Những “chiếc bẫy” chực chờ trẻ em

01/06/2016 - 07:24

PNO - Tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước đang được liên tục báo động trên các phương tiện thông tin.

Bước vào hè, vấn đề này chắc chắn sẽ càng nghiêm trọng hơn. Tại nhiều địa phương, việc khai thác cát, công trình xây dựng không được che chắn kỹ đang tạo ra nhiều “chiếc bẫy” chực chờ nuốt lấy sinh mạng của trẻ.

TP. HCM: Nhiều “bể bơi” nguy hiểm

Trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé (đoạn giữa cầu Chữ Y và cầu Nguyễn Tri Phương nối Q.5 với Q.8) dù có biển “Cấm tụ tập tắm sông”, nhưng hàng ngày khi thủy triều lên, nơi đây vẫn biến thành một “bể bơi” của nhiều em nhỏ. Bất chấp nguy hiểm, hàng chục đứa trẻ vẫn chạy lấy đà trên bờ rồi phóng xuống kênh. “Không sợ chết đuối sao?”, chúng tôi hỏi.

Một em khoảng chín tuổi hồn nhiên: “Vui mà anh!”. Cách đó khoảng 2km, cũng trên kênh này, cầu Mống (nối Q.4 với Q.1) cũng là một “sân chơi” lý tưởng của nhiều đứa trẻ. Hàng ngày, cứ khoảng 14-16g có hàng chục trẻ đứng trên thành cầu ở độ cao gần chục mét thi nhau nhảy xuống kênh. Một số khác còn cùng nhau trổ tài lộn nhào, ôm nhau khi nhảy xuống, hoặc đu dưới thành cầu rồi bất ngờ tung mình xuống dòng nước. Nhìn những ụ đất, đá nhấp nhô dưới mặt nước hai bên bờ kênh, chúng tôi không khỏi rùng mình. Trên các cầu bộ hành số 6, số 9 gần đó, một nhóm trẻ khác cũng thi nhau nhảy từ thành cầu xuống, bất chấp nguy hiểm.

Nhung “chiec bay” chuc cho tre em
Trẻ em vô tư bơi lội tại khu vực Cầu Mống, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 31/5) - Ảnh: Phùng Huy

Tương tự, trên kênh Tẻ (đoạn gần cầu Tân Thuận 2) giáp ranh Q.4 và Q.7, cứ mỗi chiều là nhiều đứa trẻ lại tụ tập trên những chiếc ghe đậu hai bên bờ kênh, thi nhau nhảy xuống nước, bất chấp tàu ghe qua lại liên tục. Đáng nói là trò chơi nguy hiểm của các em còn được “tiếp sức” từ những người lớn vô ý thức. Tại điểm trên đoạn kênh giữa cầu Chữ Y và cầu Nguyễn Tri Phương, nhiều người nhà của các em cũng có mặt ở đó nhưng không ai ngăn cản.

Không chỉ nguy hiểm rình rập tại các kênh rạch, các em còn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy từ các công trình xây dựng. Đường Trần Não (Q.2) đang trong quá trình nâng cấp, cải tạo, trên đường xuất hiện nhiều hố công trình sâu hơn một mét không có nắp đậy nhưng không hề được rào chắn; vật liệu xây dựng còn bày ngổn ngang hai bên đường vô cùng nguy hiểm. Gần đó, hai bên đường Lương Định Của (đoạn từ góc đường Trần Não - Lương Định Của đến cầu Thủ Thiêm 2) đang là đại công trường thi công khu đô thị Thủ Thiêm với những hố công trình xuất hiện khắp nơi. Trời mưa các hố này ngập nước tạo thành ao sâu vô cùng nguy hiểm nhưng xung quanh không hề rào chắn hoặc chỉ rào chắn sơ sài bằng một sợi dây căng ngang.

Nguy cơ bị bỏ lửng

Ngày 31/5, chúng tôi trở lại nơi chín học sinh (HS) đã bị đuối nước ngày 15/4 (xã Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi). Vị trí các em đuối nước là một vũng nước không lớn nhưng do một đơn vị đắp đường hai bên để khai thác cát nên tạo thành vực sâu hoắm, xung quanh không có biển báo, rào chắn. Đây cũng là tình trạng chung hiện nay ở hầu hết các ao, hồ tại Quảng Ngãi.

Ngoài hàng ngàn ao, hồ, sông suối chằng chịt do tự nhiên hình thành, còn có rất nhiều ao, hồ do quá trình khai thác cát, đất, đá tạo ra có mực nước sâu hàng chục mét, độ dốc dựng đứng... nhưng đều không có biển báo, rào chắn. Hàng ngày quanh các ao hồ này thường tập trung rất đông HS đến vui chơi, tắm mát.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các trường tại Quảng Ngãi đều không có chương trình dạy bơi cho HS các cấp, trừ Trường THCS xã Phổ Vinh, Đức Phổ có lớp với một tuần/buổi. Theo ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, trước đây Bộ GD-ĐT có triển khai đề án dạy bơi học đường cho HS nhưng vì thiếu cơ sở vật chất, trường học chật hẹp, xây dựng bể bơi tốn kém nên tỉnh không thể triển khai được.

Gần đây, theo quan sát của chúng tôi, dọc những con sông, bờ biển ở Thừa Thiên - Huế cũng hình thành nhiều bãi tắm tự phát. Tại sông Hương, đoạn chảy qua công viên Phú Xuân 1 (TP.Huế), không khó bắt gặp cảnh nhiều thiếu niên tập trung ở một bến thuyền để tắm, trong đó có cả những em chưa đến 10 tuổi. Khi tắm sông, các em mang theo một cái can nhựa, hoặc thùng xốp nhỏ để bám vào, thậm chí có em không mang vật gì theo vẫn vô tư đùa giỡn dưới dòng nước sâu, bất chấp nguy hiểm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI