gia tài gói gọn bằng chiếc xích lô
Những người cố bám trụ nghề này dù cuộc sống chẳng thể khá hơn là vì họ không còn lựa chọn nào khác. Họ là những người đã quá tuổi lao động, không ngồi yên một chỗ được, hay vì có bệnh tật trong người mà vẫn cố gắng chạy để có tiền rau cháo qua ngày… Mỗi hoàn cảnh có thể khác nhau nhưng số phận lại hệt nhau. Số phận của những người đồng khổ, nghèo cực.
Ông Cù Văn Nghĩa (58 tuổi), hàng ngày ngồi trên chiếc xích lô của mình đợi khách ở công viên hoặc trước cổng chợ, nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng mới có được vài ba cuốc. Ông bảo: “Dù tuổi đã nhiều, sức cũng yếu dần, nhưng vẫn phải chạy. Có những lúc đạp không nổi nhưng không đạp thì lấy gì ăn, lấy gì sống? Phải cố! Ở đây người ta không cho xích lô độ máy. Có nhiều người độ lên chạy cho dễ nhưng cũng chỉ chạy chui, công an mà thấy là họ bắt ngay!”.
Không giống như những người đạp xích lô khác kết hợp xe ôm để kiếm thêm thu nhập, ông Nghĩa chỉ có chiếc xích lô là tài sản duy nhất, là “miếng cơm” nuôi sống ông mỗi ngày. Ông trầm giọng khi nói về hoàn cảnh của mình: “Chạy xích lô thời bây giờ “phiêu” lắm, bữa đói bữa no, bữa được vài ba chục một trăm ngàn, bữa thì không có đồng nào. Mà bây giờ mình cũng không phải lo cho con cái, nó lớn hết rồi, có gia đình riêng rồi, tụi nó cũng khổ nên mình chẳng trông chờ gì. Giờ chỉ mong mỗi ngày chạy kiếm được dĩa cơm là mừng rồi”.
Ông Cù Văn Nghĩa ngồi ở công viên đợi khách gọi xích lô.
Cũng hoàn cảnh như ông Nghĩa, ông Bùi Ngọc Hưng (60 tuổi) dùng chiếc xích lô để kiếm sống qua ngày. Chiếc xích lô với ông cũng là cả gia tài. Từ thời nghề này còn huy hoàng đến khi tàn lụi, từ lúc chiếc xích lô mới toanh đến khi sắp sửa mục nát, nó chính là thứ đã nuôi sống cả gia đình ông, nuôi những đứa con vùng quê nghèo khổ vào tận Sài Gòn học đại học. Ông không làm được nghề khác vì một chân bị teo cơ. Mỗi tháng nhận được thêm ít tiền của Hội người khuyết tật, còn lại kinh tế phụ thuộc hết vào chiếc xích lô. Nói về nghề của mình, tuy vất vả nhưng trong mắt ông lại lóe lên thứ ánh sáng đầy tự hào hãnh diện, bởi chính cái nghề này đã giúp ông nuôi con mình làm người thành tài. Ông bảo: “Có gì mà xấu hổ, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, miễn mình không làm gì phạm pháp, không sống phận thấp hèn là được. Bạn bè tui hồi xưa học cùng lớp, giờ toàn làm giám đốc, kỹ sư… Gặp nhau tui vẫn cười chào bình thường, chẳng có gì phải e ngại”.
Dẫu nghèo nhưng nghề xích lô vẫn luôn là niềm tự hào của những ông bố này…
Cũng may, nghề xích lô ở đây vẫn còn được phép hoạt động, dù ít hay nhiều thì đó vẫn là niềm an ủi duy nhất cho những người như ông Nghĩa, ông Hưng…
Nghe bảo, có đợt chính quyền địa phương khuyến khích những người lái xích lô nghỉ hẳn, sẽ phát cho mỗi người 5 triệu. Tuy nhiên, không ai chịu bỏ vì số tiền đó dù nhiều ngay thời điểm nhận được, nhưng bỏ nghề rồi lấy gì để sống về sau?. “Đợt Covid vừa rồi cách ly xã hội, ở nhà nửa tháng không làm gì nên không có tiền, nghe đâu phường hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì…”, ông Hưng nói thêm.
Nhắc tới dịch COVID-19 những ngày vừa qua, ai cũng lắc đầu vì thất thu. Ông Nguyễn Vĩnh Lợi (58 tuổi, ngụ tại phường Trần Phú, Quy Nhơn), cũng là người chạy xích lô mười mấy năm, nhưng ông bảo chưa có năm nào tệ như năm nay. Dẫu vậy, vẫn phải đành chịu vì tình hình chung. Những năm gần đây xích lô của ông chỉ dùng để chở hàng hóa, còn khách thì người ta ngại chậm chạp với nắng nóng không ai chuộng nữa. “Đấy, cô thấy không, chiếc xích lô của tui cũ mèm rồi, hư lên hư xuống mà chẳng sửa sang gì nữa, chạy tạm vậy vì có khách mấy nữa đâu. Nhớ hồi xưa còn hợp tác xã xích lô đóng ở chợ Khu 6, mỗi tháng chạy phải nộp thuế, mà hồi đó chạy “ngon”, xích lô còn có cả biển số do Thành phố cấp. Sau này giải thể hợp tác xã rồi Thành phố cũng “buông” luôn. Bây giờ chạy thôi, không thuế má gì nữa. Đợt giải thể, lên bãi phế liệu xích lô nằm ngỗn ngang. Đây rồi, những chiếc cuối cùng này cũng sẽ lại lên đó hết thôi…”, ông Lợi trầm ngâm.
Ông Nguyễn Vĩnh Lợi sống dựa vào chiếc xích lô và nghề xe ôm mười mấy năm qua…
Có lẽ thế, như lời ông Lợi nói, đây chắc là những chiếc xích lô cuối cùng ở Quy Nhơn. Bởi ngày nay lớp trẻ chẳng còn ai theo cái nghề vừa nghèo vừa cực ấy nữa. Rồi đây, thành phố sẽ không còn phải chứng kiến cảnh những người đàn ông khổ nhọc còng lưng đạp chiếc xích lô nặng nề trên đường phố. Nhưng cũng rồi đây, hình ảnh mang đậm nét văn hóa một thời sẽ chìm mãi vào lãng quên ở xứ Nẫu thân thương này…