Bởi cô tin rằng, cuộc sống sẽ tẻ nhạt nếu như chỉ biết giữ những gì mình đang có, cho đi là một cơ hội nhận lại niềm hạnh phúc nhân bội và thấy cuộc sống không uổng phí.
15-16 tuổi đã nghĩ đến việc làm từ thiện
* Quỹ Nam Phương của bạn được ra đời từ ý tưởng? Tại sao lại là Quỹ Nam Phương - Nam Phương Foudation (NPF) mà không phải một cái tên gì đó “bao quát” hơn, ví dụ như Quỹ Nhịp Cầu chẳng hạn?
- Tuy NPF đến năm 2013 mới có giấy phép từ Bộ Nội Vụ, và năm 2014 mới chính thức ra mắt nhưng ý tưởng thì đã có từ rất sớm, lúc tôi mới 15-16 tuổi. Nghe thì khó tin nhưng cái tên NPF theo tôi từ lúc bắt đầu lên kế hoạch cho đến khi nộp đăng ký mà không nghĩ đến việc đổi tên, vì cũng không nghĩ đến việc này lắm.
Có thể lúc đó có người cũng đã nghĩ đến việc này nhưng không ai muốn tạt nước lạnh cho mình nên cũng không nói gì. Đến khi sau này xong xuôi cả, có một người bạn rất thân mới góp ý là một cái tên chung chung có lẽ sẽ hay hơn, nhưng lại muộn mất. Bây giờ qua một thời gian quỹ hoạt động thì mọi việc vẫn thuận lợi, và cái tên NPF cũng trở nên thông dụng và quen thuộc với mọi người nên cũng thuận tiện để giữ luôn.
* Bạn đã vận động đóng góp như thế nào? Trong quá trinh đi xin tài trợ, đã bao giờ bạn gặp phải sự nghi ngờ về tính mục đích dự án chưa? Có khó khăn gì trong quá trình đi kết nối và sau này là xây dựng những cây cầu?
- NPF hoạt động rất chuyên nghiệp - yếu tố minh bạch là chuyện quan trọng nhất, và việc kiểm toán được đảm nhiệm (miễn phí) bởi các công ty đa quốc gia hàng đầu như Grant Thorton và KPMG với chứng từ rõ ràng nên mọi sự nghi ngờ đều dễ dàng được hóa giải. Nhưng đương nhiên thì niềm tin vào mục đích và tính minh bạch, không chỉ phải trên giấy tờ, là quan trọng để vận động xin quỹ.
Lúc bắt đầu thì Nam Phương toàn vận động người trong gia đình và người quen thôi, mà cách làm của mình và gia đình mình thì mọi người đều biết rồi nên cũng không có vấn đề gì lớn. Sau khi mọi việc bắt đầu đi vào guồng, một số dự án có thành quả để chứng minh cho việc hoạt động của quỹ. Khó khăn lớn nhất của NPF là tìm được dự án phù hợp để thực hiện.
Vì NPF hướng đến việc thực hiện các dự án phục vụ chỉ cho người dân đi làm, học sinh đi học, và có mong muốn về số lượng dân sinh, kết nối sao cho có hiệu suất cao nhất với tiền mình vận động được - đây cũng là con số hữu hạn, nên nhiều khi các bạn đi khảo sát bên mình đi tiền trạm 10 địa điểm mà không chọn được một.
* Mô hình của bạn là tài trợ 70-30 trong hoạt động xây cầu, có bao giờ bạn nhận được câu hỏi: "Đã mất công làm từ thiện sao không làm 100%
luôn đi?"?
- Đối với NPF thì 70-30 là một lý tưởng mấu chốt. Một nguyên lý làm việc thiện mà mình rất thích là hãy làm sao cho người ta không cần dựa vào sự giúp đỡ của bạn nữa. Xây cầu là một việc trù tính cho tương lai, cho thời gian dài, để các em nhỏ có tri thức, người lớn tìm được công việc để vun vén gia đình, làng xóm trở nên lớn mạnh hơn.
NPF không muốn cây cầu mới này chỉ là một món quà từ những con người từ thành phố đến, mà còn là bước đầu tiên mà người dân ở địa phương chủ động góp sức làm cho cuộc sống của mình tốt lên, họ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bảo quản cây cầu để sử dụng lâu dài hơn. Vả lại, phần đóng góp của địa phương không nhất thiết là tài chính, mà chính là những ngày công của người dân địa phương, thậm chí là cả những đóng góp như các suất ăn cho nhân công.
* Có kỷ niệm nào trong quá trình xây cầu khiến bạn nhớ mãi không?
- Khi đi khánh thành cây cầu Tân Hậu ở Bến Tre, Nam Phương có xuống ở dưới xã với cô Bính là người tài trợ cây cầu này. Đầu tiên, chuyện cô Bính đến với NPF rất ly kỳ: cô là người tin Phật và luôn mong muốn sẽ xây được một cây cầu trước khi bắt đầu việc chữa bệnh của mình, nhưng chưa biết phải gửi gắm tổ chức nào.
Cô kể là một hôm nằm ngủ mơ thấy lời dặn là hãy xem ti vi trong những ngày sắp tới để thấy điều mình mong muốn - và vài ngày sau cô thấy được chương trình Kiến Tạo Nhịp Cầu và liên hệ ngay với NPF. Cây cầu cũ đã xuống cấp mà NPF chọn để xây lại được xây bởi một cặp vợ chồng ở sát khúc sông có nhiều tai nạn xảy ra - sau khi liên tục phải vớt những em học sinh và người dân bị rớt xuống nước, ông đã bàn với vợ mình để bán nhẫn cưới mà xây cầu cho mọi người qua lại.
Nhưng chuyện cảm động nhất là khi chơi với các em nhỏ, hôm sau các em có tặng cho mình một sợi dây chuyền chữ Phương - nghe nói là mấy em nhịn tiền ăn sáng, chạy ra chợ trên thị trấn mới mua được.
Giá trị một con người còn ở sự chia sẻ
* Được biết mới đây bạn được mời tham gia bữa tiệc sang trọng Le Bal - một dạ vũ dành cho giới thượng lưu, quý tộc đã được tổ chức tại Pháp. Theo bạn, lý do vì sao bạn được mời đến sự kiện đó?
Những buổi dạ vũ ra mắt kiểu này có truyền thống từ rất lâu để giới thiệu những cô gái thuộc giới thượng lưu, nhưng với Le Bal thì người sáng lập Ophélie Renouard muốn đổi mới quan niệm này cho phù hợp hơn với xã hội hiện đại: không chỉ quan tâm đến xuất thân mà còn các yếu tố văn hóa, tinh thần, đóng góp cho xã hội.
Như năm nay ngoài hai nàng công chúa và hai cô bá tước châu Âu theo chuẩn truyền thống thì cũng có các cô gái từ châu Mỹ, từ châu Á, từ các lĩnh vực thời trang, điện ảnh…; năm 2013 có Lauren Marbe đến từ Anh Quốc được chọn nhờ vào IQ 161, còn năm 2015 có Olivia Hallisey, người đã thắng giải đặc biệt của Google Science Fair nhờ vào việc phát minh ra bộ thử Ebola di động.
Việc này cũng phản ánh được xu hướng của xã hội hiện đại và tiến bộ, khi mà truyền thống đang dần được thay thế bởi cánh cửa mở rộng hơn với mọi người, cơ hội không chỉ dành cho gia thế và xuất thân nữa, mà cho thành tựu mà mỗi người tự đạt được. Nam Phương thì rõ ràng không phải quý tộc và cha mẹ cũng không phải ngôi sao điện ảnh hay cầu thủ bóng đá nổi tiếng gì, nên việc được mời đi có lẽ là nhờ vào công việc với NPF.
* Hoạt động mới nhất là bạn viết lời và tham gia vào quá trình ghi âm - ghi hình MV "A Giving Birthday". Xin được hỏi vì sao bạn lại nghĩ đến việc "tái định nghĩa" ngày sinh nhật vậy?
- Thực tế, không phủ nhận Nam Phương là người có điều kiện xuất phát điểm tốt hơn nhiều người. Ngày sinh nhật, Nam Phương cũng nhận được rất nhiều niềm vui từ gia đình, bạn bè. Rồi khi bắt đầu phải sống độc lập, Nam Phương cảm nhận rằng việc chia sẻ với người khác sẽ góp phần xác lập giá trị một con người.
Nam Phương nghĩ là thông điệp về sự chia sẻ chỉ có thể lan tỏa tốt nếu nó được đặt trong ngữ cảnh mà ai cũng có thể sử dụng riêng cho mình. Và bởi thế, dự án "A Giving Birthday" mới ra đời, với hy vọng nếu mọi người đón nhận ca khúc ấy, họ sẽ đón nhận cả ý tưởng sẻ chia trong ngày sinh nhật, và lan tỏa nó.
* Những kế hoạch của bạn trong năm 2017 là gì?
- Tiếp tục phát triển NPF với nòng cốt vững chắc hơn, để quỹ có thể càng lúc càng hoạt động độc lập mà ít cần mình hơn.
PV