PNO - PN - Cầu xây nửa chừng rồi bỏ dở, khiến đường làm xong nhưng không thể lưu thông, là thực trạng đang xảy ra tại nhiều dự án ở các huyện ngoại thành TP.HCM, gây lãng phí nghiêm trọng và khiến người dân khốn khổ.
edf40wrjww2tblPage:Content
Cầu khởi công, xóm cù lao vẫn là ốc đảo
Xóm cù lao ở ấp 3, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè có khoảng 500 hộ dân sinh sống, xung quanh là sông nước bao bọc. Bao nhiêu năm qua, cuộc sống ngăn sông, cách trở khiến người dân nơi đây luôn khao khát một cây cầu. Sau nhiều năm chờ đợi, khoảng đầu năm 2010, dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Tạo và xây dựng cầu Kênh Lộ nối tuyến đường này với xóm cù lao chính thức được khởi công. Trong đó, cầu Kênh Lộ dự kiến chỉ thi công trong 17 tháng, khiến người dân rất vui mừng. Tuy nhiên, đường Nguyễn Văn Tạo đã trải nhựa khang trang từ lâu, nhưng cầu Kênh Lộ vẫn còn “đủng đỉnh”.
Đầu tháng Tám, chúng tôi có mặt tại công trường thi công cầu Kênh Lộ. Cây cầu dài 854m, rộng 10,5m đã thi công xong đoạn giữa, nhưng hai đầu cầu vẫn còn cách đất liền khoảng 10m. Dù mới 15g, nhưng trên công trường lèo tèo vài công nhân. Anh T. (một công nhân ở đây) thú thật: “Chúng tôi chỉ làm cầm chừng vì… không có chuyện gì làm”. Nhìn cây cầu xây dang dở, anh Nguyễn Văn Tuấn (ở số 277/12 đường Nguyễn Văn Tạo, ấp 3, xã Hiệp Phước) thở dài: “Chúng tôi trông chờ cây cầu này hàng chục năm rồi, nhưng tốc độ xây dựng thế này thì biết bao giờ mới có cầu đi?”. Bà Nguyễn Thị Nga (ở cách đó khoảng 50m) tiếp lời: “Lúc mới nghe tin xây cầu tui mừng lắm. Chính quyền vừa thông báo giải tỏa, tui giao đất xây cầu ngay, không ngờ đến nay vẫn chưa làm xong”.
Chuyện các em học sinh trên “đảo” đi học bị té xuống nước hay trễ giờ vì mưa gió, đò không đưa qua sông là chuyện cơm bữa. Hàng ngày, người dân đi làm phải canh… giờ đò để đi-về. Chị Nguyễn Thị Thủy (công nhân khu chế xuất Tân Thuận) than: “Cứ hôm nào công ty tăng ca xem như tui khỏi về nhà vì luôn trễ giờ đò. Còn những hôm mưa gió thì tui tốn từ 20.000đ - 30.000đ/lượt vì đò không đưa, phải thuê ghe của dân qua sông”.
Không biết ngày nào dân được đi qua cầu Kênh Lộ
Cầu chờ dân, dân chờ tiền
Tương tự, cầu Phước Lộc (nối xã Phước Kiển với xã Phước Lộc, H.Nhà Bè) trên đường Đào Sư Tích đã xuống cấp nghiêm trọng từ lâu. Nhiều năm qua, ô tô không còn được phép lưu thông qua cầu. Việc này đã khiến hàng ngàn hộ dân sống trên địa bàn xã Phước Lộc gặp không ít khó khăn.
Cách nay khoảng ba năm, UBND TP đã quyết định đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Đào Sư Tích và xây dựng cầu Phước Lộc mới (cách cầu cũ khoảng 50m). Tuy nhiên, đến nay, đường Đào Sư Tích đã thông xe, nhưng cầu Phước Lộc mới xây xong… ba nhịp. Chị Nguyễn Thị Thanh (nhà ở đây) khẳng định: “Khoảng một năm gần đây công trình hoàn toàn bỏ hoang, không có bất kỳ công nhân nào thi công”. Anh Trần Minh Tuấn (ở số 323/17/9 đường Đào Sư Tích, xã Phước Lộc) than: “Xe ô tô không qua cầu được, mỗi khi cần vận chuyển đồ đạc nhiều, tôi phải thuê ghe chuyển bằng đường sông rất vất vả”.
Cầu Tân Tạo (nối H.Bình Chánh) nằm trên đường Tỉnh lộ 10B cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau bảy năm xây dựng, đường Tỉnh lộ 10B rộng khoảng 30m đã trải nhựa nhiều đoạn nhưng cầu Tân Tạo mới chỉ xây khoảng… nửa cầu. Ngày 31/7, chúng tôi có mặt tại đây, công trường không có một bóng công nhân thi công. Đường tỉnh lộ 10B rộng thênh thang nhưng không có phương tiện nào lưu thông được. Trong khi cách đó khoảng 50m, đường Tỉnh lộ 10 chạy song song với Tỉnh lộ 10B kẹt xe nghiêm trọng, hàng trăm xe tải, ô tô xếp hàng dài gần 1km.
Giải thích về việc “ngâm” dự án cầu Kênh Lộ và cầu Phước Lộc, theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (chủ đầu tư hai công trình này), hiện cầu Kênh Lộ thi công hoàn thành khoảng 82%. Tuy nhiên, từ tháng 10/2013 đến nay, việc xây dựng phần cầu chính đã phải tạm ngưng do vướng giải tỏa, bồi thường. Tương tự, dự án cầu Phước Lộc đã phải tạm dừng thi công từ tháng 7/2013 do chưa được bồi thường, giải tỏa nên không có mặt bằng thi công.
Theo UBND H.Nhà Bè, hiện cầu Kênh Lộ vẫn còn bốn hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng, dù huyện đã vận động rất nhiều lần. Nguyên nhân, các hộ dân này không đồng ý với giá bồi thường do huyện đưa ra. Hiện các hộ dân đang kiện UBND huyện ra tòa án. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nga (một trong bốn hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng) cho biết: “Tui cũng muốn bàn giao mặt bằng sớm để xây cầu, nhưng huyện cấp sai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tui, gây thiệt thòi trong việc bồi thường. Tui khiếu nại, huyện không giải quyết, nên tui phải kiện”.
Trong khi đó, tại cầu Phước Lộc, theo bà Huỳnh Thị Nga (ở số 112B Đào Sư Tích, xã Phước Kiển), bà đã xin bồi thường, giải tỏa rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được. “Nhà tui không chỉ bị ảnh hưởng bởi dự án xây cầu mà còn ở trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao nên tui rất muốn đi, nhưng lần nào tui hỏi chính quyền địa phương cũng nói chưa có tiền thì làm sao tui đi?” - bà Nga nói.
Ông Hồ Vũ Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kiển cho biết: “Huyện đã phê duyệt dự toán bồi thường và đã trình Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng TP nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Vì thế, huyện chưa thể triển khai bồi thường cho dân. Vừa qua, huyện đã đề nghị người dân di dời đi trước, huyện trả tiền nhà trọ, còn tiền bồi thường sẽ chi trả sau nhưng người dân không đồng ý”.
Tương tự, đối với dự án xây dựng cầu Tân Tạo, theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư dự án), nguyên nhân chính cũng do vướng đền bù, giải tỏa. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng H.Bình Chánh, khó khăn hiện nay là chưa có kinh phí chi trả bồi thường cho dân.Vì vậy, dù huyện có vận động người dân đồng ý bàn giao mặt bằng cũng không thể giải tỏa được. Vừa qua, huyện đã có văn bản gửi chủ đầu tư đề nghị cấp vốn bồi thường giải tỏa. Chủ đầu tư cho biết, đã đăng ký vốn ở Sở Kế hoạch đầu tư TP nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.