Những chiếc xe đạp thiện nguyện

03/09/2014 - 20:25

PNO - PN - “Một người giàu có làm từ thiện đã thấy rất đáng quý; đằng này, vợ chồng ấy còn nghèo, ở nhà thuê, nuôi bốn con, sống chắt chiu từng đồng mà bao năm không ngừng làm việc thiện nguyện, giúp ích cho đời thì thật đáng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhung chiec xe dap thien nguyen

Anh Thái sửa xe đạp miễn phí cho học trò trong xóm

Sống cần có tấm lòng

“Anh ơi, bán cho tôi một chiếc xe đạp!”. Đang ngồi cắm cúi cân niềng chiếc xe đạp, anh Thái ngước mắt lên nhìn theo tiếng gọi. Đưa bàn tay lấm lem dầu nhớt chặm mồ hôi trán, anh cười hiền: “Chị cần xe đạp để chi?”. “Tôi mua về đi chợ, đi công chuyện chút đỉnh”. “Xin lỗi chị. Ở đây không bán xe đạp, những chiếc này đã có chủ” - anh Thái từ tốn. Nghe trả lời, người phụ nữ thoáng chút ngạc nhiên rồi bỏ đi… Căn nhà nhỏ nằm trên đường Hồng Lạc (Q.Tân Bình) là nơi gia đình anh Thái thuê ở gần 20 năm nay, mặt bằng hẹp trước nhà dùng mở tiệm sửa xe. Tiệm chuyên về xe gắn máy, không bán xe đạp nhưng rất nhiều vị khách đến hỏi mua xe đạp. Sự nhầm lẫn này là bởi quá nửa cửa tiệm bày chất đủ các loại phụ tùng dành cho xe đạp như sườn, niềng, yên… Lúc vắng khách, anh Thái lại mang ra sửa sang, lắp ráp thành những chiếc xe đạp hoàn chỉnh. Không bán xe đạp, nhưng khách đến hỏi mua thường được vợ chồng anh Thái kỹ lưỡng hỏi mục đích sử dụng. Nếu gia cảnh khó khăn, khách cần chiếc xe đạp cho con em đi học, vợ chồng anh sẽ không mảy may suy tính, hẹn khách dăm ba bữa đến nhận xe mà không phải thanh toán bất cứ khoản phí nào.

Quê ở Quảng Ngãi, tuổi thơ của anh Thái là những ngày cuộn tròn cuốn vở nhét túi áo, trốn học đến các tiệm sửa xe trong xóm mày mò làm quen với ốc vít, bu lông. Đam mê của anh được “hiện thực hóa” năm 14 tuổi, một người anh từ TP.HCM viết thư về khoe đã xin cho anh học nghề ở một tiệm sửa xe. Khăn gói vào Nam, chỉ sau ba năm học hành sành sỏi, anh Thái tự đứng ra mở tiệm. Nhiều lần, để ý thấy trong xóm có cô học trò nghèo đi học phải lội bộ hơn nửa tiếng đồng hồ, anh Thái nảy ý định lắp ráp, tặng cho cô bé chiếc xe đạp. Từ đó, những chiếc xe thiện nguyện cứ thế lặng lẽ “ra đời”, khi tự anh tìm hiểu và trao tay các em, lúc phối hợp chính quyền tổ chức các buổi trao học bổng. Để có được những chiếc xe như vậy, nhiều lúc phải mất cả tháng trời, bởi phần lớn khung sườn anh Thái phải lùng mua ở các vựa ve chai rồi về… cất. Khi có tiền, anh mới tiếp tục mua thêm từng món cho đến đủ lắp ráp một chiếc xe.

Giải thích việc mình làm, anh Thái gãi đầu: “Chuyện nhỏ mà. Tôi không học nhiều, nhưng hồi xưa ba má hay dặn sống cần có tấm lòng; mình nghèo có người nghèo hơn nên giúp được ai thì giúp. Trong khả năng của mình, tôi chỉ biết giúp các em có phương tiện đi lại để đường học hành vơi bớt gian nan”. Anh cũng không giấu niềm vui: “Mỗi lần thấy các em phấn khởi nhận món quà, trong tôi dâng lên một cảm giác ấm áp lạ thường, vui lắm!”. Ngày 14/9 tới đây, 15 chiếc xe đạp sẽ được vợ chồng anh Thái phối hợp với Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông tặng cho học sinh nghèo hiếu học ở Q.Tân Bình, Q.Tân Phú và Q.12. Đến thăm gia đình anh những ngày này, sẽ thấy một hình ảnh đáng yêu. Trong lúc anh bận bịu lắp những chiếc xe đạp cuối cùng cho kịp tiến độ, thì chị Tơ ôm con gái bốn tháng tuổi ngồi bên cạnh tíu tít kể chuyện này chuyện kia. Anh Thái âu yếm: “Bả mắc giữ con, chớ không thì cũng cùng làm với tôi”.

Nhung chiec xe dap thien nguyen

Vợ chồng anh Thái bên cô con gái bốn tháng tuổi

Vợ chồng luôn đồng hành

Chuyện ráp xe tặng học trò nghèo anh Thái đã duy trì gần 20 năm nay, nhưng chị Tơ lại không hề hay biết. “Cách đây mấy năm, nhận thư của phường mời ổng lên dự lễ trao học bổng như một nhà tài trợ, tôi mới vỡ lẽ” - chị Tơ cười. Sở dĩ không muốn vợ biết việc mình làm, theo anh Thái, vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Thu nhập từ tiệm sửa xe mỗi tháng hơn chín triệu đồng, một nửa chi trả tiền nhà, còn lại trang trải cho gia đình - khi ấy với năm thành viên vẫn không thấm vào đâu. “Tôi không cho vợ biết vì sợ bả hờn trách này nọ thì… mệt lắm” - anh lại đưa tay… gãi đầu, giải thích. Chị Tơ tiếp lời: “Thấy ổng cặm cụi ráp xe đạp, nhưng đến khi hoàn chỉnh thì cứ sau một buổi tôi đi chợ về, những chiếc xe không cánh mà bay. Tôi hỏi, ổng ậm ờ đã bán nên không “truy cứu” nữa”.

Ngày nhận thư mời của phường, chị Tơ buồn hết một buổi khiến anh Thái lo ngại. Nhưng sau đó chị lại ủng hộ việc chồng làm. Mỗi lần thấy anh mang đồ nghề ra, chị lại ghé tay phụ giúp. Nhiều lần được mời dự trao xe, anh rủ chị đi cùng song chị ái ngại từ chối bởi không quen đứng nơi… trang trọng. Thế nên, nghe người ta kể, thấy anh lên phát biểu mà lóng ngóng, luýnh quýnh đến quên… xỏ dép, chị Tơ âu yếm: “Ổng là vậy, không có vợ nhắc thì đến dép cũng quên mang!”. Cách nay hơn mười ngày, có người phụ nữ tên Hạnh ở Q.8 đến hỏi mua chiếc xe đạp mini. Biết gia cảnh khách khó khăn, cô bé con chị Hạnh thường đến lớp trễ bởi phải lội bộ đi học, ngó trước ngó sau không thấy chiếc nào vừa tầm, chị khẽ nhắc chồng “xe thằng Hưng vừa không?”. Vậy là chiếc xe của con trai được vợ chồng anh mang làm quà tặng chị Hạnh. Hiểu việc làm của cha, các con anh chẳng những không hờn trách mà còn vui vẻ.

Nhắc đến con, anh Thái hồ hởi kể: “Có lần đi tặng xe về, các con hỏi tôi: “Người ta có biết mình cũng nghèo không ba?”. Tôi trả lời có; rồi giải thích rằng không cứ phải sang giàu mới phát huy lòng tốt. Trong cuộc sống, nếu có tấm lòng thì dù nghèo khổ mấy, bằng cách này hay cách khác cũng sẽ giúp được người đang cần sự giúp đỡ”. Hưởng ứng tấm lòng của anh, ý tưởng đặt bình nước miễn phí cho khách qua đường được các con ủng hộ. Vậy là mấy năm nay, trước cửa văn phòng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông (cách nhà anh Thái 10m), luôn có một bình trà đá mát lạnh. Các con anh Thái tranh nhau khi tiếp nước đá, lúc châm thêm nước trà…

Căn nhà của vợ chồng anh Thái đã nhỏ, buổi tối càng trở nên chật chội bởi phải gom hết vào nào là bình nước trà, những chiếc xe đạp hoàn chỉnh, những phụ tùng chưa kịp lắp ráp… Dẫu vậy, anh Thái chưa một lần nghe vợ và các con than vãn bởi mỗi thành viên đều biết rằng, những món đồ kia mang một ý nghĩa cao đẹp.

 TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI