Những câu chuyện về y đạo

27/02/2014 - 07:52

PNO - PN - 12g30 nhưng nhiều phòng khám, phòng nội soi dạ dày... của nhiều bệnh viện ở địa bàn TP.HCM vẫn sáng trưng đèn đọc phim ảnh. Nhiều bác sĩ chỉ uống nước cầm hơi, ăn qua loa lưng cơm với muối mè… bởi bên ngoài phòng khám vẫn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhung cau chuyen ve y dao

Ảnh: Phùng Huy

Khám hết bệnh nhân mới thôi

“Mời bệnh nhân Lâm Văn Viết, Trần Văn Lời, Nguyễn Hữu Tân, Đặng Thị Nhỏ... Đặng Thị Nhỏ có không?” - nhân viên các phòng khám ở BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM phát loa liên tục mời người bệnh vào. Mỗi ngày, khu khám bệnh chật chội 120m2 của BV Chấn thương chỉnh hình có đến 1.200 - 1.500 lượt bệnh nhân đến khám.

Trưa 24/2, trước các phòng khám cột sống, khám bệnh khớp có nhiều bệnh nhân ngồi xe lăn, chống nạng, nằm trên băng ca... chờ đến lượt gọi tên. Đến 12g, trước cửa phòng số 9 (khám các bệnh về chi trên) vẫn còn khoảng 20 bệnh nhân ngồi chờ. Nhiều bệnh nhân nóng ruột, đẩy nhẹ cánh cửa nhìn hé vào trong. Đèn đọc phim ảnh phía sau ghế ngồi của một vị bác sĩ (BS) vẫn rực sáng. Nhìn đồng hồ đã 12g30, tôi đi thẳng vào phòng số 9, một BS cao tuổi đang khám cho người bệnh. Tôi hỏi: “Đã 12g30, sao BS chưa ăn trưa?”. Vị BS cười: “Lát nữa tôi mới ăn, bệnh nhân còn nhiều quá”. Rồi ông tiếp tục công việc với một chồng sổ khám bệnh đang chờ gọi tên. Ông là BS Công Đạt.

Chúng tôi lên tầng 1 - Khoa Cột sống A, thấy vẫn còn đông đúc bệnh nhân chờ đến lượt GS Võ Văn Thành tái khám. Nhiều lần đến BV này, tôi thường thấy GS Thành khám bệnh liên tục đến gần 14g. Buổi trưa của ông thường là chén cơm gạo lứt muối mè ăn vội, có khi ông nhịn đói vì không kịp ăn.

12g50, chúng tôi ghé BV Nguyễn Tri Phương, lúc này nhiều khoa phòng đã tắt đèn nghỉ trưa, nhưng riêng hai phòng nội soi dạ dày gần Khoa Cấp cứu, vẫn còn tất bật. Lúc này còn đến tám bệnh nhân từ buổi sáng sót lại, chờ nội soi ruột già. Tôi bước qua phòng nội soi số 2, thấy một nữ BS tên Bảo Trâm đang uống nước… lót dạ, chờ bệnh nhân thấm thuốc mê để tiến hành nội soi. Vừa gây mê xong, anh y tá gọi điện cho BS Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Nội tiêu hóa nội soi cho người bệnh. BS Phương chia sẻ: “Người bình thường nhịn đói đến trưa là rất mệt nhưng bệnh nhân phải nhịn đói để soi dạ dày còn khó chịu gấp nhiều lần nên mình cố gắng làm, không để bệnh nhân nào phải nhịn đói qua giờ chiều”.

Nhung cau chuyen ve y dao

Quá 12g, nhưng BS Công Đạt vẫn còn khám bệnh

Một đêm ở phòng cấp cứu

12g đêm, Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy tất bật đón nhận bệnh nhân. Không gian tĩnh lặng quanh khu vực đường Thuận Kiều, Nguyễn Chí Thanh chốc chốc lại bị xé toang bởi ánh đèn chớp và tiếng còi hụ của những chiếc xe cứu thương chuyển bệnh nhân nặng từ các tỉnh về. Căn phòng cấp cứu chừng 200m2 chật kín từ trong ra ngoài.

Lẫn trong tiếng máy thở, máy đo nhịp tim là những tiếng rên la, làu bàu của bệnh nhân. BS Hoàng, BS Bình, điều dưỡng Hương liên tục kiểm tra, sàng lọc bệnh. Nhóm sinh viên thực tập cũng tất bật hỗ trợ ghi nhận hồ sơ, vận chuyển bệnh, giúp rửa vết thương… 12g03, chiếc xe cứu thương mang biển số 62… (tỉnh Long An) hú còi lao nhanh vào cổng. BS Trần Minh Toàn, Trưởng tua trực liên tục chỉ đạo: “Trang, ghi hồ sơ Ngọc Hoàng, làm xét nghiệm máu, CT, MRI… Thu, mở nội khí quản, gắn máy thở, rửa cho bệnh nhân, rồi mời liên khoa Tai Mũi Họng, Ngoại thần kinh, Chấn thương chỉnh hình cùng hội chẩn ca này nhé”.

Ngày mới bắt đầu, cũng là lúc “cao điểm” của phòng cấp cứu, bởi bệnh nhân từ các tỉnh xa như Cà Mau, Lâm Đồng, Bình Phước, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Bến Tre, An Giang... được chuyển đến. Tại phòng lúc này là sáu bệnh nhân, trong đó năm trường hợp tai nạn giao thông bị đa chấn thương và chấn thương sọ não, một trường hợp bị suy hô hấp nặng. Rời khỏi bàn hội chẩn, bước nhanh vào phòng Hồi sức cấp cứu tích cực, đeo vội găng tay, BS Toàn bước đến gần các bệnh nhân.

Vừa đưa tay véo vào ngực bệnh nhân để thử phản ứng, BS Toàn vừa tiếp tục phân công: “Trâm, gọi người nhà bệnh nhân Lê Văn Phước Anh vào và mời BS Ngoại thần kinh tư vấn tình trạng bệnh lý và hướng điều trị. Ca này cần phẫu thuật mở hộp sọ. Chuẩn bị dao cạo tóc, làm vệ sinh cho bệnh nhân. Hương, đẩy ngay bệnh nhân Huỳnh Văn Quang đi chụp CT lại rồi lấy kết quả thật nhanh. Phượng, ca hen suyễn giường 53, cần đặt nội khí quản. Mời người nhà Nguyễn Phú Ngọc Hoàng vào gặp trưởng tua trực gấp, trường hợp này tiên lượng rất xấu… cần thông báo để gia đình chuẩn bị”. Sau khi tư vấn cho người nhà bệnh nhân Ngọc Hoàng xong, thì cũng là lúc BS Toàn nhanh chóng vào phòng mổ để phẫu thuật cho bệnh nhân Lê Văn Phước Anh. Cứ thế, BS Toàn cùng các đồng nghiệp, điều dưỡng Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy làm việc liên tục từ đêm đến sáng.

Được biết, mỗi đêm, tám BS và 24 điều dưỡng Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy tiếp nhận 70 - 100 bệnh nhân, hầu hết đều trong tình trạng nguy kịch. Trời sáng dần, cũng là lúc những đôi mắt mờ dần, đỏ ngầu sau những đêm thiếu ngủ.

Một câu chuyện mà nhóm phóng viên y tế chúng tôi chứng kiến: vào lúc 17g ngày 26/11/2013, tức sau khi tách rời thành công cặp song sinh Long - Phụng, khi thấy BS Trương Quang Định, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 2, rời khỏi khu phẫu thuật về phòng làm việc thì chúng tôi vội vã chạy tới với mục đích là hỏi thêm chút thông tin. Tuy nhiên, khi cửa phòng bật mở, nhóm phóng viên chúng tôi trở nên ngại ngần khi thấy đôi bàn tay BS Định run run bóc dở gói mì tôm. Sự kiệt sức sau ca mổ kéo dài gần 12g cộng với cơn đói lả của ông tạo nên một hình ảnh khiến chúng tôi không thể nào quên.

Nhung cau chuyen ve y dao

Việc nhịn ăn để phục vụ bệnh nhân là chuyện thường xuyên xảy ra đối với BS Lưu Phương

Nỗi lòng của lương y

BS Trần Ngọc Lưu Phương tâm tư: “Những trường hợp bệnh nặng, chúng tôi phải đứng nội soi một ca có khi 60 phút mới xong, nhưng có khi người bệnh hay người nhà bệnh nhân không hiểu, cứ nghĩ BS rề rà. Chưa kể, để đảm bảo an toàn cho người bệnh trước khi nội soi, chúng tôi còn phải ngâm máy trong dung dịch sát trùng cho đủ thời gian để đảm bảo không lây nhiễm. Đáng buồn khi người bệnh không hiểu, cho rằng chúng tôi không lo làm việc. Đôi khi BS cũng mệt mỏi và buồn phiền vì những lời trách móc, nhưng chúng tôi phải cố giữ tinh thần thanh thản để còn có thể cứu được nhiều bệnh nhân hơn”.

BS Châu Văn Đính, Phó giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết: “Chúng tôi muốn thời gian khám bệnh của một ngày có thể kéo dài hơn, để được tư vấn kỹ càng cho từng người bệnh. Đôi lúc, người bệnh chỉ muốn được tâm sự để an tâm điều trị, nhưng BS lại không thể đáp ứng yêu cầu này. Ngay cả các BS cũng bị bệnh tâm lý khi quá áp lực với công việc, số bệnh nhân quá đông và môi trường làm việc ồn ào, mặt bằng chật hẹp. Và vì áp lực nên đôi khi BS trả lời người bệnh cộc lốc, nhát gừng... khiến người bệnh phàn nàn. Những góp ý của người bệnh là cách để chúng tôi hoàn thiện bản thân và chấn chỉnh kịp thời”.

Chúng tôi muốn kết lại câu chuyện về nỗi lòng của người thầy thuốc bằng những dòng tâm sự của BS Trương Quang Định, sau ca mổ cặp song sinh Phi Long - Phi Phụng, khi kết quả là đến nay, Phi Long đã ổn định và có thể xuất viện, còn Phi Phụng, do trước khi phẫu thuật sức khỏe rất kém, các chỉ số sinh tồn kém, sống phụ thuộc vào bé Phi Long, nên sau 14 tháng liền phải thở máy, đã qua đời vào ngày 23/2/2014: “Tạo hóa đã sinh ra hai con để cộng sinh và gắn bó suốt đời bên nhau. Nhưng cũng thật bất công khi tạo ra một Phi Long hoàn hảo vẹn toàn, một Phi Phụng yếu đuối, lệ thuộc hoàn toàn vào anh mình. Nếu điều gì không may xảy ra cho Phi Phụng sẽ đe dọa cuộc sống cả hai. Chính vì vậy, các BS đã muốn làm nên điều kỳ diệu, để hai con có thể tồn tại lâu dài bên nhau bằng một cuộc phẫu thuật.

Nhưng... tạo hóa cũng đã an bài, Phi Phụng không thể sống nếu thiếu Phi Long. Có đôi lúc, chính các BS hội chẩn đã thảng thốt nói rằng: dừng lại và chấp nhận! Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết mình cho dù hy vọng thật mong manh... Tiễn con ra đi, các cô điều dưỡng mắt đỏ hoe nghẹn ngào, các BS nghẹn lời, nước mắt chảy ngược vào trong…”.

 Tiến Đạt - Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI