Tại một hội nghị thượng đỉnh chỉnh sửa gen quốc tế ở Hong Kong (Trung Quốc) ngày 25/11, nhà nghiên cứu trẻ người Trung Quốc Hạ Kiến Huê trở thành trung tâm chỉ trích toàn cầu khi tuyên bố chỉnh sửa gen thành công cho hai bé gái sinh đôi Lulu và Nana.
Thông tin gây ra phản ứng mạnh mẽ trên các diễn đàn y học, đặc biệt khi thí nghiệm tồn tại nhiều chi tiết khó hiểu và nguy hiểm. Dưới đây là những vấn đề đáng lo ngại nhất trong tham vọng chỉnh sửa gen của nhà khoa học Trung Quốc.
|
Ông Hạ Kiến Huê nói về công trình "những em bé đầu tiên được chỉnh sửa gen trên thế giới" tại hội nghị thượng đỉnh về chỉnh sửa gen người ở Hong Kong. |
1. Không giải quyết nhu cầu y tế như kỳ vọng
Tiến sĩ Hạ Kiến Huê tập trung vào gen CCR5, được xem là con đường để virus HIV xâm nhập vào tế bào người. Để ngăn chặn virus, nhiều nhà khoa học đã thử trích xuất tế bào miễn dịch của bệnh nhân HIV và vô hiệu hóa CCR5 bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen trước khi đưa tế bào trở lại cơ thể.
Tuy nhiên, vô hiệu hóa CCR5 không đem lại khả năng miễn dịch hoàn toàn với HIV, vì một số chủng virus có thể xâm nhập vào tế bào qua một loại protein khác. Bên cạnh đó, dù những người bị thiếu hụt tự nhiên về gen có vẻ khỏe mạnh, họ nhạy cảm hơn với virus West Nile và có khả năng tử vong vì cúm cao hơn. Về cơ bản, ông Hạ để Nana và Lulu kháng lại một loại virus có thể tránh được bằng vô số cách khác, nhưng lại mở ra nhiều nguy hiểm khác cho hai cô bé.
2. Việc chỉnh sửa không khả quan như tuyên bố
Thí nghiệm của ông Hạ không được đồng nghiệp kiểm tra chéo, vì vậy nhiều chi tiết không hề rõ ràng. Nhưng dựa trên bài thuyết trình của ông tại hội nghị thượng đỉnh Hong Kong, các nhà khoa học khác tố cáo công trình này là nghiệp dư.
Ví dụ, TS Hạ dường như chỉ có thể chỉnh sửa một nửa gen CCR5 của Lulu; nửa còn lại bình thường. Lý do có thể là mỗi tế bào trong cơ thể cô bé chỉ sở hữu một bản sao CCR5 bình thường và một bản chỉnh sửa, hoặc một nửa các tế bào mang hai gen đã được chỉnh sửa và nửa kia có hai gen bình thường.
Nếu thuộc trường hợp đầu tiên, Lulu không thể kháng HIV; còn nếu rơi vào dự đoán thứ hai, việc kháng HIV phụ thuộc vào tế bào miễn dịch có mang gen chỉnh sửa hay không. Qua các bản trình chiếu mà ông Hạ trình bày, Nana có sở hữu các bản sao CCR5 bình thường.
|
Thí nghiệm của ông Hạ Kiến Huê đã vấp phải chỉ trích và giận dữ từ các nhà khoa học cũng như thế giới. |
3. Mục đích và hiệu quả của đột biến mới không rõ ràng
Ít nhất hai trong số ba đột biến mà ông Hạ đưa vào bộ gen của Nana và Lulu là những thay đổi đáng kể có thể thay đổi hoạt động của CCR5. Thông thường, các nhà khoa học sẽ đưa các đột biến tương tự vào chuột hoặc động vật thí nghiệm khác để xem điều gì sẽ xảy ra.
Nếu cảm thấy đủ an toàn để thực hiện với người bệnh, họ tìm kiếm bệnh nhân nhiễm HIV, loại bỏ một số tế bào miễn dịch, đưa vào các đột biến CCR5 mới, cấy ghép tế bào và theo dõi sức khỏe của tình nguyện viên. Quá trình này mất từ nhiều tháng đến nhiều năm, nhưng rõ ràng là kiểu "đi đường tắt" không hề đúng đắn.
Trong trường hợp gây tranh cãi, ông Hạ dường như đã “nhảy cóc” qua tất cả những kiểm tra cơ bản và cấy phôi đã chỉnh sửa vào một người phụ nữ. Nhà hóa sinh học Sean Ryder, Đại học Y Massachusetts, nhận xét: “Những đứa trẻ là đối tượng thử nghiệm cho các biến thể không hề được kiểm tra trên động vật”.
Leonid Kruglyak, nhà di truyền học tại Đại học California ở Los Angeles, đăng trên Twitter: “Đây là sự coi thường trắng trợn tất cả các quy tắc và quy ước trước khi tiếp cận bất kỳ biện pháp can thiệp nào”.
4. Nghi ngờ về quan điểm ưng thuận của bệnh nhân
Không rõ những người tham gia thí nghiệm có nhận biết rõ tình hình thực tế hay không. Ông Hạ tiếp cận bệnh nhân qua một hiệp hội viện trợ với mô tả sai lệch “dự án phát triển vắc-xin phòng bệnh”. Tại hội nghị Hong Kong, TS Hạ tuyên bố đã cùng một giáo sư khác tiến hành quy trình đồng thuận với tình nguyện viên. Tuy nhiên, việc này cần phải có chuyên môn, nhưng ông Hạ không được đào tạo kỹ năng này.
Trong tài liệu đồng thuận của ông Hạ mô tả về chỉnh sửa gen và công cụ với ngôn ngữ kỹ thuật nặng nề. Ông cho biết bệnh nhân của mình “rất hiểu biết” và vốn đã có kiến thức về công nghệ chỉnh sửa gen. Nhưng nhiều người không cảm thấy tài liệu này có sức thuyết phục.
|
Ông Hạ bí mật thực hiện thí nghiệm với nhiều nghi vấn nhưng lại có kế hoạch PR lắt léo. |
5. TS Hạ bí mật thực hiện thí nghiệm
Nhà khoa học này không thông báo về thí nghiệm với cơ quan - Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam, chỉ xin nghỉ phép không lương hồi tháng Hai để thực hiện trong bí mật. Trường đại học dự định mở một cuộc điều tra về dự án, được xem là “vi phạm nghiêm trọng đạo đức và tiêu chuẩn học thuật”.
TS Hạ tuyên bố được Bệnh viện Harmonicare Thâm Quyến chấp thuận về mặt đạo đức, nhưng phía bệnh viện cho biết Hội đồng Đạo đức Y khoa chưa từng thảo luận một dự án như vậy, các chữ ký trên mẫu ưng thuận của ông Hạ bị nghi ngờ là giả mạo. Trong khi đó, trang web về phòng thí nghiệm cũng như ca ngợi về cống hiến của ông trên các cổng thông tin đều đã biến mất.
6… nhưng sắp xếp chiến dịch PR lắt léo
Mặc dù âm thầm và im lặng về phần lớn công việc nhưng TS Hạ lại rất nỗ lực làm quan hệ công chúng (PR), khi sử dụng dịch vụ của nhà tư vấn PR người Mỹ Ryan Ferrell. Ông Hạ cho dựng bộ năm video YouTube mô tả hành động của mình và lý luận phía sau, trong khi các chi tiết kỹ thuật thực tế chưa được công bố trong bất kỳ ấn phẩm chính thức nào.
7. Không thể đánh giá hiệu quả của thí nghiệm
Alta Charo, nhà sinh học của Đại học Wisconsin, cho biết: “Cả Nana và Lulu sẽ được theo dõi ít nhất cho đến năm 18 tuổi”. Điều này có nghĩa là “chúng ta không thể đánh giá về hiệu quả hay lợi ích của thí nghiệm. Nếu trẻ vẫn âm tính với HIV, ta cũng không thể chứng minh nó liên quan đến chỉnh sửa gen”.
Tại hội nghị Hong Kong, khi được hỏi liệu hai đứa trẻ có bị cha mẹ phân biệt đối xử vì đã được chỉnh sửa gen, TS Hạ nói: “Tôi không biết phải trả lời câu hỏi này ra sao.”
|
Không thể đánh giá mức độ hiệu quả hay tác động xấu của thí nghiệm. Ảnh minh họa |
8. Bỏ qua các lời khuyên về đạo đức
Ông Hạ đã có cuộc nói chuyện dài với các nhà sinh học William Hurlbut (Đại học Stanford) và Benjamin Hurlbut (Đại học bang Arizona), nhưng không ai biết về kế hoạch động trời này của ông. William Hurlbut dành nhiều thời gian giải thích với ông Hạ về phản đối sử dụng phôi người ở Hoa Kỳ cũng như các căn cứ chứng minh cuộc sống con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Bất chấp những cuộc thảo luận đó, ông Hạ tiến hành thí nghiệm.
9. Sự việc tương tự có thể dễ dàng tái diễn
Năm ngoái, một nhóm nhà khoa học đã hồi sinh virus tuyệt chủng horsepox và nhận vô số chỉ trích của thế giới do nguy cơ tái tạo virus đậu mùa liên quan (và nguy hiểm hơn nhiều).
Bất kể rủi ro hay giá trị của thí nghiệm, các sự việc như trên hay của TS Hạ Kiến Huê cho thấy lỗ hổng ngay trung tâm của khoa học hiện đại: Các nhóm nhỏ các nhà nghiên cứu có thể đưa ra quyết định gần như đơn phương về thí nghiệm có khả năng gây hậu quả toàn cầu, còn thế giới chỉ hay tin khi sự đã rồi.
Ngọc Anh (theo The Atlantic)