Diễn đàn: “Thương con - Sao cho đúng cách?”

Những cậu ấm cô chiêu chới với khi ra biển lớn

04/01/2025 - 07:23

PNO - Cuộc sống càng hiện đại, kinh tế càng phát triển, “nghề” làm cha mẹ bớt những nhọc nhằn tay chân, nhưng chưa hẳn vơi đi gánh nặng, nhất là khi các con không tự làm chủ được đời mình, rời xa vòng tay cha mẹ, đến sống ở nước ngoài.

Sống ở nước ngoài, tôi rèn cho các con nấu ăn từ thuở nhỏ - Ảnh do nhân vật cung cấp
Sống ở nước ngoài, tôi rèn cho các con nấu ăn từ thuở nhỏ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ly hôn vì… không biết làm việc nhà

Tháng trước, tôi gặp lại người bạn cũ và được nghe một câu chuyện buồn. Con trai của cô mới cưới vợ được hơn 1 tháng ở nước ngoài thì chia tay, về nước ở với mẹ. Lý do chia tay vì cả 2 vợ chồng đều không biết làm việc nhà. Ở nước ngoài, thuê giúp việc thì đắt đỏ, đôi vợ chồng trẻ cố gắng mua thức ăn nhanh để sống qua ngày. Chàng trai vốn đã quen với những món ăn Việt mẹ nấu nên chẳng mấy chốc đã không nuốt nổi những chiếc bánh hamburger lạnh lẽo.

Anh chàng hy vọng vợ mình sẽ cố gắng học nấu ăn, nhưng cô nàng không muốn. Cả hai đều là con cưng lúc ở nhà. Cưới xong, họ được cha mẹ mua cho nhà ở nước ngoài, những tưởng cuộc sống bên trời Tây sẽ hạnh phúc, nào ngờ…

Một cô bé khác mà tôi quen cũng thở dài ngao ngán khi kể chuyện chồng con. Cô đám cưới được đúng 1 tuần là chia tay. Họ quen nhau mới hơn 3 tháng, là tình yêu sét đánh của nhau. Họ đã tổ chức đám cưới hoành tráng với rất đông bạn bè tới dự.

Sau đám cưới, cô vợ mới tá hỏa khi phải học hàng tá việc mà chồng cô vẫn gọi là những thứ “mẹ anh hay làm” để phục vụ chồng. Cô thấy ngột ngạt vì cái bóng của mẹ chồng phủ lên cuộc hôn nhân quá lớn. Cô tưởng rằng trong tổ ấm mới, anh chồng sẽ đủ trưởng thành, vững chãi để lo cho vợ. Nhưng anh lại muốn vợ thành babysit (người trông trẻ).

“Anh ấy không phải người xấu. Có điều, mẹ anh đã “ấp” anh quá lâu. Bản thân anh khi ra ngoài trông chững chạc nhưng lại là một đứa bé đúng nghĩa khi về nhà. Cháu thấy mình không đủ nhẫn nại để nuôi dạy anh thành người trưởng thành được nên thôi… đường ai nấy đi” - cô gái trẻ bộc bạch.

Con tới tuổi lấy vợ, mẹ vẫn… gỡ xương cá cho con

Những năm gần đây, tỉ lệ bạn trẻ du học nước ngoài tăng cao. Họ thường nghĩ đi nước ngoài là… thiên đường. Thế nhưng, đã có rất nhiều cậu ấm, cô chiêu bỏ ngang con đường du học để về với mẹ. Cuộc sống áp lực cao, đòi hỏi tính tự lập và khả năng thích ứng khiến họ không chịu nổi.

Là phụ nữ Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, tôi thấy rõ sự khác biệt trong cách nuôi dạy con. Cha mẹ Việt thường bảo bọc con, luôn muốn lo cho con mọi việc. Thế nên con cái ít có cơ hội được tự làm, tự lập. Ngủ dậy là đã có sẵn quần áo tươm tất, chỉ việc mặc vào là đi học, đi làm. Chiều về đến nhà thì cơm canh đã sẵn mà chẳng cần đụng tay đụng chân.

Thậm chí có nhiều người mẹ còn ngồi gỡ cả xương cá để sẵn cho con ăn, dù con đã đến tuổi lấy vợ. Thế nên nhiều người con chẳng biết làm gì, kể cả những việc đơn giản như vo gạo nấu cơm hay phụ cha mẹ dọn chén ra bàn ăn.

Ở trường mầm non nơi tôi công tác, họ khuyến khích các bạn nhỏ tự đứng dậy, phủi tay chân và quần áo sau khi té. Người lớn chỉ đến và hỏi: “Con có ổn không? Có cần cô/bác giúp gì không?”. Họ trang bị những món đồ chơi là những dụng cụ nhà bếp, nhà tắm với kích thước nhỏ để trẻ vừa chơi vừa học cách sử dụng. Nhà trường cũng khuyến khích phụ huynh tạo nhiều cơ hội cho trẻ tập làm việc nhà dưới sự giám sát của người lớn.

Yêu con là đồng hành và hướng dẫn con chứ không bảo bọc và làm thay con mọi việc. Một sự thật là cha mẹ không thể theo con, bên con mãi được. Thế nên, cha mẹ nên tạo cơ hội cho con cái học cách rửa chén rửa ly, cách dùng bếp gas, cách nấu cơm, nấu những món ăn đơn giản và cả cách để sơ cứu những vết thương nhẹ ngay từ lúc còn bé. Lớn dần, con cái cũng nên được trải nghiệm nhiều để biết cách giữ mình an toàn, có khả năng tháo vát và xoay xở được trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Phó thác hạnh phúc đời mình vào cha mẹ

Một cô gái, con của bạn tôi, năm nay đã gần 30 tuổi, nhắn cho tôi: “Một tấm bằng đại học danh giá, một người chồng giàu có mà ai cũng mơ ước; con tưởng con đã có tất cả, nhưng không. Giờ con sẽ bắt đầu lại từ đầu”.

Ngày trước, cô muốn học sư phạm, nhưng cha mẹ cô bảo học kiến trúc. Cô học, nhưng không thích; ra trường đi làm nhưng không đam mê. Rồi cha mẹ cô cũng chọn cho cô một người chồng, là con của bạn làm ăn chung. Lúc về với nhau mới thấy cô và chồng không có điểm chung nào cả. Cô cố gắng, đến lúc không cố được nữa thì ra đi. Cô nhận ra, cả quãng đời thanh xuân, cô chưa hề sống cho chính mình, tất cả quyết định quan trọng đều do cha mẹ chọn.

Nước mắt lăn dài, cô mở laptop tìm nơi học chứng chỉ sư phạm. Sau đó, cô sẽ đăng ký dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Giờ đây, nơi đất khách quê người, cô bắt đầu lại từ con số 0 tròn trĩnh, nhưng tự đi bằng đôi chân của mình.

Quỳnh Dao (từ Mỹ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI