16 đội thi đã giới thiệu tới công chúng 30 mô hình đèn lồng khổng lồ với nhiều chủ đề và những nét văn hóa của 5 quốc gia tham dự.
Đây là cuộc thi thiết kế đèn lồng đầu tiên trên thế giới.
Lễ hội đã chính thức xác lập 3 kỷ lục Việt Nam là: Kỷ lục con đường đèn lồng dài nhất Việt Nam, Kỷ lục cụm đèn lồng lớn nhất Việt Nam và Lễ hội đèn lồng quốc tế có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Trong buổi khai mạc tối 18/1, lễ hội đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Mô hình đèn lồng trâu Đông hồ của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) với tạo hình con trâu cách điệu thành những hình khối, kết hợp với hình dáng cổng làng cùng chi tiết dân gian là tranh Đông Hồ.
Cụm đèn lồng mang tên Hồn thiêng đất Việt (đội thi Hội An Craft) với hình tượng là phố cổ Hội An cách điệu thành bức tranh Lý ngư vọng nguyệt khi nhìn từ trên cao.
Tác phẩm này đã giành giải nhất cuộc thi thiết kế đèn lồng quốc tế lần đầu tiên. Đồng thời xác lập kỷ lục Cụm đèn lồng có kích thước lớn nhất Việt Nam.
Tác phẩm đèn lồng Lạc Long Quân trở về có kích thước 8mx22m là một biểu trưng sống động và kỳ diệu của lòng yêu thương, sự che chở và bảo vệ từ tổ tiên. Tác phẩm đoạt giải khuyến khích tại cuộc thi.
Khu vườn đèn lồng được thiết kế lấy hình tượng từ các thần thú, dị thú trong các tác phẩm dân gian Sơn Hải Kinh và Lĩnh Nam Chích Quái như Bạch Long, Thông Lung, Lộc Thực...
Du khách chụp ảnh, check in tại các tác phẩm đèn lồng hoành tráng.
Tác phẩm đèn lồng Long Phụng sum vầy của đội thi Sắc màu cuộc sống (Việt Nam) với đầu rồng có thể cử động linh hoạt phun khói, như một lời chào thân thiện đến du khách. Tác phẩm đoạt giải ba tại cuộc thi.
Tác phẩm Thần may mắn (Qilin) của tác giả - nghệ nhân Seo Deok Hwan (Hàn Quốc) đoạt giải nhì. Tác phẩm lấy cảm hứng từ hình tượng Kỳ lân. Điều đặc biệt của chiếc đèn lồng này đó là được làm từ hàng ngàn vỏ lọ vắc xin COVID-19.
Cuộc thi và lễ hội sẽ diễn ra trong suốt 58 ngày, từ 18/1 - 16/3/2025.