Những chiếc bánh răng bừa

10/05/2024 - 06:19

PNO - Tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê Thanh Hóa. Xa quê đã hơn 20 năm, dù đã quen với nhịp sống thành phố, nhưng đôi khi có những lúc nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê, tôi lại da diết thèm những món ăn dân dã.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, để được ăn bánh răng bừa, anh em tôi phải đợi tới dịp nhà có đám giỗ, hay tết. Trên mâm cúng gia tiên sẽ có bánh răng bừa. Loại gạo mẹ chọn để làm bánh là loại gạo mới dẻo mềm, mẹ gọi là lúa xi và phải là loại chất lượng nhất, để cúng gia tiên với mong muốn gia đình quanh năm được ấm êm, no đủ.

Bánh răng bừa sau khi luộc chín
Bánh răng bừa sau khi luộc chín

Tôi nhớ mẹ mang gạo đi ngâm nước cho đến khi hạt gạo ngậm nước, có phần trắng đục, căng tròn. Mẹ vo gạo thật sạch, đong từng ống cho vào cối đá, xay thành bột nước. Rồi mẹ sẽ đặt nồi bột lên bếp để khuấy đảo, có lẽ đây là khâu khó nhất, đòi hỏi sự dẻo dai. Bàn tay mẹ thoăn thoắt cầm đôi đũa cái để khuấy sao cho bột chín đều, không bị vón cục, canh lửa vừa phải để không bị khê. Mẹ đảo đều tay đến khi bột sền sệt lại, khuấy hơi nặng tay thì tắt lửa.

Nồi bột xong, mẹ quay qua làm nhân bánh. Mẹ đập giập hành khô, thịt ba chỉ và mộc nhỉ đã ngâm nước được băm nhỏ. Mẹ sẽ trộn đều tất cả hỗn hợp nhân và nêm với ít nước mắm, muối, bột ngọt, chút ít tiêu bột, rồi xào cho nhân thịt chín, dậy mùi thơm. Trẻ con háu đói, chỉ cần mùi nhân thịt phảng phất thơm trong làn gió trưa hè là biết mình sắp có mẻ bánh lá ăn rồi.

Xong phần nhân thịt, mẹ sẽ gọi anh em chúng tôi lau lá. Lá dong mẹ chọn có độ dẻo, màu đẹp. Mẹ chỉ dạy anh em tôi cách gói bánh, lấy vài muỗng bột đổ dài theo hình chiếc lá, chia phần nhân đều lên mặt giữa phần bột bánh, gấp 2 bên mép theo chiều dài lá, miết nhẹ rồi gấp 2 đầu lá như hình cái răng bừa nhô lên ở giữa và nhỏ lại ở 2 đầu.

Có lần tôi hỏi mẹ sao lại gọi là bánh răng bừa, mẹ nói ông cha ta làm nông, đặt tên các món ăn như tên các dụng cụ gắn liền với đời sống của mình cho thân thuộc, dễ nhớ. Tôi nhìn từng cái răng bừa dựng ngoài chái bếp, đúng là ở giữa thì nhô to hơn và nhỏ, nhọn ở phần đầu.

Nhớ nhà, nhớ mẹ, chị em tác giả lại cùng nhau  làm bánh răng bừa
Nhớ nhà, nhớ mẹ, chị em tác giả lại cùng nhau làm bánh răng bừa

Gói xong, mẹ xếp bánh vào cái nồi gang để luộc. Mẹ dùng nước đã nấu sôi đổ vào nồi bánh, khi bánh chín sẽ có màu xanh sẫm, mở nắp nồi, một làn hơi thơm của bánh chín ủ trong lá dong tỏa khắp căn bếp. Xếp từng cái bánh ngay ngắn lên đĩa, mẹ cẩn thận đặt lên bàn thờ tổ tiên. Khi nhang tàn, mẹ gọi anh em tôi quây quần lại thưởng thức bánh.

Bánh có màu trắng trong pha chút xanh nhạt của lá dong, dẻo mềm, béo ngậy, thơm nồng vị tiêu, mộc nhĩ. Bánh được chấm kèm với nước mắm mặn. Những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi như tôi có lẽ phải ăn hết cả chục cái bánh của mẹ một lần mới đã cái bụng.

Mẹ tôi nay đã 70 tuổi, thỉnh thoảng vẫn muốn làm bánh cho con cháu mỗi khi chúng về đông đủ, nhưng lúc nào suy nghĩ đó của mẹ cũng bị anh em tôi gạt đi, bởi giờ ăn có bao nhiêu đâu, làm ra không ăn hết lại bỏ, công mẹ ngồi lọ mọ, mắt kém, đau lưng…

Ngày nay việc làm bánh răng bừa đã có máy móc hỗ trợ. Có thể công thức làm bánh vẫn vậy, nhưng sao tôi vẫn khắc khoải mùi bánh lá thơm nồng trong căn bếp năm xưa và những câu chuyện mẹ kể trong lúc gói bánh là những bài học đạo đức dân gian đã nuôi dưỡng tuổi thơ anh em chúng tôi thuở nào. Ấy như mùi nhớ, vị thương nơi quê nhà.

Ngọc Hoài Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI