Những cánh én nhỏ làm nên tình xuân ấm

11/01/2023 - 10:00

PNO - Mỗi người một cách riêng, họ đang miệt mài góp từng việc nhỏ để bà con chòm xóm, những người lao động nhập cư được chăm lo từ không gian sống đến vật chất, tinh thần.

 

Chị Thu trồng nhiều bông cải trong khu “Vườn của xóm”
Chị Thu trồng nhiều bông cải trong khu “Vườn của xóm”

Vườn rau xanh hình thành từ nỗi lo cho mọi người

Chiều 9/1, vừa từ trụ sở khu phố về, anh Bùi Nghĩa Hiệp vội vàng cầm cuộn dây ni lông ra khu vườn phía đối diện nhà. Ở đó, vợ anh - chị Lại Thi Mai Thu - đang loay hoay với mấy chậu cà chua, vạn thọ, bông cải. Chị Thu nhẩm tính, chừng 25-26 tháng Chạp là hoa trái bung sắc rực rỡ, số chậu hoa và rau cũng đủ cho cả xóm chia nhau. 

Chị Thu kể, trước đây anh chị trồng rau và hoa dưới đất, nhà nào cần thì đến nhổ. Năm nay, bà con gợi ý trồng trong chậu để mỗi nhà bưng về chưng mấy bữa tết cho đẹp, tiền mua chậu cả xóm sẽ góp gửi lại cho chị. “Khu vườn có tên là “Vườn rau 0 đồng”, mọi thứ đều miễn phí. Tuy tôi chẳng khá giả, nhưng mua trăm cái chậu trồng cây thì vẫn lo được. Mình đã làm cho bà con thì phải làm đàng hoàng, đầy đủ” - chị Thu khẳng định. 

Hơn cả rau và hoa là những giọt mồ hôi của vợ chồng họ đã đổ xuống khu vườn. Công sức và sự quyết tâm ấy được bà con hẻm 292, đường 322, khu 4, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM trân quý. Anh Sơn Trung - người dân trong hẻm - kể: “Hồi đầu tôi quở: “Chỗ đây toàn đá, xà bần, rau trái lên gì nổi”. Nhưng chị Thu cười nói: “Chưa làm sao biết”. Rốt cuộc, vợ chồng chị đã khiến chúng tôi thán phục. Cho nên hễ rảnh tay là tụi tôi chạy ra phụ anh chị”. 

Mảnh đất rộng gần 400m2 xưa kia là mấy dãy phòng trọ. Do nằm trong dự án nên chủ đất đập bỏ dãy trọ, khiến xà bần ngổn ngang. Sau nhiều năm, dự án vẫn chưa triển khai nên nơi này trở thành nơi tập kết rác, xà bần và cả kim tiêm của các con nghiện. Cảm thấy bất an cho mọi người, nhất là các em nhỏ khi chạy nhảy vui chơi, lỡ đạp phải kim tiêm, nên năm 2018 vợ chồng chị Thu đã tranh thủ dọn dẹp vào mỗi buổi trưa, khi tiệm tạp hóa vắng khách. Với tinh thần “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, cuối cùng khu đất cũng sạch sẽ, bằng phẳng. Chị Thu trồng thử vài luống cải, khoai lang. Rau lên xanh, bà con đều vui. 

Thấy việc làm của vợ chồng chị Thu góp phần bảo vệ môi trường và an ninh trật tự trong xóm, năm 2020, Hội LHPN phường Bình Hưng Hòa B đã xin địa phương xây dựng “Vườn rau 0 đồng” tại đây nhằm tạo mỹ quan và nguồn rau sạch cho khu phố, khi nào dự án triển khai sẽ trả lại mặt bằng. Kể từ đây, mảnh đất “thấy phát sợ” ngày nào dần được phủ xanh màu của những luống cải, mồng tơi, bầu, bí, khổ qua… Riêng mấy tháng cận tết, chị Thu chuyển qua trồng hoa, cà chua, bông cải. 

Đến nay, chị Thu đã giữ trọng trách Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 4, phường Bình Hưng Hòa B được 20 năm. Còn anh Hiệp là Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố khu phố 4. Dẫu cảnh nhà chẳng mấy dư dả nhưng anh chị vẫn luôn xởi lởi với những người khó, đặc biệt là lao động nhập cư tại địa phương. Có căn nhà nhỏ, thay vì đem cho thuê để kiếm thêm đôi đồng, thì anh chị lại cho vợ chồng anh Sơn Trung - từ tỉnh Sóc Trăng lên làm công nhân nuôi mẹ già và 3 con nhỏ - tá túc miễn phí nhiều năm nay. 

Mong cho mọi người, mọi nhà an vui 

Sáng sớm 9/1, bà Trần Thị Chín nhờ hàng xóm chở tới nhà chị Trần Thị Mỹ Linh trên đường Đinh Củng Viên, khu phố 6, phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TPHCM để nhận quà. Hôm đó, chị Linh tặng 30 phần quà tết cho bà con lao động nghèo. Gặp ai chị Linh cũng niềm nở nắm tay thăm hỏi và cầu chúc năm mới may mắn, bình an. “Năm nào cô Linh cũng tặng quà tết cho chúng tôi” - bà Chín bùi ngùi. Bà Chín nay đã 78 tuổi, thường xuyên đau yếu, cuộc sống khó khăn, nên chẳng riêng gì tết mà mỗi ngày đi chợ chị Linh đều tìm mua rau trái, thịt cá mang cho bà. 

Chị Linh tặng quà tết cho bà con địa phương vào sáng 9/1
Chị Linh tặng quà tết cho bà con địa phương vào sáng 9/1

Xong việc, chị Linh bấm gọi điện cho bà Lê Thị Yến - một người đang sống trong xóm trọ của gia đình ở phường Phước Bình kề bên để thông báo vào ngày 13/1 sẽ chở quà qua tặng cả xóm. Trước đây bà Yến làm tạp vụ, còn chồng chạy xe ôm. Thấy cảnh hai vợ chồng già không con cháu, không nhà cửa, thu nhập bấp bênh, nên năm 2010 chị Linh bảo họ dọn vào ở trong xóm trọ 30 phòng của mình. Từ đó tới nay, chẳng những không lấy tiền phòng mà chị còn giúp đỡ họ tiền chợ, quà bánh và 10kg gạo mỗi tháng. 2 năm trước, chồng bà Yến bị đột quỵ, bà phải nghỉ việc để chăm sóc chồng, chị Linh lại hỗ trợ chi phí điều trị, cơm rau. 

Chị Linh hiện là Bí thư chi bộ khu phố 6 kiêm Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN phường Phước Long A. Năm 2019, chị rủ chị em trong khu phố góp tiền, góp sức thực hiện trao tặng 100 suất ăn vào những ngày mồng Một và rằm. Đến nay, nhờ sự tự nguyện góp sức của bà con chòm xóm, số lượng suất ăn mỗi lần trao đã lên đến 500. Ngoài ra, gần đây nhóm của chị Linh còn nấu cơm mang tặng bà con vô gia cư vào buổi tối trên đường 3 Tháng 2, quận 10. “Hạnh phúc của tôi là thấy mọi người được an vui” - chị Linh bộc bạch. 

Quanh năm bận rộn với bà con nghèo, vào những ngày cuối tháng Chạp, chị Linh càng thêm bận rộn. 23 tháng Chạp tới đây nhóm của chị sẽ gói 200 đòn bánh tét, bánh chưng để tặng công nhân không có điều kiện về quê ăn tết. Chị cũng vừa hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa nhà cho 1 hộ cận nghèo tại phường. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI