Những chân rết năng nổ của Hội

15/04/2015 - 14:00

PNO - PN - Với suy nghĩ: các chủ trương từ cấp trên đưa xuống nếu không có sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân thì sẽ không đem lại hiệu quả, các dì, chị ở cấp Hội cơ sở đã không ngại khó làm chân rết để mọi người...

edf40wrjww2tblPage:Content

Không ngại khó

Tôi đi cùng dì Chu Thị Trọng, Chi hội trưởng Phụ nữ KP.2, P.Thảo Điền, Q.2 đến thăm một số gia đình có người nghiện ma túy. Tôi... thấm mệt, trong khi đó dì Trọng vẫn tỉnh queo. Dì cười nói: “Dì đi một ngày mấy lượt, riết thành quen”.

P.Thảo Điền là nơi có không ít gia đình khá giả. Việc nắm bắt tình hình và quản lý người nghiện tái hòa nhập cộng đồng của dì Trọng khá khó khăn. “Một số nhà giàu có con bị nghiện, họ giấu dữ lắm vì sợ điều tiếng. Mình đến, có khi họ không tiếp, hoặc mắng chửi nói mình đổ oan cho con họ” - dì Trọng kể. Không nản, dì đổi “chiến thuật”.

Dì thường đi khắp khu phố, hễ thấy “con nghiện” ở đâu, dì theo dõi ngay. Khi thì quán cà phê, quán nhậu, lúc ở chỗ đá gà, bàn bi da…

Là “khách không mời”, để lấy lòng, dĩ nhiên dì phải móc tiền túi mời các em, khi thì gói thuốc, ly cà phê, ly nước mía. Có em bị HIV, để tạo lòng tin, dì còn tình nguyện làm xe ôm chở các em xuống Trung tâm y tế dự phòng quận lãnh thuốc. “Nhiều người nói, tôi chở con nghiện đi có ngày mất xe, mất mạng như chơi. Nhưng nếu mình thật lòng tin tưởng, các em sẽ cởi mở tâm sự” - dì chân tình.

P.1, Q.8 có gần 200 hộ người Chăm sinh sống. Nhanh nhẹn, lại thạo tiếng Việt nên chị Ây Sa (dân tộc Chăm, KP.2) được hầu hết người Chăm nơi đây tín nhiệm.

Là cộng tác viên dân số, am hiểu nhiều điều luật, chị Ây Sa quyết tâm đưa luật đến gần với chị em dân tộc. Để luật dễ “nuốt”, chị dành thời gian xem qua tài liệu tuyên truyền rồi dịch ra tiếng Chăm với nội dung ngắn gọn. Sau đó, chị đi từ đầu trên đến xóm dưới, gõ cửa từng nhà để gửi cho mọi người đọc. Chị còn áp dụng phương pháp đơn giản hóa nội dung tuyên truyền thành những câu chuyện vui để người dân dễ nghe, dễ nhớ…

Là người Hoa, sinh sống lâu năm trên địa bàn có đến 90% dân số là dân tộc Hoa nên dì Phùng Muối, Chi hội trưởng Chi hội KP.3, P.8, Q.11 luôn đi sâu, đi sát tâm tư của người dân. Để chị em thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong lúc đi phát tờ bướm tuyên truyền, dì luôn nhắc nhở mọi người khóa xe, khóa cửa cẩn thận trước khi ngủ.

Biết phong tục người Hoa hay đốt vàng mã, dì phân tích sự lãng phí, nguy cơ cháy nổ cao trong các con hẻm nhỏ. Với những gia đình chưa chấp hành, dì mua báo, tìm những bài viết, hình ảnh về các vụ cháy, người chết cháy để họ dễ hình dung. Dần dần mọi người nâng cao ý thức, nhiều gia đình hạn chế đốt vàng mã…

Nhung chan ret nang no cua Hoi

Một buổi tuyên truyền về quyền phụ nữ và trẻ em tại quận Tân Phú

Phải có tinh thần “thép”

Tiếp cận người sau cai, dì Trọng gặp không ít “ca khó” mà chỉ có sự bền bỉ, tinh thần “thép” mới chịu đựng, cảm hóa được các em. Cách đây chưa lâu, hàng xóm chạy đến nhà tìm dì Trọng báo gia đình bà M. đang “có chuyện”. Tất tả chạy đến nhà bà M., dì không tin vào mắt mình khi bà M. đang bị người con gí dao vào cổ và dọa giết nếu không cho 200.000đ. Tìm hiểu nguyên nhân, dì Trọng biết được H. (con bà M., đã nhiễm HIV) cần tiền để bắt xe lên Đà Lạt gặp chị gái.

Biết được sự tình, dì nhẹ nhàng nói cho H. nghe về tương lai H. sẽ ra sao, ai sẽ chăm sóc H. nếu mẹ chết. Đồng thời, dì khuyên H. không được đối xử với mẹ như vậy. Dì cho H. tiền và buộc H. phải hứa sau này không được tái phạm. Sau đó, dì còn tình nguyện chở H. xuống Trung tâm y tế dự phòng lãnh thuốc hàng tháng. Thời gian sau, H. gặp chuyện gì khó khăn đều chia sẻ với dì Trọng.

Trước thực trạng các em sau cai muốn có việc làm nhưng ít nơi tin tưởng, muốn có vốn làm ăn nhưng gia đình không thể hỗ trợ, dì Trọng suy nghĩ và lên kế hoạch từng bước. Dì trao đổi với chồng làm ở công ty xây dựng nhận một số em vào làm công nhân; còn trường hợp giới thiệu làm cho người quen, dì phải chạy tới chạy lui làm giấy tờ, đứng ra bảo lãnh.

“10/12 em mà tôi quản lý hiện đều có công ăn việc làm ổn định. Đứa làm phụ hồ, rửa xe, đứa chạy xe ôm, cắt tóc… Nhìn các em chí thú làm ăn lo cho vợ con, tôi thấy hạnh phúc lắm” - dì Trọng vui mừng chia sẻ.

 HOA LÀI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI