Đã có cha đây rồi!
Nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ Callie Lipkin, từ khi sinh con thứ hai, bắt tay thực hiện dự án “Dad Time” ghi lại khoảnh khắc những ông bố chăm chút, yêu thương, dành thời gian bên con. Bộ hình của cô được nhiều người chia sẻ.
Người truyền cho Callie cảm hứng thực hiện dự án chính là chồng cô. Anh quyết định dành toàn bộ thời gian hoàn thành công việc người bố, ở bên cạnh chăm sóc con sau khi vợ sinh bé thứ hai.
Khi đến Iceland du lịch, Callie Lipkin bắt gặp rất nhiều “ông bố toàn thời gian” giống chồng mình. Ở quốc gia này, bố mẹ mỗi người hiển nhiên được hưởng ba tháng thai sản và sau đó họ có ba tháng thai sản tiếp theo luân phiên nhau dành thời gian bên con. Khi nghỉ thai sản, họ vẫn giữ được 80% mức thu nhập.
Callie nhận ra Iceland là quốc gia lý tưởng cho những ông bố và cô đã thực hiện album những ông bố bên con với nhiều hình ảnh rất đỗi ngọt ngào.
Sinh con - giảm thu nhập ngay
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 100 vận động viên (VĐV) kiếm tiền giỏi nhất năm 2018. Đây là lần đầu sau nhiều năm không có VĐV nữ trong top 100.
Dẫn đầu danh sách là võ sĩ boxing Floyd Mayweather với 285 triệu USD, kế đến là hai cầu thủ Lionel Messi cùng Cristiano Ronaldo với 111 triệu USD và 108 triệu USD.
Serena Williams là người kiếm tiền giỏi nhất trong số các vận động viên nữ năm 2018
|
Nữ VĐV quần vợt Serena Williams trở lại sau kỳ nghỉ thai sản kiếm được 18 triệu USD, kém gần 5 triệu USD so với 22,9 triệu USD của VĐV kiếm thấp nhất trong top 100. Khoảng cách thu nhập là một trong những dấu hiệu cho thấy bất bình đẳng giới vẫn còn là vấn đề nan giải.
Năm 2016, đội tuyển bóng đá nữ của Mỹ đã gửi đơn kiến nghị về bất bình đẳng giới khi họ chỉ nhận mức thu nhập bằng 1/4 đồng nghiệp nam trong khi thành quả họ mang về hơn hẳn đội bóng nam.
Sao không có bàn thay tã cho quý ông?
Ông bố người Mỹ Chris Boneyard Mau khiến dư luận dậy sóng với hình ảnh không thể chân thật hơn cảnh anh phải thay tã cho con gái Kali (tám tháng tuổi) ngay dưới sàn nhà vệ sinh. Nguyên nhân vì nhà hàng nơi anh đến… không có chỗ thay tã cho trẻ trong nhà vệ sinh nam.
Chris Boneyard Mau viết: “Tưởng tượng xem có bao nhiêu ông bố phải thay tã cho con trên sàn nhà dơ bẩn như tôi? Chúng ta đang ở thời đại mà bình đẳng giới là điều hiển nhiên, vậy tại sao lại có sự phân biệt đối xử như vậy? Chẳng lẽ yêu cầu nhà vệ sinh nam có chỗ thay tã cho bé là quá đáng sao?”.
Bức hình của Chris đã nhận được gần 145.000 lượt chia sẻ cùng những dòng bình luận đồng tình từ những phụ huynh. Nhà vệ sinh nữ ở các nước văn minh thường có bàn thay tã, nhưng nhà vệ sinh nam lại chưa có điều tinh tế này.
Thật là bất bình đẳng giới!
Ít tiền cũng tốt, miễn được bên con
Tổ chức hoạt động xã hội Working Families ở Anh mới đây đã thực hiện khảo sát với 2.750 phụ huynh về mức độ quan tâm và nhu cầu có nhiều thời gian ở bên con của họ. Kết quả cho thấy, có sự thay đổi lớn trong nhận thức của những ông bố trẻ.
47% ông bố dưới 35 tuổi cho biết, họ sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn để có nhiều thời gian cho con. Tỷ lệ này ở những người mẹ cũng dưới 35 tuổi là 41%. Với nhóm độ tuổi cao hơn, tỷ lệ bố và mẹ mong muốn dành nhiều thời gian cho con tương đương nhau. Hơn 80% số người được hỏi thừa nhận họ chưa thể cân bằng giữa việc kiếm tiền và dành thời gian cho con cái.
So với Mỹ, Anh có nhiều bước tiến hơn trong việc hỗ trợ các ông bố. Năm 2015, Anh bắt đầu áp dụng chế độ nghỉ thai sản, cho phép người chồng san sẻ thời gian nghỉ để chăm sóc trẻ trong một năm đầu đời quý giá của con. Tuy nhiên, chưa đến 8% các ông bố thực hiện kỳ thai sản này, vì họ vẫn quen với việc chỉ nghỉ hai tuần đầu tiên ở bên con.
Thiên Anh (theo Featureshoot, QZ)