Từ những điểm chưa hài lòng
Năm 2019, Great VietNam ra đời với những trụ cột đầu tiên: Vũ Đức (29 tuổi), Trương Tuấn Anh (34 tuổi). Đều là người “ngoại đạo” với lĩnh vực văn hóa, thời trang nhưng họ có chung đam mê nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa truyền thống.
|
Cô dâu, chú rể mặc cổ phục do Great VietNam thực hiện trong ngày cưới - Ảnh: Great VietNam |
Trước khi thành lập nhóm, Đức và Tuấn Anh từng có thời gian lập dự án nhỏ, khảo sát thông tin, hình ảnh về cổ phục ở các đơn vị bảo tồn, bảo tàng. Họ nhận thấy tư liệu rất ít hoặc không có. Điều này thôi thúc cả hai tìm hiểu, với mong muốn hiểu sâu thêm về văn hóa Việt. Họ quan niệm giữ được văn hóa mới có sự phát triển bền vững.
Thời gian đầu, Đức và Tuấn Anh vẽ lại long bào, phượng bào, dựa vào những mẫu trang phục, hình ảnh được cho là phục dựng mà không có bất kỳ sự hoài nghi nào. Nhưng khi được xem hình ảnh, hiện vật từ Bảo tàng Lịch sử TPHCM, họ phát hiện những sai lệch dù nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến tổng thể. Cùng trong năm 2019, trên sàn đấu giá quốc tế giới thiệu phượng bào của Đoan Huy Hoàng thái hậu. Lúc này, cả hai mới có dịp tiếp cận hình ảnh, phát hiện những điểm sai khác so với bản được cho là phục dựng.
Tìm hiểu, họ được biết thêm một số trang phục được phục dựng theo hướng mô phỏng, không chính xác hoàn toàn. Vì thế, sau 1 năm làm chơi, họ bắt đầu làm thật bởi cả nhóm quan niệm những sai sót nhỏ truyền qua nhiều thế hệ có thể dẫn đến những cái sai lớn. Chưa kể, quá trình phục dựng cổ phục Việt Nam đã đi chậm so với nhiều nước khác.
Great VietNam - được bổ sung thêm các thành viên mới - thống nhất chỉ phục dựng những trang phục có hình ảnh, tư liệu hiện vật để đảm bảo có thể đối chiếu. Tuấn Anh là kỹ sư chuyên về kỹ thuật, đảm nhận khâu thực hiện bản vẽ trang phục. Vũ Đức học về truyền thông, khoa học chính trị, lo phần tìm kiếm tài liệu, đối chứng… Đoàn Thành Lộc tư vấn thêm về các kiến thức, văn hóa khi có những vấn đề chưa rõ ràng; chế tác phụ kiện, trang sức. Anh có hơn 10 năm học tập và nghiên cứu về văn hóa Trung - Việt, có thể tiếp cận các văn bản, tài liệu nguồn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nguyễn Ngọc Phương Đông là kỹ sư công trình, chịu trách nhiệm nghiên cứu về võ phục. Để đảm bảo theo sát bản gốc, từ khi thực hiện bản vẽ đến ra mắt thành phẩm, có mẫu mất đến 3 năm, đặc biệt với long bào, phượng bào.
|
Những trang phục phục dựng của Great VietNam trong một sự kiện giới thiệu cổ phục vào năm 2022 |
Việc nghiên cứu, đối chứng khá khó khăn do không có nhiều nguồn tài liệu. Họ cũng tìm đến các sàn đấu giá quốc tế, một số bảo tàng ở châu Âu, Mỹ để tìm hình ảnh còn được lưu giữ. May mắn, có những trang phục được ghi kích thước cụ thể, có hình ảnh để phóng to.
Sau khi có được bản vẽ thống nhất, họ sẽ cho in vải, may thành mẫu thật. Với các áo thêu, phụ kiện mũ mão sẽ chuyển cho nghệ nhân ở các làng nghề thực hiện. Về chất liệu, họ tìm đến các làng nghề như: Vạn Phúc, La Khê, Bưởi, Nha Xá, Nam Cao, Mã Châu, Tân Châu… Mỗi mẫu trang phục, nhóm đăng tải trên fanpage, đính kèm tư liệu để công chúng có thể tiếp nhận hoàn chỉnh hơn.
Từ chơi thành thật
“Chúng tôi vốn không nghĩ sở thích, đam mê này sẽ thành công việc” - Vũ Đức nói. Nhưng khi mỗi chiếc áo ra đời, cả nhóm lại được thôi thúc phải làm thêm nữa, để tạo ra một bộ sưu tập. Cảm giác thích thú lẫn tự hào là hành trang của họ trong suốt 4 năm qua.
Những nỗ lực cũng đến ngày thu “trái ngọt”. Thương hiệu Great VietNam ngày càng được nhiều bạn trẻ biết đến, có cơ hội xuất hiện trong nhiều chương trình, tiêu biểu là trình diễn thực cảnh Tinh hoa Việt Nam (Phú Quốc), tái hiện lịch sử với quy mô lớn. Họ cũng có một lượng khách hàng nhất định, bắt đầu có nguồn thu. Tuy nhiên, không thành viên nào trong nhóm nghĩ về lợi ích kinh tế bền vững, lâu dài. Mỗi người đều có công việc riêng để đảm bảo cuộc sống.
|
Những cổ phục được Great VietNam phục dựng |
Hiện nay chỉ có Đức tập trung hoàn toàn cho công việc của Great VietNam. Các thành viên còn lại vẫn theo đuổi công việc chuyên môn riêng. Tuấn Anh cho biết, điều quan trọng nhất là mỗi người phải tự sắp xếp công việc để đảm bảo hoàn thành công việc chung, phân chia việc cho phù hợp. Thu Hương là thợ may nên có thể linh hoạt sản xuất những mẫu đơn giản, đã có bản vẽ trước đó. Những mẫu áo phức tạp đòi hỏi cả nhóm phải chung tay.
Great VietNam đang có kế hoạch hoàn thiện bộ sưu tập cổ phục của gia đình hoàng gia, triều đình ngày xưa, các tầng lớp trong xã hội xưa. Điểm nghẽn hiện tại vẫn là tư liệu, hiện vật tham khảo. Vũ Đức nói rất lâu mới có một cuộc triển lãm về trang phục. Vì thế, anh mong trong tương lai có thể có sự bắt tay, hỗ trợ giữa cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị tư nhân để tiếp cận tư liệu này dễ dàng hơn.
Có thể thấy, các sản phẩm văn hóa, giải trí hiện là “cánh tay” nối dài để giúp cho việc quảng bá, tăng cường sức sống của cổ phục. Nhóm vẫn kỳ vọng có những dự án phim ảnh, sân khấu được đầu tư chỉn chu, sử dụng cổ phục đúng. Theo họ, các lễ hội, đặc biệt ở những tỉnh, thành có dấu ấn lớn về lịch sử, cũng là nơi có thể giúp lan tỏa hình ảnh của cổ phục. Để có được điều này, cần phải có sự chung tay của các đơn vị sản xuất, địa phương.
Trung Sơn